Đất nước hoà bình và thống nhất chưa được bao lâu, chúng ta lại phải tiếp tục cầm súng bảo vệ biên giới. Đến nay đã 35 năm, hầu hết những người tham gia chiến đấu thành ông, bà. Là phóng viên Chương trình phát thanh QĐND (Đài Tiếng nói Việt Nam) tôi có dịp ghi lại tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong những ngày tháng hào hùng chống xâm lược ở biên giới phía Bắc…
Cuộc họp mở rộng bất thường giữa Đảng uỷ, Ban Giám đốc và các cán bộ tự vệ Lâm trường Huổi Luông được tiến hành gấp. Mọi người ngồi quây xung quanh đồng chí Bùi Quốc Văn, Giám đốc kiêm Bí thư Đảng uỷ Lâm trường để nghe thông báo tình hình quân xâm lược đã tràn qua biên giới. Bằng mọi giá phải bảo vệ từng tấc đất nơi đây, đó cũng là bảo vệ thành quả lao động của hàng nghìn con người ở lâm trường đã đổ mồ hôi trong lao động sản xuất.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, ở các tiểu đoàn và các đại đội tự vệ đã sắp xếp xong tổ chức để vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu và chiến đấu ở tuyến một. Trong đội ngũ tự vệ hầu hết là thanh niên con em các dân tộc Kinh, Thái, Mèo, Cò Sung, Hà Nhì… số chị em nữ chiếm tới sáu bảy chục phần trăm. Chưa bao giờ tình cảm đoàn kết, gắn bó lại biểu hiện rõ nét như bây giờ. Tiếng súng ngày đêm liên tiếp rộ lên ở cao điểm 1226, ở Hồ Thầu và Nậm Tần Mèo, càng thôi thúc mọi người hăng hái bước vào trận chiến đấu mới.
Lâm trường bộ trở thành Sở Chỉ huy của lực lượng dân quân, tự vệ ở địa phương. Trong công tác lãnh đạo, Giám đốc Lâm trường Bùi Quốc Văn vẫn giữ được tác phong sôi nổi, hoạt bát của người chiến sĩ đánh Mỹ năm xưa. Anh đã chỉ huy lực lượng tự vệ hiệp đồng tác chiến với các đơn vị bộ đội quanh vùng. Trong những ngày chiến đấu ác liệt, lâm trường Huổi Luông đã trở thành chỗ dựa vững chắc, chi viện đắc lực về người và của cho các mũi, các hướng.
Để đáp lại tinh thần hết lòng vì tuyến trước của cán bộ, công nhân Lâm trường Huổi Luông, tại mặt trận Lai Châu, đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu gan dạ, dũng cảm.
Chiến sĩ Đỗ Văn Tần, 19 tuổi, còn lại một mình chốt trên điểm cao 551, đã sử dụng năm loại súng đánh xa rồi đánh gần. Có lúc đối phương ào vào công sự, anh đã dồn chúng tới từng ngách chiến hào tiêu diệt và lấy súng, lấy lựu đạn của chúng đánh lại. Suốt một ngày trời, anh đã diệt tại chỗ hơn 30 tên, giữ được chốt.
Chống lực lượng địch đông gấp nhiều lần, các chiến sĩ Giàng A Tún, Lò Văn Ban, Tao Văn Nó ở Đồn Biên phòng P đã cùng đồng đội diệt ba xe tăng. Binh nhất Tao Văn Nó, người dân tộc Lự ở Phong Thổ, có lúc chỉ còn cách đối phương có 10 mét. Nhanh như cắt, Nó lia một loạt đạn trung liên và ném một quả lựu đạn vào đội hình địch. Lợi dụng khói đạn, anh ôm súng lăn ào xuống dốc, vào giữa đống xác đối phương, quay súng lại phía sau, giả vờ làm lính bên kia. Khi bọn chỉ huy ra lệnh tiếp tục xung phong, Nó tay cắp súng giả bộ xông lên. Một toán chạy vượt qua anh. Tao Văn Nó đợi chúng tới sát mép chiến hào của ta rồi mới lia một loạt đạn, hất sấp tất cả bọn xuống. Tiếp đó, anh ung dung tiến lên, giẫm lên xác đối phương trở về với đồng đội.
Còn bốn chiến sĩ ở Tiểu đoàn 2, bộ đội huyện S, sau khi đã diệt mấy chục tên, bị chúng dồn vào một căn hầm tránh pháo và bao vây định bắt sống; còn giở thủ đoạn dụ dỗ, gọi hàng. Kiên quyết không chịu khuất phục, đợi trời xẩm tối, các chiến sĩ đã dùng lựu đạn và súng AK trả lời chúng bằng cách bất thình lình xông lên quyết chiến, phá được vòng vây, ra ngoài. Những tấm gương chiến đấu ấy càng khích lệ tự vệ Lâm trường Huổi Luông phục vụ đơn vị bộ đội chiến đấu giành chiến thắng.
Đơn vị công binh của tỉnh yêu cầu tự vệ Lâm trường cung cấp gỗ để bắc cầu gấp cho bộ đội hành quân. Thời gian lâu nhất là một ngày. Anh chị em ở đây đã tổ chức lực lượng vào rừng cách xa 17 km, lấy đủ số gỗ và giao nộp đúng thời gian. Ngay đêm hôm sau, bộ đội lại cần 2.000 cây tre làm hầm đào tránh pháo địch. Các chiến sĩ tự vệ đã đốt đuốc lên núi đẵn tre mang xuống phục vụ các đơn vị theo kế hoạch.
Chiến đấu bảo vệ điểm cao 551 và điểm cao 800, Phân đội 1, Đoàn 93 đã kiên trì giữ chốt trong năm ngày, năm đêm liền, diệt tại chỗ hàng trăm tên địch. Trong thời gian đó, Đại đội 5 Tự vệ Lâm trường Huổi Luông do đồng chí Nguyễn Văn Đền, Đại đội trưởng và đồng chí Đỗ Thị Cà, Đại đội phó trở thành đơn vị xung kích vừa phục vụ chiến đấu, vừa cùng bộ đội Đoàn 93 chiến đấu, bẻ gãy 30 đợt tấn công của địch. Từ trong lòng đất dưới tầng địa đạo, các chiến sĩ tự vệ Đại đội 5 như những con thoi, chạy đi chạy lại tiếp đạn, tải thương và mang cơm nước đều đặn ngày hai lần lên tận chốt cho các chiến sĩ.
Nhiều chị em người gầy yếu nhưng vẫn mang vác từ 20 đến 30 kg đạn dược vượt đèo, leo núi tiếp tế cho bộ đội. Chị Oanh, chị Chanh, chị Cà và đặc biệt là chị Bùi Thị Hẫn trở thành đồng đội thân thiết của các chiến sĩ trên chốt. Trong những trận chiến đấu ác liệt, các chiến sĩ lại thấy chị Hẫn có mặt trong công sự. Chị vừa cầm súng chiến đấu, vừa tiếp đạn, băng bó cho thương binh và chuyển về tuyến sau. Ở điểm cao 551, chị Hẫn đã chuyển được hàng chục chiến sĩ bị thương về nơi an toàn.
Ở một hướng chiến đấu do Phân đội 2 của Đoàn 93 phụ trách, bộ đội yêu cầu Lâm trường tiếp tế lương thực, đạn dược gấp trong một đêm, để bốn giờ sáng hôm sau bắt đầu phản kích. Đường từ vị trí xuất phát tới hướng Làng Vây, Nhù Sáng và Hoàng Chù Sào dài 15 km đường rừng, qua nhiều đèo dốc cheo leo và sông suối. Đường đi lại nằm trong tầm pháo và khu vực hoạt động thám báo của địch.
Với tinh thần “tất cả cho tuyến trước”, đồng chí Bùi Quốc Văn chỉ huy 100 chiến sĩ tự vệ vận chuyển đạn lên chốt. Đêm trong rừng tối như bưng, đoàn người mang vác nặng, cứ bí mật luồn rừng, lách núi mà đi. Người nọ cách người kia năm mét vừa đi vừa lắng nghe lá rừng xao động và bước chân của nhau để giữ vững đội hình. Đoạn đường có chỗ lầy thụt, có chỗ lởm chởm đá tai mèo hoặc đầy gai góc. Nhiều anh chị em bị ngã, hòm đạn đè cả lên người. Mặc, ai nấy lại tự bật dậy, xốc hàng lên vai hướng về phía trước. Chiến sĩ tự vệ Nguyễn Thị Phượng, đơn vị thường gọi là “bé Phượng” bị ngã hàng chục lần, hai bàn chân phồng rộp, mặt mũi gai cào tướp máu, vẫn không chịu tụt lại phía sau nửa bước. Chiến sĩ lớn tuổi Nguyễn Văn Tuất, Ngô Đình Tuân bị đạn pháo vùi lấp, các anh dùng tay bới đất bứt dậy và lại tiếp tục bám sát đội hình, giữ an toàn được khối lượng hàng mang theo.
Tới hơn ba giờ sáng, các chiến sĩ tự vệ đã mang được đạn dược và lương thực tới khu vực chốt của Phân đội 2. Các chiến sĩ ở đây vô cùng cảm động, cầm tay anh chị em tự vệ nói: “Chính các đồng chí đã đánh thắng trận đầu ở đây”.
Suốt cả quá trình của chiến dịch, Tự vệ Lâm trường Huổi Luông đã đảm nhiệm tiếp đạn, tải lương cho tất cả các mũi tiến công của ta trên cao nguyên này. Anh chị em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trực tiếp góp phần vào chiến công chung, bẻ gãy mọi đợt tấn công của địch, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà văn, nhà báo Chi Phan
Cuộc họp mở rộng bất thường giữa Đảng uỷ, Ban Giám đốc và các cán bộ tự vệ Lâm trường Huổi Luông được tiến hành gấp. Mọi người ngồi quây xung quanh đồng chí Bùi Quốc Văn, Giám đốc kiêm Bí thư Đảng uỷ Lâm trường để nghe thông báo tình hình quân xâm lược đã tràn qua biên giới. Bằng mọi giá phải bảo vệ từng tấc đất nơi đây, đó cũng là bảo vệ thành quả lao động của hàng nghìn con người ở lâm trường đã đổ mồ hôi trong lao động sản xuất.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, ở các tiểu đoàn và các đại đội tự vệ đã sắp xếp xong tổ chức để vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu và chiến đấu ở tuyến một. Trong đội ngũ tự vệ hầu hết là thanh niên con em các dân tộc Kinh, Thái, Mèo, Cò Sung, Hà Nhì… số chị em nữ chiếm tới sáu bảy chục phần trăm. Chưa bao giờ tình cảm đoàn kết, gắn bó lại biểu hiện rõ nét như bây giờ. Tiếng súng ngày đêm liên tiếp rộ lên ở cao điểm 1226, ở Hồ Thầu và Nậm Tần Mèo, càng thôi thúc mọi người hăng hái bước vào trận chiến đấu mới.
Lâm trường bộ trở thành Sở Chỉ huy của lực lượng dân quân, tự vệ ở địa phương. Trong công tác lãnh đạo, Giám đốc Lâm trường Bùi Quốc Văn vẫn giữ được tác phong sôi nổi, hoạt bát của người chiến sĩ đánh Mỹ năm xưa. Anh đã chỉ huy lực lượng tự vệ hiệp đồng tác chiến với các đơn vị bộ đội quanh vùng. Trong những ngày chiến đấu ác liệt, lâm trường Huổi Luông đã trở thành chỗ dựa vững chắc, chi viện đắc lực về người và của cho các mũi, các hướng.
Để đáp lại tinh thần hết lòng vì tuyến trước của cán bộ, công nhân Lâm trường Huổi Luông, tại mặt trận Lai Châu, đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu gan dạ, dũng cảm.
Chiến sĩ Đỗ Văn Tần, 19 tuổi, còn lại một mình chốt trên điểm cao 551, đã sử dụng năm loại súng đánh xa rồi đánh gần. Có lúc đối phương ào vào công sự, anh đã dồn chúng tới từng ngách chiến hào tiêu diệt và lấy súng, lấy lựu đạn của chúng đánh lại. Suốt một ngày trời, anh đã diệt tại chỗ hơn 30 tên, giữ được chốt.
Chống lực lượng địch đông gấp nhiều lần, các chiến sĩ Giàng A Tún, Lò Văn Ban, Tao Văn Nó ở Đồn Biên phòng P đã cùng đồng đội diệt ba xe tăng. Binh nhất Tao Văn Nó, người dân tộc Lự ở Phong Thổ, có lúc chỉ còn cách đối phương có 10 mét. Nhanh như cắt, Nó lia một loạt đạn trung liên và ném một quả lựu đạn vào đội hình địch. Lợi dụng khói đạn, anh ôm súng lăn ào xuống dốc, vào giữa đống xác đối phương, quay súng lại phía sau, giả vờ làm lính bên kia. Khi bọn chỉ huy ra lệnh tiếp tục xung phong, Nó tay cắp súng giả bộ xông lên. Một toán chạy vượt qua anh. Tao Văn Nó đợi chúng tới sát mép chiến hào của ta rồi mới lia một loạt đạn, hất sấp tất cả bọn xuống. Tiếp đó, anh ung dung tiến lên, giẫm lên xác đối phương trở về với đồng đội.
Còn bốn chiến sĩ ở Tiểu đoàn 2, bộ đội huyện S, sau khi đã diệt mấy chục tên, bị chúng dồn vào một căn hầm tránh pháo và bao vây định bắt sống; còn giở thủ đoạn dụ dỗ, gọi hàng. Kiên quyết không chịu khuất phục, đợi trời xẩm tối, các chiến sĩ đã dùng lựu đạn và súng AK trả lời chúng bằng cách bất thình lình xông lên quyết chiến, phá được vòng vây, ra ngoài. Những tấm gương chiến đấu ấy càng khích lệ tự vệ Lâm trường Huổi Luông phục vụ đơn vị bộ đội chiến đấu giành chiến thắng.
Đơn vị công binh của tỉnh yêu cầu tự vệ Lâm trường cung cấp gỗ để bắc cầu gấp cho bộ đội hành quân. Thời gian lâu nhất là một ngày. Anh chị em ở đây đã tổ chức lực lượng vào rừng cách xa 17 km, lấy đủ số gỗ và giao nộp đúng thời gian. Ngay đêm hôm sau, bộ đội lại cần 2.000 cây tre làm hầm đào tránh pháo địch. Các chiến sĩ tự vệ đã đốt đuốc lên núi đẵn tre mang xuống phục vụ các đơn vị theo kế hoạch.
Chiến đấu bảo vệ điểm cao 551 và điểm cao 800, Phân đội 1, Đoàn 93 đã kiên trì giữ chốt trong năm ngày, năm đêm liền, diệt tại chỗ hàng trăm tên địch. Trong thời gian đó, Đại đội 5 Tự vệ Lâm trường Huổi Luông do đồng chí Nguyễn Văn Đền, Đại đội trưởng và đồng chí Đỗ Thị Cà, Đại đội phó trở thành đơn vị xung kích vừa phục vụ chiến đấu, vừa cùng bộ đội Đoàn 93 chiến đấu, bẻ gãy 30 đợt tấn công của địch. Từ trong lòng đất dưới tầng địa đạo, các chiến sĩ tự vệ Đại đội 5 như những con thoi, chạy đi chạy lại tiếp đạn, tải thương và mang cơm nước đều đặn ngày hai lần lên tận chốt cho các chiến sĩ.
Nhiều chị em người gầy yếu nhưng vẫn mang vác từ 20 đến 30 kg đạn dược vượt đèo, leo núi tiếp tế cho bộ đội. Chị Oanh, chị Chanh, chị Cà và đặc biệt là chị Bùi Thị Hẫn trở thành đồng đội thân thiết của các chiến sĩ trên chốt. Trong những trận chiến đấu ác liệt, các chiến sĩ lại thấy chị Hẫn có mặt trong công sự. Chị vừa cầm súng chiến đấu, vừa tiếp đạn, băng bó cho thương binh và chuyển về tuyến sau. Ở điểm cao 551, chị Hẫn đã chuyển được hàng chục chiến sĩ bị thương về nơi an toàn.
Ở một hướng chiến đấu do Phân đội 2 của Đoàn 93 phụ trách, bộ đội yêu cầu Lâm trường tiếp tế lương thực, đạn dược gấp trong một đêm, để bốn giờ sáng hôm sau bắt đầu phản kích. Đường từ vị trí xuất phát tới hướng Làng Vây, Nhù Sáng và Hoàng Chù Sào dài 15 km đường rừng, qua nhiều đèo dốc cheo leo và sông suối. Đường đi lại nằm trong tầm pháo và khu vực hoạt động thám báo của địch.
Với tinh thần “tất cả cho tuyến trước”, đồng chí Bùi Quốc Văn chỉ huy 100 chiến sĩ tự vệ vận chuyển đạn lên chốt. Đêm trong rừng tối như bưng, đoàn người mang vác nặng, cứ bí mật luồn rừng, lách núi mà đi. Người nọ cách người kia năm mét vừa đi vừa lắng nghe lá rừng xao động và bước chân của nhau để giữ vững đội hình. Đoạn đường có chỗ lầy thụt, có chỗ lởm chởm đá tai mèo hoặc đầy gai góc. Nhiều anh chị em bị ngã, hòm đạn đè cả lên người. Mặc, ai nấy lại tự bật dậy, xốc hàng lên vai hướng về phía trước. Chiến sĩ tự vệ Nguyễn Thị Phượng, đơn vị thường gọi là “bé Phượng” bị ngã hàng chục lần, hai bàn chân phồng rộp, mặt mũi gai cào tướp máu, vẫn không chịu tụt lại phía sau nửa bước. Chiến sĩ lớn tuổi Nguyễn Văn Tuất, Ngô Đình Tuân bị đạn pháo vùi lấp, các anh dùng tay bới đất bứt dậy và lại tiếp tục bám sát đội hình, giữ an toàn được khối lượng hàng mang theo.
Tới hơn ba giờ sáng, các chiến sĩ tự vệ đã mang được đạn dược và lương thực tới khu vực chốt của Phân đội 2. Các chiến sĩ ở đây vô cùng cảm động, cầm tay anh chị em tự vệ nói: “Chính các đồng chí đã đánh thắng trận đầu ở đây”.
Suốt cả quá trình của chiến dịch, Tự vệ Lâm trường Huổi Luông đã đảm nhiệm tiếp đạn, tải lương cho tất cả các mũi tiến công của ta trên cao nguyên này. Anh chị em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trực tiếp góp phần vào chiến công chung, bẻ gãy mọi đợt tấn công của địch, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà văn, nhà báo Chi Phan