Tên lửa S-75 (sam-2) có thừa sức bắn tới B-52 ?
Máy bay ném bom chiến lược B-52 là thiết kế đồ sộ của công nghiệp quốc phòng Mỹ. Mỗi chiếc dài 48,5m, sải cánh 56,4m, cao 12,4m, khối lượng cất cánh tối đa tới 220 tấn.B-52 trang bị 8 động cơ turbine phản lực, đạt tốc độ tối đa hơn 1.000km/h, bán kính tác chiến hơn 7.000km, trần bay 15km. Tuy nhiên, trong quá trình ném bom, những chiếc B-52 phải hạ độ cao xuống còn 10km để bảo đảm độ chính xác.
Trong khi đó, các tổ hợp S-75 Dvina được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam có vùng sát thương tối đa ở xa 34km và độ cao 25-27km, thừa sức vượt qua trần bay của B-52 để bắn hạ "siêu pháo đài bay" này.
Trong quá trình sử dụng ở Liên Xô và Việt Nam, S-75 đã nhiều lần bắn hạ mục tiêu ở độ cao 19-20km. Ngày 1/5/1960, phòng không Liên Xô bắn hạ máy bay do thám U-2 của Mỹ ở độ cao 20km bằng tên lửa S-75.
Còn ở Việt Nam, ngày 26/7/1965, Tiểu đoàn 64 (Trung đoàn 263) đã dùng S-75 bắn rơi tại chỗ một máy bay không người lái BQM-34A ở độ cao tới 19km. Ngày 7/2/1966, Tiểu đoàn 84 (Trung đoàn 238) bắn rơi tại chỗ một chiếc BQM-34A khác ở độ cao 20km.
Qua những thí dụ kể trên và so sánh thông số kỹ thuật cơ bản của S-75 và B-52, có thể khẳng định không cần thiết phải "nối tầng" S-75.
Cũng nhận xét về vấn đề này, trong cuốn "Điện Biên Phủ trên không - Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam", tác giả Lưu Trọng Lân viết: "Chúng ta thấy rõ việc cải tiến nâng cao tầm bắn cho tên lửa SAM-2 là không cần thiết, mà trong thực tế là không hề diễn ra. Đây là sự hiểu lầm đáng tiếc của một vài nhà báo".
Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, trong quá trình triển khai chiến đấu trong nhiều năm, bộ đội Việt Nam cùng chuyên gia Liên Xô thực hiện một số cải tiến bộ khí tài nhưng là ở những mặt khác, không phải là "nối tầng".