Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Tiểu sử Võ Thị Sáu - sự thật đến huyền thoại

Võ Thị Sáu quê ở vùng Đất Đỏ, Long Điền, tỉnh Bà Rịa, hiện nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mới 12 tuổi, chị đã đi theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng trốn lên ở trên chiến khu. Năm 1949, chị tham gia đội Công an xung phong Đất Đỏ làm liên lạc, tiếp tế.
Tháng 2/1950, Võ Thị Sáu tiếp tục nhận nhiệm vụ ném lựu đạn, tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp là Cả Suốt và Cả Đay rồi không may bị bắt. Trong hơn một tháng bị giam tại nhà tù Đất Đỏ, dù bị giặc tra tấn dã man, chị vẫn không khai báo. Địch phải chuyển chị về khám Chí Hòa. Chị Sáu tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám, cùng chị em tại tù đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống nhà tù. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của chị Võ Thị Sáu, thực dân Pháp và tay sai đã mở phiên tòa, kết án tử hình đối với nữ chiến sĩ trẻ. Chúng chuyển chị cùng một số người tù Cách mạng ra nhà tù Côn Đảo. 
Sự kiên trung ấy một lần nữa thể hiện tại phiên tòa đại hình khi chị Sáu (khi đó mới 17 tuổi) hiên ngang khẳng định: “Yêu nước, chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”.

Khi nhận án tử hình, chị Sáu không hề run sợ. Chị hô to “Đả đảo thực dân Pháp!”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi!”.

Năm 1952, trước giờ hành hình, viên cha đạo đề nghị làm lễ rửa tội cho chị. Song chị từ chối và nói: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới có tội”.

Đối mặt cái chết, điều khiến người con gái Đất Đỏ ân hận nhất là chưa diệt hết bọn thực dân và tay sai cướp nước.

Giai thoại kể rằng khi ra đến pháp trường, Võ Thị Sáu kiên quyết không quỳ xuống, yêu cầu không bịt mắt.

“Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!” – chị tuyên bố.

Nói xong, chị Sáu bắt đầu hát Tiến quân ca. Khi lính lên đạn, chị ngừng hát, hô vang những lời cuối cùng: “Đả đảo bọn thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

Có những cái chết đã trở thành bất tử, có những con người trung thành vì Tổ quốc mà không tiếc thân mình. Được hy sinh cho Tổ quốc, đấy là hạnh phúc! Chị Sáu đã ra đi, nhưng niềm tin và tình yêu Tổ quốc của chị vẫn luôn còn mãi. 
Tiểu sử Võ Thị Sáu - sự thật đến huyền thoại
Chị Võ Thị Sáu chỉ là một tấm gương tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất. Từ ngàn xưa có Bà Trưng, Bà Triệu rồi đến những vị công chúa hy sinh hạnh phúc của mình để cứu nước như Huyền Trân công chúa, An Tư công chúa, công chúa Ngọc Vạn, công chúa Ngọc Khoa… Hay thời chống Pháp, chống Mỹ có chị Võ Thị Sáu, liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, mười cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc… Rồi những người mẹ, những người vợ, người con luôn là hậu phương vững chắc cho tiền phương chiến đấu.

Người phụ nữ ngày nay đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Họ có mặt ở mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục, truyền thông, xã hội... 

Với tinh thần dân tộc và ý thức độc lập, tự chủ mạnh mẽ, với bản sắc dân tộc đậm đà, người phụ nữ đã có những đóng góp thực sự to lớn trong suốt tiến trình lịch sử của xã hội Việt Nam. Bên cạnh việc giữ gìn phẩm chất truyền thống từ ngàn đời xưa, người phụ nữ ngày nay luôn cần phải phấn đấu trở thành một công dân tốt, cống hiến, phụng sự cho cộng đồng, cho đất nước.
Nguồn: Thiền Tôn Phật Quang.
---------------------

6 CÂU NÓI BẤT HỦ CỦA CHỊ VÕ THỊ SÁU.

Chị Võ Thị Sáu, một con người đã đi vào huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của thế kỷ XX. Chị ra đi khi tuổi còn trẻ, nhưng những câu nói của chị có sức lan tỏa và còn nguyên giá trị cho muôn đời về "lòng yêu nước và ý chí kiên cường, bất khuất" của người con gái Việt Nam.
1. "Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”.
2. “Tao còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!".
3. “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ".
4. "Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội.”
5. "Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”.
6. “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!”