Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Tổng hợp 5 người phụ nữ xấu nhất trong lịch sử Trung Quốc

Ngũ đại xú nhân là một mục xếp hạng để chỉ ra 5 người phụ nữ xấu xí nhất trần đời. Tuy nhiên, ngoài vẻ xấu xí đó, thì 5 người phụ nữ này lại có tài năng, đức độ được nhiều người thuộc nhiều thời đại ca ngợi, không chỉ vậy, thậm chí có người còn được trở thành Hoàng hậu mà phò tá giúp Vua giữ nước. Vậy 5 người phụ nữ đó là ai?

Chung Vô Diệm

Chung Vô Diệm tên thật là Chung Li Xuân, người đất Vô Diệm (nay thuộc phía đông huyện Đông Bình tỉnh Sơn Đông). Thường gọi là Chung Li Vô Diệm, bà là Vương hậu của Tuyên Vương Điền Tịch nước Tề. đúa. Vô Diệm trong tên bà có nghĩa là không đẹp.


Chung Vô Diệm là người đàn bà xấu xí nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, được mệnh danh là một trong Ngũ xú Trung Hoa.

Sinh ra trán cao, mắt sâu, bụng dài, chân thô, mũi hếch, xương cổ lòi ra, cổ to, tóc thưa, bụng phệ, lưng gù, da đen.  Do dung mạo xấu xí, đến 40 tuổi vẫn chưa chọn được người chồng vừa ý. Bà tuy xấu nhưng thông minh tài trí hơn người, là nữ chính trị gia tài giỏi sau này trở thành vương hậu tài đức. Điều đáng kinh ngạc hơn cả là người đàn bà sở hữu vẻ ngoài xấu xí ấy lại trở thành vợ của Tề Tuyên Vương, một ông vua nổi tiếng hiếu sắc trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Tề Tuyên Vương (đầu thế kỷ 3 trước Công Nguyên) là một ông vua nổi tiếng “túng dâm”. Tuyên Vương mê tên nịnh thần Vương Hoàn có tính ham rượu và chơi ngông, bèn cho xây Tuyết Cung, mở vườn săn để thỏa sở thích ngông cuồng. Không những thế, nhà vua còn tín nhiệm nhóm Tắc Hạ quy tụ các triết gia, văn gia, chính trị gia, chuyên đàm thiên thuyết địa, không có gì thực tiễn.

Nhìn nhan sắc của Chung Vô Diệm, ai cũng cười ngặt nghẹo vì bà quá xấu, xấu đến nỗi ‘ma chê quỷ hờn’, không ai muốn nhìn. Nhưng mà lại chẳng sợ mà nói thẳng điều mình muốn nói. (ảnh minh họa)

76 thành viên Tắc Hạ đều được ăn lương Đại phu nhưng không giúp việc triều đình. Thời Tề Tuyên Vương chấp chính, chính trị nước Tề hủ bại, quốc sự tối tăm. Năm 316 trước Công nguyên, Yên Vương đem vương vị trao cho đại thần Tử Chi, dẫn đến đại loạn. Mạnh Kha là khanh tướng của Tề Vương, khuyên Tuyên Vương thừa cơ phạt Yên. Khuông Chương được giao nhiệm vụ lãnh đạo quân Tề tấn công nước Yên.

Sau 50 ngày, Khuông Chương chiếm toàn bộ lãnh thổ nước Yên, giết chết Yên Vương, bắt sống Tử Chi và lóc thịt. Quân Tề còn tru sát bách tính, dân Yên phản kháng khiến Khuông Chương phải triệt thoái. Mạnh Kha khuyên Tề Tuyên Vương lấy cái nhân để mưu đồ bá nghiệp, không nên giết hại dân mà nên lập vua ở đất Yên. Nhưng Tề Tuyên Vương không nghe những lời trung chính. Chính vào thời điểm này, người đàn bà xấu xí bậc nhất Chung Ly Xuân đến quốc đô với quyết tâm can gián Tề Vương, bất chấp cái chết có thể ập xuống đầu mình.

Một hôm, Tuyên Vương đang uống rượu giữa bầy cung nga xinh đẹp, vui chơi ở Tiệm Đài. Chung vô Diệm xin vào yết kiến, tự xưng là người con gái không lấy được chồng của nước Tề, nghe nói Tề Vương là người hiền minh, xin vào hậu cung lo việc quét tước cho vua. Các cung nữ nghe xong bụm miệng cười, Tuyên Vương nghe tâu cũng tức cười nhưng vì lòng hiếu kỳ, ra lệnh cho vào yết kiến. Tuyên Vương hỏi: "Xú phụ! Ngươi sao không chịu ở yên nơi quê hương mà tự tiến lên vua. Phải chăng ngươi có tài nghệ cao kì?". Vô Diệm đáp: "Không dám nói kì tài cao nghệ, chỉ học được thuật ẩn hình, xin vì đại vương hiến chút nghề mọn để giúp vui". Nói xong liền ẩn mình, không ai thấy nữa.

Nhìn nhan sắc của Chung Vô Diệm, ai cũng cười ngặt nghẹo vì bà quá xấu, xấu đến nỗi ‘ma chê quỷ hờn’, không ai muốn nhìn. Nhưng mà lại chẳng sợ mà nói thẳng điều mình muốn nói.

uyên Vương hỏi: “Phi tần trong cung quá nhiều, người nào cũng đẹp, mụ thì xấu quá. Chốn hương đảng chẳng ai hỏi tới mụ. Giờ mụ đến đây xin xỏ ta điều gì? Hoặc mụ có tài gì lạ không?”. Chung Ly Xuân liền trợn mắt, hếch răng, vỗ vào đầu gối bình bịch, nói: “Nguy lắm! Nguy lắm!... Thiếp trợn mắt là thay vua nhìn vào cái nạn binh lửa, hếch răng thay vua trị tội những kẻ chống lại lời can gián, cất tay thay vua đổi kẻ sàm nịnh, vỗ gối thay vua đạp phá yến này”.

Tuyên Vương nghe Ly Xuân nói vậy liền nổi giận, mắng: “Quả nhân làm sao có bốn điều ấy? Mụ nhà quê dám nói càn. Hãy lôi cổ ra ngoài!”. Chung Ly Xuân bình tĩnh nói: “Khoan! Để thiếp kể bốn tội đó của đại vương rồi sẽ chịu chết. Thiếp nghe Vệ Ưởng nước Tần dùng biến pháp canh tân nước Tần thành một cường quốc, không bao lâu họ sẽ đánh ra ải Hàm Cốc, cùng với Tề quyết đề kháng. Tất nhiên, Tề không cự lại Tần. Nay, đại vương trong triều không có lương tướng, ngoài biên thiếu canh phòng. Thần thiếp trừng mắt thấy đại vương thế đó”.

Rồi Chung Ly Xuân lại tiếp lời: “Đại vương tham rượu, đắm sắc, bao nhiêu trang quốc sắc đại vương bắt đem về, bỏ bê triều chính. Người trung nghĩa, bậc trí thức can gián, đại vương không hề nghe. Thần thiếp hếch răng nói với đại vương những lời đó. Bọn Vương Hoàn ưa xu nịnh, đám tắc Hạ khoa ngôn, đại vương tin bọn ấy, lương phạn cứ cấp đủ cho chúng, nhưng nước Tề ta chẳng nhận được gì.

Bệ hạ bị chúng mê hoặc, xã tắc sắp đảo điên, nên thần thiếp mới thay đại vương đuổi bọn chúng! Đại vương xây Tuyết Cung, mở Liệp Uyển làm dân cùng nước kiệt, thiếp vỗ vào gối thay đại vương phá bỏ những thứ ấy đi”. Nói xong những lời can gián ấy, Chung Ly Xuân bèn quỳ lạy mà nói: “Hết lời! Đại vương giết đi”. Trước những lời lẽ thống thiết mà hợp tình, hợp lý của Chung Ly Xuân, Tề Tuyên Vương như bừng tỉnh, bèn than rằng: “Nếu không có lời Chung Ly nữ, ta không bao giờ thấy được những lỗi lầm của mình”.

Vậy là, Tuyên Vương lập tức dẹp bỏ hết yến tiệc, đem Chung Ly Vô Diệm về cung phong làm Vương hậu, đuổi tên Vương Hoàn, giải tán nhóm Tắc hạ... Sau đó, với sự trợ giúp của nàng Chung, vua Tề đã làm cho nước mình trở nên cường thịnh. Người có tài có đức trong thiên hạ thấy nhà vua sủng ái người đàn bà vừa già, vừa xấu nhưng đức hạnh đó càng tin tưởng, ra mặt cống hiến.

Hoàng Nguyệt Anh, vợ Gia Cát Lượng xấu xí nhưng tài giỏi vô cùng




Người ta đọc, xem Tam Quốc Diễn Nghĩa, vốn chỉ biết đến cái tên Khổng Minh Gia Cát Lượng là người tài trí, mưu lược, không mấy ai để ý tới người vợ bên cạnh ông. Nhưng nếu không có người phụ nữ ấy bên cạnh, chưa chắc Gia Cát Lượng đã một lòng một dạ phò tá Lưu Bị như thế.

Người ta đồn, người vợ bên cạnh ông vô cùng xấu xí, và đó là điều khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Người đó là Hoàng Nguyệt Anh, được cho là một trong 5 người xấu nhất lịch sử Trung Quốc, xếp vào ‘Ngũ xú Trung Hoa’.

Gia Cát Lượng là một nhà chính trị, quân sự, chiến lược, ngoại giao kiệt xuất thời Tam quốc. Ông được hậu thế nhắc tới với một niềm kính tôn tột bậc không chỉ bởi trí tuệ và tài năng lỗi lạc, mà còn vì lòng trung nghĩa sắt son.

Gia Cát Lượng (191 - 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, quê tại huyện Dương Đô, quận Lang Nha.

Khi cùng chú chạy loạn tới Tương Dương, Gia Cát Lượng sống cảnh hàn vi nhưng vẫn dùi mài kinh sử, đau đáu một niềm với giang sơn xã tắc. Để khỏa lấp nỗi cô đơn, ông ngao du khắp chốn, kết giao bè bạn, bái kiến các bậc tiền bối, tìm đọc những cuốn sách hay để thu lượm kiến thức.

Nghe nói ở Ngọa Long Cương có viên ngoại họ Hoàng, trong nhà cất nhiều sách quý, Lượng bèn dời tới đây, dựng lều tranh ở gần để tìm dịp hội kiến. Lại thêm, nhà họ Hoàng có cô con gái tên Hoàng Nguyệt Anh, nức tiếng khắp vùng là một tài nữ. Gia Cát Lượng rất muốn gặp gỡ kết giao với nàng. Nhưng Hoàng viên ngoại ra sức ngăn cản. Không nản lòng, Gia Cát Lượng tỏ rõ kiệt tài về học vấn để thuyết phục. Không ngờ, Hoàng Thừa Ngạn tiết lộ, con gái ông có dung mạo xấu xí, rất khó coi, rồi khuyên Gia Cát Lượng nên tìm ý trung nhân tài sắc vẹn toàn.

Bất chấp tin đồn, Gia Cát Lượng vẫn hạ quyết tâm tới nhà họ Hoàng cầu hôn. Để thử thách, Hoàng Nguyệt Anh đưa ra hàng loạt câu hỏi cốt để đức lang quân tương lai bật lên trí tuệ minh mẫn lẫn đức độ của mình. Để chiếm được trái tim người phụ nữ tài giỏi này, Gia Cát Lượng dốc hết tâm lực, tài trí, cuối cùng cũng thuyết phục được thiên kim tiểu thư họ Hoàng.

Tương truyền, bà là người phụ nữ hình dáng thô kệch, thấp bé đen gầy, khuôn mặt đầy rỗ, tuy nhiên lại tài giỏi phi thường.

Tương truyền, vì ham mê võ nghệ, Hoàng Nguyệt Anh theo học danh sư trên núi. Võ nghệ đã luyện xong, bà được sư phụ tặng cho chiếc quạt lông vũ, còn tặng cho hai chữ “minh”, “lượng” và dặn dò: “Tên có hai chữ này chính là đức lang quân như ý của con sau này”.

Khi Gia Cát Lượng tới cầu hôn, bà  bèn tặng cho ông chiếc quạt này rồi hỏi: “Gia Cát tiên sinh, có biết vì sao ta lại tặng ngài chiếc quạt này không?”.
“Phải chăng là 'lễ khinh tình nghĩa trọng' (ý chỉ của ít lòng nhiều)?”, Gia Cát Lượng trả lời.
Thiên kim tiểu thư họ Hoàng lại hỏi: “Liệu còn nghĩa thứ hai?”.
Thấy Gia Cát Lượng suy nghĩ hồi lâu vẫn không đoán ra, bà bèn giảng giải:

“Tiên sinh, ban nãy, khi đàm đạo thiên hạ đại sự cùng cha thiếp, thần thái người rạng rỡ, khí vũ hiên ngang, nhưng nói tới Tào Tháo, Tôn Quyền thì ưu tư lồ lộ ra ngoài. Thiếp tặng tiên sinh chiếc quạt này là để ngài che đi gương mặt lúc ấy”.

Người đời sau vẫn không ngớt lời ca ngợi sự tinh tế, thông minh của bà trong chuyện tặng quạt. Ngụ ý của Hoàng Nguyệt Anh chính là không muốn chồng mưu sự bất thành vì dao động tình cảm, chiếc quạt lông vũ sẽ như thứ bảo bối giúp nhà quân sư che giấu cảm xúc, suy nghĩ thực sự trước đối phương.

Đó cũng là lý do vì sao, Gia Cát Lượng luôn mang theo quạt lông vũ bên mình sau này.

Cũng có giai thoại đồn rằng, Hoàng Nguyệt Anh, vợ Khổng Minh là người phụ nữ xinh đẹp mỹ miều nhưng vì muốn thử lòng quân tử, muốn tìm được một đấng phu quân như ý nên đã phải đeo mặt nạ xấu xí. Thật ra, bà là người có nhan sắc nhiều người phải ghen tị. Và qua nhiều lần thử thách, cuối cùng bà đã chọn được Gia Cát Lượng, là người mà bà nguyện cả đời nâng khăn sửa túi. Sau này, khi ra ngoài, bà vẫn mang mạng che mặt nên người ta cũng không biết thực hư thế nào…

Nhưng một điều mà ai cũng phải thừa nhận đó chính là sự thông minh, tài trí, sắc sảo và sự chu toàn với chồng của mình.

Hoàng hậu Giả Nam Phong


Giả Nam Phong là hoàng hậu dưới triều Tấn Huệ Đế trong lịch sử Trung Quốc. Bà đã thao túng triều đình Tây Tấn, khởi đầu gây ra loạn bát vương kéo dài 16 năm khiến nhà Tấn suy yếu trầm trọng và đi đến diệt vong.



Cha của Giả Nam Phong là Giả Sung – công thần khai quốc nhà Tây Tấn, có công giúp cha con Tư Mã Chiêu – Tư Mã Viêm lật đổ nhà Tào Ngụy. Mẹ là Quách Hoè, nhờ chồng cũng được phong tước Quảng Thành quân.

Giả Sung không có con trai, chỉ sinh được bà và một người em gái là Giả Ngọ.

Khi Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế (265), Giả Nam Phong lên 9 tuổi. Dù người con lớn nhất là Tư Mã Trung có trí tuệ kém phát triển nhưng Tấn Vũ Đế vẫn lập làm thái tử. Năm 271, Vũ Đế tính chuyện kén con dâu. Ban đầu, Vũ Đế định chọn con gái đại thần Vệ Quán cho Trung, nhưng sau đó lại nghe hoàng hậu Dương Diễm khuyên nên lấy con gái Giả Sung. Lúc đó, thái tử Trung lên 13 tuổi, Vũ Đế sai người đến hỏi con gái nhỏ của Giả sung là Giả Ngọ lên 12. Nhưng lúc đó Giả Ngọ quá bé, không mặc vừa áo cưới. Vì vậy, Vũ Đế thấy Giả Sung có con gái lớn là Giả Nam Phong đã lên 15 tuổi, bèn cho lấy thái tử. Từ đó Giả Nam Phong trở thành thái tử phi.

Theo như những gì sử sách chép lại, Giả Nam Phong có thân hình lùn, chỉ cao chừng 1m40, người cục mịch, chân vừa ngắn vừa to, lưng gù, da đen, răng vẩu. Các nét trên mặt không cân đối với cái mũi tẹt và hếch, đôi môi dày thâm sì, vẻ mặt trông dữ tợn và nanh ác. Người ta thường nói rằng toàn bộ cái xấu mà trời đất có thể gom góp được đều tụ lại hết ở Giả Nam Phong. Và điều kinh khủng hơn cả là tâm địa của người đàn bà này cũng đen tối, xấu xa như vẻ bên ngoài của bà ta.

Trước khi cưới Giả Nam Phong, Tư Mã Trung đã được vua cha ban cho cung nhân Tạ Cửu. Tạ Cửu được phong làm Tài Nhân. Giả Nam Phong chỉ sinh được 4 công chúa, còn Tài nhân Tạ Cửu lại sinh được người con trai là Tư Mã Duật. Sau khi diệt được Đông Ngô, Tấn Vũ đế sa vào hưởng lạc, ít chú ý đến triều chính. Thấy Tư Mã Trung trí tuệ kém, Vũ đế cũng có lo ngại về người kế vị, bèn làm phép thử. Vũ đế giao cho Trung phê thử một tập tấu sớ của các quan. Giả phi Nam Phong lo sợ chồng bị phế sẽ mất ngôi hoàng hậu trong tương lai nên tìm cách sai người làm hộ cho Tư Mã Trung.

Nội thị Trương Hoằng khuyên rằng:
Hoàng thượng biết Thái tử không giỏi chữ, nếu viết uyên bác quá sẽ lộ ra là nhờ người làm hộ.

Giả Nam Phong bèn nhờ Trương Hoằng lại khéo léo dùng lối văn chân phương nông cạn để diễn đạt. Tư Mã Trung cứ thế theo bài mẫu chép lại và mang nộp cho vua cha. Tấn Vũ đế cho rằng Trung cũng ít nhiều có hiểu biết nên tạm gác việc thay thái tử.

Hoàng hậu Giả Nam Phong hoành hành trong cung, nhiều lần giết hại người hầu. Bà còn hại của cung nữ có thai với Thái tử khiến cô ta sảy thai.

Vì nhiều hành động độc ác của mình, bà đã bị Tấn Vũ đế nghĩ tới việc phế bỏ nhưng vì nể cha bà là đại thần nên lại cho bà tại vị. Cũng vì thế đã tạo ra một người đàn bà độc ác dã man trong lịch sử. Con cả của Trung là Tư Mã Duật còn nhỏ đã tỏ ra là người thông minh lanh lợi, khiến Vũ Đế rất yêu quý. Vệ Quán nhiều lần khuyên Tấn Vũ đế nên thay ngôi thái tử. Vũ đế cho rằng tuy con dốt nhưng cháu giỏi thì sau này có thể giúp con, vì vậy càng thôi ý định thay thái tử.

Năm 290, Tấn Vũ Đế mất, Tư Mã Trung lên nối ngôi, tức là Tấn Huệ Đế. Giả phi được làm hoàng hậu. Cha Dương thái hậu là Dương Tuấn, tức là ông ngoại của Huệ Đế làm chức Thái phó phụ chính. Huệ Đế lúc đó đã 32 tuổi nhưng vẫn ngờ nghệch.

Giả hậu thấy vua Huệ Đế ngây ngô, muốn đoạt quyền hành. Nhân các vương họ Tư Mã bất bình vì ngoại thích Dương Tuấn nắm quyền, Giả hậu bèn cùng Đông An công Tư Mã Do và Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng bàn mưu kết tội Dương Tuấn chuyên quyền.

Năm 292, Do và Lượng theo lệnh Giả hoàng hậu làm binh biến vây bắt Dương Tuấn. Dương thái hậu trong lúc nguy cấp bèn viết thư vào vải gấm, sai buộc vào tên bắn ra ngoài để kêu gọi người đến cứu cha. Nhưng bức thư bị quân của Tư Mã Do bắt được. Do và Lượng bắt giết cả nhà Dương Tuấn. Giả hậu vốn hận Dương thái hậu, lấy chứng cứ bức thư gấm để kết tội Dương thái hậu cùng mưu phản nghịch với Dương Tuấn, vì vậy Dương thái hậu cũng bị kết tội và bị phế.

Tư Mã Lượng và Tư Mã Do cầm quyền trong triều, nhưng hai người sinh mâu thuẫn. Lượng sai người gièm pha Do với Giả hậu, Giả hậu bèn cách chức Do. Lượng tiến cử Sở vương Tư Mã Vĩ cùng lão thần Vệ Quán thay chức của Do.

Sau một thời gian, chính Vĩ lại lấn át quyền của Lượng. Lượng tức giận bàn mưu với Vệ Quán trừ Vĩ, nhưng việc bại lộ. Vĩ nói vu với Giả hậu rằng Vệ Quán và Lượng mưu phế Giả hậu. Giả hậu tức giận bèn sai Vĩ vây bắt, giết chết cả nhà Vệ Quán và Tư Mã Lượng. Sau Giả hậu mới biết Lượng bị vu cáo, lại thấy Vĩ chuyên quyền nên ghét Vĩ, lại thương Lượng và Vệ Quán bị oan. Nghe lời Trương Hoa, Huệ Đế và Giả hậu sai tướng Vương Cung phục binh bắt giết Vĩ tại triều.

Ngoài chuyên quyền, Giả Hoàng hậu còn được cho là người đàn bà hoang dâm trong lịch sử. Bà thường cho truyền gọi những người đàn ông cao to bên ngoài vào để hưởng lạc. Sau khi xong việc, những người này đều bị giết để giữ bí mật cho bà.

Sau này, bà còn mưu đồ giết cả thái tử vì sợ thái tử lên ngôi bà sẽ mất ngôi vị của mình, mất quyền lực. Bà chúc rượu cho thái tử say và bắt chép thư phản nghịch. Mưu đồ của bà đã thành. Nhưng cũng chính vì hành động này mà sau này, Tư Mã Luân – ông chú của Huệ Đức đã khởi binh dẹp loạn.

Tháng 4 năm 300, Luân hợp sức với Tề vương Tư Mã Quýnh là cháu gọi Vũ Đế bằng bác. Hai người mang quân vào cung bắt sống Giả hậu và giết các phe cánh là Đổng Mãnh, Tôn Lự và tình nhân Trình Cứ. Các đại thần Trương Hoa, Bùi Ngỗi cũng bị bắt và xử chết trong vụ này.

Giả hậu bị phế làm thứ nhân và bị giam ở thành Kim Dung. Ngày 9 tháng 4 năm đó, bà bị Tư Mã Luân sai người mang rượu độc đến ép tự vẫn. Năm đó bà 44 tuổi.
Loạn bát vương vẫn tiếp diễn nhiều năm sau dẫn tới sự suy sụp của nhà Tây Tấn.

Mô Mẫu, nhan sắc ‘quỷ dạ xoa’



Mô Mẫu là người phụ nữ được cho là xấu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, bà xấu xí vô cùng, đến người khác nhìn cũng phải khiếp sợ, xấu như quỷ Dạ Xoa (vốn là nhân vật được ví với sự xấu tột cùng, không còn lời nào để nói). Nhưng xét về đức hạnh, người phụ nữ này lại được ca ngợi vô cùng vì cách ứng xử, đối nhân xử thế với người đời. Không những vậy, bà còn là người phụ nữ có trí tuệ, hiền đức. Vì thế bà đã được Hoàng Đế cưới làm vợ.

Hoàng Đế là nhân vật mở đầu cho lịch sử viễn cổ Trung Hoa, là một trong ba vị vua thời thái cổ của Trung Quốc (bên cạnh Phục Hy, Thần Nông). Ông họ Công Tôn, tên Miên Viên, cũng có họ khác là Hùng thị. Trong cuộc đời mình, Hoàng Đế lấy 4 người vợ, đó là Luy Tổ, Phương Lôi Thị, Đồng Ngư Thị, Mô Mẫu, và có tổng cộng 25 người con.

Về sau, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu, Thuấn trở thành những nhân vật lỗi lạc, kế tục sự nghiệp của Hoàng Đế. Một trong các bà vợ của ông là Mô Mẫu và đây cũng được xem là người đàn bà xấu nhất trong lịch sử cổ đại Trung Quốc. Mô Mẫu vô cùng xấu xí, nhan sắc của bà thậm chí còn được ví với quỷ dạ xoa. Trong “Tứ tử giảng đức luận”, Hán Vương Tử Uyên có nói: “Mô mẫu người lùn, dù hiền lành nhưng vẫn không giấu nổi (bộ mặt) xấu.

Tuy nhiên, ẩn bên trong nhan sắc xấu xí kinh hoàng ấy lại là một trí tuệ vượt bậc và một trái tim hiền đức. Đức hạnh của Mô Mẫu được phụ nữ đương thời ca ngợi. Trong “Cửu chương, tích vãng nhật”, Khuất Nguyên đã đánh giá Mô Mẫu rất cao cả về trí tuệ lẫn tâm hồn. Nhà thơ Khuất Nguyên khi viết về bà đã dành những lời thơ đẹp nhất, ca tụng bà là một người phụ nữ hoàn hảo. Và cũng chính vì thế mà Hoàng Đế đã cưới một người đàn bà có nhan sắc xấu xí như vậy làm vợ mình.

Truyền thuyết nói rằng, những chiến công của Hoàng Đế như đánh bại Viêm Đế, giết Xuy Vưu đều có sự góp công, góp sức của Mô Mẫu. Không phụ kỳ vọng của chồng, ngoài khả năng thực thi chính sách đức hóa, Mô Mẫu còn hiệp trợ đắc lực Hoàng Đế trải qua 52 trận chinh chiến, đánh bại Xuy Vưu, hàng phục Thần Nông, bình định thiên hạ, thống nhất 3 đại bộ lạc, kết thúc thời kỳ hỗn mang, kiến dựng quốc gia đầu tiên có chủ quyền trên thế giới. Mô Mẫu luôn tận tụy giúp đỡ Hoàng Đế từ phía sau.

Bà âm thầm, lặng lẽ làm mọi công việc để Hoàng Đế có thể yên tâm đánh bại kẻ thù. Do đó, những thắng lợi của Hoàng Đế trong các trận chinh chiến, hợp nhất các bộ lạc để yên lòng thiên hạ, đưa Trung Quốc cổ đại tiến đến thời kỳ văn minh hơn… có đóng góp không nhỏ của Mô Mẫu. Hoàng Đế được coi là vị vua đầu tiên của Trung Quốc tỏ ra tôn sùng vẻ đẹp nội tâm thay vì vẻ bề ngoài. Như vậy, cũng có thể nói Mô Mẫu góp phần rất quan trọng trong sự nghiệp khai mở một thời đại văn minh trong lịch sử dân tộc Trung Hoa.

Mạnh Quang

Câu nói “Tay nâng ngang mày” chính là câu thành ngữ nói về nàng Mạnh Quang vợ của hiền sĩ Lương Hồng đời Đông Hán. Tương truyền, Mạnh Quang là người phụ nữ xấu xí với vóc dáng to béo, da ngăm đen, khỏe như đàn ông khi có thể bê cả một cối đá. Thế nhưng, Lương Hồng, một người vô cùng có danh tiếng về trí tuệ lại từ chối tất thảy con gái nhà danh giá và một mực chỉ muốn lấy Mạnh Quang làm vợ.

 Sử xưa kể lại, mỗi lần Lương Hồng đi làm về, Mạnh Quang đều dâng mâm cơm lên cao tới ngang mày để thể hiện lòng kính trọng với chồng. Có sách ghi rằng, về sau hai vợ chồng bà đã lên núi ở ẩn, chồng cày cấy, vợ dệt vải, ngày ngày ngâm thơ đàn hát, sống cuộc sống thanh bần mà hạnh phúc mãi về sau.