Do thời Hồng Bàng (thời kì nước Xích Quỷ tồn tại) ở Việt Nam và thời Tam Hoàng, Ngũ Đế còn mang màu sắc huyền ảo của truyền thuyết nên hoạt động ngoại giao không thật rõ ràng chủ yếu được biết đến qua các ghi chép trong thư tịch cổ của Trung Quốc và được chính sử Việt Nam căn cứ vào và ghi chép lại.
Lược đồ nhà nước Xích Quỷ (wiki) |
Theo "Khâm định Việt sử Thông giám cương mục", Tiền biên (前編), quyển 1 thì trong "Cương mục tiền biên" (綱目前編) của Kim Lý Tường (金履祥) có ghi rằng năm Mậu Thân (戊申) Đường Nghiêu (唐堯) năm thứ 5, Việt Thường thị đến chầu dâng rùa.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với "Tư trị thông giám tiền biên" (資治通鑑前編) của Kim Lý Tường, Đào Đường thị Đế Nghiêu (陶唐氏帝堯) không thấy có việc này. Ngay cả "Sử ký" (史記) của Tư Mã Thiên (司馬遷), quyển 1, Ngũ đế bản kỷ đệ nhất (五帝本紀第一) cũng không hề nhắc tới sự kiện nào như vậy.
"Thông chí" (通志) của Trịnh Tiều (鄭樵) có một đoạn nói về việc nước Việt Thường dâng rùa thần (神龜 thần quy) cho Đế Nghiêu, được "Khâm định Việt sử thông giám cương mục", Tiền biên, quyển 1 dẫn lại như sau: "Đời Đào Đường (陶唐), phương Nam có Việt Thường thị qua hai lần sứ dịch sang chầu, dâng con rùa thần; có lẽ nó được đến nghìn năm, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là quy lịch (龜歴, lịch rùa)."
Như vậy, nếu căn cứ vào "Thông chí" của Trịnh Tiều thì giữa nước Xích Quỷ và thời Ngũ Đế (thời Tam Hoàng Ngũ Đế) đã có mối bang giao với sự kiện Việt Thường thị đến chầu vua Đế Nghiêu, dâng rùa.
Nguồn: Đỗ Xuân Giang || Đại Việt Văn sử Vấn Đàm