Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM (VII) SỰ PHÔI THAI CỦA DÂN TỘC VIỆT-NAM

VII. SỰ PHÔI THAI CỦA DÂN TỘC VIỆT-NAM
Chúng ta đã biết rằng trong thời Tây-Hán – trong 119 năm – chính sách nhà Hán đối với dân Lạc-Việt là chính sách thả lỏng. Nhưng sau khi Vương-Mãng soán vị, sang đời Hán trung hưng thì chính sách nhà Hán đối với các châu quận, riêng về các châu quận mới mở ở xa, có chiều thay đổi. Trước kia, quan Thứ-sử trông nom các châu cứ tháng tám bắt đầu tuần hành rồi đến đầu năm sau trở về kinh đô không ở nhất định tại châu trị. Đến đời Trung hưng thì đặt lệ kê-lại các quan Thứ-sử không phải tự mình về kinh đô tâu việc nữa, từ đó họ phải ở luôn tại trị sở, dẫu có tang cha mẹ cũng không được bỏ chức. Sự thay đổi ấy tỏ rằng nhà Hán muốn các quan Thứ-sử ở luôn trong châu quận để biết rõ mọi việc và dễ kiểm soát các quan Thái-thú, tức là muốn thắt chặt chính-sách đối với các quận vậy.
NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM (VII) SỰ PHÔI THAI CỦA DÂN TỘC VIỆT-NAM

Ở châu trị, xung quanh quan Thứ-sử có các lại-viên giúp việc gọi là tòng-sự-sử ; ở quận-trị dưới quan Thái-thú thì có một viên Quận-thừa để thay mặt Thái-thú khi mắc việc : xung quanh Thái thú thì có các duyên-sử chia ra các tào mà làm việc, ví như công-tào-sử thì trông nom việc lựa chọn người có công lao ; mỗi tào lại có các thư tá làm việc giấy má. Các quan lại bực trên giúp việc Thứ-sử và Thái-thú có lẽ đều là người Trung-quốc nhưng ở những bực duyên-sử và thư-tá thì dùng cả người Trung-quốc và người bản xứ biết chữ.
Tại các quận thì nhà Đông-Hán buổi đầu vẫn giữ chức Đô-úy, có Đô-úy-thừa giúp việc, để cầm binh đồn trú. Binh lính ấy một phần là người Trung-quốc, một phần là dân bản xứ mới mộ.
Đồng thời với sự thắt chặt chính sách cai-trị ấy ở quận Giao chỉ và Cửu-chân, chúng ta thấy nhà Đông-Hán dùng những quan Thái-thú rất dụng tâm về việc du nhập văn hóa Trung-quốc cho dân bản xứ, nhất là Tích-Quang, Thái-thú quận Giao-chỉ và Nhâm-Diên, Thái-thú quận Cửu-chân ở đầu đời Hán trung hưng. Trước kia các quan Thái-thú vốn không đụng chạm gì đến việc nội bộ của người Lạc-Việt, mà các quan Đô-úy thì chỉ lo giữ trật tự thôi. Tích-Quang là vị Thái-thú đầu tiên có cái dã tâm đồng hóa dân bản xứ theo Trung-quốc. Người vốn đã bắt đầu làm công việc ấy ngay từ đời Vương-Mãng. Có lẽ bấy giờ Tích-Quang thấy cuộc loạn ở Trung-quốc, không theo Vương-Mãng mà có ý muốn tổ-chức bản quận thành một nước nhỏ để làm chủ trong giang sơn của mình chăng. Lại nhân có nhiều người tôi trung của nhà Hán không thần phục Mãng trốn sang Giao-chỉ, Tích-Quang dung nạp hết và nhờ họ giúp sức trong việc khai hóa nhân dân. Sử chép rằng Tích-Quang dạy cho nhân dân Giao-chỉ cày cấy, biết đội mũ đi dày, đặt phép mối lái cho họ biết hôn thú, lại lập các học hiệu, lấy lễ nghĩa mà dạy dân (Hậu-Hán-thư, q.116). Sang đời Trung-hưng, vua Quang Vũ dùng luôn Tích-Quang là người trưởng lại có tư cách rất thích hợp với chính sách cai trị mới của nhà Đông-Hán.
Sau Tích-Quang, Nhâm-Diên làm Thái-thú Cửu-chân cũng hết sức khai hóa cho dân bản xứ. Sử chép rằng Nhâm-Diên dạy cho dân cầy ruộng bằng trâu bò, dùng điền khí, và khai khẩn đất hoang, cùng là dạy cho dân biết lễ giá thú, khiến các trưởng lại phải giúp tiền cho những ngươi nghèo để họ kết hôn được (Hậu-Hán-thư, q.106.)
Đối với sự khai-hóa cải cách của các quan Thái-thú ấy, hạng quý tộc phong kiến bản xứ (các lạc-tướng và bố-chính) tất cũng hoan nghênh nhiều điều, ví như phép canh tác, sự học hành, nhưng hẳn cũng có nhiều điều khiến họ bất bình, ví như việc bắt bẻ tính tự do phóng túng của họ theo lễ giáo mới, bắt bỏ họ những phong-tục cố hữu mà theo phong tục Trung-hoa.
Vả chăng, mấy năm nay từ khi nhà Hán trung hưng, họ lại thấy chính sách các quan Thái thú đối với họ có bề thắt buộc hơn trước, – chính sách thắt buộc ấy đến đời Tô-Định thay Tích-Quang làm Thái-thú Giao-chỉ thì lên tới cực điểm – nên họ lại thêm bất bình. Hơn nữa, xung quanh dinh Thứ-sử và dinh Thái-thú, bấy giờ đều ở Liên-lâu trong quận Giao-chỉ), số thuộc lại người bản xứ một ngày một đông, mà đồng thời, số quân điền trú ở Liên-lâu từ năm Kiến-vũ thứ 6 tức năm 39 sau K.ng, tuy bổ chức Đô-úy nhưng quân đồn trú lại giao cho Thái thú giữ, ngoài một số ít là người Trung-hoa, còn là người bản xứ cả. Hai hạng người thuộc lại và đồn binh ấy đã thoát ly hẳn quyền uy của các tù-trưởng phong kiến mà theo quan lại Trung-hoa, đó lại là một cớ lớn khiến hạng quý tộc bản-xứ bất bình nữa.
Nhưng khi Tích-Quang và Nhâm-Diêm còn ở quận thì chính sách khôn khéo có nhiều ân huệ của họ khiến những mối bất bình ấy không có cơ hội mà bộc phát. Kịp đến khi Nhâm-Diên đổi đi quận khác và Tô-Định đến thế Tích Quang thì mối oán giận của các nhà quí tộc bản sứ lại tăng lên vì những thủ đoạn tham tàn bạo ngược của các quan Thái-thú mới và chỉ chờ có cơ hội là nổ ra. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu của cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc.
Trong các nhà quí tộc Lạc-Việt thì nhà lạc-tướng Mê linh là danh vọng nhất vì là giòng dõi của lạc-vương xưa. Con gái lạc-tướng là Trưng-Trắc lại là người rất hào hiệp dũng cảm, cho nên quan lại nhà Hán để ý lắm. Con lạc-tướng Châu-diên là Thi-Sách là chồng Trưng-Trắc, tất cũng không phải là người tầm thường, cho nên cũng bị quan lại nhà Hán kiềm chế. Sau khi Tô-Định tựu chức, hẳn người đã dò biết được sự tình bất bình của các nhà quí-tộc bản sứ và biết rằng giữa hai nhà quí tộc ở Mê-linh và Châu-diên cái quan hệ hôn nhân lại làm cho thanh thế của họ thêm to. Tô-Định ngờ rằng ngoài quan hệ hôn nhân lại còn có cuộc đồng minh về chính trị nữa. Lập tức Tô-Định liệu cách đối phó, bèn toan dùng pháp luật để bắt giam Thi-Sách và Trưng-Trắc. Trước tình thế bức xúc ấy, Trưng-Trắc bèn cùng chồng và em gái là Trưng-Nhị hiệu triệu các đồng chí trong hàng quí-tộc bản xứ để dấy nghĩa. Các nhà quí-tộc đã sẵn mối bất bình chất chứa nên họ đều hưởng ứng một loạt. Cái mối bất bình của Trưng-Trắc bị Tô-Định áp bức và mưu giết mất chồng chỉ là mồi lửa để đốt đống rơm chất sẵn, đống rơm ấy tức là mối bất bình chung của giai cấp quí-tộc bản xứ đối với chính sách đồng hóa và những thủ đoạn tham tàn của quan lại nhà Hán. Cuộc khởi nghĩa thành công mau chóng dễ dàng lại nhờ ở tinh thần đoàn kết của các quí-tộc, mà tinh thần đoàn-kết ấy là do một cuộc đào luyện ngấm ngầm trải gần ba thế kỷ nay, bắt đầu từ cuộc thống nhất Lạc-Việt của An-dương-vương, trải qua cuộc kháng chiến mười năm với quân nhà Tần và non hai trăm năm sinh hoạt khá tự-do dưới sự ước thúc lỏng lẻo của nhà Triệu và nhà Tây-Hán, đã kết tinh thành cái manh nha của tinh thần dân tộc vậy. Chúng ta có thể nói rằng cuộc khởi nghĩa của Trưng-Trắc, về chính-trị là tiêu biểu cho sự phản động của tinh thần dân tộc mới manh nha đối với sự ức chế của ngoại-tộc, mà về văn-hóa là tiêu biểu cho sự phản động của cái văn hóa cố hữu đối với cái văn-hóa ngoại lai.
Trong phạm vi quyển sách nhỏ này, chúng tôi không thể thuật rõ những chi tiết của cuộc khởi nghĩa ấy. Tôi chỉ xin nhắc qua rằng theo sử Trung-hoa chép thì tất cả dân Man Lái các quận Cửu-chân, Nhựt-nam và Hợp-phố đều hưởng ứng với Trưng-Trắc ở quận Giao-chỉ, thế nghĩa là cuộc khởi nghĩa lôi cuốn hết dân bản xứ, phần chủ yếu là dân Lạc-Việt ở các quận đại khái gồm trong địa bàn của nước Âu-Lạc cũ. Trưng-Trắc thắng lợi và xưng vương được hai năm. Đầu năm 42 (sau K.ng.) nhà Hán sai viên lão-tướng Mã-Viện đem quân phản công Trưng-Trắc. Ở đây chúng tôi cũng không thể thuật kỹ càng chi tiết của cuộc phản-công của Mã-Viện, chỉ xin nhắc vắn tắt rằng Mã-Viện tiến binh tới Lãng-bạc (tức là miền làng Yên phú, tỉnh Bắc-ninh), rồi thẳng tới Tây-vu (miền Cổ-loa), thì bị quân Trưng-Trắc kháng chiến kịch liệt. Nhưng giữa năm 43 thì Trưng-Trắc phải chạy về Cấm-khê (đất phủ Vĩnh-tường, tỉnh Vĩnh-yên), và rốt cuộc hai chị em phải tự trầm ở cửa Hải-giang. Sau khi bình định được quận Giao-chỉ, Mã-Viện tiến quân vào Cửu-chân để đuổi theo dư chủng của hai bà Trưng do Đô-Dương cầm đầu và bình định luôn quận ấy. Thế là cuộc khởi nghĩa của dân Lạc-Việt chỉ duy trì được hai năm mà rốt cuộc phải thất bại.
Chúng ta có thể hiểu cuộc thất bại ấy là do những nguyên nhân chính sau này : Một là tinh-thần dân tộc mới manh nha, tuy buổi đầu có thể thắng được sự áp bức của các quan lại Trung-hoa cô thế, mà cuối cùng, trước sự tấn công hùng hậu của quân đội của Mã-Viện thì không cầm cự nổi mà phải thua ; hai là cái văn hóa cố hữu của người Lạc-Việt bấy giờ còn chứa nhiều yếu tố sơ khai và bảo thủ, không đủ sức chống lại được văn hóa Trung-hoa đương đầy sinh khí tiến thủ, cho nên rốt cuộc phải thất bại.
Mã-Viện là đại biểu cho lực lượng ngoại xâm, mà đồng thời lại đại biểu cho văn hóa mới, sẽ mặc sức tung hoành biến đổi diện mục các xã hội Lạc-Việt. Sử chép rằng : « Viện đi qua chỗ nào là đặt quận huyện, xây thành quách, đào sông tưới ruộng… Lại tâu hơn mười việc về luật người Việt khác với luật người Hán và thi hành pháp chế cũ (của người Hán) đối với người Việt để ước thúc họ » (Hậu hán thư, q.54). Câu sách ấy cho chúng ta biết rằng Mã Viện nhận thấy chính sách rộng rãi đối với chế độ phong kiến ở đất Việt rất nguy hiểm cho sự thống trị của nhà Hán, nên xin bỏ chế-độ phong kiến mà đặt chế độ quận huyện để giao cho quan lại Trung-hoa trực tiếp trị dân. Những bộ-lạc của các lạc-tướng xưa, bấy giờ đổi thành huyện ở dưới quyền cai trị của quan huyện-lệnh, đại để là người ngoại quốc. Hạt nào lớn quá Mã-Viện lại chia nhỏ ra cho quan tướng lại có thể trông nom mật thiết được. Về phương diện kinh-tế và xã-hội, đại khái Mã-Viện cùng đem những phương thức của người Trung-hoa mà bắt người Lạc-Việt phải theo.
*
Chúng ta có thể xem cuộc kinh lý của Mã-Viện là một cuộc cách mệnh. Cũng như mọi cuộc cách mệnh cuộc này là qui kết của một lịch trình biến chuyển lâu dài chứ không phải là một hiện tượng đột khởi. Chúng ta đã biết rằng ngay đầu thế kỷ thứ 2 tr. K.ng. nước Âu-lạc thuộc nhà Triệu, rồi đến cuối thế-kỷ ấy lại bị nội thuộc nhà Hán. Dẫu trong suốt hai thế-kỷ cho đến đầu kỷ-nguyên, người Hán-tộc không đụng chạm đến phong-tục và chế-độ của người Lạc-Việt, nhưng sự tiếp xúc mấy đối với người Hán-tộc không thể nào không có ảnh hưởng về văn hóa được. Ảnh hưởng cố nhiên càng ngày càng đậm đà, và, như chúng ta đã biết, đến đời Tích-Quang và Nhâm-Diên thì ảnh hưởng văn hóa của Trung-hoa đối với người Lạc-Việt đã đi đến chỗ đồng hóa. Cuộc kinh lý của Mã-Viện chẳng qua là một cuộc thanh toán băng võ lực những yếu tố bảo thủ để tạo điều kiện thuận tiện cho cuộc đồng hóa mà thôi.
Chúng ta có thể thấy ngấn tích của lịch trình đồng hóa ấy ở trong những đồ cổ tích đào được ở Đông sơn. Những đồ trọng yếu đào được là đồ đồng mà nhà khảo-cổ-học Goloubew đặt vào thế-kỷ thứ nhất, tức là vào khoảng cuộc kinh lý của Mã-Viện. Người ta có thể chia các đồ ấy ra làm ba bộ : bộ thứ nhất gồm những đồ mà chúng tôi nhận là thần túy Lạc-Việt, như những trống đồng, lưỡi búa, lưỡi rìu, mũi mác mũi tên, cái gươm hai lưỡi, những dao găm có hình người, cùng một số đồ trang sức. Trong bộ ấy thì vật đặc biệt tiêu biểu nhất của người Lạc-Việt là cái trống đồng, mà ở Đông-sơn chỉ tìm được những thứ nhỏ dùng làm minh khí, nhưng hiện nay còn có cái trống Ngọc-Lư (tại Quốc gia Bảo-tàng-viện) là đại biểu vẻ vang.
Bên cạnh những đồ đồng Lạc-Việt ấy, người ta nhận thấy một ít đồ của người Trung-hoa đem đến, như cái bình kiểu biển-hồ, cái gương kiểu nhà Hán và những tiền đồng ngũ-thù.
Bộ thứ ba thì gồm có những đồ do người Lạc-Việt chịu ảnh hưởng của người Trung-quốc mà chế tạo, như cái bình lớn có đường vết khuôn, những miếng giáp đồng, những dao găm, những đồ nửa đồng nửa sắt.
Xét các đồ ấy thì chúng ta nhận thấy rằng ở giữa thế kỷ thứ nhất, ảnh hưởng của kỹ thuật Trung-hoa đối với kỹ-thuật của người Lạc-Việt, tuy đã có ngấn-tích, nhưng hãy còn mỏng mảnh, mà kỹ thuật thuần túy Lạc-Việt vẫn còn thịnh lắm. Nhưng sau cuộc kinh lý của Mã-Viện, chính sách đồng hóa của người Trung-quốc đã được thuận tiện, sự áp bách của văn hóa Trung-quốc càng ngày càng sâu, cho nên cách hơn một nghìn năm sau, trong những đồ đào được ở Đông-sơn về đời Tống chỉ có những đồ gốm của người Trung-hoa, mà đồ đồng của người Lạc-Việt thì đã mất hẳn dấu vết.
Về phương diện chủng tộc thì, như chúng ta đã biết, người Lạc-Việt ở buổi đầu có lẽ còn mang rất ít yếu-tố mông-gô-lích. Có lẽ trải qua hai thế-kỷ nội thuộc nhà Triệu và nội thuộc nhà Tây-Hán đã có sự lai giống sơ sài khiến những yếu-tố mông-gô-lích trong cơ cấu chủng tộc của người Lạc-Việt thêm lên, song yếu-tố anh-đô-nê vẫn chiếm phần chủ yếu. Nhưng sau cuộc kinh lý của Mã-Viện, sự tạp chủng với người Hán tộc đã đem cái kết quả ghê gớm là cách non nghìn năm sau, cái mặt của người đàn bà về đời Tống đào được ở Đông-sơn 16 đã thành mặt mông-gô-lích, chỉ cái đầu lâu là còn tính chất anh-đô-nê mà thôi.
Cuộc kinh lý của Mã-Viện, mở đầu cho cuộc đô hộ nặng nề trong non một nghìn năm của người Trung-quốc đã có cái kết quả là biến hẳn chủng-tộc và văn hóa của người Lạc-Việt, đến nỗi, theo bề ngoài người ta có thể nói rằng dân tộc Việt-Nam ngày nay về chủng tộc cũng như về văn-hóa, khác hẳn với người Lạc-Việt xưa. Cuộc kinh lý của Mã-Viện thực đã quyết định một cách tàn khốc cái vận mệnh lịch sử của dân tộc ta vậy. 17
Nhưng xét cho kỹ thì chúng ta nhận thấy rằng trong cơ cấu chủng-tộc của người đàn bà Đông-sơn về đời Tống là đại biểu cho người Việt-Nam khi mới thoát ly Bắc-thuộc, yếu tố mông-gô-lích vẫn chưa lấn được hẳn yếu tố anh-đô-nê của người Lạc-Việt còn duy trì trong hình đầu lâu, đồng thời những tính tình, phong tục, chế độ của người Việt-nam, nhất là người bình dân, đến các đời Trần đời Lê, cho đến ngày nay nữa cũng vẫn bày ra những điều đặc biệt khác hẳn với tính tình phong tục, chế-độ của người Trung-quốc. Cơ cấu chủng tộc và trạng thái văn-hóa của người Việt-Nam sau thời kỳ Bắc-thuộc không giống cơ cấu chủng tộc và trạng thái văn-hóa của người Lạc-Việt nữa, nhưng dân tộc Việt-Nam đến khi đã hoàn toàn tự giác để thoát ly cuộc đô hộ của Trung-hoa là đã lấy cái cốt cách Lạc-Việt mà dung hòa những yếu-tố chủng tộc và văn hóa của người Hán-tộc, và một ít yếu-tố của các giống người khác ở lân cận, để thành một nhân cách riêng 18. Nhân cách ấy đã bị đoàn luyện trong những nỗi đau đớn, khổ sở, nhục nhã và trong những cuộc quật khởi vinh-quang, trải qua non nghìn năm mới thành thục mà dành lại sinh tồn độc lập.
Xét qua nguồn gốc của dân-tộc Việt-nam, chúng ta đã thấy rằng tất cả giống Việt-tộc từ xưa đã chiếm ở khắp miền lưu vực sông Dương-tử và miền Nam-bộ Trung-hoa, là một chủng tộc rất xưa ; chúng ta đã thấy rằng lịch sử đã từng đem họ tên địa vị vẻ vang oanh liệt ở thời các nước Sở, Ngô, Việt, thay nhau xưng bá ; chúng ta đã thấy họ đã từng có cái cao vọng phát triển lên Bắc để tung hoành ở Trung-quốc và từng làm mối lo lớn cho Hán-tộc trong bao nhiêu đời ; chúng ta đã thấy rằng trước cái sức áp bức nam tiến của người Hán-tộc họ đã vì văn hóa tương đối sút kém mà phải thua và dần dần các quốc-gia và các bộ-lạc của họ trước sau đều bị Hán-tộc đồng hóa. Nhưng trong cái vận mệnh bi đát của Việt-tộc ấy, chúng ta thấy có một nhóm – tức là nhóm Lạc-Việt – đã thoát khỏi cái nạn đồng hóa, cái nạn tiêu vong mà sống sót lại, rồi trong bao nhiêu thế-kỷ, bao nhiêu nỗi đau đớn ê chề đã đào luyện họ thành dân tộc Việt-Nam với một tinh thần tự chủ mạnh mẽ. Chúng ta không thể không lấy làm lạ trước cái vận mệnh may mắn riêng của tổ tiên chúng ta, mà chúng ta có thể cắt nghĩa bằng những lý do sau này :
1) Trước sự áp bách nam tiến của người Hán tộc – theo một cái công lệ nam tiến về miền biển của các chủng tộc ở Á-châu phát tích ở miền đại lục – người Việt-tộc cũng phải tiến về phương Nam, trong ấy thì hai nhóm Tây-Âu và Lạc-Việt là phần tử tinh nhuệ dõng cảm hơn hết đã làm tiên phong trong cuộc nam tiến của Việt-tộc.
2) Nhờ ở miền Bắc-kỳ là miền xa hơn cả trong đất Bách-Việt, người Lạc-Việt đã dễ dàng hợp sức với người Tây-Âu để chống cự quân đội nhà Tần, mà sau này, nhờ họ ở miền trung châu phì nhiêu nên họ lại dễ phát triển hơn người Tây-Âu ở miền rừng núi, rốt cuộc họ chống lại sự áp bách của Hán tộc có hiệu quả hơn người Tây-Âu.
3) Họ đã nhờ được cuộc kháng chiến với nhà Tần, hun đúc cho họ cái mầm mống của tinh thần dân tộc.
4) Tinh thần dân tộc mới nẩy mầm thì người Lạc-Việt bị nội thuộc nhà Triệu và nhà Tây Hán, nhưng chính sách lỏng lẻo của người Hán-tộc không những không bóp chết mầm ấy mà lại giúp điều kiện cho nó nẩy nở thêm để đến đời Trưng-Trắc thì nó biểu hiện thành cuộc khởi nghĩa. Những nỗi đau đớn khổ sở trong non nghìn năm đô-hộ lại rèn đúc tinh thần dân tộc ấy thành cứng cáp thêm để đến thế kỷ thứ 10 nó đem dân-tộc Việt-Nam thoát khỏi ách đô-hộ.
Xem thế thì chúng ta nhận thấy rằng cái vận mệnh đặc biệt của dân-tộc Việt-Nam là đại biểu cuối cùng và duy nhất của Việt-tộc không phải là ngẫu nhiên mà thành vậy.