Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM (II) GIAO-CHỈ VÀ VIỆT-THƯỜNG

II. GIAO-CHỈ VÀ VIỆT-THƯỜNG
Ở đời thái-cổ – đời Nghiêu Thuấn Hạ Thương trong lịch-sử Trung hoa – trong khi người Hán-tộc đương còn quanh quẩn ở lưu vực sông Hồng-hà và sông Vỵ-thủy, thì ở miền Nam, trong khoảng lưu vực sông Dương-tử, sông Hán và sông Hoài, có những người văn hóa khác hẳn với văn hóa của người phương Bắc, mà trong thư tịch xưa của Trung-hoa người ta gọi chung bằng tên Man Di. Từ đời Nghiêu Thuấn (đại khái thế kỷ 20 về trước) người Hán tộc sống trên tảng đất hoang thổ phì nhiêu đã biết kinh tế nông nghiệp rồi. Người Man Di ở phương Nam, sống trong các rừng, các đầm và hai bên bờ sông, trên bờ biển, thì còn sinh hoạt bằng nghề săn bắn, nhất là nghề đánh cá. Theo các thư tịch xưa thì cái phong tục đặc thuộc của người Man Di – có lẽ là của những nhóm Man Di làm nghề đánh cá ở hai bên bờ sông lớn – là tục cắt tóc xăm mình. Người ta giải thích tục ấy rằng vì người Man Di phần nhiều sinh hoạt ở trong nước, thường bị loài giao long, tức thuồng luồng, là loài cá sấu lớn ở miền Dương-tử, làm hại, nên họ xăm mình thành hình trạng giao long để khi họ lặn xuống nước, loài giao long tưởng họ là đồng chủng bèn không làm hại nữa. Còn tục cắt tóc có lẽ là để lặn lội cho thuận tiện.
Trong các nhóm người Man Di ở rải rác trong miền lưu vực sông Dương-tử, có một nhóm từ đời Nghiêu Thuấn đã giao tiếp với người Hán tộc là dân tộc khai hóa sớm hơn họ. Người Hán tộc thường gọi họ là người Giao-chỉ. Đem đối chiếu những điều thư tịch xưa chép về đất Giao-chỉ, người ta có thể nhận định đất ấy ở về miền tỉnh Hồ-nam ngày nay, ở quanh miền hồ Động-đình, giáp với giải Nam-lãnh…
NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM (II) GIAO-CHỈ VÀ VIỆT-THƯỜNG
Tại sao người Hán tộc lại gọi nhóm Man Di ấy là người Giao-chỉ ? Theo chúng tôi suy cứu thì tên ấy hẳn có quan hệ với tục xăm mình. Như chúng ta đã biết, những nhóm Man Di ở miền sông Dương-tử xăm mình thành hình trạng giao long để cho giao long lộn họ là đồng chủng. Về sau, vì người ta cố làm cho giống hình giao long, rồi dần dần phát sinh mối tin tưởng rằng chính mình là đồng chủng với giao long, chính mình do tổ tiên là giao long sinh ra, thế là phát sinh quan niệm tô-tem, nhận giao long là vật-tổ. Có lẽ khi người Hán tộc tiếp xúc với nhóm người Man Di làm nghề đánh cá ở miền Hồ-nam, thấy họ có tục xăm mình thành hình trạng giao long và thờ giao long làm vật-tổ, cho họ là « người giao long », nên gọi miền họ ở là Giao-chỉ, tức là miền đất của giống người Giao-long.
Chúng ta đã biết rằng người Giao-chỉ làm nghề đánh cá, có tục cắt tóc xăm mình và thờ giao long làm vật-tổ. Ngoài nghề đánh cá là nghề chủ yếu, có lẽ những người Giao-chỉ ở những nơi chân núi đất cao và nơi đầm lầy bồi cạn đã biết nghề trồng trọt, làm ruộng cấy lúa. Ở khoảng giữa hồ Động-đình và hồ Phiên-dương, từ đời Nghiêu Thuấn về trước đã có một nhóm người mà trong sách xưa người ta gọi là Tam-Miêu biết nghề làm ruộng trồng lúa rồi. Người Giao-chỉ ở trên một phần đất của người Tam-Miêu xưa hẳn cũng đã biết cách làm ruộng.
Về kỹ thuật, người ta chưa biết người Giao-chỉ dùng những đồ gì để đánh cá. Người ta cũng không biết rõ họ dùng những thứ cuốc gì, bằng gỗ hay bằng đá, để làm ruộng. (Những đồ làm ruộng đào được ở Ngưỡng-thiều, tỉnh Hà-nam, ở lưu vực Hoàng-hà, thuộc về thời Nghiêu Thuấn, toàn bằng đá), vì hiện nay chưa có cuộc khai quật nào phát hiện những di tích sinh hoạt của họ còn chôn kín trong đất. Người Hán-tộc ở đời Thương đã biết nung đồ gốm đồ đồng rất tinh xảo. Các kỹ nghệ ấy có thể truyền xuống miền Nam cho người Giao-chỉ không ? Điều ấy chưa có chứng cứ gì xác nhận. Dẫu sao, với nghề đánh cá và nghề canh nông, cùng chế-độ vật tổ là đặc tính của xã hội thị-tộc, người ta có thể nói rằng văn hóa của người Giao-chỉ bấy giờ ít ra cũng là ở cuối đời đồ đá cũ và đầu đời đồ đá mới. Tuy người ta chưa tìm được di tích gì về nhà ở của giống người ấy, nhưng cũng có thể theo những sở đắc phổ thông của tiền sử-học mà đoán rằng họ làm nhà bằng cành cây hay bằng tre (theo thiên Vũ-cống thì ở miền đất châu Kinh có nhiều tre), có lẽ là theo kiểu nhà sàn làm trên mặt hồ hay trong khe núi.
*
Sách xưa chép ở phía Nam đất Giao-chỉ, về đầu nhà Chu có nước Việt-thường, từng thông sứ và hiến chim trĩ trắng cho vua Thành-vương. Việc tiến công ấy không rõ có không, duy tên Việt-thường, theo sự suy cứu của chúng tôi, thì có lẽ, là một tên vốn có từ xưa. Nước Việt-thường xuất hiện ở đầu đời Chu (có lẽ ở đời Thương đã có nước ấy rồi) ở trên địa bàn cũ của nước Tam-Miêu, ở khoảng hồ Động-đình và hồ Phiên-dương. Trung-tâm điểm của nước ấy có lẽ là xứ Việt-chương (Việt-chương và Việt-thường theo tiếng Tàu là đồng âm), là nơi vua Sở Hùng-Cừ (thế kỷ thứ 9) phong cho con út là Chấp-Tỳ, tương đương với miền Nam-xương trong tỉnh Giang-tây ngày nay. Có lẽ nước Việt-thường bắt đầu suy từ khi nước Sở thành lập ở miền Hồ-bắc Hồ-nam (thế kỷ 12) mà chiếm một phần đất của họ ở phía tây, rồi đến đời Hùng-Cừ, đất Việt-chương ở miền hồ Phiên-dương mất nốt. Người Việt-thường, như người Giao-chỉ, cũng làm nghề đánh cá ; nhưng sống trên địa bàn cũ của người Tam-Miêu, có lẽ họ đã biết làm ruộng hơn người Giao-chỉ. Theo thiên Vũ-cống chép thì miền châu Kinh và châu Dương là tương đương với địa bàn của Việt-thường đã có ruộng thuộc về hạng xấu, và có những sản vật sau này : vàng, bạc, đồng, các thứ ngọc thạch, đá mài, đá mũi tên, gỗ quí để làm nhà và làm cung, các thứ trúc để làm nỏ và tên, lông chim, da bò, da tê ngu, ngà voi, vải gai v.v… Người Việt-thường hình như đã biết chế đồ đồng đỏ, nhưng chưa biết pha đồng với thiếc thành đồng xanh. Trình độ kỹ thuật đã đến trình độ đồ đá mới, tương đương với chế độ thị-tộc. Theo sách Văn hóa di động luận của người Nhật tên là Tây thôn Chân-thư thì người Miêu-tộc xưa ở miền sông Dương-tử có dùng một thứ mảng tre có buồm mà nay còn thấy di tích ở Đài-loan. Hẳn người Việt-thường mà di duệ ngày nay lẫn lộn với người Miêu-tộc cũng biết dùng thứ mảng tre ấy. 
Có lẽ họ cũng có tục cắt tóc xăm mình và có tín ngưỡng tô-tem như người Giao-chỉ.
Chúng ta không thể biết rõ mối quan hệ giữa người Giao-chỉ và người Việt-thường, chỉ có thể nói rằng khi tên Việt-thường xuất hiện thì tên Giao-chỉ đã không còn nữa. Địa bàn chúng ta ức đoán của nước Việt-thường choán một phần dông nam của địa bàn ức của người Giao-chỉ, mà người Việt-thường, cũng như người Giao-chỉ, là thuộc về giống mà người Hán gọi chung là Man-di. 
Theo sự suy cứu của chúng tôi thì người Giao chỉ và người Việt-thường, nói rộng ra là người Man Di, đều thuộc về Việt-tộc là một giống người trước đời Chu, đã ở khắp vùng lưu vực sông Dương-tử, từ miền Vạn-huyện (đời Chu là nước Quì-việt) tỉnh Tứ-xuyên cho đến biển, nghĩa là suốt cả miền châu Kinh và châu Dương trong Vũ cống.
Chúng ta có thể biết người Việt-tộc ấy, theo nhân-chủng-học, là chủng-tộc gì không ? Với tình trạng học thuật ngày nay, muốn giải quyết chắc chắn vấn-đề là một điều huyễn vọng. Song chúng ta cũng có thể theo đại khái mà đoán rằng, cứ những điều chúng ta biết về văn hóa của người Man-Di và người Việt-tộc thì có lẽ họ không phải là thuộc về chủng tộc Mông-gô-lích như người Hán-tộc. Tuy chưa có thể nói quyết rằng họ thuộc về chủng tộc Anh-đô-nê, nhưng chúng ta có thể nhận rằng cái tục xăm mình là tục đặc thuộc của người Việt-tộc xưa, hiện nay vẫn là tục đặc thuộc của các dân-tộc thuộc về giống Anh-đô-nê ở miền Đông-nam châu Á. Di duệ của người Việt-tộc ngày nay vẫn còn có những đặc tính văn hóa giống với văn hóa của các dân tộc Anh-đô-nê. Chúng ta còn có thể nói rằng tất cả những dân tộc bán khai ở miền Nam và miền Tây-Nam châu Á, từ người Miêu-tử, người Lô-lô, người Mán, người Lái, người Lê, người Dao, người Xa, người Đản, người Đông, cho đến người Dayak ở đảo Bornéo, đều là di duệ của người Man Di. Các nhà nhân-chủng-học thường chia các dân-tộc kể trên thành hai giống Tạng-Miến (Tibéto-birman) và Anh-đô-nê. Nhưng nhà bác học Leroy Gourhan nói rằng : « Những sự khác nhau về nhân loại-học giữa người Anh-đô-nê và người Tạng-Miến rất là mỏng mảnh mà có lẽ là do sự lai giống mà sinh ra. Những đặc tính về kỹ thuật của họ cũng không khác nhau hơn… Những mối quan hệ giữa họ mật thiết lắm, mà chưa có thể chỉ định một cách xác thiết được, cho nên chưa có thể biết rằng đó là hai nhóm ở lân cận từ xưa hay là hai nhánh của một gốc chung ». Căn cứ vào ý kiến ấy, chúng ta có thể đoán rằng cái gốc chung mà Gourhan đề cập đó là giống người mà người Hán-tộc xưa gọi là Man Di, có lẽ là Việt-tộc. Theo nhiều nhà ngôn-ngữ-học và tiền-sử học thì từ xưa, suốt từ miền A-xam ở phía bắc Ấn-độ, trải qua nam-bộ Trung-hoa cho đến Nam-dương quần-đảo, có một thứ văn hóa xưa hiện nay còn di tích trong các dân-tộc Anh-đô-nê. Vậy chúng ta có thể suy rộng ra mà ngờ rằng người Nam Di, người Việt-tộc xưa có lẽ là một nhánh của chủng tộc Anh-đô-nê, chủng tộc này, trong thời thái-cổ, có lẽ đã từng ở rải rác hầu hết khắp miền Đông-Nam châu Á.