Sau chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu, vua Quang Trung nỗ lực xây dựng đất nước. Dù chỉ tại vị có 4 năm ngắn ngủi, nhưng vua đã chứng tỏ ngài không phải chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử mà còn là một nhà chính trị xuất sắc nhất, với hùng tâm mở một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt.
Về chính trị, ngài chia đổi Thăng Long thành Bắc thành, chia miền Trung châu Bắc hà thành 7 trấn là: Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Phụng Thiên, Thanh Hóa ngoại. Miền sơn cuớc chia thành 7 trấn: Lạng Sơn, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Yên Quảng, Lạng Sơn, Cao Bằng và Tuyên Quang. Ngài tính dời đô từ Phú xuân ra Nghệ an và nhờ La Sơn phu tử xây kinh đô ở đây gọi là Phượng Hoàng Trung Ðô. Ngài chấn chỉnh lại thuế khóa, khuyến khích việc gia tăng sản xuất. Ðến năm Quang Trung thứ tư, đời sống của người dân mười phần khổ cực trước đây đã bớt đến năm sáu. Ngài đã tích cực kêu gọi nhân tài Bắc hà ra giúp nước. Ðối với La Sơn phu tử, ngài không đích thân đến cầu, nhưng mấy bận viết thư với những lời lẽ chí thành, và cuối cùng nhà Nho tên tuổi đứng đầu đất Bắc này đã nhận lời đứng xây Phượng Hoàng Trung Ðô cho ngài.
Về quân sự, quân lực Tây Sơn gồm 5 quân căn bản là: Tiền, Hậu, Trung, Tả, Hữu và những đội quân đặc biệt dùng như lực lượng trừ bị là: Tả bật, Hữu bật, Ngũ chế, Kiến thành, Thiên cán, Thiên trường, Thiên sánh, Hổ bôn, Hổ hầu, Thị Lân, Thị Loan. Ở các phủ huyện, có quân đội địa phương gồm có Ðạo, Cơ, Ðội. Quân chủ lực của Tây Sơn bấy giờ cứ 5 người mới có một cây súng trường, nhưng thiện dụng hỏa hổ, và gan dạ phi thường. Vì chuẩn bị đánh nhau với nhà Thanh sau này, ngài thu đố đồng trong nước để đúc đồ binh khí.
Về văn hóa, ngài cho mở trường học khắp các thôn xã. Những nơi nào không thể mở trường học thì mượn đình chùa làm nơi dạy dỗ. Vua Quang Trung là ông vua Việt nam đầu tiên đã có sáng kiến áp dụng một nền giáo dục phổ thông cho dân chúng. Và ngài cũng là vị vua đầu tiên đã thực hiện một cuộc cách mạng dân tộc là dùng chữ Nôm trong tất cả các chiếu biểu, văn thư hành chánh. Giám mục Bá Ða Lộc đã ra sức giúp Nguyễn Phúc Ánh để mong được tự do truyền đạo sau này, thì những nhà truyền giáo và giáo dân dưới thời nhà Nguyễn sau này bị nạn "Sát Tả" bức hại đến khủng khiếp, nhưng dưới thời Quang Trung, thì nhà vua đã thực hiện một nền bình đẳng và tự do tôn giáo. Những nhà truyền giáo ở đất Bắc trong thời Quang Trung như giáo sĩ Le Roy trong thư gửi cho Bladin ngày 18-7-1793, đã không hết lời khen ngợi sự tiến bộ trong công việc truyền đạo dưới chế độ Tây Sơn.
Về ngoại giao, thời đại Quang Trung là thời đại ngoại giao vàng son nhất lịch sử chúng ta. Từ xưa chưa có một vị vua nào tỏ vẻ lấn áp Trung hoa như vua Quang Trung. Trước hết, ngài đã không chịu thân hành đi đón sắc phong của vua Càn Long, hủy bỏ tục cống người vàng hằng năm cho Tàu để đền mạng Liễu Thăng đã có kể từ thời vua Lê Thái tổ. Và cuối cùng cử sứ bộ sang Tàu đòi hai hai tỉnh Quảng Ðông và Quảng Tây, cũng như xin cưới công chúa nhà Thanh. Ðòi hỏi của vua Quang Trung đúng là sự khiêu khích đối với Càn Long, là một ông vua cao ngạo và anh minh vào bậc nhất đời nhà Thanh. Tuy nhiên, khiếp uy Quang Trung, Càn Long đã phải chấp nhận để tỉnh Quảng Tây cho vua đóng đô và chọn ngày đưa công chúa Thanh qua Việt nam.
Ðau đớn thay, trong khi nhà Thanh chuẩn bị đáp ứng những đòi hỏi của Việt nam thì vua Quang Trung lại sớm ra đi. Vũ Văn Dũng cầm đầu phái bộ ở Bắc kinh lúc bấy giờ khi nghe tin vua mất đã ngã ra chết giấc, và sau đó có làm bài thơ khóc vua như sau:
Bố y phấn tích ngũ niên trung
Kim cổ thi vi sự bất đồng
Thiên vị ngô hoàng tăng nhất kỷ
Bất ư Ðường, Tống thuyết anh hùng
Anh Hợp dịch:
Năm năm dấy nghiệp tự thôn nông
Thời trước, thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hào Ðường, Tống hết khoe hùng.
Lịch sử không thể nói hết những nét phi thường của vua Quang Trung. Ngài là một vị tướng bách thắng. từ lúc cầm quân đánh Phú yên cho đến lúc mất chưa bao giờ biết nếm mùi thất bại. Ngài là một nhà chính trị tài ba chứng tỏ sau bốn năm xây dựng Bắc hà qua các chính sách kinh tế, văn hóa, giáo dục. Nhưng tình hình Nam kỳ, cũng như chính sách của nhà Tây Sơn đối với Mãn Thanh lúc bấy giờ, đã có hai quan điểm khác nhau đối với tương lai của Việt nam nếu ngài còn sống thêm một kỷ nữa.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, với tài năng phi thường của vua Quang Trung, ngài còn sống thêm lãnh thổ Việt nam đã thay đổi, tình hình chính trị ở Á châu cũng hoàn toàn thay đổi bộ mặt và vua Quang Trung có thêm cơ hội để chứng tỏ thêm sự phi thường tột bực của ngài. Quan điểm thứ hai đặt ra nhiều nghi ngờ là có thể nhà Tây Sơn lưỡng đầu thọ địch và tình trạng cũng khó biết đi về đâu.
Trong lúc Quang Trung cả phá quân Thanh, thì lúc bấy giờ ở miền Nam, Nguyễn Phúc Ánh tấn công thành Gia định, và trong khi ở Thăng long vua Quang Trung bắt tay bình định đất Bắc, thì cũng trong mùa xuân Kỷ Dậu (1789), Phúc Ánh đánh bại Phạm Văn Tham, và chiếm trọn đất Nam kỳ.
Từ năm 1789 đến năm 1792, trong khi ở Bắc vua Quang Trung củng cố lực lượng để chuẩn bị đánh Tàu thì ở trong Nam, Nguyễn Phúc Ánh cũng tích cực xây dựng lực lượng để tiến ra Trung. Trong khi Quang Trung chuẩn bị mười năm để đánh Tàu, thì ở trong Nam, Nguyễn Phúc Ánh cũng dự định một thời gian 13 năm để Bắc phạt.
Ðầu năm 1789, Nguyễn Phúc Ánh chiếm Gia định thì trong năm đó, Hoàng tử Cảnh và Giám mục Bá Ða Lộc trở về, mang theo khoảng 300 tay phiêu lưu người Pháp, tàu chiến và dụng cụ quân sự. Những người Pháp góp công rất lớn cho Nguyễn Ánh có nhiều người được phong tước hầu như Jean Marie Dayot chỉ huy tàu Nhị Chích là Trí Lược hầu, Julien Girard được phong là Long Hưng hầu, Guillaume Gouilloux được phong là Oai Dũng hầu, De Forcant lấy tên Việt là Nguyễn Văn Lăng được phong là Lăng Ðức hầu, Jean Baptist Chaigneau lấy tên Việt là Nguyễn Văn Thắng được phong là Toàn Thắng hầu. Với sự giúp đỡ của những người Pháp do Giám mục Bá Ða Lộc mang tới, Nguyễn Phúc Ánh xây dựng lực lượng quân sự, huấn luyện binh sĩ theo kỹ thuật u châu, đóng thêm tàu chiến, xây dựng thành trì. Olivier Puymanuel là người đã xây dựng thành Gia định, và nhất là sau này đã xây thành Diên khánh kiên cố, nhờ đó mà Hoàng tử Cảnh có thể chịu nổi sức tấn công của Trần Quang Diệu. Trong số người Pháp giúp chúa Nguyễn, Théodore Lebrun và Olivier đã trở thành hai nhà ngoại giao. Họ đã đi sang Macao, Manila, Nam dương, Tân gia ba mua thêm súng ống đạn dược cho Gia định. Chỉ trong năm 1791, Nguyễn Phúc Ánh đã mua của một thương gia Bồ Ðào Nha một vạn súng điểu thương, 2000 cỗ súng gang (mỗi cỗ nặng 100 cân Anh), 2000 viên đạn nổ lớn (mỗi viên đường kính 10 tấc). Ðại bác của Nguyễn Phúc Ánh lúc bấy giờ tân tiến hơn đại bác của Tây Sơn rất nhiều, súng được đặt lên xe đẩy, bắn xa và chính xác hơn. Nguyễn Phúc Ánh cũng đã tích cực phát triển hải quân, lập xưởng thủy sư từ bờ sông Tân bình đến bờ sông Bình Trị dài trên 3 dặm lo việc đóng tàu.
Chỉ trong 2 năm xây dựng sức mạnh ở Nam kỳ, năm 1790, Nguyễn Phúc Ánh đã bắt đầu thử lửa với Tây Sơn. Tháng 4 năm này, Nguyễn Phúc Ánh sai Lê Văn Quân, Nguyễn Văn Thành, Võ Tánh đem quân đánh Phan rí, Bình thuận. Dù chiếm được hai nơi này, nhưng khi Tây sơn đem binh vào tái chiếm, Lê Văn Quân không giữ được, sau xấu hổ tự tử. Cuộc ra quân năm 1790 của Nguyễn Ánh, dù thua trận nhưng cũng chứng tỏ miền Nam không còn chỉ là nơi mong lo thế tự phòng.
Vào năm Nhâm Tý, Nguyễn Phúc Ánh và chư tướng đã bàn kế hoạch tấn công Tây Sơn, là hàng năm cứ vào mùa gió nồm, mang quân ra quấy phá. Tháng 6 năm 1792, một tháng trước khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Phúc Ánh đã mang một lực lượng hải quân hùng hậu ra tấn công Thị nại. Cuộc tấn công của quân Nam vào cửa Thị nại gồm đủ mặt các tướng cừ khôi của hải quân Nam kỳ: Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thành, Dayot, Vannier, De Redon, D'Auray, Olivier de Carpentras.
Cuộc tấn công Thị Nại của quân Nam đã thành công rất dễ dàng. Chỉ trong giây lát, thuyền Nam quân đã xông hết vào quân cảng, đốt sạch doanh trại, thuyền bè Tây Sơn, chỉ để lại 5 chiến hạm và 20 chiếc thuyền có tay chèo, thu làm chiến lợi phẩm. Trận thủy chiến Thị nại năm 1792, nhiều tướng lãnh nhà Nguyễn cũng như các sĩ quan Pháp về sau cho rằng, nếu Nguyễn vương không có tâm trạng còn quá e sợ quân Tây Sơn, lúc bấy giờ đổ bộ lên Qui nhơn, thì trong lúc bất ngờ đó có thể chiếm được thành này và bắt được vua Thái Ðức.
Sự thành công của chiến trận Thị nại trong tháng 6-1792 của quân Nam đã chứng tỏ họ đã gây được sự lo âu cho Quang Trung. Khi sắp mất, ngài đã phải căn dặn Trần Quang Diệu: "Ta mở mang bờ cõi khai thác đất đai, có cả cõi Nam này. Nay đau ốm tất không dậy được. Thái tử tư chất hơi cao, nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài có quân Gia định Nguyễn Ánh là quốc thù, mà Thái Ðức thì tuổi già ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi trong một tháng phải lo chôn cất, việc tang làm lạo thạo mà thôi. Lũ ngươi nên hợp sức giúp thái tử sớm thiên về Vĩnh đô để khống chế thiên hạ. Bằng chẳng, quân Gia định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn đâu." (Quang Trung Nguyễn Huệ, Bùi Tiên Khôi) Lời dặn của vua Quang Trung đã không được tướng tá Tây Sơn tuân theo, lại đưa đến những cuộc tranh giành quyền lực khuynh loát lẫn nhau.
Việc Võ Văn Dũng giết Ngô Văn Sở, Bùi Ðắc Tuyên đã làm cho Trần quang Diệu phải rút quân đang vây Diên khánh và Lê Trung trong lúc đuổi quân Nam của Nguyễn Hoàng Ðức đến tận Bà rịa cũng phải rút lui đã bỏ mất cái thế của Tây Sơn trong năm 1795. Kế đó Cảnh Thịnh đã để cây cột chống trời của Tây sơn là Trần Quang Diệu ngồi chơi xơi nước một thời gian dài. Rồi đến năm 1798, vua Cảnh Thịnh nghe lời dèm siểm giết mất Lê Trung, làm rể Lê Trung là Lê Chất phải hàng Gia định, và sau đó là Nguyễn văn Huấn lại bị lời dèm siểm của Hồ Công Diệu để bị tử hình, Cảnh Thịnh đã tự chặt mất tay chân của mình, làm nhân tâm ly tán đem thêm cơ hội thành công cho chúa Nguyễn.
Không ai không đồng ý là sau khi vua Quang Trung mất, ông có một thái tử lớn tuổi, không chỉ mới lên 10 như Nguyễn Quang Toản, nội bộ Tây Sơn ổn định, thì chúa Nguyễn cũng không dễ thống nhất đất nước vào năm 1801 mà so với sức mạnh của hai bên thời bấy giờ, có thể tình trạng Nam - Bắc sẽ kéo dài rất lâu.
Lịch sử cũng đồng ý với tài điều binh khiển tướng thần sầu khấp qủy của vua Quang Trung, nếu ngài không mất sớm Nguyễn Phúc Ánh dù có mua được bao nhiêu chiến cụ tối tân của Âu châu cũng không thể ngóc đầu lên nổi.
Chiến lược của Nguyễn Phúc Ánh đối với Tây Sơn không phải chỉ mong ở sự trang bị cho quân đội bằng vũ khí Tây phương mà vận dụng những quốc gia lân bang tiếp tay cho mình. Suốt quá trình "phục quốc" của Nguyễn Phúc Ánh là cầu viện ngoại bang. Liên minh Nguyễn Phúc Ánh và Xiêm La là một liên minh rất chặt chẽ. Một thứ thế ỷ dốc để dựa vào nhau. Năm Quý Sửu 1793, trong lúc Nguyễn vương đánh Qui nhơn, vua Xiêm và đại tướng Chất Tri đã đem 5 vạn quân xuống Nam vang, 500 chiến thuyền đến Hà tiên, sai sứ giả mang thư đến Nguyễn Phúc Ánh cho biết sẵn sàng theo quân Gia định bắc chinh. vì chúa Nguyễn lúc bấy giờ đã rút quân về nên quân Xiêm La mới rút về nước. Trong năm 1794, Xiêm La đã hẹn ngày cùng chúa Nguyễn cất quân đánh Phú xuân, quân Xiêm sẽ đi đường bộ đánh mặt sau của Phú xuân, còn quân Nguyễn thì đánh mặt trước. Tháng 12-1794, Phúc Ánh đã sai sứ sang Xiêm dục động binh, nhưng vì bấy giờ xiêm bị Miến xâm lăng nên lại phải nhờ chúa Nguyễn giúp đỡ. Chúa sai Nguyễn Huỳnh Ðức, Nguyễn Văn Trương đem quân giúp cho Xiêm.
Liên minh để tấn công Tây Sơn không phải chỉ có Xiêm La, mà cả Chân Lạp và Lào. Trong năm 1791, vì Ai Lao không chịu tiến cống, vua Quang Trung đã sai Trần Quang Diệu đem quân sang Vạn Tượng, thu hết tài vật của Vạn Tượng đem về, nên Vạn tượng đã thù Tây Sơn và sau này Vạn tượng đã đem binh đánh Nghệ an, giúp Nguyễn Phúc Ánh.
Nguyễn Phúc Ánh trong nỗ lực đánh bại Tây Sơn đã không phải chỉ nhò sự giúp đỡ của người Pháp, liên kết với Xiêm La, chân Lạp, Ai Lao, mà đối với nhà Mãn Thanh cũng đã coi như một nơi có thể nhờ cậy. Trong thời gian quân Thanh xuống Bắc hà, Gia Ðịnh phái Phan Văn Trọng và Lâm Ðề mang 50 vạn cân gạo ra Bắc để tiếp quân lương cho Mãn Thanh, và dâng thơ cho Tôn Sĩ Nghị, nhưng thuyền đi đường bị gió bão đánh đắm.
Hy vọng đối với Mãn Thanh của chúa Nguyễn tiêu tan khi 20 vạn quân Thanh bị đánh tan trong 7 ngày, và sau đó vua Càn Long lại sắc phong cho vua Quang Trung. Tuy nhiên, Gia Ðịnh vẫn đặt hy vọng này. Sớ của Nguyễn Văn Thành và Ðặng Trần Thường dâng lên chúa Nguyễn đã nói lên điều này: "Hiện ta với Tây Sơn đối địch, không thể không dùng ngoại giao để cầu viện. Nhà Thanh từ khi bị Tây Sơn đánh bại, chắc cũng căm hờn để chờ cơ hội. Nay vua Gia Khánh nối ngôi, buổi đầu đang hăng hái, không phải cái khí tượng đời Càn Long nữa. Nhà Thanh vốn lo giặc biển chưa có cách khống chế, đã bảo Tây Sơn tìm bắt, nhưng nó lơ đi. Vậy nhà Thanh không chỉ giận giặc biển mà giận đến Tây Sơn nữa. Vả lại, nam bắc xa xôi, nhà Thanh tưởng đâu Tây Sơn đã chiếm cả bờ cõi Nam Việt, không ai đối đãi nổi, nên vẫn chưa định ngày xuất quân, hoặc giả đó là một cớ. Từ khi quân ta thắng trận ở Ðà nẵng, bắt được nhiều tàu giặc ô biển. Bọn thần đề nghị soạn một bài biểu, lấy mấy thuyền tàu ô đem dâng, ắt vua Thanh phải khen, nhận. Nếu nhân đó đến được chầu tận nơi, thì ta sẽ biện bạch phải trái. Một là nói rõ Tây Sơn xưng thần ở Trung quốc mà xưng đế ở ngoài, đập vào chỗ kỵ của họ mà gây hiềm khích..."
Trong năm 1798, quân Nguyễn so với Tây Sơn cũng không còn sút kém, thế nhưng họ vẫn muốn được liên kết với nhà Thanh để hai mặt đánh Tây Sơn. Ðiều này làm nhiều người cho rằng, nếu vua Quang Trung còn, cuộc chiến giữa Tây Sơn và Mãn Thanh xảy ra, quân chúa Nguyễn sẽ đánh đàng trong, quân Thanh đánh mặt Bắc, hải quân nhà Thanh và chúa Nguyễn tấn công mặt đông, liên quân Xiêm La - Chân Lạp - Vạn Tượng đánh phía tây sẽ dồn Tây Sơn vào thế bốn bề thọ địch, thì chưa có thể dám kết luận vua Quang Trung sẽ có thể phá vỡ thế tấn công đó.
Sự việc hẳn không thể như vậy. Theo một tài liệu của giáo sĩ Cadière thì giáo sĩ Le Labousse đã có viết: "Vào tháng 2 năm 1792, trước ngày chúng tôi rời bỏ các con chiên và cũng để tránh kẻ địch, họ kéo tới vài chục ngàn quân do đường Lào và đàng hoàng tiến vào Cao Miên. Người Miên cũng tính theo họ, mà về phần Nguyễn Huệ sẽ cùng hải quân ập vào các cửa bể miền Nam để chặn đường rút lui của chúa Nguyễn. Nếu dự định này được thi hành, thì nhà vua cùng chúng tôi chỉ chờ chết. Nhưng nhờ ơn trên, việc này không thấy thi hành nên chúng tôi thoát được cơn giông tố nguy hiểm ấy, hoặc do Tây Sơn e ngại các chiến hạm của người u châu đang đóng đầy các cửa sông Sài Côn do việc buôn bán, hoặc vì hai đạo quân của vua Xiêm La cho qua đã ngăn chúng lại ở Cao Mên". Lá thư của Le Labousse và lời trối trăn của vua với Trần Quang Diệu trước phút lâm chung, cho thấy vua Quang Trung không thể là một người không chuẩn bị để khi có can qua với Thanh đình, thì quân Tây Sơn phải đương cự cùng lúc bốn mặt giáp công hay lưỡng bề thọ địch.
Sau khi thắng Mãn Thanh, Ngô Thì Nhậm đã thảo một bức thư nhờ Thang Hùng Nghiệp, tổng đốc Quảng Tây dâng lên vua Càn Long lời lẽ vô cùng nhún nhường:
"...Tôi là Nguyễn Quang Bình ở khuất nẻo bên An nam, bấy lâu vẫn được tắm gội trong thánh giáo...
Tôi ở hẻo lánh tận tít chân trời, đường sá xa xôi, núi sông cách trở, chẳng hay việc đó có hẳn do ý hoàng đế sai làm hay do Tôn Sĩ Nghị vì một người đàn bà xui khiến, rồi mang kiêu hãnh lập công ở biên thùy để hòng kiếm lợi lớn?
Hay tin có binh mã thượng quốc ra khỏi cửa ải, tôi nghĩ: tấc lòng sợ mạng trời, phục nước lớn của mình bấy lâu nay đã bị kẻ khổn thần ngăn trở mà cái cớ Duy Kỳ trốn bỏ nước kia lại bị che lấp không thông đạt lên được, sau này mối binh tranh hùng xảy ra thì tai hại xảy ra không phải là ít!
...châu chấu đá xe, tôi thật lòng không dám, song cửa vua xa cách muôn dặm, hễ tôi nhúc nhích điều gì thì bị kẻ khổn thần hiếp đáp không sao chịu nổi, nhưng hình tích mới dường như chống cự...
... Nép nghĩ Hoàng đế là bậc theo ý trời ban nghị hoà, làm cho cành khô được xanh tươi, cây kiệt lại nẩy nở. Xin ngài lựa theo tự nhiên, thứ cho cái tội đón đánh Sĩ Nghị, và xét cho tấc thành mấy phen đã đi gõ cửa ải..."
(Hoa Bằng, Quang Trung Nguyễn Huệ)
Lá thư của vua Quang Trung gởi vua Càn Long nói trên cho thấy vua Quang Trung rất biết người biết mình, biết chưa đủ sức chống lại đợt trả thù định huy động đến năm chục vạn binh 9 tỉnh miền Nam của Mãn Thanh, phải nhún nhường qua ải.
Sau khi Càn Long hủy bỏ quyết định huy động quân dân 9 tỉnh miền Nam Trung quốc Nam chinh, thì vua Quang Trung mới bắt đầu chứng tỏ sự độc lập của mình. Những gì nhà vua làm sau đó, đều có tính toán vì thăm dò được phản ứng của triều đình nhà Mãn. Vì thế, những đòi hỏi của vua Quang Trung như đòi Lưỡng Quảng, thì cũng gần như được thoả mãn một nửa. Vua Quang Trung có thể nuôi hùng tâm sẽ tấn công nước Tàu, vì Nữ Chân cũng là một nước nhỏ mà có thể vào làm vua Trung quốc. Và hơn nữa, bấy giờ những nghĩa sĩ Trung quốc, nhất là miền Nam Trung hoa đã có những phong trào kháng Thanh nổi lên rất mạnh.
Theo dự trù phải 10 năm, vua Quang Trung mới có thể thực hiện giấc mộng vĩ đại của mình. Tình trạng bang giao giữa hai nước cho đến năm 1792, coi như vẫn hoàn toàn thuận lợi cho Tây Sơn. Nếu ông còn sống, thu nạp công chúa con vua Càn Long, thì áp lực mặt Bắc lại có thể vì đó mà không còn phải lo lắng nữa, nếu như Quang Trung không khiêu khích thêm, và buộc Mãn Thanh phải phản ứng.
Hẳn vua Quang Trung sẽ không khiêu khích Bắc Kinh khi sứ bộ Võ Văn Dũng đã đạt những đòi hỏi. Và năm 1792, sau khi Thị nại bị tấn công là lúc Quang Trung chuẩn bị diệt mối lo nằm sau lưng. Lá thư của Le Labousse, sự lo âu của Nguyễn Phúc Ánh bày tỏ với sứ thần Xiêm La: "Rất có thể Huệ đem quân vượt qua đường Lào và Cao Mên để đánh miền Nam, thủy quân của Huệ cũng sẽ lần theo hải đạo đến Côn Lôn và hoạt động tại Xiêm La, Hà tiên, tới chiếm đóng Long xuyên, Kiên giang rồi hợp với bộ binh ở Sài Côn..." và cũng như mối lo của ngài bày tỏ với Trần Quang Diệu lúc lâm chung, cho thấy Quang Trung không khinh thường lực lượng Gia Ðịnh. Như vậy, nếu có thực hiện cuộc Bắc phạt đánh nhà Thanh, ngài phải diệt gọn lực lượng của Nguyễn Phúc Ánh trước đã. Diệt xong Nguyễn Phúc Ánh, những nước như Xiêm La, Cao Miên, Vạn Tượng không còn là mối lo đối với Tây Sơn, mà biết đâu họ lại là những nước lại xoay sang liên kết với Việt nam để ngó lên miền Bắc.
Ngài đã mất sớm. Khổng Minh mất, Tư Mã Ý được thời đắc chí là tình trạng bấy giờ. Ngài mất đất nước ta đã mất một cơ hội. Nước Tàu sau khi Càn Long mất đã đi vào con đường suy thoái. Một nước Việt dù nhỏ, nhưng có một nhà vua hùng tài đại lược như vua Quang Trung, vận nước đã xoay chuyển những bước xoay khó mà tưởng tượng.
Quang Trung mất trong năm 1792 là cơ may, là thời trời cho Nguyễn Phúc Ánh, và có lẽ cũng là vận mệnh bắt dân Việt nam phải chịu 80 năm đô hộ… Dân tộc phải chịu đựng đau buồn, không thể sánh vai cùng các nước Á châu, mà trước đây so với Việt nam họ còn lạc hậu hơn nhiều.
HUỆ VŨ
Ðặc san QUANG TRUNG - TÂY SƠN
Xuân Ðinh Sửu 1997