Triệu Quang Phục hay Triệu Việt Vương được đời sau nhận xét là người đầu tiên dùng chiến thuật đánh du kích. Ông đã lợi dụng địa hình của đầm Dạ Trạch sáng tạo và sử dụng "du kích chiến" để đánh quân nhà Lương như thế nào ?
TRIỆU VIỆT VƯƠNG
"Bốn phương phẳng lặng can qua
Theo nề nếp cũ lại ra Long thành"
(Đại Nam quốc sử diễn ca - Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái)
Hai câu thơ này được sử thần triều Nguyễn trân trọng dành cho người kế nhiệm của Lý Nam Đế: Triệu Quang Phục.
1. Triệu Quang Phục - Gánh nặng giang sơn
Có một điều trùng hợp lạ lùng giữa vị tướng đất Chu Diên (Hưng Yên) và vị quân sư mang nửa dòng máu nhà Trần của nghĩa quân núi Dầu là hai ông đều từng cầu đảo Chử Đạo Tổ. Nguyễn Trãi được biết minh chúa ở Lam Sơn, Triệu Quang Phục được vị thánh bất tử này trao cho móng rồng đánh giặc. Tất nhiên, truyền thuyết cũng chỉ là truyền thuyết nhưng những điều này lại được chính sử ghi nhận.
Tháng 5 năm 545, quân Lương do Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy lại sang đánh Vạn Xuân. Lý Nam Đế giao chiến bất lợi. Năm 546, sau khi Lý Nam Đế thua trận phải lui về động Khuất Lão, đã ủy thác cho ông giữ việc nước, điều quân đi đánh Trần Bá Tiên của nhà Lương. Và ông đã tiếp tục sứ mệnh lịch sử cho đến khi buộc phải tự trầm năm 571.
● Khởi nghĩa Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân.
2. Đầm Dạ Trạch và chiến thuật "du kích chiến"
Năm 547, tháng giêng, ông lui về giữ đầm Dạ Trạch (bãi Màn Trò, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đầm này rộng, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể vào được. Nếu không quen biết đường đi thì lạc không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết. Quang Phục thuộc rõ đường đi lối lại, đem hơn 2 vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm. Ông dùng chiến thuật du kích, ban ngày tuyệt không để khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên cướp hết lương thực vũ khí, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm cự lâu dài. Bá Tiên không đánh được. Người trong nước gọi ông là Dạ Trạch Vương.
Sau khi nghe tin Lý Nam Đế mất ở động Khuất Lão, Triệu Quang Phục tự xưng là Triệu Việt Vương.
Năm 550, Trần Bá Tiên mưu tính cầm cự lâu ngày để làm cho quân của ông lương hết, quân mệt mỏi thì có thể phá được. Gặp lúc nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, gọi Trần Bá Tiên về (sau này Trần Bá Tiên cướp ngôi vua của nhà Lương năm 557), ủy cho tì tướng là Dương Sàn ở lại. Ông tung quân ra đánh. Sàn chống cự, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về bắc.
3. Triệu Việt Vương - Cơ đồ đắm đáy biển sâu
Thắng trận, Triệu Việt Vương làm vua nước Vạn Xuân, đóng đô ở thành Long Uyên.
Anh của Lý Nam Đế là Lý Thiên Bảo, vốn đã bị Trần Bá Tiên đánh bại, chạy vào ở đất của người Di Lạo, xưng là Đào Lang Vương, lập nước gọi là nước Dã Năng. Năm 555, Đào Lang Vương mất ở nước Dã Năng, không có con nối, quân chúng suy tôn người cháu là Lý Phật tử lên nối ngôi, thống lĩnh quân chúng.
Năm 557, Lý Phật Tử đem quân xuống miền Đông đánh nhau với Triệu Việt Vương ở huyện Thái Bình. Hai bên năm lần giáp trận, chưa phân thắng bại. Quân của Lý Phật tử có phần thất thế, bèn xin giảng hòa. Ông nghĩ rằng Lý Phật tử là người trong họ của Lý Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở bãi Quân Thần cho ở phía tây của nước, Lý Phật tử dời đến thành Ô Diên.
Tuy nhiên, Lý Phật Tử không cam lòng, bởi vì ông họ Lý. Ông đã dùng lại kế của Triệu Vũ Đế đó là kết thông gia với Triệu Việt Vương. Ông cho con trai Nhã Lang cưới con gái Triệu Quang Phục là Cảo Nương.
Điều này đã khiến Triệu Quang Phục mất cảnh giác. Hoặc giả, ông muốn thông qua cuộc hôn nhân này để liên kết bộ hạ cũ của Lý Nam Đế.
Nhưng, năm 571, Lý Phật Tử bất ngờ đem quân đánh úp Triệu Quang Phục. Triệu Việt Vương chống đỡ không kịp đã trầm mình trước cửa biển Đại Nha (tỉnh Nam Định).
4. Dạ Trạch Vương
Triệu Quang Phục được đời sau nhận xét là người đầu tiên dùng chiến thuật đánh du kích. Ông đã lợi dụng địa hình của đầm Dạ Trạch để đêm đêm đánh tỉa quân nhà Lương. Chiến thuật này đã làm tiêu hao sinh lực địch. Càng đánh quân ta càng mạnh, quân Lương suy yếu dần, Trần Bá Tiên đã hoàn toàn bất lực trước chiến thuật này. Có lần ông đã cố hết sức theo hút quân ta để tiến sâu vào vùng cấm địa nhưng không kẻ ngoại lai nào có thể biết được đường ngang lối tắt của đầm Dạ Trạch. Bọn thám tử của quân Lương chỉ phải làm mồi cho lũ rắn độc khi chúng rơi ngã xuống đầm. Nên thời bấy giờ, người trong nước suy tôn ông là Dạ Trạch Vương.
Tổng hợp từ:
-Đại Việt sử ký toàn thư
-Việt Nam sử lược
-Sử ta chuyện xưa kể lại tập 1, mục "Triệu Quang Phục - ông vua đầm lầy".