Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Lê Long Đĩnh - ông vua tàn bạo nhất lịch sử Việt Nam

Theo sử sách, Lê Long Đĩnh là con trai thứ 5 của Lê Đại Hành, mẹ là Chi Hậu Diệu Nữ. Sau khi vua Lê Đại Hành mất, bốn hoàng tử tranh giành ngôi trong tám tháng. Năm 1006, anh cùng mẹ của ông là Lê Long Việt giành được ngôi vua. Đến khi Long Việt lên ngôi làm vua là Lê Trung Tông, được 3 ngày thì Lê Long Đĩnh sai kẻ trộm trèo tường vào trong cung, giết chết, rồi cướp ngôi, tự lập làm vua.
Lê Long Đĩnh - ông vua tàn bạo nhất lịch sử Việt Nam
Những dữ liệu này cho thấy những hình thức trao truyền quyền lực gần như chưa được cố định - chưa có một thể chế trao quyền rõ ràng, hợp thức. Dù là hậu duệ của một anh hùng chiến tranh, nhưng cũng như Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập, anh em Lê Long Việt và Lê long Đĩnh cũng đối mặt với một ngai vàng hiểm nguy trước các thế lực quân sự - cát cứ trong hoàn cảnh chính họ không được bao phủ bởi hào quang thần thánh. Ta sẽ còn thấy rằng, nỗ lực hiện đại hóa quyền lực theo trào lưu đương thời bên nhà Tống của Lê Long Đĩnh sẽ đặt một nền tảng dứt khoát cho chế độ tập truyền sau đó của nhà Lý. Nhưng đến Lê Long Đĩnh, dấu ấn của trật tự tự phát Mandala trong vai trò trung tâm của người đứng đầu vẫn còn hiển hiện một cách tự nhiên như vậy: ông giết anh mà không có một thế lực nào đăng đàn chống đối. Những cuộc đàn áp các thế lực huynh đệ ở địa phương của Long Đĩnh nhằm dẹp bỏ nguy cơ cũng vậy. Sự nhập nhằng giữa tính huyết tộc  tính cá nhân đã giăng sẵn cái bẫy chính trị cho Long Đĩnh – nó chính là một nguồn đảm bảo cho cái chết của ông vào Đông 1009. Thoát thai như một sản phẩm tiêu biểu của lược đồ tinh thần Mandala, nhưng Lê Long Đĩnh chỉ có thể cố gắng kiến tạo một trật tự quyền lực mới bằng cách từng bước mô phỏng chính quyền Trung Hoa với những cải cách thể chế thuần túy, chứ không làm sao thiết lập nên các bệ đỡ xã hội cho những cải cách của mình.
Những biện pháp phô trương quyền lực của Long Đĩnh lại thể hiện phẩm chất thủ lĩnh bộ lạc, chú trọng đến những hình phạt trực tiếp và bất quy tắc hơn là một thể chế hình phạt phân xử thành văn.Đại Việt sử lược (trang 33, quyển 1, bản điện tử) viết:
“...Nhà vua cười rộ lên lấy làm thích thú. Phàm đánh trận, bắt được quân địch vua cho áp giải đến bờ sông. Lúc nước thủy triều rút xuống thì sai làm cái chuồng dưới nước, rồi đuổi tù binh vào trong chuồng. Khi nước thủy triều dâng lên, tù binh ngộp hơi thì hả miệng ra rồi uống nước mà chết. Lại bắt (tù nhân) treo lên cây cao rồi sai người ở dưới chặt cây. Có khi vua đi chơi ở sông Chi Ninh, sông có nhiều thuồng luồng, bèn trói người ở một bên ghe, rồi cho ghe qua lại ở giữa dòng nước, khiến cho thuồng luồng nó sát hại đi. Còn phàm những con vật (nuôi để cúng tế) đem cung cấp cho nhà bếp, trước tiên phải sai người khiêng vào để tự tay vua đâm chết đã, rồi sau mới giao cho người nấu bếp…”(in đậm do tôi nhấn mạnh)
Lại chép:
“…Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: "Nó không quen chịu chết"…”(in đậm do tôi nhấn mạnh)
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:
“Vua Kiệt nhà Hạ thích giết người, đến nỗi có hình phạt leo cột đồng nung nóng10, vua Trụ nhà Thương thích giết người đến nỗi có việc chặt đùi người lội nước buổi sáng11, tuy có Long Bàng12, Tỷ Can13 là người hiền hết lòng trung [31a]có sức can ngăn mà đều bị giết, vì thế mất nước một cách đột nhiên. Đời sau những vua thích giết người như Tôn Hạo1 nước Ngô cũng nhiều, cuối cùng đều diệt vong cả. Ngọa Triều không những chỉ thích giết người, lại còn oán vua cha không lập mình làm thái tử, đánh đau người Man, cho họ kêu gào,nhiều lần phạm húy cha mà lấy làm thích, thật quá tệ. Mất nước mau chóng, há phải không do đâu mà ra?” (in đậm do tôi nhấn mạnh)
Dĩ nhiên, những lời nhận xét của Ngô Sĩ Liên và Lê Văn Hưu đều xuất phát từ chỗ vị trí của một sử gia Nho Giáo lấy đạo quân thần phụ tử làm chuẩn mực, lời lẽ quả nhiên có phần rất nặng nề. Nhưng những thói quen đối xử của ông quả nhiên rất đậm tính cách tàn bạo. Tuy vậy, GS Trần Ngọc Vương trong khi nghiên cứu văn bản có nhận xét: vào thời Đinh – Lê, tục ăn thịt người hình như vẫn còn, nghĩa là ngay trong triều đình thô sơ đó những tập tục có tính bộ lạc còn đậm nét. Từ đây, ta có thể thấy rằng bản thân Long Đĩnh cũng chỉ là biểu hiện của một thời đại chuyển giao: từ những hình thái liên minh thủ lĩnh tiến lên triều đình phong kiến chuyên chế, và như thế, từ một thủ lĩnh tàn bạo lại là một quân vương hiển hách.