Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM (III) Ư-Việt

III. Ư-Việt
Trong đời nhà Chu, tại miền địa bàn của Việt-tộc, người ta đã thấy xuất hiện ba nước lớn : nước Sở ở lưu vực sông Giang, sông Hán và sông Tương, nước Ngô ở lưu vực sông Giang và sông Hoài, nước Việt ở lưu vực sông Chiết. Trong ba nước ấy, nước Sở và nước Ngô đã từng xưng bá ở miền Giang Hoài, song rốt cuộc đã dần dần đồng hóa theo Hán tộc, duy có nước Việt, cũng gọi là Ư-Việt hay Vu-Việt, tuy sau này cũng sẽ đồng hóa theo Hán tộc một phần lớn, nhưng di chủng của Việt-tộc hiện còn lưu trên lịch sử là dân-tộc Việt-Nam ta vốn có quan hệ xa gần với nước ấy, cho nên vận mệnh lịch sử của nước ấy đối với chúng ta lại có ý nghĩa khác hẳn với vận mệnh của các nước Sở Ngô.
NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM (III) Ư-Việt
Ở thế kỷ thứ 9, một số các thị-tộc người Việt-tộc ở miền Chiết-giang, có lẽ cũng có quan hệ với những phần tử Việt-tộc tự miền Giang-tây dời đến sau khi nước Việt-thường bị diệt, do một nhà quý tộc họ My, thuộc về thị tộc My, cùng họ với nhà vua nước Sở, cử hợp thành một bộ-lạc lớn mà sử gọi là nước Việt. Trung tâm điểm của nước ấy là miền Cối-kê, tức phủ Thiệu-hưng ngày nay, trên cửa sông Chiết giang. Buổi đầu, trong hơn bốn thế kỷ về trước đời Câu-Tiễn thì nước Việt chỉ là một nước bồi thần, một nước phụ dung của nước Ngô, cho nên trong các sách sử xưa của Trung-quốc không thấy chép đến. Cuối thế kỷ thứ 6, vua nước Ngô là Hạp-Lư giận vua nước Việt là Doãn-Thường không theo mình mà đánh nước Sở nên đem binh đi đánh Việt, thắng Doãn-Thường ở Tuy-lý (phủ Gia-hưng). Về sau, khi nghe tin Doãn-Thường đã chết, Hạp-Lư lại đánh nước Việt, con Doãn-Thường là Câu-Tiễn đem quân quyết tử ra để kháng chiến, đánh tan được quân Ngô và giết được Hạp-Lư. Sau con Hạp-Lư là Phù-Sai trả thù, diệt được quân Việt, bắt Câu-Tiễn phải thần phục Ngô và chỉ cho giữ một khoảng đất nhỏ ở miền Cối-kê thôi.
Câu-Tiễn nhờ có bề tôi là Văn-Chủng và Phạm-Lãi giúp vày, khổ thân tiêu tứ, tự chia khó nhọc với nhân dân, trọng dụng người hiền tài, hậu đãi những người giỏi ở các nước lân cận, gắng sức mở mang kinh tế và chấn hưng binh bị của nước Việt.
Theo sách Sử-ký thì Phạm-Lãi bày cho Câu-Tiễn thực hành cái kế phú quốc cường binh là theo Kế-Nhiên (Ngô-Việt xuân thu chép là Kế-Nghê). Phượng sách của Kế-Nhiên cả thể tóm tắt thành mấy điều cốt yếu sau này :
a) Khuyến khích nông tang để tăng gia sự sản xuất.
b) Bớt thuế má để dân tích súc được nhiều.
c) Khuyến khích thương nghiệp để hàng hóa và tiền bạc lưu thông.
d) Giữ vật giá trung bình để nông thương đều lợi.
Đại khái điều thiết yếu trong kế hoạch ấy là chú trọng nông và thương, làm sao cho hai nghề ấy đều phát đạt cả. Câu-Tiễn thực hành kế ấy trong mười năm, nước Việt trở nên giàu, « quân sĩ được cấp lương rất hậu cho nên ai nấy đều hăm hở xông pha tên đạn như khát được uống nước ». Nhờ thế mà Câu-Tiễn trả được thù xưa kia, diệt được nước Ngô mà xưng bá ở miền Giang Hoài (năm 402).
Sau Câu-Tiễn, nước Việt còn xưng bá được mấy đời nữa, nhưng từ đời thứ tư, nước Việt thất bại ở miền Sơn-đông, phải rút về giữ cố đô, rồi tiếp đến ba đời vua bị giết, thế là cơ suy bại của nước Việt đã bày ra rõ ràng. Sau khi Câu-Tiễn chết được 48 năm, thì nước Việt suy, và 46 năm sau thì nước Việt bị Sở đánh diệt.
Trong lịch-sử 600 năm của nước Việt, Câu-Tiễn là người anh hùng đã làm cho nước Việt nhỏ bé bán khai ở Giang-nam nổi lên địa vị một nước mạnh, tung hoành trong non một thế kỷ ở một phương.
Như chúng ta đã biết, nước Việt ở vào miền sông Dương-tử, tiếp giáp với nước Ngô và nước Sở ở phía Bắc và phía Tây. Về phía Nam thì biên giới nước Việt là giải Nam-lãnh, về phía Đông là biển. Xem thế thì cương vực nước Việt đại khái là gồm một phần lớn về phía nam của tỉnh Chiết-giang và một phần lớn về phía bắc của tỉnh Giang-tây, song bán bộ nước ấy là miền Chiết-giang còn miền Giang-tây thì chỉ là phạm vi thế lực.
Bây giờ chúng ta hãy xét qua trạng thái văn hóa của người nước Việt.
Theo những sử liệu hiện có, chúng ta có thể phác họa sơ lược trạng thái sinh hoạt vật chất của người Việt như sau này : Cũng như người nước Ngô, người Việt vẫn lấy nghề chài cá làm cách sinh hoạt trọng yếu. Đất thì còn xâu lầy nên ruộng còn ít, mà kỹ thuật làm ruộng thì còn thô sơ, họ chưa biết dùng cày bừa và trâu bò. Vì vậy mà nông nghiệp chưa phát đạt được. Có lẽ phần nhiều ruộng làm ở đất cao cho nên chỉ trồng được lúa, nếp. Đồ ăn trọng yếu là lúa nếp, tôm cá và sò hến. Vì người ít đất rộng cho nên sản xuất dư dùng.
Về sự ăn mặc thì người Việt đã biết dệt vải bằng sợi cây (sợi gai hay đay), có lẽ đã biết dệt vải hoa như vải của người Mường người Mọi ngày nay. Chiếu dệt bằng cói của người Việt là một sản phẩm người Hán-tộc lấy làm quý lắm.
Người Việt biết pha đồng và thiếc để chế đồng xanh để đúc những đồ binh khí. Những cuộc phát quật ở Chiết-giang đã tìm được những đồ đồng, như đỉnh ba chân, dao thường, dao găm, mũi qua. Theo sách xưa chép thì người Việt có những thứ chuông nhỏ (bác) và chuông lớn (đạc) bằng đồng là vật có tiếng, nhất là thứ kiếm đồng hai lưỡi ở đời Xuân-thu thiên hạ đều xem là vật quý báu. Thứ kiếm đồng này hẳn còn sót trong dân gian ít nhiều nhưng chưa có sự sưu tầm khảo cứu. Sách Histoire des Arts des Anciens de la Chine (q.I trang 77) của Oswald Siren có nói đến một cái kiếm đồng rất đẹp, đoán là kiếm của Tần Thủy-Hoàng, hoặc giả, kiếm báu của người Việt cũng theo thể thức ấy chăng.
Người Việt phần nhiều ở bờ sông và bờ biển làm nghề chài cá, ngày thường sinh hoạt trong nước nhiều hơn trên cạn, cho nên họ bơi lội và chèo thuyền rất giỏi. Sách xưa chép rằng họ có thứ thuyền nhỏ là linh và thứ thuyền nhỏ dài là đĩnh là thuyền thường dùng, cùng thứ thuyền lớn gọi là tu lự, thứ thuyền có lầu, tức là lâu thuyền và thứ thuyền có găm mũi qua ở đáy, tức là qua thuyền, ba thứ thuyền sau là thuyền chiến cả. Cái sở trường về thủy chiến của người Việt, các sách xưa thường chép đến luôn.
Về kiến trúc của người Việt, hiện nay chưa biết được chắc chắn. Có lẽ ở những miền ẩm thấp và khe núi, họ cũng làm nhà sàn nhà gác bằng tre và gỗ. Theo những báo cáo về sự khai quật cổ-tích ở Chiết-giang 8, người ta thấy những chỗ đào được đồ dùng của cư dân hoặc là bờ sông, hoặc là ruộng muối và bờ biển, hoặc là đáy hồ cạn. Theo khảo-cổ-học, người ta biết rằng người Ngô Việt xây mộ bằng đá và gạch, nhưng có lẽ đá và gạch là những vật liệu chỉ dùng để xây mộ và xây thành, chứ nhà ở thì dùng tre và gỗ. Sách Việt-tuyệt-thư chép nước Việt có rất nhiều thành lũy và lăng mộ, điều ấy tỏ rằng ở đầu đời Hậu Hán (thời kỳ của sách Việt-tuyệt-thư) di tích những thành lũy và lăng mộ xưa ở miền nước Việt vẫn còn. Hiện nay những thành và mộ ấy không còn biết ở chỗ nào nữa. Nếu tìm ra được địa điểm của các thành mộ xưa ấy mà phát quật thì hẳn sẽ tìm được nhiều di vật giúp cho người ta biết rõ hơn về văn-hóa của người Việt.
Về văn-hóa tinh thần thì chúng ta có thể xét qua về các phương diện ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng nghệ thuật, tính tình, tổ-chức, chính-trị và xã-hội.
Ngôn ngữ của người Việt thế nào, hiện nay chúng ta khó mà khảo được, chỉ biết rằng nó khác nhiều với ngôn ngữ của người Hán-tộc mà thường một tiếng của người Việt, người Hán phải dùng đến hai ba âm mà phiên ra.
Về phong tục thì tục cạo tóc xăm mình là tục đặc thuộc của cả Việt-tộc, cũng là tục thường của người nước Việt. Họ lấy sự xăm mình làm một điều rất vinh hạnh. Họ còn có tục khắc cánh tay để ăn thề, khác với tục xăm mình có ý nghĩa tô-tem.
Người Việt thờ quỷ thần, chuộng phù pháp và tin cát hung họa phúc. Sách xưa hay nói Việt phương là những phương thuật phù pháp của người Việt. Họ thờ phụng người chết trân trọng lắm. Những nhà quý tộc xây mộ bằng đá và bằng gạch rất to, theo xác chết bỏ vào áo quan bằng gỗ người ta lại bỏ nhũng đồ minh khí bằng đá, bằng đất và bằng đồng, ý giả để cho người chết có đủ đồ mà dùng.
Xét những đồ gốm và đồ đồng phát quật được ở miền Chiết-giang, các nhà khảo-cổ-học buộc nghệ thuật của các đồ ấy vào một nghệ thuật lớn họ gọi là nghệ thuật Đông-Sơn, có nhiều đặc điểm tương tự với nghệ thuật đời Chiến quốc ở miền sông Hoài, những đặc điểm ấy là hình trôn ốc cặp đôi, và hình giây bện. Theo ý chúng tôi thì tổ quốc của nghệ thuật ấy chính là miền Ngô-Việt. Chính hồi nước Ngô nước Việt đương cường thịnh, tại miền hạ lưu Dương-tử đã thành hình cái văn-hóa đồ đồng của người Ngô-Việt, có cái nghệ thuật gồm những đặc tính kể trên. Một mặt nghệ thuật ấy do sự giao thông với người Hán-tộc ở miền Bắc mà ảnh hưởng thành nghệ thuật Chu-mạt hay Chiến-quốc, một mặt thì do sự di cư của người Việt-tộc xuống Nam mà ảnh hưởng thành nghệ thuật Đông-sơn.
Bây giờ chúng ta xét qua về tính tình của người Việt mà người Hán gọi là Man Di. Người Hàn-tộc thường cho người Việt là khinh bạc, là trắc trở, là hiếu chiến. sắc sảo về việc binh và không sợ chết. Vì sao người Hán-tộc lại cho người Việt là khinh bạc ? Một lẽ là vì, như lời chép trong sách Việt-tuyệt-thư, « họ ở núi mà đi đường nước, lấy thuyền làm xe, lấy chèo làm ngựa, đến thì như gió thoảng, đi thì khó đuổi theo. » Hai lẽ là, như lời Sử-ký chép, vì dễ kiếm ăn, họ không lo dành dụm, bon chen để phòng xa, chỉ ăn sổi ở thì qua ngày tháng… Người Hán-tộc cho họ là trắc trở hiếu chiến là vì người Việt không những thường chống cự kịch liệt những cuộc xâm lăng của họ mà trong thịnh thời lại thường mang cái dã tâm phát triển lên miền Bắc, cho nên họ vẫn xem người Việt là mối lo thế truyền ở biên thùy phương Nam. Đến như tính không sợ chết của người Việt thì chúng ta có thể thấy chứng cứ trong cách chết của quân cảm tử của Câu-Tiễn đem đi đánh nước Ngô mà giết được Hạp-Lư. 9
Về tổ chức chính trị và xã hội, chúng ta đã đoán rằng từ đời Doãn-Thường, tức từ nửa trên đời Xuân-thu về trước, nước Việt chỉ là một bộ-lạc lớn thần thuộc với nước Ngô, thì nhờ những bề tôi như Văn-Chủng, Phạm-Lãi giúp dùm mà trong hơn mười năm nước Việt đủ sức đánh được nước Ngô mà xưng bá. Trong mười năm ấy nước Việt đã trải qua một cuộc cách mệnh lớn lao về chính trị, kinh tế và xã hội. Văn-Chủng, Phạm-Lãi và thầy của Phạm-Lãi là Kế-Nhiên đều là người miền Bắc, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, đều là do nguồn gốc Hán-tộc. Có lẽ về chính trị và binh sự, họ bầy cho Câu-Tiễn bắt chước những cách tổ chức của người Hán-tộc. Tổ chức chính trị thì trên có vua, rồi đến đại phu, không rõ mấy người, về binh sự, thì trên có thượng-tướng-quân, có lẽ chỉ một người : quân đội thì có các hạng : tập lưu là những người bị tội đầy được tập việc binh, giáo sĩ là những binh sĩ thường có giáo luyện, quân tử là những có chí hạnh, thân cận với vua, vua nuôi như con.
Về kinh-tế thì, như chúng ta đã thấy ở trên, Phạm-Lãi bày cho Câu Tiễn làm kế hoạch khuếch trương nông nghiệp và thương nghiệp, cải biến hẳn nền kinh-tế sơ khai của nước Việt.
Nhờ những kế hoạch mới mà nước Việt có đủ lực lượng về quân bị và kinh-tế để đánh nước Ngô. Song tuồng như sự cách mệnh ấy chỉ là ở bề ngoài, chưa chắc đã thay đổi hẳn chế-độ xã hội của nước Việt. Xem như trong khi dự bị báo thù, Câu-Tiễn tự mình cày ruộng mà ăn, vợ Câu-Tiễn tự mình dệt vải mà mặc, thuế má không lấy của dân, những điều ấy chỉ có thể gặp trong chế-độ bộ-lạc chứ không có thể thấy trong tổ chức quốc gia với một hình thức kinh-tế cao được. Có lẽ bấy giờ ở nước Việt vẫn còn di tích của chế-độ thị-tộc mẫu hệ nữa.
Sau khi diệt nước Ngô thì vua Việt xưng bá với các nước ở miền Giang-đông, và tự mình xưng thần với nhà Chu. Nhưng bấy giờ nước Việt có bỏ hẳn chế-độ bộ-lạc mà hoàn toàn theo chế-độ quân-chủ phong kiến không ? Điều ấy chúng ta chưa biết rõ. Chúng ta chỉ biết rằng năm đời sau Câu-Tiễn trong khoảng hơn trăm năm, nước Việt cường thịnh một thời đã suy vi lại, thì bao nhiêu chế-độ chính trị kinh tế bắt chước của người Hán tộc bị trúc đổ hết, mà người Việt lại trở lại chế-độ bộ-lạc với quân trưởng (tức tù trưởng) như xưa mà ở rải rác ở miền Lãnh nam, lại sinh hoạt bằng những hình thái kinh tế sơ khai như trước.