Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Tóm tắt sự kiện 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị

Thi thoảng đi vào miền trong, nếu có thời gian, tôi hay rẽ vào Thành Cổ, tôi đã vào đó trên dưới chục lần, mỗi lần vào là một lần cảm xúc. Mấy lần đầu tôi còn hóng và nghe các chị Hướng dẫn viên kể chuyện. Về sau tôi k nghe nữa, vì lần nào nghe tôi cũng nghẹn ngào rồi khóc. Năm ngoái tôi đưa 5-6 thằng e vào đó, thắp hương, rồi kể cho chúng nó nghe để chúng hiểu các thế hệ cha a đã chiến đấu và hi sinh ntn  ?.

I. GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

- Đây vừa là công trình thành luỹ quân sự, vừa là trụ sở hành chính của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị từ năm 1809 đến năm 1945. Theo các nguồn tài liệu thì vào đầu thời Gia Long, thành được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành - Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (nay là Phường 2 - thị xã Quảng Trị).
- Lúc đầu, thành được đắp bằng đất, đến năm 1827, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Khuôn viên Thành cổ Quảng trị có dạng hình vuông với chu vi tường thành khoảng 2000m, cao hơn 4m, dưới chân dày 12m. Bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh. Bốn góc thành là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài.
- Vào thời nhà Nguyễn, Thành cổ Quảng Trị là nơi để Vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị tổ chức các lễ tiết trong năm. 
Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ thì Thành cổ lại có thêm nhà lao, toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn... 
Từ năm 1929 đến năm 1972, Thành cổ Quảng Trị là nơi giam cầm các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước và chính nơi đây đã trở thành trường học chính trị, để rèn luyện ý chí son sắt, đấu tranh trực diện với kẻ thù của những người yêu nước.
Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ trong chiến tranh (đặc biệt trong chiến dịch năm 1972) nên từ toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết tích của bom đạn.

II. BỐI CẢNH LỊCH SỬ TRẬN THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ.


Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị được chụp ngày 15/08/1972
Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị được chụp ngày 15/08/1972
Năm 1972, quân Giải Phóng miền Nam Việt Nam mở cuộc Tiến công chiến lược từ ngày 30/3 đến cuối tháng 6, lấy Quảng Trị làm hướng tiến công chủ yếu bên cạnh các hướng Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ (Bình Long), rồi phát triển khắp chiến trường miền Nam. Do đó, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đang có lợi thế lớn ở Hội nghị Pari sau khi đẩy lùi Chiến dịch Lam Sơn 719 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa cùng các thắng lợi khác trong cuộc Tiến công chiến lược. Sức ép về việc phải giành được một chiến thắng biểu tượng lên Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Hoa Kỳ nhằm lấy lại thế thượng phong trên bàn đàm phán ngày càng gia tăng.
Thành cổ Quảng Trị nằm gần Quốc lộ 1, đây là tiền đồn phòng thủ của Vùng I chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa. Giành được Thành cổ sẽ có giá trị lớn về tính biểu tượng. Tin tức về việc Quảng Trị rơi vào tay Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tác động mạnh mẽ tới chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 25 tháng 5 năm 1972, Tổng thống Thiệu đưa ra cam kết bằng mọi giá tái chiếm Quảng Trị.
Giữa tháng 6, Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa dồn lực lượng với sự tham gia mạnh của không quân, hải quân Hoa Kỳ và bắt đầu phản công trên chiến trường (Chiến dịch Lam Sơn 72). Chiến sự trong mùa hè năm 1972 ở tỉnh Quảng Trị diễn ra cực kì quyết liệt, ác liệt nhất kể từ khi có cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Hoa Kỳ và quân Việt Nam Cộng hòa bắt đầu mở các cuộc phản công và đến đầu tháng 7 đã tiến đến thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến ở thị xã và thành cổ Quảng Trị chính thức bùng nổ.

III. TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG

Lực lượng chính của quân đội Việt Nam Cộng Hòa là sư đoàn Nhảy Dù với lữ đoàn 1,2,3 và sư đoàn thủy quân lục chiến với 3 lữ đoàn gồm lữ đoàn 369, lữ đoàn 147, lữ đoàn 258, sau được tăng cường Liên đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, cùng sự yểm trợ của thiết đoàn 7, thiết đoàn 18 kỵ binh cùng sự yểm trợ của không quân Mỹ và không quân Việt Nam Cộng Hòa.
Thống kê cho thấy, quân Mỹ đã sử dụng một hỏa lực khổng lồ để yểm trợ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong trận đánh Quảng Trị với 4.958 phi vụ B-52 và 9.058 phi vụ máy bay phản lực. Pháo binh đã bắn 950.000 viên đạn pháo 105mm, 55.000 viên đạn pháo 155mm, 8.164 viên đạn pháo 175mm và hơn 615.000 viên đạn pháo từ hạm đội bắn vào yểm trợ.
Lực lượng quân Giải Phóng bao gồm sư đoàn 304 do tướng Hoàng Đan chỉ huy, sư đoàn 308 do tướng Nguyễn Hữu An chỉ huy, sư đoàn 312 biệt danh là sư đoàn Quyết Thắng do tướng Lã Thái Hòa chỉ huy, sư đoàn 316 biệt danh là sư đoàn Bông Lau dưới sự chỉ huy của tướng Lê Quảng Ba, sư đoàn 320B dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Sùng Lãm, sư đoàn 324 biệt danh sư đoàn Ngự Bình của tướng Chu Đới Phương và sư đoàn 325 của tướng Trần Quý Hai cùng 1 số lực lượng du kích địa phương và được 3 trung đoàn chiến xa 202, 203, 204 cùng các đơn vị pháo tầm xa 130mm, tên lửa 122mm, các đơn vị phòng không 37mm, 57mm, các đợn vị đặc công,... yểm trợ. Tất cả chiến dịch đặt dưới sự chỉ huy của tướng Lê Trọng Tấn và chính Ủy là tướng Lê Quang Đạo.

IV. DIỄN BIẾN TRẬN THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

Ngày 26 tháng 6, không quân Mỹ bắt đầu ném bom dữ dội nhầm chuẩn bị cho cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị, ngày 28 tháng 6, tướng Ngô Quang Trưởng phía Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Lam Sơn 72 để phản công quân Giải Phóng. Đến ngày 6 tháng 7, quân Việt Nam Cộng Hòa đã đến được thị xã Quảng Trị nhưng không tiến vào được. Kế hoạch của phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa sẽ tái chiếm Quảng Trị trong 2 tuần, nhưng quân Giải Phóng Việt Nam đã chiến đấu kiên cường. Quân Mỹ chuyển sang bắt đầu không kích và pháo kích dữ dội đồng thời gia tăng các đợt ném bom dọc bờ sông Thạch Hãn nhằm ngăn chận đường tiếp tế và chi viện của quân Giải Phóng.
Phía quân Việt Nam Cộng Hòa sử dụng các đơn vị tinh nhuệ nhất là các lữ đoàn dù 1,2,3 cùng các lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến để tổ chức tấn công nhằm tái chiếm cổ thành Quảng Trị và thị xã Quảng Trị nhưng đều gặp thất bại. Đến ngày 28 tháng 7, hai bên đều tổn thất nặng nề.
Ngày 25 đến ngày 27, tướng Lê Quang Lưỡng của Việt Nam Cộng Hòa đã phải tung đơn vị trừ bị cuối cùng là Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù vào chi viện và tiến được đến sát phía Đông Nam thành cổ Quảng Trị nhưng tiếp tục bị quân Giải Phóng chặn đứng, không thể tiến được vào thành cổ.
Đến ngày 28 tháng 7, hết thời hạn tấn công của quân nhảy dù, tướng Lê Quang Lưỡng giao nhiệm vụ lại cho cánh quân Thủy Quân Lục Chiến. Phía Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hòa thay đổi chiến thuật, không tấn công nhanh nữa mà chuyển sang dùng pháo kích và không kích để đánh đi đánh lại nhằm tiêu diệt dần sức kháng cự của quân Giải Phóng. Lúc này quân Giải Phóng đã sử dụng căn hầm ở dinh Tỉnh Trưởng Quảng Trị sát bờ sông làm tổng hành dinh cho trận đại và cũng là nơi tập trung các thương binh trước khi chuyển qua sông ra khỏi chiến trường để phục vụ điều trị. Cây Cầu sắt vượt sông Thạch Hãn đã bị phá hủy nên bến Vượt là nơi duy nhất để quân Giải Phóng chuyển quân qua lại và tiếp viện, quân Mỹ biết được nên ném bom và pháo kích dữ dội, quân Giải Phóng cũng tập trung pháo ở bờ Bắc sông Thạch Hãn để pháo kích không cho quân Việt Nam Cộng Hòa có thể chiếm được bến sông này.
Từ giữa tháng 8, quân Giải Phóng được bổ sung trung bình mỗi đêm 40-50 người mạnh khỏe (đã trừ đi người bị thương, đào ngũ,…) tương đương hơn 1 trung đội, nên sức chiến đấu tương đối nguyên vẹn. Hàng ngày, các xuồng chiến đấu bí mật cập sông tiếp tế lương thực, thuốn men, đạn dược. Các cuộc chiến đấu tiếp tục diễn ra ác liệt, hai bên giành giật từng góc phố, từng con đường trong thị xã.
Đến đầu tháng 9, nước sông Thạch Hãn lên nhanh, việc tiếp tế của quân Giải Phóng trở nên khó khăn hơn rất nhiều tuy nhiên trong đêm 12 tháng 9, quân Giải Phóng vẫn được bổ sung 201 chiến sĩ và trận chiến thành cổ Quảng Trị vẫn diễn ra khốc liệt
Rạng ngày 13 tháng 9, quân tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến quân Việt Nam Cộng Hòa tấn công từ ngã tư Quang Trung - Trần Hưng Đạo hướng về khu vực chợ Quảng Trị sau đó tiến chiếm khu hành chánh gồm Ty Bưu điện, Ty Thanh Niên, Ty Ngân khố và tiến sát đến dinh tỉnh trưởng. Đồng thời, 1 hướng tấn công của Thủy Quân Lục Chiến dọc hai bên đường Phan Đình Phùng và chiếm được khu vực tòa Hành chánh tỉnh và Ty Tiểu họ Ngày 15 tháng 9, tiểu đoàn 3 và tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiếm được một góc khu đông bắc Thành cổ, quân Giải Phóng vẫn tiếp tục chiến đấu với khẩu hiệu “K3 - Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn”
22 giờ ngày 15 tháng 9, sau 81 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân Giải Phóng bắt đầu rút lui khỏi cổ thành Quảng Trị và trận đánh thành cổ Quảng Trị kết thúc.

V. TỔNG KẾT TRẬN THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

Ghi lại cuộc chiến đấu của sư đoàn Thủy quân Lục chiến tại mặt trận trung tâm thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Quảng Trị từ khi thay thế lực lượng Nhảy Dù vào ngày 27/7/1972, trung tá Trần Văn Hiển, nguyên trưởng phòng 3 bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến đã viết: “Trong suốt 7 tuần lễ chiến đấu dưới những làn mưa đạn pháo nặng nề của đối phương, tính trung bình cứ 4 lính Thủy quân Lục chiến có một người tử trận. Tính từ tháng 6 năm 1972 đến ngày chiếm được thành cổ, về quân số, Thủy quân Lục chiến bị tổn thất trên 5 ngàn, trong đó có 3.658 lính tử trận”.
Lực lượng quân Giải Phóng Việt Nam tổn thất trong trận thành cổ Quảng Trị không được thông tin chính xác, một số nguồn tin cho biết vào khoảng 4.000 – 10.000 người chưa kể số lượng bị thương.

VI. Ý NGHĨA TRẬN THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

Kết quả trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị đã giúp cho phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ vững được thế thượng phong có được từ sau khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh bại Cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. 
Kết quả tại Thành cổ đã tiếp tục khiến vị thế phái đoàn Hoa Kỳ bị suy yếu. Phía Hoa Kỳ đã phải chấp nhận bản dự thảo do phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra vào tháng 10/1972. Tuy nhiên tới tháng 12, Hoa Kỳ lật lọng đòi đàm phán lại và tiến hành ném bom Hà Nội nhưng Hoa Kỳ cũng lại thất bại. Cuối cùng Hoa Kỳ buộc phải chấp nhận phương án do phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đề xuất, rút quân khỏi Việt Nam. 
Diễn biến tại Thành cổ Quảng Trị đã cho thấy lòng yêu nước, quyết tâm thông nhất đất nước, sự anh dũng của bộ đội Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng như sự bất khuất, kiên trung, quyết tâm cản bước quân Mỹ xâm lược của nhân dân Quảng Trị.

VII. ÂM VANG TỪ TRẬN CHIẾN

81 ngày đêm năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị là một trong những trận chiến ác liệt nhất trong suốt 21 năm quân dân ta tiến hành kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự dữ dội, quyết liệt của trận "quyết chiến chiến lược" này đã trở thành niềm đau thương ngàn đời của dân tộc: 
“Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ là một mét máu và sự sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 - 16/9/1972, địch đã ném xuống thị xã và Thành Cổ Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn.
Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”.
81 ngày đêm với lượng bom đạn dội xuống tương đương 7 quả bom nguyên tử, toàn bộ thị xã và Thành cổ Quảng trị bị san phẳng. Hàng vạn chiến sĩ đã hy sinh với thân thể tan vào gạch đá, hòa quyện vào đất mẹ, cỏ cây và dòng sông Thạch Hãn vĩnh hằng để rồi viết lên khúc tráng ca bất khuất của Thành cổ, khúc tráng ca vang mãi ngàn đời. Các anh đã hòa mình vào sắc đỏ của lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, vào sắc xanh của bầu trời độc lập, hòa bình. Biết bao nhiêu tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời để nhắc nhớ chúng ta về sự hy sinh của cha anh, của những chàng trai mười tám đôi mươi lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Dù đến từ mọi miền quê khác nhau nhưng họ đều có chung một điểm chiến đấu – Thành cổ, nơi có dòng sông Thạch Hãn bao quanh.
Song song bên dòng Thạch Hãn anh hùng, Thành Cổ Quảng Trị hôm nay vẫn uy nghi, vẫn linh thiêng hào khí tuổi thanh xuân như để chứng minh sự bất tử của những người con dân tộc đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng” 
(Tấc đất thành cổ - Nguyễn Đình Lân)
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”
(Lời người bên sông - Lê Bá Dương)
#Nguồn:
1. Âm vang vùng đất thiêng – Huỳnh Nga - 31/08/2013 21:51 - https://nld.com.vn/…/am-vang-vung-dat-thieng-20130831091140…
2. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị - Từ Quang Hóa - 14/04/2017 - http://tinhuyquangtri.vn/cuoc-chien-dau-81-ngay-dem-bao-ve-…
3. Lịch sử đấu tranh tại thành cổ Quảng Trị - https://sites.google.com/…/lich-su-dau-tranh-tai-thanh-co-q…
4. Trận thành cổ Quảng Trị năm 1972 – Battle of Quang Tri trong Mùa Hè Đỏ Lửa – 31/12/2017 - http://chientranhvietnam.com/…/tran-thanh-co-quang-tri-nam…/.