Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM (VI) VĂN HOÁ LẠC VIỆT

VI. VĂN HOÁ LẠC VIỆT
Chúng tôi đã đoán rằng người Lạc-Việt đến ở miền Bắc Việt-Nam là tự miền diên hải Phúc-kiến di cư đến. Nhưng trước khi họ đến thì ở trung châu sông Nhị và sông Mã đã có người ở chưa ? Những cuộc khai quật tiền-sử-học chưa cho chúng ta đủ tài liệu để trả lời chắc chắn câu hỏi ấy. Người ta chỉ mới biết rằng tại những miền lèn đá ở mép trung châu Bắc-kỳ (Phố Bình-gia và làng Cườm ở Bắc sơn, Hòa-bình, chợ Gành) và ở miền bắc Trung-kỳ (Đa-bút ở Thanh-hóa, Cầu-giát ở Nghệ-an), cho đến cả miền Minh-cầm ở Quảng-bình, ngày xưa vốn có một giống người Anh-đô-nê ở ; văn hóa của họ là văn hóa đồ đá mới. Nhà bác học L.Finot cho rằng giống người Anh-đô-nê ấy do bán đảo Ấn-độ di cư đến bán đảo Ấn-độ-chi-na ; nhà bác-học Sylvain Lévy thì cho rằng kỹ-thuật đồ đá trau mà ngày nay ta thấy di tích ở suốt cả Ấn-độ-chi-na là do người Anh-đô-nê tự ngoài đem tới. Với những đống vỏ sò vỏ điệp người ta tìm thấy ở nhiều nơi có di tích sinh hoạt của người Anh-đô-nê, chúng ta có thể đoán rằng buổi đầu, những người Anh-đô-nê ấy làm nghề chài lưới ở miền bờ sông bờ biển, nghĩa là họ ở cả miền trung châu xứ Bắc-kỳ và phía bắc Trung-kỳ, chứ không phải chỉ ở miền đồi núi ở mép trung-châu mà thôi.

NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM (VI) VĂN HOÁ LẠC VIỆT

Người Lạc-Việt khi đến đó hẳn là tiếp xúc với ngươi Anh-đô-nê ấy. Sự gặp gỡ ấy có gây nên những cuộc xung đột kịch liệt không ? Điều ấy chúng ta chưa biết được. Song chúng ta nên nhận xét điều này : Người Lạc-Việt mà chúng tôi đoán cũng là một giống Anh-đô-nê làm nghề chài lưới, tiếp xúc với những người thổ trước ở miền Bắc Việt-Nam có lẽ là tiếp xúc với người đồng chủng có phương thức sinh hoạt tương tự. Có lẽ một phần dân thổ trước dần dần bị người Lạc-Việt đồng hóa dễ dàng, còn một phần thì bị dồn lùi về miền đồi núi, tức là những người mà các nhà địa-chất-học phát hiện được những hài cốt và di vật như chúng ta đã biết. Vậy chúng ta có thể ức đoán rằng người Lạc-Việt trong nước Âu-Lạc của An-dương-vương là người Lạc-Việt ở Phúc-kiến di cư đến pha giống trong một phần nào với người Anh-đô-nê là dân đã chiếm cứ địa bàn ấy từ xưa. Người Lạc-Việt ở Phúc-kiến là người Việt-tộc, đã tiếp xúc với người Hán-tộc về giống Mông-gô-lích từ lâu, tất nhiên đã có pha lộn yếu tố Mông-gô-lích cho nên chúng ta có thể nói rằng người Lạc-Việt ở Âu-Lạc đã là một giống người tạp chủng, gồm rất nhiều yếu tố Anh-đô-nê và một chút ít yếu tố Mông-gô-lích. Có lẽ cái đầu lâu gồm cả tính chất Anh-đô-nê và Mông-gô-lích mà nữ-sĩ Colani tìm được trong một cái hầm mộ ở Làng Cườm (Bắc-sơn) là của một người Lạc-Việt nào lạc lõng vào trong đám người Anh-đô-nê mà họ đã dồn lùi lên miền rừng núi.
*
Người Lạc-Việt khi mới đến miền bắc Việt-Nam, hẳn là họ vẫn làm nghề chài lưới như ở miền diên hải Phúc kiến. Nhưng có lẽ sau khi họ đã đồng hóa người Anh-đô-nê mà làm chủ nhân ông ở miền trung-châu sông Nhị và sông Mã rồi thì, trừ những nhóm ở bờ biển bờ sông, phần nhiều dân Lạc-Việt đã theo sinh hoạt định cư mà lấy canh nông làm nghề chính. Sách Quảng-châu-ký chép rằng đất Giao-chỉ – tức là đất Lạc-Việt ở trung châu Bắc kỳ – có ruộng gọi là lạc điền, theo nước thủy triều lên xuống mà làm. Nhưng dân cư ở miền đất cao trên núi thì có lẽ làm rẫy như người Mường người Mọi ngày nay, và ngoài việc trồng trọt họ cũng còn lấy sự săn bắn làm nghề trọng yếu.
Tại miền trung-châu Bắc-kỳ người ta đã tìm được ít cái lưỡi cày hay lưỡi cuốc bằng đồng. Theo sách Hậu-Hán-thư thì đến khi đất Lạc-Việt nội thuộc nhà Hán mà dân tộc Lạc-Việt ở Cửu-chân vẫn còn chưa biết cách cầy bừa bằng trâu bò. Về đồ dùng thì ở lưu vực sông Nhị, lưu vực sông Đáy và nhất là ở Đông-sơn trên bờ sông Mã, người ta đã tìm được đồ đá, đồ gốm và đồ đồng là di tích của người Lạc-Việt. Những đồ đá đào được các nhà khảo-cổ-học cho là đồ của thời đại đồ đá mới còn sót lại chỉ dùng làm vật tế tự mà thôi. Chúng ta chưa có thể biết rõ đó là di vật của người Anh-đô-nê lưu lại trong xã hội Lạc-Việt, hay là đồ dùng của chính người Lạc-Việt ở buổi họ mới di cư đến miền Bắc Việt-Nam.
Trong các đồ ấy có những cái cuốc bằng đá rất nhỏ – Ông Pajot đào được ở Thanh-hóa – người ta cho là những đồ thờ tiêu biểu cho những cuốc bằng gỗ cứng của người xưa . Đồ gốm đào được ở Đông-sơn toàn là đồ thuộc về hậu kỳ của thời đại đồ đá mới, mà hình thức và kỹ thuật thì tương tự với những đồ đào được ở Chiết-giang. Kỹ thuật này có lẽ là do người Lạc-Việt đem đến chứ không phải là của người Anh-đô-nê thổ trước có một kỹ thuật đồ gốm thô sơ hơn. Đồ đồng thì phần nhiều là binh khí : búa, rìu, mũi thương, mũi mác, mũi tên, dao găm, cùng là thứ lưỡi qua giống hệt những thứ tìm thấy ở miền Giang-Hoài và Chiết-giang của người Việt tộc. Nhà khảo cổ học Geldera cho rằng theo những đồ đồng tìm được ở miền Nam Trung-hoa và miền Bắc Việt-Nam thì nghệ thuật mà người gọi là nghệ thuật Đông-sơn là kết quả của ảnh hưởng nghệ thuật đồ đồng của Tây phương, nghệ thuật ấy trải qua miền Trung-Á, qua Tây-bộ tỉnh Tứ-xuyên và tỉnh Vân-nam rồi xuống Bắc-kỳ, trong khi một nhánh khác của nó lẩn vào miền Nam Trung-hoa rồi phối hợp với nghệ thuật thổ trước mà sinh ra nghệ thuật Chiến-quốc ở miền Giang Hoài. Nhà khảo cổ học Goloubew – L.Finot cũng theo ý kiến ấy – thì lại cho rằng : kỹ-thuật đồ đồng ở Đông-sơn là do kỹ thuật đồ đất của người Anh-đô-nê thổ trước chịu ảnh hưởng của nghề đúc đồng do người Hán-tộc dạy cho họ sau khi ho bị quân nhà Tần chinh phục. Ở đây chúng tôi không thể biện bác hai thuyết ấy, vì chúng ta sẽ phải đi vào những chi tiết phức tạp rườm rà ; chúng tôi chỉ xin nói rằng các nhà khảo-cổ-học Tây-phương mỗi người chỉ đứng trong phạm vi nghiên cứu chuyên môn của mình mà không chịu khó tìm đến những tài liệu chắc chắn về sử học – họ chỉ bằng vào những thuyết lưu hành – nên ý kiến mỗi người đều có tính chất thiên lệch. Theo chúng tôi suy cứu thì kỹ-thuật đồ đồng, người Ngô Việt đã biết đến một trình độ rất cao, mà miền Ngô Việt chính là tổ quốc của cái nghệ-thuật đồ đồng mà ảnh hưởng với phương Bắc đã sinh ra nghệ-thuật Chiến-quốc, ảnh hưởng với phương Nam đã sinh ra nghệ thuật Đông-sơn. Có lẽ trong thời đại Ngô-Việt, người Lạc-Việt ở miền Phúc-kiến đã biết kỹ thuật đồ đồng ấy rồi ; đến sau khi nước Việt bị diệt, có lẽ người Lạc-Việt lại di cư đến miền lưu vực sông Nhị và sông Mã đã làm môi giới để du nhập kỹ-thuật đồ đồng có tiếng của người Việt vào miền Nam. Về phương diện kỹ-thuật thì hiện trạng của khảo cổ học chưa cho chúng ta thấy rõ chỗ giống nhau của đồ đồng ở Đông-sơn và đồ đồng ở Chiết giang, nhưng về phương diện nghệ thuật thì người ta thấy mối liên lạc mật thiết giữa hai nghệ thuật đồ đồng ấy. Song từ khi truyền đến miền Bắc Việt-Nam thì kỹ-thuật đồ đồng có lẽ đã chịu ít nhiều ảnh hưởng của văn hóa người Anh-đô-nê thuở trước, và nhờ được điều kiện sinh hoạt dễ dàng của người Lạc-Việt ở một nơi phì nhiêu phong phú mà phát đạt đến một trình độ rất cao. Sản phẩm đặc biệt nhất của kỹ-thuật đồ đồng ấy là trống đồng lớn mà cái trống Ngọc-lư hiện tàng trữ ở viện Quốc-gia bảo-tàng ở Hà-nội là đại biểu. Trống đồng mà sau này Mã-Viện lấy ở đất Lạc-Việt để đem về Trung-quốc đúc tượng ngựa đồng chinh là thứ trống ấy. Sách Lâm-ấp-ký (dẫn ở Thủy-kinh-chu) lại chép rằng người Lạc-Việt còn đúc cả thuyền bằng đồng.
Xét những đồ đồng tìm được ở Đông-sơn người ta thấy có một hình người để tóc bối ở sau gáy có bịt một cái khăn ngang hai mối buộc với nhau và xõa xuống lưng. Ở mỗi tai có đeo một cái vành lớn. Tuồng như có một cái giây lưng, ở sau lưng có một cái tua bỏ thòng xuống. Lại có một cái hình người khác, mỗi tai đeo một cái vòng tai cũng đeo vành lớn ; phần thân dưới mang một cái váy như kiểu váy người Mọi ngày nay ; ở phía trước váy có thêm một miếng lá phủ. Tóc thì một nửa bối ngược ở đỉnh đầu, một nửa chóc thành bím bỏ thòng xuống lưng ; bối tóc có bịt một cái khăn : in hệt như kiểu tóc và kiểu khăn của người Dayak ngày nay. Xem hình hai người ấy, chúng ta có thể phỏng đoán được phục sức của người Lạc-Việt là thế nào. Theo lời sớ của Tiết-Tôn làm quan lại Giao-châu ở đời Tam-quốc (Tam-quốc chí, q.53), thì khi người Giao-chỉ mới thuộc nhà Hán – tức là người Lạc-Việt – họ bối tóc và đi chân không.
Người Lạc-Việt cũng có tục xăm mình và cũng tin rằng mình là con cháu giao long (truyền thuyết con Rồng cháu Tiên) mà họ gọi là Lạc-Long-quân , nhưng đó chỉ là di tích của chế-độ tô-tem xưa còn lại chứ họ không theo chế-độ tô-tem nữa. Đến thời đại đồ đồng, cái tín ngưỡng đối với chim Lạc hẳn cũng đã phai lạt hết mà chỉ còn là một ký ức trong tục truyền thôi.
Về tín ngưỡng thì hẳn người Lạc-Việt cũng thờ quỷ thần và cũng chôn người chết theo nghi thức như người nước Việt bỏ đồ minh khí bằng đá và bằng đồng vào quan tài mà chôn. – Hẳn họ cũng chuộng phương thuật. Sách Việt sử lược chép rằng « Ở thời Trang-vương nhà Chu, tại quận Gia-ninh – tức là huyện Mê-linh đời Hán – có người lạ đến lấy ảo thuật để phục các bộ-lạc, tự xưng là Hùng-vương ». Câu sách ấy tất có quan hệ đến sự di thực đến miền Bắc-kỳ của người Lạc-Việt, và có thể cho chúng ta biết rằng xưa đã có truyền thuyết rằng tù-trưởng người Lạc-Việt là giỏi pháp thuật.
Nhà chi-na học người Pháp, H.Maspero, cho rằng người Lạc-Việt – ông gọi là người Văn-Lang – « cũng như các dân tộc bán khai ở miền Đông-Nam châu Á ; hẳn có tôn giáo có tính chất nông nghiệp. Mỗi năm có một hội mùa xuân cũng như hiện nay ở các bộ-lạc Thái miền thượng du còn có… mà ở miền trung châu thỉnh thoảng người ta cũng còn nhận được dấu tích phưởng phất. Hội ấy, với tính chất phóng túng và lẫn lộn trai gái, có ý nghĩa ghi dấu mùa xuân và mở đầu công việc đồng áng. Trai gái dùng trầu cau làm môi giới để cầu hôn ». Có lẽ trong những cuộc hội hè tế lễ ấy, họ dùng những nhạc khí, như cái trống đồng và cái kèn bằng ống nứa (như kèn của người Mường, người Mọi, người Lào) và cái sinh bằng gỗ. Giữa những tiếng nhạc ồn ào thì con trai con gái cùng nhau múa hát. Hai nhà khảo cổ học Geldern và Goloubew đều nhận thấy khắc trong trống đồng của người Lạc-Việt những hình tượng có quan hệ với những lễ nghi tương tự với lễ nghi của người Mường ngày nay. 
Về chế-độ xã hội thì có lẽ khi người Lạc-Việt mới đến họ còn theo chế độ thị-tộc cũng như những người Thổ trước Anh-đô-nê. Dần dần, với sự phát triển của nông nghiệp trong xã hội thị-tộc đã xuất hiện gia tộc phụ hệ, song ở những miền hẻo lánh và rừng núi thì chế-độ thị-tộc vẫn còn đậm đà cho nên sách (Hậu Hán thư q.116) mới chép rằng : « người Giao-chỉ không phân biệt trưởng ấu… người Lạc-Việt không biết lễ giá thú, chỉ theo đàm hiếu mà không biết tình cha con, không biết đạo vợ chồng, nghĩa là không có tổ chức gia-tộc theo chế độ phụ hệ, chế-độ tôn-pháp như người Trung quốc ». Theo lời sớ của Tiết-Tôn ở đời Tam-quốc (Tam quốc chí q.53) thì « khi mới thuộc Hán, người Giao-chỉ ở huyện Mê-linh và người Cửu-chân ở huyện Đô-lung – tức người Lạc-Việt – hễ anh chết thì em lấy chị dâu, đó là di tích của chế độ thị tộc mẫu hệ. Song, nếu di-tích của chế-độ thị tộc còn tồn tại ở đôi nơi thì có lẽ ở những miền trung châu trình độ tổ chức xã hội của người Lạc-Việt đã vượt khỏi trạng thái mẫu hệ mà đến phụ hệ rồi, tuy là chưa đến trình độ tôn pháp như người Hán tộc».
Về tổ-chức chính trị thì có lẽ các thị-tộc Lạc-Việt chỉ họp lại thành bộ lạc ở dưới quyền một vị tù-trưởng. Khi người Lạc-Việt đến miền Bắc Việt-Nam, có lẽ chủ quyền của bộ-lạc đã bắt đầu có khuynh hướng tập trung mà rốt cuộc thành một thứ chế-độ phong kiến sơ sài : các bộ-lạc thì ở dưới quyền tù-trưởng gọi là lạc-tướng, các lạc-tướng thì phục tòng ít nhiều một vị tù-trưởng có thế lực hơn hết cả gọi là lạc-hầu hay lạc-vương – lạc-hầu và lạc-vương, theo ý chúng tôi chỉ là một – Có lẽ các thị-tộc bấy giờ đã định cư mà thành những thôn ấp đầu tiên, ở dưới quyền một gia-trưởng gọi là bồ chính. Chế-độ phong-kiến ấy có lẽ còn di tích ở chế-độ phong-kiến của người Mường ngày nay.
Đến thời kỳ nước Âu-Lạc, có lẽ Thục-phán đã đem chế-độ quy mô của nước Thục ở miền Tứ-Xuyên du nhập vào xã hội Lạc-Việt mà cho họ bắt đầu có một tổ-chức quốc-gia tập trung hơn, nhưng chế-độ phong kiến với các lạc-tướng ở đầu bộ lạc và các bồ-chính ở đầu thôn ấp thì vẫn như cũ.