Khoan bàn về công tội của Hồ Quý Ly và nước Đại Ngu khai sinh chết yểu trong 7 năm. Hãy nói một chút về vấn đề tiền giấy “Thông bảo hội sao” mà Hồ Quý Ly ban hành năm 1396. Ngoài ra Hồ Quý Ly còn cho phát hành tiền đồng “Thánh Nguyên Thông Bảo”.
Hiện nay đại đa số các quốc gia trên thế giới đều đã sử dụng tiền giấy, hoặc polime như nước ta cho sang, liệu điều này có cho thấy Hồ Quý Ly là một người có tầm nhìn vượt thời gian, thấy được sự thay đổi tất yếu của lịch sử tiền tệ?
Câu đó thì mình chịu chả trả lời được, nhưng việc sử dụng tiền giấy thì cũng xin đưa ra vài góc nhìn của một sinh viên kinh tế.
Chắc lúc đầu Hồ ca cho in tiền giấy, dân chúng khắp nơi cũng ngơ ngác nhìn nhau và be like: “Tiền giấy thì làm sao mua đồ, đổi chác bằng niềm tin à?”
Vâng,100 điểm về chỗ, đúng là đổi bằng niềm tin đấy. Nói chính xác, tiền giấy là một loại tiền danh nghĩa, giá trị của nó chính là nằm vào ở niềm tin của dân chúng đối với triều đình/chính phủ chứ bản thân đồng tiền thì chả có giá trị gì đáng nói.
Ngó qua lịch sử tiền tệ - tiền giấy
Ngó tạm qua một số nước chúng ta sẽ thấy, kỳ thực tiền giấy không phải là một phạm trù gì quá xa lạ, ngay từ đời Đường đã manh nha xuất hiện Ngân phiếu, nó cũng là một hình thức sơ khai của tiền giấy.
Còn rõ hơn chút thì hãy nhìn vào thời Tống, nơi tiền giấy xuất hiện một cách rầm rộ hơn vì nhiều nguyên nhân. Mà nguyên nhân chủ yếu có lẽ là do … giàu: Nông nghiệp phát triển quá nên dân số tăng, thương mại phát triển quá nên nhu cầu giao dịch lớn, ngoại thương phát triển quá nên các nước anh em bè bạn xung quanh ứ thèm tự đào mỏ đúc tiền làm gì cho vất vả, nhập luôn tiền của "thiên triều" về dùng cho tiện, chưa kể cần đúc vũ khí, nhu cầu quân sự khiến nhu cầu về đồng càng lúc càng cao trong khi nguồn cung đồng thì theo không kịp.
Hồ Quý Ly phát hành hay ép buộc dùng tiền giấy.
Cho nên tiền giấy ra đời, nhưng kể cả là như vậy Đại Tống cũng không dám liều mạng như Hồ đại ca, thời gian đầu họ luôn có khoản dự trữ bằng bạc trong quốc khố để "bảo hộ" giá trị tiền giấy được phát hành. Họ cũng không bắt dân hoàn toàn dùng tiền giấy ngay lập tức, mà phân chia khu vực: Nơi dùng tiền giấy, chỗ dùng tiền đồng, chỗ dùng tiền sắt, vân vân. Ban đầu tiền giấy cũng có hạn sử dụng, nên cứ vài năm một lần, dân chúng lại được phép đổi giấy sang đồng, sử dụng song song. Về sau, chính sách này mới dần thay đổi, giấy chỉ là giấy khỏi đổi lại lôi thôi. Nói chung là có một bước đệm dài.
Với sự đảm bảo này, cùng sự ổn định của triều đình trong một thời gian tương đối, kết hợp với những chính sách có nhu có cương nhằm dụ dỗ bức ép dân chúng dùng tiền giấy, dần dần, sau... mấy chục năm, tiền giấy đã cảm hóa được trái tim sắt đá của dân chúng, được tin tưởng, yêu thương và lưu hành rộng rãi.
So với thời của Đại Ngu, cách mà Hồ Quý Ly sử dụng là cưỡng ép thu hồi tiền đồng, ép xài tiền giấy, trong khi dân trí của dân chúng còn chả có ai theo kịp lối suy nghĩ thiên mã hành không của vua và cũng chả có chút thời gian đệm nào để họ làm quen thì rối loạn cũng là điều cực kỳ dễ hiểu.
Nôm na cho dễ hình dung thì điều đó cũng giống như bây giờ vào một hôm đẹp trời nào đó chính phủ bắt các bạn đốt hết tiền polime chuyển toàn bộ sang xài Bitcoin vậy. (Mà kể cả là như thế thì mức độ chấn động vẫn còn chưa so được bằng đâu)
Thêm vào đó, một vấn nạn khi sử dụng tiền giấy là: “Lạm phát”, điều này sẽ phát sinh khi triều đình bắt đầu có hiện tượng thiếu tiền, in tiền một cách vô tội vạ thì lúc đó cũng đồng nghĩa niềm tin của dân chúng vào mấy tờ tiền giấy sẽ biến mất khi một tờ “Thông bảo hội sao” mới hôm qua còn mua được một con trâu thì giờ chỉ đủ mua mấy cọng hành. Điều tương tự cũng xảy ra vào cuối thời Tống.
Tại sao Hồ Quý Ly phát hành tiền Thông bảo hội sao
Ưu điểm của tiền giấy là về mặt kinh tế, nó giảm chi phí đúc tiền của triều đình, giảm đi gánh nặng cho nguồn cấp đồng và kim loại quý vào nhu cầu tiêu dùng của dân chúng để có thể chuyển qua những mục đích thực dụng hơn như đúc hỏa khí, vũ khí, giáp trụ, xây dựng …
Nhưng đồng thời quản lý tiền giấy đòi hỏi triều đình thứ nhất phải tạo được niềm tin cho người dân, thứ hai phải giàu có, có “dữ trữ ngoại hối” hay ở đây là “dự trữ hiện kim” lúc cần thiết để trấn an dân chúng, và thứ ba cũng cần có những nhân tài đủ khả năng để điều hành chính sách tiền tệ của triều đình, càng là phải cần một thời gian đệm để cho người dân quen với sự thay đổi đột ngột như vậy.
Và phải nói rằng, tất cả những nhân tố này, Đại Ngu đều không có.
Cho nên mới nói, ở đời đôi khi phải biết lượng sức mà làm, cố quá thì nó sẽ rất dễ thành quá cố.
------------------------------------
Nguồn: Tham khảo một phần của bài viết Lạc ngắm nhân gian.
Đại Việt Sử ký toàn thư.