IV. BÁCH VIỆT
Từ trước thời kỳ nước Việt đương cường thịnh ở Chiết-giang, người Việt-tộc ở miền lưu vực sông Dương-tử (riêng là người Giao-chỉ và Việt-thường) đã có thể đi qua các đèo ở giải Nam-lãnh mà di cư rải rác đến miền Nam, trong các thung lũng những sông lớn ở các tỉnh Quảng-tây, Quảng-đông và Phúc-kiến ngày nay. Chúng ta lại biết rằng hơn trăm năm sau Câu-Tiễn, (năm thứ 46 đời Chu Hiến-vương, tức năm 333 tr.k.ng.), nước Việt bị nước Sở diệt, từ đó người Việt lìa tan xuống Giang-nam, rải rác ở miền bờ biển và lục địa. Ở đấy họ gặp những người đồng tộc đã di cư đến từ trước. Song người nước Việt có lẽ đã đạt đến một trình độ văn-hóa cao hơn, cho nên sau khi họ hỗn cư với những thị-tộc chiếm ở miền Nam trước họ, thì họ đã đem đến đó một hình thức chính-trị, và có lẽ một hình thức kinh-tế cao hơn. Những nhà quí-tộc người Việt cũ hợp tàn chủng của họ với các nhóm Việt-tộc cũ, hoặc lập thành những bộ-lạc lớn mà tự xưng là quận trưởng (tù trưởng), hoặc lập thành những quốc-gia phôi thai mà tự xưng vương. Những bộ-lạc hay quốc-gia do các nhà quí-tộc người Việt lập ở miền Lãnh-nam, người Hán-tộc gọi chung họ là Bách Việt. Đại khái buổi đầu, những nhóm quan trọng ở miền Chiết-giang Phúc-kiến đều thần phục nước Sở, mà những nhóm ở xa hơn trong miền Quảng-tây, Quảng-đông và Bắc-kỳ thì không bị Sở ky mi.
Cái vận mệnh lịch-sử của các bộ-lạc và quốc-gia Việt-tộc ấy là thế nào, chúng ta không thể biết hết được. Có lẽ các bộ-lạc nhỏ dần dần bị các bộ-lạc lớn thôn tính, cho nên số các bộ-lạc linh tinh một ngày một giảm ít đi, mà sử sách chỉ chép có năm nhóm quan trọng, sau này đã đạt đến hình thức quốc-gia là : Đông-Việt hay Đông-Âu, Mân-Việt, Nam-Việt, Tây-Việt hay Tây-Âu và Lạc-Việt.
Ở chương này chúng tôi chỉ xin nói về ba nhóm Đông-Việt, Mân-Việt và Nam-Việt là các nhóm sau này lần lượt bị đồng hóa theo Hán tộc, còn nhóm Tây-Âu và nhất là nhóm Lạc-Việt, hai nhóm ấy sau này hợp thành nước Âu-Lạc đã ghi dấu trên Lịch-sử lâu bền hơn, chúng tôi sẽ nói riêng ở chương sau.
*
Đông-Việt và Mân-Việt. – Hai nhóm ấy có tự bao giờ, chúng ta chưa biết đích xác được. Chúng ta chỉ có thể đặt sự thành lập chính thức của nó vào thời gian sau khi nước Việt bị diệt (năm 333) và trước khi nhà Tần chinh phục Bách-Việt (năm 218).
Sau cuộc nhà Tần thống nhất Trung-hoa thì cương vực của địa bàn người Hán-tộc có thể lấy giải Nam-lãnh làm giới tuyến phía Nam. Sau khi Tần đặt 36 quận ở đất trung nguyên thì, vào khoảng năm 218, Thủy-hoàng phát quân, gồm những hạng người lưu vong rể thừa và lái buôn, chia làm 5 đạo cho đi chinh phục đất Bách Việt. Trong 5 đạo ấy, đạo thứ năm tụ tập trên sông Dư-can, trong tỉnh Giang-tây, ở phía nam hồ Phiền dương, là đạo quân nhằm đánh Đông-Việt và Mân-Việt là hai nhóm người Việt đã có hình thức quốc-gia phôi thai, vốn thần phục nước Sở, đã nhân cuộc nội loạn ở Trung-quốc mà độc-lập.
Nhóm Đông-Việt hay Đông-Âu thì trung tâm điểm là miền Vĩnh gia, thuộc Ôn châu trong tỉnh Chiết giang ngày nay, về phía nam Tam-môn loan. Nhóm Mân-Việt thì trung tâm điểm là miền Mân-huyện, thuộc Phúc-châu trong tỉnh Phúc-kiến ngày nay.
Có lẽ hai nước Đông-Việt và Mân-Việt vì tiếp cảnh với nhà Tần nên vốn đã sợ oai, nay thấy quân Tần kéo đến thì không giám chống cự kịch liệt nên quân Tần thắng lợi rất mau, chỉ trong năm đầu nhà Tần chinh phục được hai nước, gồm lại mà đặt quận Mân-trung, hạ vua hai nước xuống làm quân-trưởng (tù trưởng) để trong nom dân Việt.
Về sau, trong khi chư hầu phản nhà Tần, tù trưởng Đông-Việt và Mân-Việt đều theo chư hầu mà đánh Tần, rồi lại giúp Hán đánh Sở. Vì vậy đến năm thứ 5 đời Cao-đế (202) thì nhà Hán thưởng công, phong cho tù trưởng Mân-Việt là Vố-Chứ làm Mân-Việt-vương, trị đất Mân-trung cũ, đô ở Đông-dạ (Mân-huyện ngày nay). Năm thứ 3 đời Huệ-đế (192) nhà Hán lại chia đất Mân-trung cũ mà đặt thêm nước Đông-hải và, cũng để thưởng công, phong tù trưởng Đông-Việt là Dao làm Đông-hải-vương, đô ở Đông-Âu (miền Vĩnh-gia), tục gọi là Đông-Âu-vương.
Các nhóm Bách-Việt vốn hay đánh nhau – đó chẳng qua là tác dụng của cái xu thế thống nhất của các dân tộc – cái thói tương tranh ấy vốn có thể cổ lệ cái lòng hiếu dũng cho dân tộc nhưng cũng có thể lưu lệ mà thành cái mối tự thân phân liệt được. Chúng ta nhớ lại, đương khi nước Việt quật cường thì cái hoài vọng của họ là phát triển về phương Bắc để xưng hùng với trung-nguyên. Sau khi nước Việt diệt vong, cố nhiên người Việt không thể lăm le nhòm ngó trung-nguyên như trước nữa, nhưng cái hoài vọng ngấm ngầm của các tù trưởng lớn tuồng như cũng cứ chờ có thời cơ thì lại tung hoành về Bắc. Trong khi chờ đợi thời cơ thì họ cố khuếch trương thế lực ở đồng tộc, cho nên trong các nhóm Bách-Việt người ta thấy diễn ra cái hiện tượng tương khuynh. Sự tranh dành giữa hai nhóm Đông-Việt và Mân-Việt là cái lệ chứng rõ ràng của hiện tượng ấy, mà chính là cơ hội rất tốt cho nhà Hán kiêm tính Bách-Việt.
Ở buổi Hán sơ, Đông-Việt và Mân-Việt tuy thần phục nhà Hán, nhưng cái chí nhòm ngó miền Bắc, nếu có cơ hội thì cũng không ngại múa men. Khi Ngô-vương là Tỵ phản nhà Hán, Đông-Việt và Mân-Việt cũng có phát binh tiếp ứng ; khi Hoài-nam-vương Lệ làm phản, cũng có câu kết với hai nước ấy. Trong hai nước thì Mân-Việt là đáng cho nhà Hán sợ hơn cả. Sau khi nhà Hán đã dụ được Đông-Việt giết Ngô-vương Tỵ mà hàng phục Hán, con Tỵ là Tử-Câu xui Mân-Việt đánh Đông-Việt năm thứ 3 đời Vũ-đế (138), Mân-Việt bèn phát binh hãm Đông-Âu. Đông-Việt cầu cứu với nhà Hán, tướng Hán là Nghiêm-Trợ phát binh tiếp cứu nhưng quân Hán chưa đến nơi thì quân Mân-Việt đã rút lui về Nam, vì trong nước bấy giờ họ có nội loạn. Nghiêm-Trợ đến Đông-Âu muốn diệt nước Đông-Việt để trừ hậu hoạn, bèn lấy danh nghĩa di dân để cứu nạn đói mà dời một phần dân chúng Đông-Âu đến miền Giang-Hoài. Có lẽ một phần dân Đông-Việt đã chống cự lệnh di dân ấy mà theo vua họ chạy xuống miền Nam ở gần, Tuyền-sơn tỉnh Phúc-kiến ; sau đó 15 năm thì họ bị nhà Hán diệt hết. Thế là nước Đông-Việt mất hẳn.
Sau khi Mân-Việt thất bại ở Đông-Âu, năm thứ 6 hiệu Kiến-Nguyên (135), họ lại đem binh đánh nước Nam-Việt ở miền Nam. Nước này cũng cầu cứu nhà Hán. Tướng Hán là Vương-Khôi do đường Dự-chương và Hàn-An-Quốc, do đường Cối Kê, cùng tiến quân vào Mân-Việt. Nhưng quân Hán chưa qua đèo mà Mân-Việt, lại vì nội loạn, phải đầu hàng.
Nam-Việt. – Nhóm Nam-Việt, cũng như Đông-Việt và Mân-Việt, xuất hiện sau khi nước Việt bị diệt. Trong năm đạo binh của nhà Tần phát đi đánh Bách-Việt, thì đạo thứ tư, phát tự Nam đã ở phía nam Dự-chương, do đường đèo Đại-du (nay là đèo Mai-lãnh), tiến vào miền tỉnh Quảng-đông là địa bàn của nhóm Nam-Việt. Có lẽ đạo quân thứ năm, sau khi chiếm được Đông-Việt và Mân-Việt rồi, lại luôn đường, theo đường bờ biển, do đèo Yết-dương mà thẳng xuống Phiên-ngung (Quảng-châu ngày nay). Các đạo thứ nhất, thứ nhì và thứ ba thì tiến vào phía Tây Bắc miền Quảng-đông và phía Bắc miền Quảng-tây cũng dễ dàng. Nhưng sau những cuộc thắng lợi đầu tiên thì quân Tần gặp nhiều khó khăn, một là vì thiếu đường tiếp tế quân lương hai là vì gặp người Việt nhất là người Tây-Âu ở miền nam Quảng-tây chống cự dữ dội, khiến quân Tần trong ba năm bị khốn đốn chết chóc rất nhiều. Song tuy không tiến quân xâu được, nhà Tần cũng sắp đặt việc cai-trị ở các miền đã chiếm được. Chúng ta đã biết rằng tại đất Đông-Việt và Mân-Việt họ đặt quân Mân-trung tại miền Quảng-đông và Quảng-tây thì họ đặt ba quận Nam-hải, Quế-lâm và Tượng. Sau khi đặt các quận huyện, năm 214, nhà Tần sai Triệu-Đà đem quân bị đày xuống giữ đất Việt, cho ở lộn lạo với người Việt-tộc, rồi cử Nhâm-Ngao làm Đô-úy quận Nam-hải, cử Triệu-Đà làm Lệnh huyện Long-xuyên trong quận ấy. Có lẽ các nhóm Việt-tộc mà người ta gọi chung là Nam-Việt bấy giờ là những bộ-lạc rời rạc, không tổ chức thành quốc gia. Quân Tần tiến vào đến trung tâm điểm của họ là Phiên-ngung tổ chức việc hành chính ở đó rất dễ dàng, chia đất mới chiếm thành quận huyện (quận Nam-hải) và đặt toàn người Hán-tộc cai quản.
Về sau nhân Trung-quốc có loạn, hào kiệt và chư hầu nổi dậy đánh nhà Tần, Triệu-Đà nghe theo lời trối của Nhâm-Ngao, truyền hịch đóng các cửa ải thông với Trung-quốc rồi đánh lấy quận Quế-lâm và Tượng họp vào quận Nam-hải mà lập nước Nam-Việt, tự xưng là Nam-Việt Vũ-vương, lấy người tay chân là người Hán-tộc mà thống suất người Việt-tộc.
Sau khi nhà Hán đã diệt Tần mà thống nhất Trung-hoa, Triệu-Đà quy phục nhà Hán. Sang đời sau, đời Triệu-Hồ Mân-Việt đem quân đánh biên thùy Nam-Việt như chúng ta đã biết. Cuộc tương tranh giữa hai nhóm Việt này chính là cơ hội nhà Hán lợi dụng để diệt cả hai nhóm.
Năm thứ 5 hiệu Nguyên-đinh (112), nhân việc nhà Hán mưu dụ Nam-Việt nội thuộc, đại thần Nam-Việt là Lữ-Gia cùng đồ đảng phản đối, nhà Hán bèn phát quân định dùng vũ lực để chinh phục. Bấy giờ vua Mân-Việt hứa đem binh theo quân Hán để đánh Lữ-Gia, nhưng sau khi quân Hán đã chiếm được Phiên-ngung mà quân Mân-Việt vẫn không đến, nhà Hán bèn phát binh đánh Mân-Việt. Lại nhân nội loạn, Mân-Việt phải đầu hàng, nhà Hán bèn dời một phần lớn dân Việt đến miền Giang-Hoài để trừ mối lo về sau, thế là Mân-Việt mất nước.
Còn nước Nam-Việt, thì sau khi mất thủ đô vào tay quân Hán, nước ấy cũng bị nhà Hán kiêm tính, Đất Nam-Việt cũng như đất Đông-Việt và Mân-Việt đều bị chia làm quận huyện.
Người Đông-Việt và Mân-Việt, một phần lỡn bị cưỡng bức di cư đến miền Giang-Hoài, nên dần dần đồng hóa hẳn theo Hán tộc. Người Nam-Việt tuy không bị di cư nhưng từ đời nhà Tần, họ đã ở chung lộn với mấy vạn quân chinh phục Hán tộc cùng với một vạn năm nghìn đàn bà Hán tộc mà Triệu Đà được nhà Tần cấp cho để may vá cho quân sĩ, cho nên chúng ta có thể nói rằng ngay trong thời nước Nam-Việt cường thịnh, người Việt-tộc ở Nam-Việt cũng đã đồng hóa rất nhiều theo Trung-quốc rồi.
*
Trước khi nói riêng về nhóm người Lạc-Việt ở miền Bắc-kỳ, chúng ta hãy xét qua trạng thái sinh hoạt của người Bách-Việt ở miền Hoa-nam. Những sự phát quật cổ tích ở miền này rất là hiếm hoi, người ta chưa có những sử liệu trực tiếp để nghiên cứu văn hóa của người Bách-Việt, chỉ có thể căn cứ vào những tài liệu gián tiếp rải rác trong sách xưa, như sách Sử-ký, sách Hán-thư, và nhất là tác phẩm của Hoài-nam vương Lưu-An là người đời Hán sơ, vì ở miền tiếp cánh với đất Bách-Việt nên rất am hiểu sự tình đất ấy. Lưu-An nói rằng « người Việt không có thành quách, thôn ấp ; họ ở trong khoảng khe hang, trong vùng lau trúc. Họ quen thủy chiến mà giỏi dùng thuyền » (Thư của Lưu-An gửi cho Hán Vũ-đế), lại nói rằng họ « làm việc trên cạn ít, dưới nước nhiều, cho nên họ cạo tóc xăm mình… đóng khố ngắn, không mặc quần để tiện bơi lội, tay áo ngắn mà xắn lên để tiện chèo thuyền ». Xem thế thì chúng ta thấy rằng sinh hoạt vật chất của người Bách-Việt cũng không khác sinh hoạt của người nước Việt mấy. Cũng như người Việt, họ lấy nghề chài lưới làm nghề chủ yếu. Trong các thung lũng trên bờ sông bờ biển và ở giữa hồ đầm, người Bách-Việt hẳn cũng làm nhà sàn nhà gác bằng tre và gỗ. Quần áo của họ có lẽ cũng giống quần áo của người Mường người Mọi ngày nay, và làm bằng vải đay hay vải gai. Ở đảo Hải-Nam cũng là nơi thuộc trong địa bàn của người Bách-Việt, sách Hán-thư chép rằng đàn ông thì cày ruộng trồng lúa nếp, lúa tẻ, cây đay cây gai, đàn bà thì trồng dâu nuôi tằm. Có lẽ ở miền đồng bằng trong lưu vực sông Tây-giang, miền Quảng-đông và Quảng-tây, người Bách-Việt cũng đã làm ruộng theo kỹ thuật thô sơ như ở Hải-nam.
Về kỹ thuật thì người Bách-Việt hẳn cũng đã biết kỹ thuật đồ đồng như người Ngô-Việt, nhưng ở miền Bách-Việt này chắc là kỹ thuật đồ đồng và đồ gốm còn kém kỹ thuật ở miền trên.
Bách-Việt, miền rất giầu sản vật quý báu vốn làm mồi nhử lòng tham vọng của người Trung-quốc. Những sản vật quý báu ấy đại khái là : sừng tê, ngà voi, đồi mồi, chân trâu, ngọc cơ, bạc, đồng, trái cây (quả nhãn và quả vải), vải gai. Người Bách-Việt đã biết nuôi ngũ súc là bò dê lợn gà chó ; vì ít giao thông bằng đường bộ nên họ không dùng ngựa.
Họ không thạo nghề thương mại, song người Trung-quốc đem thuyền buôn đến mua vật thổ sản, nhất là ở miền Quảng-đông, cho nên Phiên-ngung là một nơi đô hội lớn. Những thị trấn khác như Hợp-phố, Từ-văn cùng là nơi thuyền buôn Trung-hoa hay lui tới.
Về kiến-trúc, chúng ta không rõ người Bách-Việt đã biết làm gì. Lưu-An nói họ không có thành ấp, tất họ không có thành trì như người nước Việt trong thời cường thịnh, mà chỉ nhờ địa thế hiểm trở mà phòng địch thôi.
Về văn-hóa tinh thần, hẳn rằng người Bách-Việt cũng không khác người nước Việt mấy. Người Hán-tộc cũng cho họ là khinh bạc, và hiếu chiến.
Về chế độ xã-hội thì có lẽ phần nhiều các nhóm Bách-Việt vẫn còn ở giai đoạn thị-tộc, nhưng trình độ của chế độ ấy thì tùy từng nhóm mà khác nhau. Có lẽ ở các nhóm Đông-Âu và Mân-Việt, là những nhóm tiến bộ hơn hết, thì chế độ thị tộc đã tiến đến trạng thái gia-tộc rồi. Song tại các bộ-lạc nhỏ hơn các miền rừng núi thì chế-độ thị-tộc đương còn lạc hậu ở thế kỷ mẫu-hệ.
Về tổ chức chính trị thì ở đời Tần, chúng ta đã thấy các nhóm Đông-Âu, Mân-Việt đã muốn đạt đến hình thái quốc-gia, song chưa đạt đến tình trạng thịnh trị như nước Việt ở đời Xuân-thu Chiến-quốc. Có lẽ tại miền Bách-Việt, chế độ chính trị hãy còn ở nửa chừng giữa chế-độ bộ-lạc và chế-độ quốc gia phong kiến.
Đến khi xét về văn-hóa của người Lạc-Việt, chúng ta sẽ có cơ hội nhắc lại văn hóa Bách-Việt kỹ hơn.