Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

XÂM LƯỢC LIÊN XÔ CÓ PHẢI QUYẾT ĐỊNH SAI LẦM CỦA ĐỨC QUỐC XÃ ?

Rất nhiều người vẫn tin tưởng rằng quyết định tấn công Nhà Nước Xô Viết là một hành động sai lầm của Hitler khi đã đẩy quân đội và cả Đế Chế Thứ Ba đối đầu với một cường quốc với sức mạnh công nghiệp nặng hàng đầu thế giới và một dân tộc giàu lòng yêu nước không bao giờ chịu khuất phục. Nhưng bao giờ cũng vậy, chúng ta tự cho ta quyền phán xét lịch sử và áp đặt những suy nghĩ, tư duy chủ quan lên đối tượng lịch sử, để tự đề cao cái tôi hiểu biết của mình. Mà không hiểu rằng ở bất kỳ ai, kể cả các bậc anh hùng vĩ nhân, có vô số lựa chọn khác nhau cho mỗi hành động, và mỗi hành động luôn tạo ra vô số hệ quả mà họ không thể biết trước. Trong khi chúng ta lại đánh giá họ sau khi đã biết hết tất cả những kết quả mà họ đã gây ra. Vì thế, thay vì chỉ trích, hạ thấp một nhân vật lịch sử nào đó, luôn thử đưa bản thân mình vào bối cảnh quá khứ của họ, và thử xem liệu hành động của họ hay của chính bản thân mình đã thực sự đúng đắn.

XÂM LƯỢC LIÊN XÔ CÓ PHẢI QUYẾT ĐỊNH SAI LẦM CỦA ĐỨC QUỐC XÃ ?

Thử vào vai Hitler vào những tháng trước khi chiến dịch Barbarossa bắt đầu, chúng ta có những suy nghĩ gì:
NÊN HAY KHÔNG NÊN XÂM LƯỢC LIÊN XÔ:
Thành quả nếu chiến thắng: nếu chiến thắng, nước Đức sẽ có phần thưởng quá vĩ đại mà bất cứ một nước Đế Quốc nào cũng phải mơ tới: một lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới, tài nguyên thiên nhiên giàu có hơn bất cứ vùng đất nào, dân số đông cung cấp một lương nhân công khổng lồ, đất đai trù phú cho nông nghiệp phát triển, nền công nghiệp và khoa học công nghệ đã phát triển đến trình độ khá cao. Giá trị của Liên Xô thậm chí còn lớn hơn toàn bộ thuộc địa trên thế giới của Anh nhờ vào vị trí địa lý khá gần Đức, cho phép vận chuyển tài nguyên về mẫu quốc dễ dàng hơn nhiều đế quốc Anh. Nói chung là nếu cuộc xâm lược thành công, nước Đức sẽ mở rộng để trở thành Đế Chế mạnh nhất trong lịch sử.
2. Khả năng thực hiện: đây là yếu tố quan trọng nhất của vấn đề. Trong mắt Hitler và các tướng lĩnh và quan chức cấp cao, họ thấy gì?

– Quân đội Đức là một đội quân kỉ luật, tinh thần tốt, huấn luyện tốt và trang bị tân tiến nhất thời bấy giờ. Hệ thống sĩ quan thì xuất sắc từ cấp thấp cho đến bộ máy chỉ huy cấp cao. Chiến tranh được sự ủng hộ tuyệt đối từ dân chúng. Nền công nghiệp khổng lồ và hiện đại có thể hỗ trợ đầy đủ cho chiến tranh. Và quan trọng nhất, nước Đức vừa đánh bại hàng loạt các quốc gia châu u trong thời gian và thiệt hại ở mức tối thiểu. Đặc biệt Đức đã đánh bại Pháp, một quốc gia có sức mạnh toàn diện không hề thua kém Liên Xô và có nhiều kinh nghiệm chiến tranh ở thế chiến 1 và các nước thuộc địa. Điều này cũng giúp cho tinh thần và kinh nghiệm của các binh sĩ và sĩ quan lên cao nhất trong giai đoạn này.
– Trong khi đó, Liên Xô vừa trải qua cuộc đại thanh trừng khiến Hồng Quân thiếu hụt các sĩ quan tài năng. Binh sĩ kỷ luật kém, huấn luyện kém, và nhiều trang thiết bị, vũ khí lạc hậu so với đối thủ. Bộ máy lãnh đạo thì chủ quan và ảo tưởng. Và cuộc chiến với Phần Lan đã hoàn toàn chứng minh thực tế này.
– Đồng thời, nước Đức đã hoàn toàn sẵn sàng cho cuộc chiến. Mặt trận phía Tây hoàn toàn ổn định và không còn đe dọa gì đến nước Đức. Mặt trận Bắc Phi chỉ là thứ yếu, và nước Đức vẫn đang thắng lợi trên mặt trận này. Tinh thần cuồng chiến nảy sinh khắp mọi tầng lớp dân chúng. Nền công nghiệp cũng đủ sức hỗ trợ đầy đủ cho cuộc chiến với Liên Xô. Các kế hoạch tiến đánh nhà nước Xô Viết cũng gần như là hoàn hảo.

3. Còn rủi ro dễ nhận thấy của cuộc chiến là gì?
– Rủi ro lớn nhất với Hitler, đó sẽ là một đòn đánh sau lưng của nước Anh, điều này không xảy ra cho đến tận tháng 6-1944.
– Kế hoạch bị lộ và Liên Xô kịp xây dựng các phương án đối phó: Nó cũng không xảy ra và thậm chí nhiều giờ trước khi cuộc chiến xảy ra, tình báo Liên Xô đã phát hiện ra nhưng Stalin vẫn bỏ ngoài tai.
– Sức chống cự mạnh mẽ của Hồng Quân, cũng như khả năng tổng động viên khổng lồ của Hồng Quân: Thực tế đã chứng minh, quân số hay tinh thần chiến đấu của Pháp hay Liên Xô cũng không chống đỡ nổi khả năng tác chiến vô cũng hiện đại và mạnh mẽ của quân đội Đức Quốc Xã.

VÀ CÓ LỰA CHỌN NÀO THAY THẾ CHO CUỘC XÂM LƯỢC LIÊN XÔ?
Xâm lược nước Anh: kế hoạch thất bại hoàn toàn khi mà Lutwaffe không thể kiểm soát bầu trời nước Anh. Tuy nhiên, cứ giả sử, nước Đức dồn toàn bộ nguồn lực vào cuộc xâm lược này, thành quả đạt được sẽ là gì? Chính là một hòn đảo dân số ít, tài nguyên hạn chế. Trong khi nước Đức không hề có kinh nghiệm tác chiến đổ bộ, cuộc xâm lược sẽ là thiệt hại vô cùng khủng khiếp đối với nước Đức.
Xâm lược Bắc Phi: thực tế nước Đức cũng đã thực hiện và đạt được những thành công đáng kể bước đầu. Nếu đặt trong giai đoạn 1941, có lẽ cũng là quá đủ đối với nước Đức, vì Bắc Phi giai đoạn này chưa phát hiện được nhiều tài nguyên khoáng sản như hiện nay.
Xâm lược Trung Đông: quá xa đối với Đức và nước Đức cần thành công trong cuộc xâm lược Liên Xô và Bắc Phi để có thể thực hiện được.

Dừng xâm lược: điều này trái ngược với những tuyên bố của Hitler về vận mệnh của nước Đức. Chưa kể sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên của nước Đức. Vì vậy, nước Đức buộc phải tiếp tục xâm lược vì sự phát triển của đất nước và để bảo vệ uy tín của Hitler.
Như vậy, xâm lược Liên Xô quả thực là một cuộc chiến vô cùng khả thi với rủi ro không quá lớn trong khi lợi ích mà nó mang lại thì khổng lồ. Và thực tế là kế hoạch đã thành công hoàn hảo đến mức 90%. Vì vậy, mình tin rằng, vào đầu cuộc chiến, chiến dịch Barbarossa là một quyết định vô cùng đúng đắn và sáng suốt. Thất bại của cuộc xâm lược nhà nước Xô Viết là do những quyết định sai lầm sau này của các tướng lĩnh và Hitler. Tất nhiên những nỗ lực của Hồng Quân là rất lớn, nhưng với hai trận đánh Moscow và Stalingrad, thất bại này vẫn do các quyết định sai lầm của Hitler nhiều hơn một chút.
P.S: thấy hơi nhọ cho Hitler. Mỗi thất bại của Stalin càng khiến Hồng Quân tiến bộ và mạnh mẽ hơn. Còn mỗi sai lầm của Hitler lại kéo nước Đức xuống gần vực thẳm hơn.

Bài phân tích của thành viên Sơn Dương Thanh – Hội những người thích tìm hiểu về thế chiến thứ 2