Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

HỒ QUÝ LY ĐÃ CƯỚP NGÔI NHÀ TRẦN NHƯ THẾ NÀO?

Triều đại nhà Trần (1226-1400) có tục cha nhường ngôi cho con khi còn sống để làm Thái thượng hoàng. Ưu điểm của nó là giúp vị vua trẻ có dịp thực tập vai trò của mình dưới sự dìu dắt của vua cha để khi thực sự lãnh đạo đất nước sẽ không bị quyền thần lấn át. Nhưng mặt khác, nếu đã nhường ngôi mà Thái thượng hoàng vẫn tham quyền cố vị thì rất dễ bị nịnh thần khuynh loát. Nhà Trần còn có tục “nội hôn” nhằm mục đích bảo vệ vững chắc triều đại.
Ngoài Trần Thái Tông kết hôn với Lý Chiêu Hoàng sau đó với Thuận Thiên công chúa (chị của Chiêu Hoàng), thì từ thời Trần Thánh Tông trở đi các ngôi vị hoàng hậu đều thuộc dòng dõi nhà Trần. Kết quả đã làm luân thường đạo lý đảo lộn, cuộc sống vương triều dâm loạn, dòng giống bị thoái hóa.

HỒ QUÝ LY ĐÃ CƯỚP NGÔI NHÀ TRẦN NHƯ THẾ NÀO?

Nhà Trần chỉ hưng thịnh với bốn vị vua đầu là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông. Kể từ khi Trần Minh Tông lên cầm quyền (1314) nhà Trần bước vào thời kỳ rối ren, suy yếu. Năm (1370) con thứ ba của Trần Minh Tông được đưa lên ngôi tức Trần Nghệ Tông (ở ngôi 2 năm sau làm thái thượng hoàng 22 năm). Trần Nghệ Tông tuy nhân từ nhưng nhu nhược, thích nịnh hót, không phải là bậc minh quân. Đây chính là cơ hội ngàn vàng để Hồ Quý Ly tham dự và thao túng triều chính rồi cướp ngôi nhà Trần.

Hồ Quý Ly có hai bà cô ruột cùng lấy vua Trần Minh Tông. Một bà sinh ra vua Trần Hiến Tông, một bà sinh ra vua Trần Duệ Tông. Đã thế, con gái của Hồ Quý Ly là Hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông, rồi bản thân Hồ Quý Ly cũng lấy công chúa Huy Ninh là con của vua Trần Nghệ Tông và em gái họ của Hồ Quý Ly lại lấy vua Trần Duệ Tông ( người sinh ra vua Trần Phế Đế)... cho nên, quan lại triều Trần thời Nghệ Tông hầu như không ai không kiêng sợ Hồ Quý Ly.

Được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông che chở và tin cẩn, Hồ Quý Ly không coi ai ra gì nữa. Trong suốt thời gian Nghệ Tông làm Thượng hoàng, Hồ Quý Ly đã gần như thao túng được toàn bộ các hoạt động của triều đình, đồng thời dùng mọi cách để lần lượt thủ tiêu những kẻ đối nghịch. Cuộc công phá có quy mô lớn đầu tiên của Hồ Quý Ly vào triều Trần là việc lật đổ ngôi vị của vua Trần Phế Đế. Sự kiện này diễn ra vào năm 1388. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lại, đại thể như sau:

Vua Trần Phế Đế bàn mưu với Thái Úy Trần Ngạc rằng: Thượng hoàng tin yêu ngoại thích là Quý Ly, cho hắn mặc sức làm gì thì làm, nếu không lo trước đi thì sau sẽ rất khó chế ngự. Nhưng âm mưu bị lộ, Hồ Quý Ly biết được. Trước nguy cơ bị sát hại, Hồ Quý Ly có ý định tự tử nhưng Phạm Cự Luận đã bàn mưu với Quý Ly rằng: Thượng hoàng trong lòng vẫn căm Vua về việc giết quan Phục Đại vương (một trong những người con của Nghệ Tông). Nay quyền bính trong thiên hạ đều nằm ở đại nhân cả mà Vua lại mưu hại đại nhân thì ắt Thượng hoàng càng lấy làm ngờ lắm. Thượng hoàng có nhiều con đích, đại nhân cứ tâu rằng: thần nghe ngạn ngữ nói: " Chưa ai dám bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi con" ( ý muốn chỉ việc Trần Nghệ Tông cho lập cháu nội là Trần Phế Đế làm vua mà không lập con mình lên ngôi vua). Nghe thế, may ra Thượng hoàng sẽ tỉnh ngộ mà đổi lập Trần Ngung con út của Nghệ Tông lên ngôi. Nếu đến lúc ấy mà Thượng hoàng vẫn không nghe thì chết cũng chưa muộn.
Quý Ly nghe theo, bí mật tâu với Thượng hoàng như lời Cự Luận bàn. Thượng hoàng cho là phải.

Bốn tháng sau khi nghe lời mật tấu đầy ác ý gièm pha của Hồ Quý Ly, cũng là thông gia của mình, thượng hoàng Trần Nghệ Tông quyết định phế bỏ vua Trần Phế Đế. Đây là một trong những cuộc phế lập rất thương tâm, được sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lại, đại thể như sau: " Tháng 12, sáng sớm, Thượng hoàng gọi Vua tới bàn việc nước. Vua chưa kịp ăn, vội vã đi ngay. Đến nơi, Thượng hoàng lập tức cho người đem Vua ra giam ở chùa Tư Phúc, tuyên đọc nội chiếu: ... giáng vua Trần Phế Đế làm Linh Đức Đại Vương...truyền đón Trần Ngung vào nối ngôi đại thống...
Việc phế truất bất ngờ này đã gây nên một làn sóng phản kháng khá mạnh mẽ của quan quân và tướng sĩ. Nhiều vị tướng quân như: Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Kha, Lê Lặc, Nguyễn Bát Sách... định đem quân vào cứu Vua. Nhưng Vua viết hai chữ giải giáp đưa cho các tướng và răn bảo họ không được làm trái ý Thượng hoàng nên các tướng mới thôi. Lát sau, Thượng hoàng sai người dìu Vua xuống phủ Thái Dương thắt cổ cho chết.

Trong những ngày trị vì cuối đời của Trần Phế Đế, không ít quý tộc và quan lại của triều đình tỏ ra căm ghét Hồ Quý Ly. Họ muốn trừ khử Hồ Quý Ly nhưng lại không biết chung lưng sát cánh để bàn mưu tính kế với nhau, bởi vậy, tất cả đều bị Hồ Quý Ly lần lượt thủ tiêu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lại rằng: " Trước đó, theo lệ cũ ở các đài, sảnh, chỉ có quan chức từ Đồng bình chương sự trở lên mới được ngồi ghế sơn đen có tựa. Bấy giờ, Trang Định Đại Vương Trần Ngạc làm Thái úy, Hồ Quý Ly làm Đồng bình chương sự. Quan trị thẩm hình viện là Lê Á Phu nói với Ngạc bỏ ghế của Quý Ly đi, không cho ngồi cùng nữa. (Ông) lại bí mật tâu vua giết Quý Ly. Cơ mưu bị lộ mà thất bại, bọn Lê Á Phu, Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Kha, Nguyễn Bát Sách, Lê Lặc... đều lần lượt bị giết cả.

Trong số những người chống đối, chỉ có Lê Dữ Nghĩ là được Hồ Quý Ly tạm tha chết, bắt phải tội đi đày, sau cũng vờ cho phục chức, nhưng rồi lại bị Hồ Quý Ly khép vào tội kết bè kết cành mà giết đi. Nguyễn Bát Sách thì hoảng sợ mà bỏ trốn, Hồ Quý Ly không thèm đuổi mà cho người bắt giam mẹ của ông. Vì thương me già bị tù tội mà Nguyễn Bát Sách phải ra hàng, rốt cuộc cũng bị Hồ Quý Ly giết nốt.

Sau khi vua Trần Phế Đế cùng những người thuộc phe cánh bị giết. Trang Định Đại Vương Trần Ngạc (con của thượng hoàng Nghệ Tông) ghét Hồ Quý Ly ra mặt. Hồ Quý Ly muốn trừ khử bèn phao tin đồn rằng: Trang Định Đại Vương sắp được đưa lên ngôi vua. Thấy phe đảng chẳng còn ai, Trang Định Đại Vương sợ hãi mà vội đính chính tin đồn đó. Hồ Quý Ly chỉ chờ có vậy để đưa con út của thượng hoàng Nghệ Tông (cũng là con rể của Hồ Quý Ly) lên ngôi vua, đó là vua Trần Thuận Tông (1388-1398). Trang Định Đại Vương Trần Ngạc được tạm yên thân một thời gian ngắn. Đến tháng 6 năm 1391 ông cũng bị Hồ Quý Ly lập mưu giết chết.

Phải đến phút chót của cuộc đời, thượng hoàng Trần Nghệ Tông mới có chút thoáng nghĩ về sự thâm hiểm khó lường của Hồ Quý Ly. Tháng 4, năm 1394, Thượng hoàng gọi Quý Ly vào cung rồi ung dung bảo rằng: Bình Chương (chỉ Quý Ly) là họ thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, nếu giúp được quan gia thì giúp, còn nếu như quan gia hèn kém ngu muội quá thì khanh cứ nhận lấy ngôi vua. Quý Ly bỏ mũ, rập đầu khóc lóc từ tạ, chỉ trời vạch đất thề rằng: Nếu thần không biết dốc lòng trung, hết sức giúp quan gia để truyền đến con cháu về sau thì trời ghét bỏ thần. Đến tháng 12 năm 1394, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất.

Mùa xuân, năm 1398, Hồ Quý Ly bức vua Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho con là hoàng tử An. Hoàng tử An lên ngôi vua lúc mới 3 tuổi, tức Trần Thiếu Đế. Hồ Quý Ly tự xưng là  Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương, tất cả mọi quyền hành đều nằm trong tay Hồ Quý Ly cả. Như vậy, Hồ Quý Ly đã thực hiện đúng với lời thề với Thượng hoàng Nghệ Tông là giúp quan gia truyền ngôi đến con cháu về sau...Đến tháng 4, năm 1399, Hồ Quý Ly lại cưỡng bức Trần Thuận Tông phải rời kinh thành Tây Đô mà ra tận Quảng Ninh để tu luyện phép thuật đạo của Đạo giáo. Chuyến đi ấy cũng là chuyến đi vào cõi vĩnh hằng của vị vua trẻ tuổi này.

Trần Thuận Tông bị giết rồi, triều thần chán nản, ai cũng căm ghét Hồ Quý Ly, kể cả những người có mối quan hệ chí thiết với Hồ Quý Ly. Bởi sự căm ghét đó, họ đã cùng nhau bàn mưu tính kế để giết Quý Ly. Tiếc thay, mưu lớn không thành, để đến nỗi tất cả đều phải chết một cách thê thảm trong vụ tru di lớn nhất thế kỷ XIV diễn ra vào năm 1399. Trần Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, Hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất... và các liêu thuộc, thân thích, gồm hơn 370 người đều bị Hồ Quý Ly giết chết.

Tháng 2, năm 1400, Hồ Quý Ly bức vua Trần Thiếu Đế phải nhường ngôi và buộc tôn thất cùng các quan phải 3 lần dâng biểu khuyên Hồ Quý Ly lên ngôi. Quý Ly giả vờ cố tình từ chối, nói rằng: "Ta sắp xuống lỗ đến nơi rồi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới đất nữa". Rồi Quý Ly tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu.

Như vậy, Nhà Trần làm vua nước Nam ta kể từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế, với 12 ông vua, được 175 năm.