Ngựa là con vật thứ 7 trong 12 con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, NGỌ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Ngựa không chỉ được dùng làm “đại diện” cho năm mà còn cho giờ giấc (giờ Tý, giờ Ngọ,…). Ngựa đẹp được gọi là tuấn mã, ngựa chiến đấu gọi là chiến mã, lính cưỡi ngựa gọi là kỵ binh, người cưỡi ngựa gọi là kỵ sĩ, ngựa bướng bỉnh là ngựa chứng hoặc ngựa bất kham. Có ngựa đen (ngựa ô), ngựa trắng (bạch mã), ngựa vằn, hải mã (ngửa biển), bọ ngựa,… Loài ngựa có tiếng hí độc đáo, và tiếng vó ngựa cũng làm cho người ta có cảm giác lạ.
Trong ca dao tục ngữ Việt Nam, ngựa cũng là con vật quen thuộc được sử dụng nhiều để so sánh. Ví dụ:
1. “Ngựa hay có tật” có ý nói những người có tài thường có những tật xấu, đồng nghĩa với “lắm tài, nhiều tật” hoặc “có tài, có tật”.
2. “Ngựa non háu đá” có ý nói những người trẻ tuổi thường có tính cách hung hăng, bồng bột, thiếu chín chắn.
3. “Ngựa quen đường cũ” có ý nói người ta không dễ dàng bỏ được một thói quen xấu, vẫn “chứng nào tật nấy”.
4. “Ngựa xe như nước” có ý nói nhiều người qua lại một nơi nào đó.
5. “Ngưu tầm ngưu, mà tầm mã” có ý nói những người giống nhau hoặc tâm đầu ý hợp thì thường tìm gặp nhau cùng trò chuyện.
6. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” có ý nói tình đoàn kết giữa những người trong cùng nhóm và cùng quan tâm vấn đề nào đó.
7. “Thẳng như ruột ngựa” có ý nói về việc không úp mở, rõ ràng, thẳng thắn và dứt khoát.
8. “Da ngựa bọc thây” có ý nói về người lính thời xưa hy sinh giữa chiến trường, thi hài họ thường được bọc trong da ngựa thay cho chiếc quan tài.
9. “Đầu trâu mặt ngựa” Câu này dùng để chỉ những kẻ vô lại, kẻ đại bất lương.
10. “Đơn thương, độc mã” (một mình với một cây thương và một con ngựa), có ý nói người một mình chống chọi với khó khăn, không có ai giúp đỡ.
11. Lên xe, xuống ngựa: Câu này nói về một người có cuộc sống xa hoa, phú quý, đồng nghĩa với “ ra hán vào giày” hay “ chân giày, chân dép”.
12. “Nhứt ngôn ký xuất tứ mã nan truy” (một lời nói ra bốn ngựa khó tìm) có ý nói rằng một lời nói vô ý khi được nói ra thì rất không lấy lại được.
13. “Tái ông mất ngựa” có ý nói trong cái rủi có cái may. Câu này có nguồn gốc từ câu chuyện một người bị mất ngựa thì tưởng là xui, nhưng rồi nó trở về dắt thêm một con ngựa nữa, lại hóa hên. Nhưng con trai ông té ngựa và bị gãy chân, lại hóa xui. Tuy nhiên, chiến tranh xảy ra, con ông gãy chân nên không phải đi lính, thế là lại hóa hên.
14. “Cầm cương nảy mực” có ý nói người lãnh đạo phải gương mẫu và khôn ngoan. “Cương” là dây điều khiển ngựa. Cũng nói: “Cầm cân nảy mực”.
15. “Muốn đi xa phải giữ gìn sức ngựa” (tục ngữ Pháp) có ý nói người ta đừng lãng phí, muốn kéo dài một việc gì thì phải biết giữ sức lực và tiền bạc.
Và còn nhiều câu liên quan ngựa trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam đa dạng và phong phú. Hình ảnh con ngựa được người ta dùng để ám chỉ sự nhanh nhẹn, nhưng cũng được dùng để nguyền rủa: Đồ đĩ ngựa, đầu trâu mặt ngựa, mồm chó vó ngựa,… Khi nói đến sự nguy hiểm, tục ngữ Việt Nam nói: “Hàm chó vó ngựa” hoặc “Mó dái ngựa”. Khi nói về sự thăng trầm của cuộc đời, tục ngữ Việt Nam nói: “Lên xe, xuống ngựa”.
Ngựa rất hữu dụng trong đời sống con người. Ví dụ:
a. Chiến đấu: Khoảng 1000 năm trước công nguyên, ngựa được dùng làm chiến mã, đơn vị chủ yếu của quân đội xưa là kỵ binh. Ở phương Đông (khoảng 2000 năm trước công nguyên), ngựa còn được dùng để kéo chiến xa. Các hiệp sĩ châu Âu rất ưa chiến đấu trên lưng ngựa đực, còn các kỵ binh Ả Rập lại thích ngựa cái, vì ngựa cái phi êm hơn và không hay đòi ăn, đồng thời còn không hay hí nên dễ phục kích quân địch.
Ngựa Mông Cổ có nguồn gốc từ những thảo nguyên phương Bắc với vóc dáng nhỏ hơn, chân ngắn hơn, bờm và đuôi rậm hơn, ít đòi được chăm sóc, có sức chịu đựng tốt, có thể sống quanh năm bằng cỏ mọc trên thảo nguyên, đặc biệt là dễ thích nghi khí hậu cận nhiệt đới. Có lẽ vì thế mà trong thế kỷ XIII, vó ngựa của quân xâm lược Mông Cổ đã tung hoành khắp nơi. Với mộng xâm lược, Mông Cổ đã bành trướng về phía Nam, nhưng đã ba lần bị chặn đứng và chịu thất bại thảm hại trước sức mạnh chống xâm lược của quân dân Việt Nam dưới thời nhà Trần.
b. Liên lạc: Ngựa phi nước kiệu rất nhanh, tiện lợi trong vận chuyển. Kỷ lục nước kiệu của ngựa là 66 km/giờ. Ngựa Ả Rập có thể chạy liên tục 250 km suốt ngày đêm trong điều kiện khó khăn. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã dùng ngựa để liên lạc thông tin, giao thư từ và công văn.
c. Săn bắn: Ngày xưa, dùng ngựa đi săn rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Đàn chó săn đánh hơi và lùng sục, con mồi phải xuất đầu lộ diện, thế là ngựa đuổi theo theo sự điều khiển của chủ. Đoàn người đi săn trở về vui mừng trong tiếng tù và, tiếng reo hò và tiếng vó ngựa dồn dập với chiến lợi phẩm là muông thú, sau đó là những đêm rộn rã tưng bừng, tha hồ chén chú chén anh.
d. Sức kéo: Tại nhiều nước Âu châu, ngựa thuần hoá được dùng để chở hàng và cày ruộng. Ngựa kéo Tây phương có vóc dáng nặng nề, đầu dài và rộng, cổ to, bờm và đuôi rậm, chân tương đối ngắn, có móng guốc rộng. Thời Trung Cổ, các hiệp sĩ Tây phương dùng giáp trụ và binh khí nặng nề, họ phải sử dụng loại ngựa này. Khi không dùng áo giáp nữa, người ta dùng loại ngựa chạy nhanh. Ngựa kéo Liên Xô có thể kéo đoàn xe có trọng tải tới hơn 16.000 kg.
e. Làm xiếc: Ngựa còn được huấn luyện làm xiếc. Nó có thể hiểu và thực hiện các động tác, nhưng việc huấn luyện rất công phu. Nó có thể nhảy theo điệu nhạc, đi bằng hai chân sau, đứng thẳng người bằng hai chân trước, khéo léo đi trên một quả cầu lớn và nhảy qua vòng lửa.
Ngựa thân thiết, chịu phục vụ, trung thành với con người. Ngày xưa, chiếc xe thổ mộ là hình ảnh quen thuộc và thân thương, mang tính văn hóa, gợi hứng cho nghệ thuật. Văn chương có truyện “Chiếc Xe Thổ Mộ” của văn sĩ Bích Thủy, âm nhạc có ca khúc “Ngựa Phi Đường Xa” của nhạc sĩ Lê Yên (lúc đầu có tựa là “Kỵ Binh Việt Nam”), và xuất hiện cả trên tem thư.
Con ngựa dũng mãnh và bướng bỉnh không dễ dàng cầm cương. Nếu chinh phục được nó thì nó lại ngoan ngoãn và trung thành với chủ. Lịch sử có con ngựa xích thố (lông đỏ) của quan Vân Trường, con bạch mã của Xê-da (dũng tướng La-mã cổ), ngựa ô (ngựa đen) của quận Hẻo (Nguyễn Hữu Cầu) – lãnh tụ nông dân khởi nghĩa chống chúa Trịnh. Khi chủ nhân chết, con ngựa thương nhớ chủ mà bỏ ăn và cũng chết theo. Người xưa kể lại rằng những con chiến mã đã thể hiện tinh thần dũng cảm, dù bị thương nặng mà nó vẫn chồm lên cắn vào ngựa địch. Khi trận đánh kết thúc, trên bãi chiến trường vẫn thấy những con ngựa quyến luyến ngửi xác chủ hoặc ủ rũ nằm bên cạnh chủ nhân.
Với người Nhật, món thịt ngựa là món khoái khẩu của họ. Cũng như người Đức hoặc người Pháp, người Nhật thích hương vị và thớ thịt khác lạ của thịt ngựa. Người Nhật còn món thịt ngựa sống là món sashimi.
Khi thịt ngựa được thái thành những lát mỏng, người Nhật gọi đó là “basashi”. Nhiều quận huyện thuộc các tỉnh Kumamoto, Nagano và Oita nổi tiếng với món basashi, đây cũng là món đặc sản của vùng Tohoku. Ngoài ra, dân Nhật còn có “basashi kem” – món tráng miệng hấp dẫn được làm từ thịt ngựa.
Cầu chúc mọi người có được những tính tốt của ngựa, và có thể bỏ được những tính xấu của ngựa, đặc biệt là trong năm Giáp Ngọ này.
TRẦM THIÊN THU
Xuân Giáp Ngọ – 2014