Xã hội Việt Nam trong 30 năm cuối thể kỷ XVIII là giai đoạn nhiều biến cố, nhiều chinh chiến, loạn lạc nhất trong lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ. Kể từ năm 1558 khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tiến quân vào Thuận Hóa, qua Hoành Sơn xây dựng cơ nghiệp nhà Nguyễn cho đến năm 1771 khi Tây Sơn khởi nghĩa, Đại Việt đã trải qua 213 năm chia cách với sông Gianh là giới tuyến đôi bờ Bắc Nam. Trong sự chia rẽ quốc gia, chính quyền trung ương của Nhà Lê không có thực quyền, cả Trịnh - Nguyễn đều cùng mượn tiếng thiên tử để chiêu dụ chúng dân, cuối cùng đã dẫn đến một xã hội Đại Việt rối ren, không còn sự cai trị quốc gia thống nhất.
Phản ánh chi tiết về thời kỳ này, "Hoàng Lê nhất thống chí" của Ngô gia văn phái - một tác phẩm tiểu thuyết chương hồi lịch sử nhưng không mang dấu ấn tiểu thuyết hóa sâu đậm, đã ra đời như một bức họa toàn cảnh về Đại Việt trên đường suy tàn từ thế kỷ XVIII. Tác phẩm bắt đầu từ năm 1768 khi Trịnh sâm lên ngôi Chúa - một nhà cải cách của chính quyền họ Trịnh, nhưng cuối cùng lại dẫn đến chỗ bại vong vì mải mê sách đẹp Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Cuối cùng, tác phẩm kết thúc năm 1802 khi Chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu Gia Long, chính thức thống nhất Đại Việt sau gần 250 năm chia cắt.
Tác giả của "Hoàng Lê nhất thống chí" là Ngô gia văn phái - tức dòng họ Ngô Thì nổi tiếng về văn chương ở làng Tả Thanh Oai, Hà Nội. Người viết tác phẩm đầu tiên (7 chương đầu) là Ngô Thì Chí - một trung thần nhà Hậu Lê. Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc năm 1788, Lê Chiêu Thống phải chạy nạn lên biên giới để sang Trung Hoa, Ngô Thì Chí đã dâng lên "Hưng trung sách" nhằm đưa ra kế sách khôi phục nhà Hậu Lê, Lê Chiêu Thống nghe theo nhưng đáng tiếc ông lại mất vào chính năm này khi mới 35 tuổi. Bấy nhiêu đó đủ nói lên lòng trung thành của người khởi viết "Hoàng Lê nhất thống chí" đối với nhà Hậu Lê.
Tuy nhiên, trong xuyên suốt tác phẩm "Hoàng Lê nhất thống chí" đều toát lên một hình ảnh mang tính hiện thực khách quan hơn là việc dựa trên quan điểm, lập trường nhà Hậu Lê để truy xét các sự kiện đã diễn ra.
Cuối thế kỷ XVIII, khi chúa Trịnh Sâm không còn đủ khả năng điều hành chính quyền Đàng Ngoài, liên tiếp thất bại trước quân Tây Sơn và cuối cùng phải để một tay Hoàng Ngũ Phúc làm tướng trấn giữ sự nghiệp sắp điêu tàn của Chúa Trịnh. Trịnh Cán con Trịnh Sâm lên ngôi khi 6 tuổi rồi chết cùng năm từ âm mưu phế truất của anh mình là Trịnh Khải. Trịnh Khải lên làm Chúa rồi lại trở thành con rối của đám kiêu binh đã giết chết Hoàng Đình Bảo, phế truất Tuyên phi Đặng Thị Huệ - khiến bà phải uất ức mà tự tử. Vua Lê Hiển Tông cam chịu sống bạc nhược, Lê Chiêu Thống làm kẻ luồn cúi trước Tôn Sĩ Nghị đến nỗi bị Nguyễn Cảnh Thước công khai đòi mãi lộ và lột áo bào...
Cuộc sống nhân dân không còn trật tự, không còn an toàn, không còn ấm no trước nạn binh hỏa và nạn đói. Rồi cùng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và những lần Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, hình ảnh một Đàng Trong huy hoàng năm xưa nay chỉ còn điêu tàn trong cảnh sưu cao, thuế nặng, đời sống nhân dân lâm vào cảnh đường cùng.
Từ những hình ảnh điêu tàn của cuộc chia cách đất nước đó, hình ảnh Nguyễn Huệ hiện lên như một vị "anh hùng hào kiệt, dũng mãnh, cầm quân thần tốc" trở thành niềm hy vọng cho quốc gia đến ngày được hưởng thái bình. Nhưng đến khi vua Lê nuốt hận chết tại Yên Kinh và Cảnh Thịnh mất thành Thăng Long phải chạy lui rồi bị bắt thì:
"Vua Gia Long ở lại thành Thăng Long, hạ chiếu kêu gọi nhân dân yên ổn làm ăn, chia đặt quan văn, quan võ ở các trấn: lại vời các quan văn, võ nhà Lê và các bậc kỳ lão, hỏi về công việc ở Bắc Hà; tha bớt thuế khoá, phu phen, bãi bỏ mọi sự phiền hà, chiếu theo sổ đinh cũ của nhà Tây Sơn cứ bảy suất đinh kén một người lính, rồi lập ra các quân năm doanh và mười cơ." - nước Việt mới chính thức được hưởng lại thái bình, thống nhất sau hơn 250 năm chia cách, chiến tranh và loạn lạc.
"Hoàng Lê nhất thống chí" là một tác phẩm tiểu thuyết kinh điển về một giai đoạn lịch sử đầy biến động, loạn lạc trong lịch sử Việt Nam thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Tác phẩm xuất phát từ những sĩ phu Bắc hà, tôi thần Nhà Hậu Lê nhưng lại đánh giá và nhận xét khách quan từ vai trò của một người dân trong thời loạn lạc. Vì vậy, khi đọc đến từng dòng, chương của tác phẩm, người đọc không bị sa đà vào sự tung hô của một bên thiển cận, nhưng được nhìn, được xem và được thấy rõ một hệ thống chính quyền quan lại thối nát cả hai miền, những người nông dân áo vải vùng lên quyết định vận mệnh quốc gia và một người anh hùng được thời thế lựa chọn làm người thống nhất quốc gia đầy thuyết phục - Gia Long Nguyễn Phúc Ánh.
YÊU SỬ VIỆT