Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

CÓ HAY KHÔNG CHUYỆN HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA LÊN DÀN HOẢ THIÊU Ở CHIÊM THÀNH ?

GIỞ LẠI NGHI ÁN - CÓ HAY KHÔNG CHUYỆN HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA LÊN DÀN HOẢ THIÊU NHƯ TRONG TOÀN THƯ ĐÃ ĐỀ CẬP?
Huyền Trân công chúa là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam, được đời sau nhắc đến cùng với những yếu tố đậm chất trữ tình của một cuộc hôn nhân ngoại giao và mối quan hệ ly kỳ, trái khoáy với Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung.

Bài viết của tôi, xuất phát từ việc phân tích các nguồn sử liệu và kế thừa các ý kiến của người đi trước, sẽ thảo luận về những điểm không logic trong những sự kiện được ghi lại về nhân vật lịch sử này.
Bài viết vì vậy khởi đầu bằng việc trích dẫn nguyên văn những gì mà Đại Việt sử ký toàn thư (từ dưới đây gọi tắt là Toàn thư) đã chép.
(...) [1305], tháng 2, Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài và bộ đảng hơn trăm người dâng hiến vàng bạc, hương quý, vật lạ làm lễ vật cầu hôn. Các quan trong triều đều cho là không nên, duy có Văn Túc Vương Đạo Tái chủ trương bàn việc đó, Trần Khắc Chung tán thành, việc bàn mới quyết.
(...) [1306], (...). Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân.
(...) [1307], (...). Mùa hạ, tháng 5, chúa Chiêm Thành Chế Mân chết. (Tháng 9) Thế tử Chiêm Thành Chế Đa Da sai sứ thần Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng.
Mùa đông, tháng 10, sai Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Da về.
CÓ HAY KHÔNG CHUYỆN HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA LÊN DÀN HOẢ THIÊU NHƯ

Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với [người Chiêm]: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”.

Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô. Hưng Nhượng Đại Vương ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu: “Thằng này là điềm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung thì nhà Trần rồi mất về nó chăng?”. Khắc Chung thường sợ hãi né tránh.

Dựa trên những ghi chép trong Toàn thư, hàng loạt các sử thần trung đại cho đến các sử gia hiện đại đã mặc nhiên coi những ghi chép trên là không còn điều gì phải bàn cãi. Các nhà văn, nhà thơ nhiều đời cũng dựa vào đó để sáng tác thơ ca, và viết nên những pho tiểu thuyết lịch sử về mối tình oan trái mang tính tay ba của Huyền Trân - Chế Mân - Trần Khắc Chung.

Cho đến năm 2013, Giáo sư Keith W. Taylor vẫn nhắc lại câu chuyện trên mà không có chút nghi vấn gì về tính chất sử liệu và những điểm khúc khuất đằng sau chuyện này.

Những sử liệu về cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân và Chế Mân ở trên có thể thấy là đã được nhìn qua lăng kính của người đời sau, cụ thể là qua lăng kính của Ngô Sĩ Liên với lối sử bình đậm đà tinh thần Nho giáo.

Nếu tính từ thời điểm năm 1306 đến năm Ngô Sĩ Liên soạn Toàn thư (nửa cuối thế kỷ XV), quãng cách thời gian khoảng 150 năm, chúng ta không biết Ngô Sĩ Liên đã biên soạn đoạn này trên cơ sở những nguồn sử liệu nào. Nhưng như những gì tôi đã từng chứng minh, có một nguồn tiếp thu khá quan trọng của Toàn thư, đó là truyền thuyết dân gian, như trường hợp “chú bé mồ côi - cờ lau dựng nước” của Đinh Bộ Lĩnh chẳng hạn.

Như sử liệu trong Toàn thư thì lúc Chế Mân chết có khả năng Huyền Trân đang mang thai. Vì sao tôi suy luận như vậy? Bởi theo Toàn thư, đến tháng chín, Thế tử Chiêm Thành Chế Đa Da sai sứ thần mang voi trắng đến tiến cống. Nhiều người nghĩ rằng, lúc này Chế Đa Da “sai sứ” thật, hoặc như Ngô Thì Sĩ lại đồng nhất Chế Đa Da là Chế Chí (con của Chế Mân, anh của Chế Đà A Bà Niêm, Chế Chí là vua nối ngôi sau Chế Mân).

Nhưng thực ra, đây là một nghi lễ ngoại giao với hàm nghĩa báo tin cháu ngoại của Trần Nhân Tông (tức Chế Đa Da) chào đời. Bởi ngay đoạn sau đó, Toàn thư ghi rằng đoàn Trần Khắc Chung sang đón Huyền Trân và thế tử Chế Đa Da về.
Như vậy, Chế Đa Da có khả năng sinh vào tháng Tám năm đó. Tức là khi Chế Mân mất, Huyền Trân mới mang thai Đa Da khoảng bốn tháng. Không có lý gì lại đưa một sản phụ cùng đứa con trong bụng lên giàn hỏa thiêu?
Mặt khác, theo Po Dharma, những ghi chép về tục lệ hỏa thiêu của Chiêm Thành (trong Toàn thư) là không chính xác.

Thứ nhất, nếu theo truyền thống Champa, chỉ có bà hoàng hậu chính thức mới được phép huỷ thân trên giàn hỏa với đức vua quá cố. Chữ “chính thức” ở đây nghĩa là “một người có dòng máu hoàng gia Champa” - một hoàng gia với chế độ mẫu hệ (chứ không phải là mẫu quyền). Trong khi đó, Huyền Trân (được phong làm hoàng hậu Paramecvari) chỉ là vợ thứ ba của Chế Mân, hoàng hậu cả là người Chăm, bà hai là người gốc Java.

Thứ hai, theo Dominique Nguyen (tức Nguyễn Ðố), tục lên giàn hỏa là một vinh dự lớn lao chỉ dành riêng cho bà hoàng hậu nhằm bày tỏ lòng thủy chung của mình đối với chồng, với điều kiện phải được hội đồng hoàng gia chấp thuận. Ông cũng cho biết, trong suốt 18 thế kỷ của tiến trình lịch sử ở Champa, người ta đã ghi nhận chỉ có vài bà hoàng hậu được nhận ân huệ của hội đồng hoàng gia để lên hỏa đàn chết theo chồng.

Thứ ba, theo luật Champa, lễ hỏa táng vua mới mất được thực hiện trong ngày đẹp nhất trong vòng một tháng sau khi vua băng hà. Như vậy, lễ hỏa thiêu đó có lẽ phải được thực hiện trong tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu năm 1307, trong khi đó, sứ đoàn Trần Khắc Chung khởi hành vào tháng 10.
Từ những lý do như trên, tôi cho rằng, không có chuyện Huyền Trân bị hỏa thiêu, vì thế cũng không có chuyện giải cứu Huyền Trân như Toàn thư đã viết.

Tác giả:  Nguyên Khôi
Tư liệu tham khảo:
Chính Hòa thứ mười tám (1697). Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản. Bản khắc in. Bản dịch. 1998. Tập 2. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. tr.90-92.
Keith Weller Taylor. 2013. A History of the Vietnamese. Cambridge University Press. New York. pp.141.
Trần Trọng Dương. 2013. Đinh Bộ Lĩnh: huyền thoại và lịch sử. Tạp chí Tia Sáng. Số tháng 7/2013.
 Po Dharma. 2007. Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa.
Chính Hòa thứ mười tám (1697). Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản. Bản khắc in. Bản dịch. 1998. Tập 2. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. tr.91.