Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Nghĩa quân Tây Sơn đã tàn phá thương cảng Hội An như thế nào ?

Quân Tây Sơn sau khi chiếm Quảng Nam đã tàn phá tất cả Hội An. Không chỉ sử liệu thời nhà Nguyễn mà nhiều thương gia phương Tây cũng chứng kiến ghi nhận cảnh này.

Vài nét về sự hình thành thương cảng Hội An.

Năm 1613, sau khi Tiên Vương Nguyễn Hoàng qua đời, Nguyễn Phúc Nguyên chính thức lên kế vị. Ông ban hành rất nhiều chính sách về dân sự nhằm xây dựng chính quyền Đàng Trong hùng mạnh, cũng như ổn định cuộc sống dân chúng. Người dân tin yêu gọi ông là Sãi Vương, chúa Sãi, chúa Bụt hay Phật chúa.
Nghĩa quân Tây Sơn đã tàn phá thương cảng Hội An như thế nào ?
Sách “Đại Nam thực lục” ghi chép lại rằng:
Nguyễn Phúc Nguyên cho sửa thành lũy, đặt quan ải, vỗ về quân dân, trong ngoài đâu cũng vui phục, bấy giờ người ta gọi là Chúa Phật. Từ đấy mới xưng quốc tính là họ Nguyễn Phước hay Nguyễn Phúc.

Chúa Nguyễn cho mở hải cảng ở Quảng Nam để thông thương với nước ngoài, trong đó cảng Hội An là lớn nhất, đồng thời viết thư mời các thương nhân nước ngoài đến buôn bán. Rất nhiều thương gia Nhật Bản và phương Tây đã đến giao thương, biến Hội An thành đô thị, hải cảng quốc tế tiêu biểu ở châu Á.

Thời gian này Hội An là đô thị rất trù phú, được nhiều nơi trên thế giới biết đến, có rất nhiều khu phố dành cho thương gia nước ngoài. Hội An trở thành cảng tiêu biểu ở châu Á, nổi tiếng trên thế giới.

Theo các tài liệu lịch sử, số lượng thuyền vào thương cảng đông đến nỗi buồm của chúng được ví “như rừng tên xúm xít” (trích trong Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán), còn hàng hóa thì “không thứ gì không có” và số lượng thì “cả trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được” (trích từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn).

Một người Ý là Christoforo Borri cư trú ở Hội An vào năm 1618 đã mô tả về Hội An như sau:
“Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam”.
“Người Hoa và Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên, năm nào cũng mở và kéo dài trong bốn tháng. Người Nhật thường đem lại 4, 5 vạn nén bạc, người Trung Hoa thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt của họ”.
“Do chợ này mà Quốc vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc nhờ vậy cũng được nhiều lợi ích”.

Quân Tây Sơn tàn phá Hội an như thế nào ?

Thế nhưng quân Tây Sơn sau khi chiếm Quảng Nam đã tàn phá tất cả Hội An. Không chỉ sử liệu thời nhà Nguyễn mà nhiều thương gia phương Tây cũng chứng kiến ghi nhận cảnh này.
Nghĩa quân Tây Sơn đã tàn phá thương cảng Hội An như thế nào ? 2
Vào thời điểm 1774-1775 là giai đoạn mà quân Trịnh tiến đánh Phú Xuân (Huế), chúa Nguyễn phải chạy về Quảng Nam, lại bị quân Tây Sơn đánh ra uy hiếp. Một bức thư năm 1775 của Halbout đã ghi nhận:

"Quân nổi loạn đã cướp bóc, cướp phá chẳng nương tay, đến nổi các tỉnh Cham cứ 20 người thì có 19 người chết vì bị đầy đọa khổ sở. Các giáo khu ở Hàn và Cầu Né đều không còn… Năm ngoái, ở Bầu Nghé từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch số giáo dân bị giết đến sáu trăm người… Ở một nơi khác cũng thời gian ấy, ít nhất có đến 1500 giáo dân bị giết. Suốt hai năm ròng gần như quanh tôi lúc nào cũng có người chết và hấp hối…”

Một người Anh Charles Chapman phải thốt lên rằng:
“Khi tới Hội An, thành phố lớn này chẳng còn lại là bao những khu phố được quy hoạch quy củ với những ngôi nhà xây bằng gạch, đường lát đá mà chỉ thấy một cảnh hoang tàn làm cho ta cảm thấy xót xa. Trời ơi, những công trình ấy bây giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức mà thôi”

Sau này thành phố Hội An đã được xây dựng lại nhưng không thể được như trước nữa, những khu phố sầm uất đã không còn, nhiều thương gia chứng kiến cảnh tàn phá cướp bóc cũng sợ hãi mà không dám quay lại.

Nhà nghiên cứu Tạ chí Đại Trường dẫn lời Linh mục Labartette miêu tả:
“Ở Cửa Hàn (Đà Nẵng) không còn một con heo, gà, vịt, đường cát trước kia sản xuất rất nhiều nay biến mất, tiền mất giá một quan còn giá trị độ một đồng, tình trạng đói khổ ăn xin xuất hiện phổ biến trong xứ.”

Lê Quý Đôn cũng ghi nhận trong thảm cảnh ở Quảng Nam trong “Phủ biên tạp lục” như sau: “…quá đỗi đói khổ cùng khốn, họ chỉ ngóng trông quân nhà vua đến giải cứu cho họ…”

Nguồn: 1. Kiến trúc phố cổ Hội An – Việt Nam, NXB Thế giới
2. Thư của các giáo sĩ thừa sai, NXB Văn học Hà Nội.
3. Phủ biên lục tạp - Lê Quý Đôn
4. Đại Nam thực lục