I. NGUỒN GỐC TRUYỀN KỲ
Theo sử cũ và truyền thuyết thì viễn tổ của dân tộc Việt-Nam là Kinh-Dương-vương là cháu bốn đời của Thần-Nông. Cháu ba đời của Thần-Nông là Đế-Minh sinh ra Đế-Nghi, rồi đi tuần thú phương Nam. Đến miền Ngũ-lãnh, Đế-Minh lấy con gái bà Vụ-Tiên, sinh được một người con trai khác, tư chất thánh trí thông minh, nên Đế-Minh rất quý mà muốn truyền ngôi cho. Nhưng người này không nhận, cố nhường cho anh. Đế-Minh bèn lập Đế-Nghi nối ngôi ở phương Bắc, và phong cho người con thứ làm Kinh-Dương-vương, trị phương Nam gọi là nước Xích-qui.
Kinh-Dương-vương lấy con gái Thần-Long là vua hồ Động-đình, sinh được một con trai đặt tên là Sùng-Lãm, nối ngôi cha, hiệu là Lạc-Long-quân. Sách Lĩnh-Nam trích quái chép rằng :
« Lạc Long-quân nối ngôi cha, dậy dân cách cầy cấy và cách mặc cách ăn… Thường thường ở Thủy-phủ mà nhân dân cứ bình yên vô sự. Khi dân có việc thì cứ gọi Long-quân rằng : Bố ơi sao không đến dạy vẽ cho chúng con ? Long-quân tức đến ngay… Con Đế-Nghi là Đế-Lai trị phương Bắc, nhân thiên hạ thái bình… bèn đi thăm nước Xích-qui ở phương Nam. Bấy giờ Long-quân còn ở Thủy-phủ, trong nước không có chủ. Đế-Lai để con gái yêu ở hành tại rồi đi thăm các địa phương… Đế-Lai mến cảnh quên về. Dân phương Nam khổ sở vì những nỗi phiền nhiễu… bèn cùng nhau to tiếng gọi lên : Bố ơi ở đâu ? Sao để cho chúa phương Bắc đến xâm nhiễu dân chúng ? Long-quân đến thấy Âu-cơ một mình ở hành tại, bèn yêu… Âu-cơ vui theo… Long-quân và Âu-Cơ ở với nhau, cách một năm sinh được một bọc trứng… Bọc nở ra trăm trứng, đều là con trai…
« Bấy giờ Long-quân ở lâu tại Thủy-phủ, mẹ con nhớ về phương Bắc. Nhưng đi đến bờ cõi phương Bắc, Hoàng-đế nghe tin bèn cho binh ra ngăn. Mẹ con phải trở lại phương Nam, gọi Long-quân… Long-quân bỗng đến. Âu-cơ nói : Thiếp ăn ở cùng chàng, sinh được trăm con trai… Nay chàng bỏ thiếp mà đi, khiến con không cha, vợ không chồng, chỉ tự bi thương mà thôi. Xin cho cùng theo chàng. Long-quân nói : Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, không ở với nhau lâu được. Bèn khiến 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về biển, chia nhau thống trị các xứ… Có việc thì tin cho nhau biết, không được bỏ nhau. Trăm con trai đều nghe mệnh rồi cùng nhau chia tay mà đi. Tổ tiên của Bách-Việt là bắt đầu từ đó vậy. Âu-cơ cùng 50 con ở Phong-sơn, nay là huyện Bạch-hạc, nhân tôn người con trưởng làm chúa, gọi là Hùng-Vương ».
Hùng-Vương trị nước gọi là Văn-lang, chia làm 15 bộ : « Đất nước, phía Đông giáp Nam-hải, phía Tây đến Ba-Thục, phía Bắc đến Động-đình, phía Nam giáp nước Hồ-tôn. (Hùng-Vương) sai các con chia trị (các bộ). Buổi đầu, vật dùng của nhân dân chưa đủ, lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ làm chiếu, lấy nước nhựa cây làm rượu, lấy bột cây quang lang làm cơm, lấy cầm thú ngư trùng làm mắm, lấy rễ gừng làm muối ; Cầy bằng dao, cấy bằng lúa. Đất nhiều gạo nếp, lấy ống tre để nấu. Gác cây làm nhà để tránh hùm sói. Cắt ngắn tóc để tiện đi trong rừng rú. Con mới sinh thì lấy lá chuối mà lót. Khi có người chết thì lấy cối chầy ra mà dã, hàng xóm nghe thì chạy đến cứu giúp nhau. Trai gái lấy nhau thì chưa dùng trầu cau, lấy phong muối làm lễ đầu, rồi sau đem trâu dê để thành lễ… »
Theo sử cũ thì Hùng-vương đóng đô ở Phong-châu, đời đời cha truyền con nối đều gọi là phụ-đạo, suốt 18 đời đều xưng hiệu là Hùng-vương.
Đến đời Hùng-vương thứ 18, có Thục-Phán là người nước Thục, « nhiều lần đem binh đánh Hùng-vương. Nhưng Hùng-vương có binh cường tướng dõng, Thục-Phán thua luôn. Hùng-vương bảo Phán rằng : Ta có sức thần, nước Thục không sợ sao ? Rồi bèn bỏ không sửa sang vũ bị, chỉ rượu tiệc vui chơi. Quân Thục bức đến gần mà Hùng-vương còn say sưa chưa tỉnh, bèn hộc máu nhẩy xuống giếng chết. Dư chúng đầu hàng Thục-vương. Bấy giờ Thục-vương xây thành ở Việt-thường, rộng nghìn trượng, quanh co như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa-thành, lại có tên là Tư-long-thành. Nhưng thành xây vừa xong thì đổ : Thục-vương rất lo, bèn chay giới để khấn trời đất và sơn xuyên thần kỳ, rồi lại xây lại » (Đại-Việt sử ký toàn-thư). Thần hiện hình thành rùa vàng, giúp phép cho Thục Phán xây xong thành, rồi cho một cái móng chân, dặn Phán lấy móng ấy làm nẩy nỏ thì có thể nhờ nỏ thần ấy mà giữ nước. Phán đặt tên nước là Âu-Lạc, tự xưng là An-Dương-Vương.
Khi Triệu-Đà đã cát cứ miền Nam Trung-quốc dựng nước Nam-Việt, thì có ý muốn đánh Âu-Lạc, Nhưng Đà biết An-Dương-vương có nỏ thần, không thể đánh được, bèn dùng kế khiến con trai là Trọng-Thủy sang Âu-lạc để cầu hôn với con gái An-Dương-vương là Mỵ-Châu, Trọng-Thủy ở gởi rể ở Âu-Lạc, nhân dụ vợ cho xem trộm nỏ thần. Mỵ-Châu nhẹ dạ tin chồng, đem nỏ cho Trọng-Thủy xem, chàng bèn lấy nẫy nỏ thường thế vào móng rùa thần, rồi sau đó thác cớ về Bắc thăm cha. Triệu-Đà biết con đã phá nỏ thần, bèn phát binh đánh An-Dương-vương. Vì mất nỏ thần, An-Dương-Vương phải thua chạy, thế là nước Âu-lạc bị Triệu-Đà chiếm.
Sử cũ của ta lại chép nhà Triệu làm một triều đại như quốc triều, xem Triệu-Đà là một vị vua anh-hùng, và kể cuộc Bắc-thuộc của dân tộc ta bắt đầu từ khi quân Hán diệt nước Nam-Việt.