Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Tết, pháo, câu đối, mười hai con giáp và câu chuyện dân gian về sự ra đời của nó

Vốn dĩ Tết Nguyên đán (Tết Âm lịch) là tết cổ truyền quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất trong năm Âm lịch ở Việt Nam và Trung Quốc. Từ khi xuất hiện đến nay, nó trải qua nhiều biến động của các thời đại lịch sử nhưng vẫn bảo tồn được những tập tục cơ bản nhất. Hiện nay tuy còn nhiều nước bảo lưu tập tục Tết Âm lịch nhưng chỉ có 5 nước tổ chức Tết này gần như trùng nhau về thời gian là Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và Mông Cổ(1)...
1. Vốn dĩ Tết Nguyên đán (Tết Âm lịch) là tết cổ truyền quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất trong năm Âm lịch ở Việt Nam và Trung Quốc. Từ khi xuất hiện đến nay, nó trải qua nhiều biến động của các thời đại lịch sử nhưng vẫn bảo tồn được những tập tục cơ bản nhất. Hiện nay tuy còn nhiều nước bảo lưu tập tục Tết Âm lịch nhưng chỉ có 5 nước tổ chức Tết này gần như trùng nhau về thời gian là Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và Mông Cổ(1). Dựa trên một số tài liệu cùng kết quả chúng tôi phỏng vấn trực tiếp (người các nước này) thì hiện nay Triều Tiên, Hàn Quốc cũng như Trung Quốc đều gọi Tiết xuân thay cho Tết Âm lịch, gọi Tết Dương lịch là Tết Nguyên đán. Riêng nước Mông Cổ vẫn có một số nội dung tập tục Tết Âm lịch nhưng lại gọi với tên khác là Tết Tra-can-tát. Chỉ còn Việt Nam vẫn dùng Tết Nguyên đán để chỉ Tết Âm lịch đúng như tên gọi trong sách “Thái sơ lịch” (太初) của Hán Vũ Đế ban hành năm 104 trước Công nguyên (TCN).
Học giả Trung Quốc giải thích rằng, “Nguyên tức là mở đầu, đán là chỉ buổi sáng sớm. Nguyên đán (元旦) là chỉ buổi sáng sớm của ngày đầu tiên trong một năm. Từ thời Tây Hán thì khái niệm “Nguyên đán“ chính thức dùng để chỉ năm mới. Cụ thể, trong sách Thái sơ lịch do Hán Vũ Đế soạn, quy định lấy tháng Giêng (Nông lịch) làm tháng đầu tiên của một năm, ngày mùng một tháng Giêng là ngày đầu tiên của năm mới. Nguyên đán làm tên gọi của năm mới từ đó đến nay đã hơn 2000 năm (2). Tuy nhiên, từ năm 1912, khi Tôn Trung Sơn lên làm Đại Tổng thống Trung Hoa dân quốc, ông quyết định dùng Dương lịch nhưng vẫn duy trì Âm lịch. Do đó, “để phân biệt hai Tết của năm Âm lịch và Dương lịch, Tôn Trung Sơn lấy ngày 1 tháng 1 Dương lịch làm ngày mở đầu Tết Nguyên đán, lấy ngày 1 tháng Giêng Âm lịch làm ngày Tiết xuân (). Đến ngày 27/9/1949, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa chính thức ra quyết định gọi Tết Dương lịch là Tết Nguyên đán, Tết Âm lịch là Tiết xuân(3).
Thực ra, trước khi chính thức có tên gọi Tết Nguyên đán và định thời gian của tết này là từ mùng một tháng Giêng năm 104 TCN, thì những tập tục thuộc nội hàm của nó đã xuất hiện khá rõ từ thời nhà Hạ trong lịch sử Trung Quốc (nhà Hạ tồn tại từ thế kỷ 21- thế kỷ 6 TCN) với tên gọi là Lạp tế, chủ yếu cúng khấn trời đất và tổ tiên, cầu cho cuộc sống bình yên, thuận hoà mưa gió được mùa. Trong dịp này, ngoài việc giết lợn mổ bò, họ còn hoá trang, vẽ mặt nạ hình chim, nhảy múa tưng bừng(4). Tuy vậy, thời gian đón Tết Nguyên đán cũng thay đổi theo quy ước của từng triều đại phong kiến. Ví như nhà Hạ lấy ngày 1 tháng 11 Âm lịch; nhà Thương (thế kỷ 16 - 11 TCN) lấy ngày 1 tháng Chạp; nhà Tần (từ năm 221-206 TCN) lấy ngày 1 tháng 10 Âm lịch(5)...
Nếu dựa vào truyền thuyết của Việt Nam, đặc biệt là câu chuyện bánh chưng bánh dày thời các vua Hùng thì có thể nói trước khi phong kiến Trung Quốc đô hộ, tổ tiên ta đã sáng tạo ra những điều rất đặc sắc của văn hoá Việt. Nhưng trên thực tế chúng ta bị ảnh hưởng nhiều từ văn hoá Trung Quốc. Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, dưới chính sách đồng hoá của phong kiến phương Bắc đã làm cho nhiều tập tục của họ chuyển nhập vào đời sống người Việt, dẫn đến sự pha trộn giữa yếu tố Hán với Việt, trong đó có tập tục Tết Nguyên đán.
2. Theo tài liệu Trung Quốc, thì khởi nguồn của Tết Nguyên đán gắn với truyền thuyết dân gian về “Niên” cùng tục đốt pháo nổ (phân biệt với pháo hoa) và treo câu đối đỏ trước cửa nhà. Theo họ, “Niên” là một loài quái vật chủ yếu sinh sống ở biển, rất hung dữ. Mỗi năm vào thời khắc giao thừa là nó lại về thôn làng, bắt người, tàn sát vật nuôi, phá hoại nhà cửa, cây cối, khiến ai cũng sợ hãi. Nhân dân nghĩ nhiều cách đối phó với Niên nhưng không hiệu quả. Vì vậy, mỗi năm cứ chuẩn bị đến giao thừa, họ lại phải rời bỏ thôn làng trốn lên núi cao lánh ẩn, mấy ngày sau mới trở lại.
Nhưng có một lần, sau khi người dân đã lên núi tránh nạn thì xuất hiện một cụ già mặc quần áo đỏ, lần lượt đến từng nhà, treo lên cửa các “phù khiêu“ (chính là câu đối) màu đỏ, đồng thời cắm một cây trúc đang cháy rừng rực phát ra tiếng nổ tanh tách. Khi quái vật “Niên” đến, nhìn thấy câu đối đỏ, ngọn lửa và tiếng nổ của trúc, nó vô cùng sợ hãi mà chạy một mạch về biển, không dám quay lại nữa. Khi trở lại làng, thấy mọi sự vật đều bình yên vô sự, nhân dân lập tức ca hát, nhảy múa, biểu lộ vui mừng khôn xiết. Để kỷ niệm dịp vui mừng này, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn cụ già không rõ tên tuổi đã nghĩ cách cứu giúp dân làng, họ quyết định mỗi năm vào đêm giao thừa làm lễ ăn mừng và phải đốt pháo trúc cùng treo câu đối đỏ để xua đuổi quái vật phòng khi nó trở lại sát hại thôn làng. Tết ra đời từ đó(6).
Trong câu chuyện dân gian ấy, tuy nhiều yếu tố hoang đường và đậm màu sắc dân gian, nhưng chúng ta có thể nhận thấy, nó phản ánh thực chất tập tục tết là nhằm biểu đạt tâm nguyện của nhân dân xua đuổi tà ma gian ác, tiêu trừ tai hoạ, mong muốn cuộc sống an lành, hạnh phúc, may mắn. Cũng do đó mà chữ phúc (), lộc (), thọ (寿), hỉ (: vui), cát (: thuận lợi, tốt lành)... dần trở thành quen thuộc trong dân gian, được treo trong nhà, đặc biệt là mỗi khi tết đến xuân về. Tuy nhiên, “đại bộ phận người Trung Quốc quan niệm treo ngược chữ với ý nghĩa là làm như vậy thì “phúc” mới đến được với nhân gian”(7).
 Khởi đầu của câu đối gọi là “phù khiêu”, được treo hai bên cửa nhà với hàm ý như một loại thần linh có trách nhiệm xua đuổi ma quỷ, dần trở nên phổ biến và ngày càng phong phú về nội dung lẫn hình thức, trở thành nét văn hoá Tết rất đặc sắc - văn hoá câu đối. Cùng với sự phát triển thời đại, nội dung câu đối không ngừng được đổi mới. Ngoài ý nghĩa ban đầu, giờ đây nó còn biểu đạt sự chúc tụng, lí giải hiện tượng xã hội và cuộc sống. Còn khởi đầu tục đốt pháo vào đêm giao thừa cũng được xem như một phương thức hữu hiệu xua đuổi quái quỷ tà ma, sau này được dân gian nâng ý nghĩa lên thành tục đốt pháo khi gia đình có việc lớn, việc mới như lễ cưới hỏi, mừng nhà mới, mừng thọ, đám giỗ tổ, khai trương công ty, nhà hàng... với hy vọng đem đến sự may mắn an lành cho gia chủ, đồng thời tạo sự hưng phấn cho người người tham gia, cũng hàm ý từ biệt cái cũ và chào đón cái mới.
Chúng ta khó xác định tục đốt pháo vào đêm giao thừa ở Việt Nam xuất hiện từ bao giờ, nhưng tính đến năm 1994 - khi Chính phủ ra quyết định số 406, rồi nghị định số 05 về cấm sản xuất, vận chuyển và đốt pháo, thì nó từng tồn tại hàng ngàn năm và có ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt văn hoá cộng đồng người Việt. Nhiều người cho rằng, pháo xuất hiện đầu tiên từ Trung Quốc và tục đốt pháo trong năm mới ở nước này có lịch sử hơn 1600 năm(8), ít nhất là từ thời nhà Hán (khoảng 206 TCN), nhưng khi đó vẫn là pháo trúc (爆竹: bộc trúc) - loại ống trúc kín hai đầu được cho vào lửa đốt cháy phát ra tiếng nổ. Đến thời nhà Đường (618- 907), pháo trúc được dân gian mở rộng chủng loai bao gồm cả pháo tre (bộc tre). Sau khi phát minh ra thuốc súng, người ta nhồi thuốc nổ vào ống tre, trúc đốt nổ to hơn. Đến thời nhà Tống (960-1279), nhân dân Trung Quốc đã biết sử dụng giấy để làm pháo, họ gọi là “bộc trượng” (爆仗), sau gọi là bánh pháo (鞭炮), tiếp đến xuất hiện pháo hoa. Qua nhiều triều đại sau, đốt pháo trở thành tiêu điểm của năm mới và mãi đến tận năm 1988 thì Trung Quốc mới ban lệnh cấm nổ pháo(9).
 Hiện nay đốt pháo nổ là việc làm trái pháp luật, nhưng dưới góc độ lịch sử và đặt nó trong dòng chảy văn hoá nhân loại, thì ngày xưa tục đốt pháo nổ vào Tết Nguyên đán có công năng xã hội nhất định. Đốt pháo để tăng thêm sự dũng cảm của con người trong chế ngự thiên nhiên, giải toả tâm lý dân gian, xua đuổi ma quỷ, gạt trừ bệnh tật, tăng thêm tự tin trong cuộc sống. Đốt pháo cũng để gửi gắm niềm hy vọng tươi đẹp ở ngày mai, đoán xem vận mệnh trong tương lai. Vì vậy ai cũng muốn pháo nổ thật giòn giã, nổ liên tục không bị ngắt quãng. Dân gian cũng quan niệm tiếng pháo giao thừa sẽ làm tăng thêm không khí rộn ràng, tươi vui, tiếng pháo cũng là cầu nối năm cũ với năm mới, tiễn cái rủi ro, thỉnh cầu may mắn.
Khi tự ý thức của dân chưa cao dẫn đến hậu quả nghiêm trọng do nổ pháo gây ra mỗi năm thì chủ trương cấm nổ pháo là điều phù hợp với thực tiễn và mọi công dân nhất thiết phải thực hiện. Hoài niệm về “pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi” vẫn lắng đọng trong một số ca khúc, bài thơ, câu đối, hình ảnh của nó thường đi cùng với xuân, rượu và hoa. Như Vương An Thạch (thời nhà Tống, Trung Quốc) có bài thơ Nguyên nhật: Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ/ Xuân phong tống noãn nhập Đồ Tô/ Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật/ Tổng bả tân đào hoán cựu phù (chữ Hán: 爆竹声中一岁除风送暖入屠苏门万户曈曈日总新桃换旧符”, được dịch thơ: Pháo trúc kêu vang hết một năm/ Rượu Đồ Tô uống đón mừng xuân/ Hơi xuân nồng hậu, muôn nhà sáng/ Thẻ đào tống cựu, đón bình an). Hay, “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn phúc mãn môn/ Bộc trúc thanh thanh trừ cựu tuế/ Mai hoa điểm điểm báo tân xuân” (天增岁月人增寿/满乾坤福满门/爆竹声声除旧岁/梅花点点报新春. Tạm hiểu: Trời đất gia tăng ngày tháng ví như con người mỗi năm tăng thêm tuổi thọ. Mùa xuân về đầy trong trời đất ví như hạnh phúc đầy nhà. Tiếng pháo trúc báo xua đi năm cũ. Hoa mai nở báo hiệu xuân mới đang đến).
Cũng vì quá hoài niệm về pháo và quá nặng về nguồn gốc văn hoá của nó mà hiện nay một số học giả Trung Quốc đề nghị với Chính phủ nên khôi phục tập tục đốt pháo nổ trong đêm giao thừa để bảo lưu ý vị của Tết. Họ cho rằng, “đốt pháo là một bộ phận tạo thành và là dấu hiệu nhận dạng chủ yếu của Tết Âm lịch, là phong tục truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là một bộ phận của văn minh dân tộc”(10), vì “ngày nay nội dung Tết Âm lịch thay đổi quá nhiều. Nhân dân theo đuổi Tết Dương lịch mà giảm hứng thú với Tết Âm lịch. Việc duy trì tục nổ pháo sẽ khôi phục đến 90% ý vị của Tết và là một biện pháp lôi cuốn dân gian trở về với Tết cổ truyền này”(11).
 3. Nói đến Tết Âm lịch, người ta liên hệ ngay đến 12 con giáp trong tổ hợp Can - Chi. Thực tế, “những nội dung về 12 con giáp (cầm tinh) là một bộ phận quan trọng của văn hoá, được lưu dùng rộng rãi tại một số dân tộc quốc gia ở châu Á, Đông Âu và Bắc Phi”(12). Lai lịch của nó gắn với vấn đề Thiên can và Địa chi.
Từ thời cổ đại, người ta kết hợp 10 Thiên can (天干) gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý (chữ Hán là: ,,,,,,,,,) và 12 Địa chi (地支) gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Vị (mùi), Thân, Dậu, Tuất, Hợi (chữ Hán: ,,,,,,,,,,,) tạo thành tổ hợp 60 Can - Chi để ghi thời gian (năm, tháng, ngày, giờ), biểu đạt phương hướng(13). Tương ứng với 12 Địa chi là 12 con vật được chọn làm đại diện, gọi là 12 cầm tinh (生肖) hay 12 thú lịch, 12 cầm () 12 thú (), 12 thần (), 12 thuộc (), 12 vật ()..., cũng gọi là 12 “thuộc tướng“ (属相)(14), trong đó “tướng” là tướng mạo, “thuộc tướng” tức là “thuộc về tướng mạo nào“(15). Nhưng mỗi dân tộc có quan niệm chọn con vật và xếp thứ tự tương ứng với Địa chi lại không hoàn toàn giống nhau.
Các dân tộc Hán, Hồi, Tạng, Ha-ni, Xa, Na-xi, La-hu của Trung Quốc cùng với nước Triều Tiên, Nhật Bản và Hàn Quốc thì chọn và xếp 12 con giáp đúng với thứ tự của Địa chi là: con Chuột tương ứng với Địa chi Tý, Trâu (bò) - Sửu, Hổ - Dần, Thỏ - Mão, Rồng - Thìn, Rắn - Tỵ, Ngựa - Ngọ, Dê (Cừu) - Vị, Khỉ - Thân, Gà - Dậu, Chó - Tuất, Lợn - Hợi. Còn dân tộc Mao Nan (vùng Quảng Tây) của Trung Quốc thì chọn Sâu thay cho Hổ, Mèo thay Thỏ, Cá thay Rắn, Thịt thay Ngựa, Nhân thay Dê. Dân tộc Di ở tỉnh Vân Nam thì xếp 12 con giáp theo thứ tự là Hổ, Thỏ, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn, Chuột, Trâu. Nước Ấn Độ có các con giáp và xếp theo thứ tự: Chuột, Trâu, Sư tử, Thỏ, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, chim Kim sí (Garuda) (16), Chó, Lợn(17). Ở Việt Nam thì con Mèo tương ứng với địa chi Mão, nhưng “Trung Quốc trừ dân tộc Mao Nan chọn Mèo còn lại hầu như đều chọn Thỏ thuộc Địa chi Mão“(18).
 Ở Trung Quốc, việc sử dụng các con vật phối hợp vào Địa chi xuất hiện từ lâu, nhưng chính thức được ghi chép (chưa đầy đủ) từ thời Xuân Thu (770- 476 TCN) trong sách “Kinh thi”. Đến thời Tần Thuỷ Hoàng vào năm 217 TCN, trong cuốn “Nhật thư” có ghi chép tỉ mỉ hơn về 12 con giáp, nhưng cũng không hoàn toàn giống như ngày nay, ví dụ họ lấy Hươu thuộc về địa chi Ngọ, Dê thuộc về Tuất(19). Tên 12 con giáp như ngày nay, chính thức được ghi chép từ thời Đông Hán, cụ thể là trong quyển “Luận hoành” của Vương Sung năm 54, viết rằng: “Dần chính là hành Mộc, con vật của nó là Hổ vậy. Tuất là hành Thổ mà con vật của nó là Khuyển (Chó), Ngọ là ngựa, Tý là chuột, Dậu là gà, Mão là thỏ, Sửu là trâu, Vị là dê, Hợi là lợn, Thân là khỉ, Tỵ là rắn, Thìn là rồng. Vị trí của Thìn và Tỵ là ở Đông Nam”(20).
Đến nay ở Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều truyền thuyết lý giải nguồn gốc xuất hiện 12 con giáp. Trong đó, truyền thuyết của dân tộc Hán được nhiều học giả nhắc tới trong các bài viết. Theo giáo trình Hán ngữ của Nxb KHXH, Bắc Kinh năm 2006 thì, tục truyền rằng, thời xưa, Hoàng đế cần 12 con vật làm vệ sĩ cho cung đình nên ra thông báo tuyển chọn. Biết tin này, con vật nào cũng nhận thấy đây là cơ hội hiếm hoi để mình có thể được tiếp cận đời sống vua chúa cung đình nên chuẩn bị rất chu đáo đợi đến ngay đi dự tuyển. Vì Hoàng đế không công bố trước các tiêu chuẩn tuyển chọn, nên các con vật phải tự trang trí cho bản thân với nỗ lực cao nhất. Khi đó gà trống đã có bộ lông cườm óng mượt rất đẹp mắt lại có cặp sừng uốn lượn rất thần khí. Chú rồng nhận thấy mình không có gì nổi bật ngoài cái thân loằn ngoằn nên tìm cách dụ dỗ gà trống mượn đôi sừng. Gà được rồng vừa uốn lượn hoa cả mắt lại buông ra những lời khen êm tai nên đã cao thượng mà cho mượn đôi sừng với một điều kiện là sau khi được tuyển chọn thì rồng phải trả lại.
Còn chú mèo biết mình vốn dĩ hay ngủ dậy muộn nên từ trước đã ngon ngọt nhờ chuột gọi cùng đi dự tuyển. Chuột nhiệt tình nhận lời và bảo mèo cứ yên tâm mà ngủ. Tuy nhiên đến ngày dự tuyển, chuột lặng lẽ đi một mình. Khi chuột đến nơi, thì voi và trâu cũng đã xếp hàng, chuột đành nghĩ cách chui vào mũi làm voi hoảng sợ mà chạy ra khỏi hàng, đồng thời lủi lên trước chân của trâu mà trâu không biết. Hổ và rồng nghĩ mình là vua của núi và biển nên cứ nhởn nhơ, còn thỏ thì lạ lẫm với bộ sừng của rồng nên đi sau hổ và đi trước rồng để ngắm nghía. Rắn, ngựa, dê nối tiếp sau rồng, rồi đến khỉ và gà. Riêng chú chó thì thích trêu chọc thỏ nên bị phạt đứng cuối hàng. Tuy nhiên, một lát sau thấy lợn ủn ỉn đến xếp sau chó. Kết quả là chuột được vào số 1, đến trâu... và lợn cuối cùng.
Khi việc tuyển chọn đã đâu vào đấy thì mọi người mới thấy mèo cấp tập chạy đến. Vừa mất cơ hội làm vệ sĩ cung đình, lại sốc vì bị thất hứa nên hét cau cau chửi chuột là đồ tồi tệ nhất trần gian, rồi hỏi tội vì sao chuột không gọi mèo. Chuột đã trả lời một cách không dấu giếm mục đích của mình rằng, nếu gọi mèo đi cùng thì có thể chuột bị mất cơ hội, mà còn cho mèo một bài học: từ nay về sau nếu muốn được việc thì cậu đừng cậy chờ vào người khác. Quá sốc, mèo liền đuổi chuột ăn thịt. Còn rồng sau khi được tuyển chọn trở về lại ăn quỵt đôi sừng của gà. Biết gà không bơi được, nên rồng ngụp xuống nước mà không ngóc lên. Gà vừa tức lại tiếc của nên mỗi buổi sáng cứ đứng trên cao, cong cổ mà gọi: hãy trả lại sừng cho tôi(21).
Nhân đây xin nói thêm, liên quan đến chuyện 12 con giáp, qua khảo sát một số nghiên cứu của học giả Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy có nhiều điều muốn giới thiệu thêm đến bạn đọc. Ví như, họ chứng minh nguồn gốc 12 con giáp không phải xuất phát từ Trung Quốc mà là từ nước khác; hay có ý kiến cho rằng việc Trung Quốc lấy Thỏ làm đại biểu cho Địa chi Mão là vì giống mèo ở Trung Quốc chủ yếu là mèo từ Ai Cập di cư tới chứ không phải mèo bản địa; rồi chuyện các vị vua Trung Quốc chọn con giáp nào làm con chủ... Cụ thể về vấn đề này, chúng tôi hy vọng sẽ được trình bày với bạn đọc trong một bài viết khác.  
Chú thích:
(1) Một số tài liệu cho rằng có nhiều nước đón Tết Âm lịch như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Mông Cổ, Xingapo, Cămpuchia, Thái Lan, Ấn Độ... Trước đây Nhật Bản cũng cử hành Tết Âm lịch, nhưng từ năm 1873 chuyển sang dùng Dương lịch cho các ngày lễ tương ứng trong Âm lịch.
(2), (9) Tống Tài Phát: “Phong tục đón Tết với việc pháp luật bảo hộ di sản văn hoá dân tộc đốt pháo”, Học báo Đại học Dân tộc Trung ương Trung Quốc, số 1 năm 2006, tr.57 và 59, bản Trung văn.
(3) Ngô Chính Bưu: “Phân tích văn hoá tập tục Tiết xuân”, Báo Dân tộc Trung Quốc, ngày 24/6/2005, tr.6, bản Trung văn.
(4)Trương Cát Trung: “Nhìn lại nhà nông”, số 1, 2006, tr.55, bản Trung văn.
(5) Lỗ Kiều: “Nguyên đán chính là Tiết xuân”, Nguyệt san văn sử, số 1/2009, tr.3, bản Trung văn.
(6), (7) Chu Kiến Quốc: “Công năng xã hội và ý nghĩa của Tiết xuân”, Tạp chí Xã hội, số 2/2002, tr.19, bản Trung văn.
(8) Đinh Cao: “Về việc cấm pháo”, Báo Pháp chế Tây bộ Trung Quốc, ngày 15/1/2005, tr.4, bản Trung văn.
(10) Li Úc: “Âm thanh tiếng pháo trúc”, Nhật báo pháp chế, ngày 17/2/ 2005, tr.2, bản Trung văn.
(11) Lí Thiên Kỳ: “Lệnh cấm nổ pháo và việc giữ lại âm thanh pháo trúc”, Báo Khai phá Tây bộ, ngày 20/1/2005, tr.6, bản Trung văn.
(12), (17) Lí Thụ Huy: “12 cầm tinh: khởi nguyên và lưu biến”, Tạp chí Đại học Sư phạm Tân Cương, số 1/1999, tr.50, bản Trung văn.
(13) Người ta ghép một Thiên can với một Địa chi để tạo thành tên gọi chính thức của những cái cần đặt tên, bắt đầu từ can Giáp và chi Tý tạo ra Giáp Tý, sau đó đến can Ất và chi Sửu tạo ra Ất Sửu và cứ như vậy cho đến hết can (hoặc chi) cuối cùng thì nó tự động quay trở lại cho đến tổ hợp cuối cùng là Quý Hợi. Có tổng cộng 60 tổ hợp khác nhau.
(14) (18) Ngô Dụ Thành: “12 cầm tinh trong văn hoá Trung Hoa”, Nxb Nhân dân Thiên Tân, 1993, tr.86, 99, bản Trung văn.
(15) Chu Trung: “Diễn đàn Trung Quốc ngày nay“, số 1 năm 2009, tr.81, bản Trung văn.
(16) Theo thần thoại cổ Ấn Độ, loại chim này có hình dáng giống như đại bàng nhưng to lớn, thân thể rực rỡ như thần lửa, tính khí rất mãnh liệt. Còn trong kinh Phật, chim Kim Sí là một loài trong Bát bộ chúng, được phiên âm thành nhiều tên là Yết lộ đồ, Già lâu la...
(19) Chu Trị Hoa: “12 cầm tinh là văn hoá cổ đại của Trung Hoa“, Tạp chí Giang Tô chính hiệp, số 9/1997, tr.18, bản Trung văn.
(20) Lưu Quốc Trung: “Thử bàn về 12 con giáp với 36 cầm”, Tạp chí khoa học Đại học Thanh Hoa, số 1/1999, tr.13, bản Trung văn.
(21)Trang Thục Viên: “Giáo trình Hán ngữ“, Nxb KHXH, Bắc Kinh, 2006, tr.122-123, bản Trung văn.
THS. LÊ ĐỨC HOÀNG