“Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ,
Bọn gian tà bán nước cầu vinh.”
Đây là bốn câu thơ trong bài Đại Cáo của Nguyễn Trãi khi nói về nhà Hồ. Vậy cha con họ Hồ hay nhà Hồ rốt cuộc thì thân thế, triều đại như thế nào, thì hôm nay chúng ta hãy điểm qua một chút trong sử sách để cùng nhau tìm hiểu về họ.
I. Quyền thần khuynh loát triều chính.
1. Bối cảnh và thân thế.Sau cuộc chuyển giao quyền lực có một không hai trong lịch sử, Trần Cảnh dưới sự giúp đỡ của cha chú mình, đã lấy thân phận con rể nhà Lý mà bước lên ngai vàng khi chỉ mới 7 tuổi, lập ra triều đại nhà Trần.
Trải qua 4 triều vua đầu, từ Thái Tông cho đến Anh Tông ai ai cũng cố gắng xây dựng một nước Đại Việt vững mạnh. Minh Tông lên kế vị, cũng có thể tính là một vị vua hiền. Tuy nhiên, ông lại phạm phải một sai lầm hết sức nghiêm trọng: vì quá tin dùng Trần Khắc Chung mà giết oan quốc phụ Quốc Chẩn khiến đất nước mất đi một người tài giỏi, hoàng thất nhà Trần mất đi một trụ cột vững chắc. Các vua kế đó: Hiến Tông thì bình thường không có gì nổi bật; Dụ Tông thì ham mê tửu sắc, ăn chơi sa đọa. Song song với đó, Chiêm Thành dưới sự trị vì của Chế Bồng Nga, dân chúng đông đúc, lại được dạy dỗ, tôi rèn cẩn thận nên ngày một lớn mạnh, nhiều lần qua cướp các vùng Thanh – Nghệ, Hóa Châu, làm hại dân lành. Triều đại nhà Trần kể từ đây bắt đầu đi xuống.
Sau biến cố Hôn Đức công Nhật Lễ, Cung Định vương Trần Phủ là con thứ ba của Minh Tông được lập lên làm vua, tức Trần Nghệ Tông. Ông là người “cung kiệm có thừa mà cương đoán lại không đủ“. Mẹ của Nghệ Tông là bà Minh Từ, chính là cô ruột của Quý Ly.
Quý Ly là con của quan Kinh lược Lê Quốc Kỳ(1), vốn họ Hồ, tiên tổ là Hồ Hưng Dật người Chiết Giang, thời Hậu Hán sang làm quan ở đất Diễn Châu. Đến cháu đời thứ 12 là Hồ Liêm thì chuyển tới làng Đại Lại, trấn Thanh Hoa, làm con nuôi của quan tuyên úy Lê Huấn mới đổi sang họ Lê. Lê Quý Ly là người biết việc văn, việc võ. Thuở bé, theo Nguyễn Sư Tề học võ, Sư Tề có một người con là Nguyễn Đa Phương, trạc tuổi Quý Ly nên được nhận làm em. Sau thi đỗ kỳ thi Hương, rồi lại thi đỗ khoa Hoành từ. Bằng vào thân phận ngoại thích mà được trọng dụng, dần lên chức cao, rồi thừa cơ cướp lấy ngôi vua của nhà Trần.
2. Con đường trở thành quyền thần.
Do hai người cô là mẹ vua, lại có một người em họ làm Hoàng hậu mà địa vị của Lê Quý Ly trở nên vô cùng hiển quý, con đường hoạn lộ cũng mở rộng thênh thang. Dưới triều Nghệ Tông, ông nhanh chóng được thăng từ Chính chưởng tứ cục chi hậu lên làm Khu mật đại sứ, 4 tháng sau lại được ban tước Trung Tuyên quốc thượng hầu. Đến năm 1375, dưới triều Duệ Tông lại được cho làm Tham mưu quân sự.Năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga mang quân xâm lấn Đại Việt, người được giao trấn giữ Hóa Châu là Hành khiển Đỗ Tử Bình, bởi lòng dạ tham lam đem giấu đi 10 mâm vàng mà vua Chiêm dâng lên, rồi nói dối rằng: “Chế Bồng Nga kiêu ngạo, khinh nhờn, vô lễ nên đem quân đi đánh”. Duệ Tông tức giận, quyết thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Dẫu Lê Tích, Trương Đỗ năm lần bảy lượt dâng sớ can gián nhưng vua gạt đi, không nghe. Tháng 10, vua cho duyệt quân ở sông Bạch Hạc. Đến tháng 12 thì tự mình đốc suất 12 vạn quân xuôi Nam, Lê Quý Ly được lệnh đi đốc suất dân Thanh – Nghệ, Tân Bình, Thuận Hóa vận tải lương thực. Duệ Tông vì khinh suất mà mắc phải mưu gian, bất hạnh bỏ mình ở thành Đồ Bàn. Quý Ly khi đó đang đốc suất lương thực nghe tin vua băng liền hèn nhát vội trốn về. Tội này đáng chết, Thượng hoàng lại vì tình riêng mà tha cho, lấy tình thân đặt lên trên phép nước, vẫn tiếp tục tin dùng. Đến nỗi sử thần đời sau phải thốt lên rằng: Tội người này đáng giết, không dung tha được, thế mà lại còn vẫn dùng! Chính sự nhà Trần không có kỷ cương gì cả, trách nào chẳng bại vong.
Tổng hợp các bài viết về Tiểu sử Hồ Quý Ly và Vương triều nhà HồSau cái chết của Duệ Tông, trong hai năm từ 1377 – 1378, quân Chiêm Thành tấn công nước ta đến hai lần thậm chí còn đánh đến tận kinh thành Thăng Long, đốt phá, giết người, cướp của khắp nơi.
Năm 1379, Lê Quý Ly được dùng làm Tư không, hành Khu mật viện sự. Ông nhân đó mà tiến cử Nguyễn Đa Phương, Phạm Cự Luận để tạo vây cánh cho mình. Năm 1380, Chiêm Thành lại đánh ra đến đất Thanh – Nghệ. Thượng hoàng liền cho Lê Quý Ly và Đỗ Tử Bình chia nhau quản lĩnh hai cánh quân thủy – bộ tiến đánh. Quý Ly chỉ huy thủy quân tiến đến sông Ngu, cho đóng cọc giữa sông mà chống cự, được vài tháng thì phá được giặc. Kể từ đó Đỗ Tử Bình cáo ốm, không giữ binh quyền nữa. Chỉ có Quý Ly giữ chức Nguyên nhung hành Hải Tây Đô thống chế.
Sang năm 1382, quân Chiêm lại Bắc tiến đánh ra Thanh Hóa, nhờ sự quyết đoán của Nguyễn Đa Phương mà quân nhà Trần đại thắng ở cửa biển Thần Đầu, hai cánh quân thủy – bộ của Chiêm Thành đều bị đánh tan cả. Quân thế Đại Việt dần tốt lên nhiều. Do đó, tháng Giên, năm 1383, Thượng hoàng lệnh cho Quý Ly đem một đội thuyền lớn, gồm nhiều chiến thuyền mới đóng như: Diễm Trị, Ngọc Đột, Nha Tiệp chinh phạt Chiêm Thành. Nhưng thuyền đến vùng biển Lại Bộ Nương và Ô Tôn bị sóng gió đánh hư hỏng, phải dẫn quân về.
Sử cũ không thấy chép gì về chính tích của Hồ Quý Ly trong thời kỳ này. Còn việc binh nhung, giao tranh với Chiêm Thành thì có thắng có bại, nhưng mấy trận thắng của ông đa phần là nhờ tài năng của nhóm Đa Phương, nhưng Thượng hoàng lại vẫn để ông nắm giữ binh quyền cả nước. Đại quyền tuy vẫn trong tay Nghệ Tông nhưng mọi việc lại đều nghe theo Quý Ly sắp xếp. Năm 1387 cho ông làm Đồng bình chương sự, ban cho một thanh gươm và một lá cờ đề 8 chữ “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức“. Trong bụng Quý Ly ngầm nuôi chí khác nên không ngừng xây dựng thế lực riêng cho mình. Để con riêng của vợ là Đỗ giữ chức cung lệnh, lại cho em là Quỳ Tỳ làm Phán thủ, Tri tả hữu ban sự.
“Lòng dạ Tư Mã Chiêu, ai ai cũng rõ“ (2). Các bậc hiền nhân quân tử buồn lo nhưng không thể làm gì nên chỉ đành gửi gắm qua lời thơ, con chữ. Tư đồ Trần Nguyên Đán, thân là tôn thất nhà Trần, lại đem chữ “Gia“ đặt lên trước chữ “Quốc“, tính chuyện thông gia với Quý Ly để mong tránh mối họa sau này. Lại đem con là Mộng Dữ, Thúc Dao mà gửi gắm cho y. Phế Đế bất bình trước việc Quý Ly lộng quyền làm càn mà bàn mưu với Trang Định vương Ngạc, tính chuyện trừ diệt Quý Ly. Chẳng may cơ mưu bị kẻ gian tiết lộ mà hại đến thân mình. Nghệ hoàng đã già lại lẩm cẩm, tin lời gièm pha cho thắt cổ Phế Đế cho đến chết ở phủ Thái Dương.
Năm 1389, trợ thủ đắc lực của Quý Ly là Phạm Cự Luận được cho giữ chức Thiêm thư Khu mật viện sự. Ông nhân đó mà xem xét đám liêu thuộc, rồi tiến cử cho giữ những chức vụ quan trọng nhằm khống chế chặt chẽ quân đội trong tay, cốt để thêm vây cánh cho mình. Đến tháng 10, người Chiêm lại một lần nữa tấn công Đại Việt. Quý Ly được cử đi chống giặc, hai bên cầm cự nhau hơn hai mươi ngày ở Thanh Hóa thì ông mắc phải mưu kế quân địch mà thua trận, bỏ lại quân đội cho Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương mà trốn về. Hai người Khả Vĩnh, Đa Phương liệu thế không chống được cũng đem quân trốn về. Chế Bồng Nga thừa thế xua quân tiến công đến tận Hoàng Giang. Trần Khát Chân phải gạt lệ lạy tạ Nghệ Tông rồi đem quân đi, quyết một lòng tử chiến với giặc. Chế Bồng Nga sau vài chục năm quấy nhiễu Đại Việt, cuối cùng cũng phải bỏ mạng dưới “hỏa súng“ của Trần Khát Chân trong trận Hải Triều. Giữ lại chút hơi tàn cho một vương triều sắp đến hồi diệt vong.
Trang Định vương Ngạc vốn là con lớn của Thượng hoàng, trước kia vốn có hiềm khích với Quý Ly. Ông vốn sợ Thượng hoàng đổi ý mà lập vương lên ngôi thì ông tuyệt đường sống nên mới ngầm sai người giết đi. Hai tướng quản lĩnh quân Hóa Châu là Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê vì mưu giết Quý Ly vì bại lộ nên bị hại. Thượng tướng Trần Khát Chân cũng muốn trừ hại cho xã tắc nhưng bởi một phút chần chừ khiến ông thoát chết, để rồi cuộc đời anh hùng của ông phải kết thúc bởi tay kẻ quyền thần.
Năm cuối đời, Thượng hoàng cho gọi Quý Ly vào cung mà gửi gắm chuyện hậu sự. Mong ông được như “tứ phụ“ (3) mà giúp rập Thuận Tông giữ nghiệp nhà Trần, nếu vua kém cỏi quá thì có thể phế đi rồi nhận lấy ngôi báu. Sau khi Thượng hoàng băng hà thì ông chẳng còn kiêng kỵ gì nữa, thẳng tay mà làm chuyện phế lập, thoán đoạt. Năm 1398, Quý Ly phế Thuận Tông mà lập Thiếu Đế, rồi lại phế luôn Thiếu Đế cướp ngôi nhà Trần, đổi niên hiệu sang Thánh Nguyên năm thứ nhất, quốc hiệu Đại Ngu, đổi sang họ Hồ.
Xem thêm: Hồ Quý Ly - thành bại luận anh hùng
Nhà Hồ, sau khi ra đời đã cho tiến hành một loạt các chính sách nhằm vực dậy một đất nước hoang tàn sau mấy chục năm chiến tranh với Chiêm Thành, dù có vài chính sách thực sự tiến bộ nhưng lại có nhiều chính sách không đạt hiệu quả, làm cho tình hình rối loạn trong nước không những không lắng xuống, mà lại còn trở nên rối ren hơn. Lòng dân đã mất, cha con họ Hồ không thể chống được mấy chục vạn quân Minh nam hạ. Hồ Quý Ly bị bắt ở Thiên Cầm, nhà Hồ tồn tại được vỏn vẹn 7 năm thì chính thức diệt vong. Khi xưa Quý Ly từng ở trước mặt Nghệ Tông mà phát lời thề độc, nếu không vẹn hết lòng trung thì trời không dung. Đến lúc đó thì bị bắt ở núi Thiên Cầm, đất Ky Lê (Thiên Cầm còn có thể hiểu là bị trời bắt) ứng với lời thề năm xưa là trời chẳng dung vậy.VÀI ĐIỀU VỀ CÁC CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ HỒ.
Ở đây có một số chính sách được cha con họ Hồ dưới danh nghĩa các vua Trần mà ban bố và thi hành. Xin phép được gộp vào trong các chính sách của nhà Hồ để tiện trình bày.
1. Chính sách hạn điền, hạn nô.
Thời điểm này ta thấy cha con họ Hồ hay nhà Hồ sau này đang đứng giữa ngã ba đường. Họ buộc phải đưa ra sự lựa chọn giữa việc: Chính quyền trung ương tiếp tục để mặc cho sự phát triển tự nhiên của sở hữu tư nhân, tạo ra cục diện chính quyền trung ương yếu hơn chính quyền địa phương; hay đi vào con đường chuyên chế để thiết lập thể chế tập quyền, củng cố chính quyền trung ương.
Và như những gì lịch sử đã ghi nhận, họ chọn con đường thứ hai, thông qua các chính sách hạn nô, hạn điền, điều tra dân số, điều tra ruộng đất…..
Chính sách hạn điền được chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau: "Tháng 6, xuống chiếu hạn điền. Đại vương và trưởng công chúa thì số ruộng không hạn chế, đến thứ dân thì số ruộng là 10 mẫu. Người nào có nhiều nếu phạm tội, thì cho tùy ý được lấy ruộng để chuộc tội, bị biếm chức hay mất chức cũng được làm như vậy. Số ruộng thừa phải hiến cho nhà nước."
Về chính sách hạn nô thì “Toàn Thư” cho biết: Hán Thương lập phép hạn chế gia nô, chiếu theo phẩm cấp được có số lượng khác nhau, còn thừa phải dâng lên, mỗi tên được trả 5 quan tiền. Người nào đáng được có gia nô phải xuất trình chúc thư 3 đời. Gia nô người nước ngoài thì không theo lệ này.
“Cương Mục” nói rõ ràng thêm vài điều: Lúc ấy, bọn Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hi Chu và Đồng Thức lựa theo ý họ Hồ, nên thường khuyên Hán Thương giết con cháu nhà Trần, giảm bớt số điền nô, để đè nén thế lực họ Trần. Hán Thương mới lập ra phép hạn chế gia nô.
Các chính sách này như một thứ vũ khí sắc bén giúp cha con Hồ Quý Ly chống lại khuynh hướng phát triển của sở hữu phong kiến, thông qua đó khôi phục lại quyền sở hữu công trên một bộ phận ruộng đất quan trọng, và một nguồn nhân lực to lớn là tầng lớp nô lệ vốn là một lực lượng lao động sản xuất cực kỳ quan trọng thời Lý – Trần. Ở thời bình lực lượng này sẽ tham gia sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, khai mỏ và khi cần họ sẽ được sung vào quân đội để đảm bảo sức mạnh quân sự cho quốc gia.
Chính sách hạn nô không những hạn chế số lượng gia nô của quý tộc, làm suy yếu thế lực của vương công, quý tộc cựu Trần, mà nó còn là một biện pháp ngăn chặn quá trình nông nô hóa đang phát triển rất mạnh thời kỳ đó. Nó không phải là chính sách giải phóng nô tỳ thuần túy mà chủ yếu là để đảm bảo quyền kiểm soát dân đinh toàn quốc của chính quyền trung ương.
Xét tổng quan hai chính sách hạn nô và hạn điền được thi hành rất nhất quán, bổ sung cho nhau cực kỳ hợp lý nhằm củng cố thêm quyền lực trung ương. Chính sách hạn điền đem ruộng đất thu về nhưng chưa người để canh tác nó, thì chính sách hạn nô chính là thứ bổ sung nguồn nhân lực đó vậy.Và dưới sự kiên quyết và cưỡng bức thi hành của nhà Hồ, các chính sách có được thực hiện một cách triệt để hay không ?
Nguồn sử liệu hiện tại không đầy đủ để giúp chúng ra nghiên cứu sâu hơn về tác dụng của các chính sách đó, nhưng qua thông tin từ các giai đoạn sau, chúng ta có thể nhận thấy rằng các chính sách này không được thực hiện một cách triệt để hoàn toàn. Đặc biệt, qua những cá nhân tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cho chúng ta khá nhiều dẫn chứng cho thấy; rải rác đâu đó vẫn còn, các dấu hiệu tồn tại của điền trang, mặc dầu thế lực của các vương hầu, quý tộc nhà Trần đã suy yếu hẳn.
2. Thuế khóa.
Chính sách mới về thuế là một trong những chính sách hết sức quan trọng thời nhà Hồ. Hiện nay, các tài liệu lịch sử còn lưu trữ được không cho thấy, hay chính xác hơn là không đề cập gì đến việc thay đổi thuế khóa đối với ruộng đất công. Tuy nhiên đối với hình thức ruộng tư nhà Hồ đã cho điều chỉnh từ 3 thăng thóc/1 mẫu lên thành 5 thăng thóc/1 mẫu.
Trong khi đó, tiền thuế đối với ruộng dâu, loại ruộng có liên quan mật thiết đến sự phát triển của thủ công nghiệp lại giảm đi rõ rệt. Thời Trần, mỗi mẫu ruộng dâu thu 9 quan hoặc 7 quan tiền, sang thời nhà Hồ ruộng dâu được chia làm ba hạng, hạng thượng đẳng 5 quan tiền giấy/mẫu, hạng trung đẳng 4 quan tiền giấymẫu, hạng hạ đẳng 3 quan tiền giấy/mẫu. Khi quy đổi từ tiền giấy sang tiền đồng thì thuế hạng thượng đẳng cũng chỉ hơn 4 quan tiền đồng thấp hơn cả mức thấp nhất của nhà Trần là 7 quan. Tính trung bình thuế ruộng dâu giảm đến hơn một nửa so với triều trước.
Thuế đinh nam cũng giảm đi rõ rệt. Tiền nộp hằng năm của đinh nam trước thu 3 quan, nay chiếu theo số ruộng, người nào chỉ có 5 sào ruộng thì thu 5 tiền giấy; từ 6 sào đến 1 mẫu thì thu 1 quan; 1 mẫu 1 sào đến 2 mẫu thu 2 quan; từ 2 mẫu 1 sào đến 2 mẫu 5 sào thu 2 quan 6 tiền; từ 2 mẫu 6 sào trở lên thu 3 quan. Mức cao nhất cũng chỉ 3 quan tiền giấy (tương đương khoảng 2,5 quan tiền đồng) giảm đến hơn 15% so với nhà Trần. Đồng thời, đinh nam không có ruộng, trẻ mồ côi, đàn bà góa dù có ruộng cũng miễn, không thu thuế.
Xét một gia đình có khoảng 3 mẫu ruộng, 3 đinh nam thì tuy bị thu thêm 6 thăng thóc thuế ruộng, theo giá năm 1357 thì tương đương 0,6 quan tiền đồng. Nhưng thuế nhân đinh lại được giảm tới 1 quan rưỡi tiền đồng, trong khi đó một số thuế khác lại được giảm thêm nữa. Nên dẫu sau mấy chục năm giá gạo có tăng gấp đôi, gấp ba thì về thuế khóa, người dân không bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí khi so với triều trước còn có phần thư thả hơn đôi chút.
3. Tiền giấy.
Nhắc đến nhà Hồ thì tiền giấy luôn là thứ được đính kèm theo. Việc phát hành tiền giấy năm 1396, cho 1 quan tiền đồng đổi lấy 1,2 quan tiền giấy, có thể là dấu hiệu của việc thị trường đang thiếu một lượng tiền lưu thông nhất định, đồng thời ngân khố nước ta sau mấy chục năm chiến loạn có phần thiếu hụt nhưng không có đủ lượng đồng để đúc thêm. Cụ Đào Duy Anh cũng từng đưa ra một nhận định, việc cho lưu thông tiền giấy thu lại tiền đồng giúp nhà nước có được một lượng lớn để chế tạo vũ khí, phục vụ cho nhu cầu quốc phòng đang rất cấp thiết thời bấy giờ.
Nhưng, tiền giấy của nhà Hồ liệu có phải là một ý tưởng vượt thời đại hay chỉ là một sự bắt chước lỗi của nhà Hồ ?
Về Thông bảo hội sao, sách “Lịch triều hiến chương loại chí” cho chúng ta biết nhiều thông tin hơn “Toàn thư”.
Sách chép: “Phép tiền giấy có từ thời Cao Tông nhà Tống. Bấy giờ bộ lạc Nữ Chân vì ít đồng, bắt chước phép giao tử của nhà Tống, làm ra giao sao dẫn có 5 bậc: 1 quan, 2 quan, 3 quan, 5 quan, 10 quan, gọi là đại sao. Cứ mỗi một hạn là 7 năm, đem giấy cũ đổi lấy giấy mới. Ở các lộ đặt quan coi kho "giao sao" để nhận.
Phép chế tiền giấy như sau: Bên ngoài vẽ khung vuông có hoa văn, số tiền viết ngang, bên tả viết số hiệu, bên hữu viết chữ khoa. Bên ngoài nữa, thì viết lối chữ triện những chữ "Làm giả bị tội chém, ai tố cáo hay bắt được thì được thưởng". Ở dưới khung ngang thì viết: Kho Giao sao ở Trung đô chuẩn cho Hộ bộ thượng thư làm công văn gửi đến các quan ty coi việc nhận tiền thực đổi tiền giấy, nhận tiền giấy đổi tiền thực". Bốn xung quanh thì vẽ rồng và làm trang sức. Đời Đường gọi là khoán, đời Tống gọi là giao hội, đến thời Kim mới gọi là sao, đều làm bằng giấy, hoặc lấy giấy vỏ dâu mà in chữ vào dùng để mua bán thay tiền, tiện cho lưu thông. Phép làm hội sao cuối thời Trần cũng là gốc ở đó.
Như vậy, chưa xét đến toàn thế giới mà chỉ trên phạm vi mấy nước lân bang ta đã thấy tiền giấy đã xuất hiện ở Trung Quốc sớm hơn chúng ta đến khoảng 250 năm, và nhà Hồ có biết và có được tiếp xúc với tiền giấy thời nhà Minh. Điều này được minh chứng qua rất nhiều ghi chép trong Minh thực lục. Như:
Ngày 16, tháng 5, năm Hồng Vũ thứ 17 (1384), Trần Vĩ nước An Nam sai Trung đại phu Lê Tông Triệt, Triều nghi đại phu Bùi Khanh dâng biểu cống voi. Ban cho Tông Triệt, Bùi Khanh khăn đội đầu cùng dây đai, người đi theo được ban tiền giấy có sai biệt.
Năm 1387 lại chép, Trần Vĩ nước An Nam sai viên quan là Nguyễn Thái Xung, Thông nghị đại phu Trần Thúc Hoành cống voi, chén rượu bằng vàng. Ban cho Thái Xung tiền giấy 130 đĩnh.
Hay, Ngày Ất Dậu ( ngày 21 tháng 11, năm Hồng Vũ thứ 22, 1389 ), Trần Vĩ nước An Nam sai Nguyễn Đồng Thúc đến cống đồ uống rượu bằng vàng, bạc và dâng sản vật địa phương. Ban cho Đồng Thúc cùng người tùy tùng tiền giấy có sai biệt.
Xét chế độ tài chính nhà Minh cùng lúc sử dụng ba loại tiền tệ:
i. Tiền giấy.
Được gọi là Đại Minh thông hành bảo sao, đơn vị VĂN, mệnh giá lớn nhất là tờ 1 QUAN. (1 QUAN = 100 VĂN. 1 ĐỈNH (XẤP) = 100 QUAN)
ii. Tiền đồng.
Đơn vị là TIỀN.
1 VĂN = 10 TIỀN. Nhà nước hạn chế hoặc có lúc cấm sử dụng tiền đồng.
iii. Bạc (Bạch Ngân).
Đơn vị LƯỢNG. Dùng như tỉ giá đối trọng. Có lúc 1000 QUAN TIỀN GIẤY = 1 LƯỢNG. Có lúc 500 QUAN TIỀN GIẤY= 1 LƯỢNG.
Như vậy, rõ ràng tiền giấy không phải là một ý tưởng gì quá mới mẻ của nhà Hồ. Nó chỉ bắt chước theo tiền giấy mà Minh, thứ mà nhà Hồ đã được tiếp xúc nhiều thông qua các sứ thần, thậm chí có thể là những buôn bán ở biên giới hai nước.
Nhưng, tiền giấy rõ ràng là một chính sách sai lầm của nhà Hồ. Xét thực trạng nền thương nghiệp Đại Việt cuối thế kỷ 14 – đầu thế kỷ 15 không có nhiều nổi bật (cũng ít tư liệu phản ánh). Buôn bán trong nước vẫn chủ yếu tập trung ở kinh thành Thăng Long và ngoại thương thì cũng rất hạn chế. Chưa thấy có gì cho thấy thương nghiệp phát đạt hơn thời Lý, với một nền thương nghiệp như vậy việc phát hành tiền giấy thay cho tiền đồng là không cần thiết (xét thuần túy trên lĩnh vực kinh tế). Đồng thời, nhà Hồ cho cưỡng ép sử dụng tiền giấy, thì nó vẫn không được ưa dùng. Toàn thư chép: “Bấy giờ, người buôn bán phần nhiều không thích tiêu tiền giấy, lại đưa ra luật về tội không tiêu tiền giấy, bán giá cao, đóng cửa hàng, vào hùa để giúp nhau tránh tội. Chỉ chừng ấy dòng sử liệu cũng đủ để mọi người hình dung được, tiền giấy thực sự không được nhân dân tín nhiệm.”
Bàn về tiền giấy Phan Huy Chú đã nhận xét: “tiền giấy chẳng qua chỉ là mảnh giấy vuông, phí tổn chỉ đáng 5, 3 đồng tiền mà đem đổi lấy vật đáng 5, 6 trăm đồng tiền của người ta, cố nhiên không phải là cái đạo đúng mức. Vả lại người có tiền giấy cất giữ cũng dễ rách nát, mà kẻ làm giả mạo sinh ra không cùng, thực không phải là cách bình ổn vật giá mà lưu thông của cải của dân vậy. Quý Ly không xét kỹ đến cái gốc lợi hại, chỉ ham chuộng hư danh sáng chế, để cho tiền của hàng hóa thường vẫn lưu thông tức là sinh ra ứ đọng, khiến dân nghe đã thấy sợ, thêm mối xôn xao, thế có phải là chế độ bình trị đâu.”
4. Tổng Kết.
Bên trên là một số chính sách nổi bật nhất của nhà Hồ, ngoài ra còn có thêm nhiều chính sách khác như: đặt kho thường bình (để bình ổn giá gạo), đặt ra các tiêu chuẩn về y phục, thi cử…Trong đó, có không ít chính sách đúng đắn, phù hợp với tình hình đất nước, tạo dựng nền móng cho triều đại sau kế thừa và phát huy, nhưng vẫn có không ít những chính sách thất bại mà tiêu biểu nhất là việc ban hành tiền giấy. Việc không quy tụ được nhân tâm chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc thất bại của nhà Hồ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Lòng dân đã mất thì dẫu thành Đa Bang hiểm yếu cũng không giữ nổi cơ nghiệp họ Hồ, điều mà đã được minh chứng qua hai câu thơ của cụ Nguyễn Trãi :
“Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ
Thị hiểm nan tầm mệnh tại thiên”
Tạm dịch:
“Lật thuyền mới rõ dân như nước
Cậy hiểm khôn xoay mệnh tại trời”
Tài liệu tham khảo :
- Đại Việt sử ký toàn thư – bản điện tử.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục – Quốc sử quán triều Nguyễn – Bản điện tử
- Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú – Bản điện tử.
- Việt sử tiêu án – Ngô Thì Sĩ – Bản điện tử.
- Cải cách Hồ Quý Ly – Đặc san do Viện sử học – Ban lịch sử tỉnh Thanh Hóa hợp tác thực hiện – số 6 ( 253 ) – 1990.
- Tiền cổ thời Hồ - Đỗ Văn Ninh – Nghiên cứu lịch sử số 2 ( 1980 ).
- Minh thực lục – Quan hệ Trung Hoa – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII – dịch giả Hồ Bạch Thảo – Bản điện tử.
- Hồ Quý Ly và nhà Hồ - Nghiên cứu lịch sử số 5 ( 264 ) – 1992.
- Mấy ý kiến về Hồ Quý Ly – Nguyễn Gia Phu – Nghiên cứu lịch sử số 31 – 1961.
- Vai trò của lực lượng nô lệ trong xã hội Đại Việt thời Lý – Đinh Thị Duyệt – Tạp chí Xưa và Nay.
Chú thích :
(1) Theo lời tâu của Bùi Bá Kỳ lên vua Minh.
(2) Tứ phụ chỉ 4 vị đại thần giúp phò tá vua nhỏ giữa yên việc nước gồm : Chu công Đán giúp Chu Thành vương nhà Chu, Hoắc Quang giúp Hán Chiêu Đế, Gia Cát Lượng giúp Thục Hậu chủ và Tô Hiến Thành giúp vua Lý Cao Tông.
(3) “Lòng dạ Tư Mã Chiêu, ai ai cũng rõ“: một câu thành ngữ, ý nói âm mưu hoặc dã tâm hoàn toàn lộ rõ, ai ai trong thiên hạ đều biết.
P/s: hình ảnh chúng tôi tải từ internet, nếu quí độc giả biết tác giả giữ bản quyền của những bức ảnh này, vui lòng kết nối giúp chúng tôi. Chân thành cám ơn!