Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Xe Tăng T-44

T-44 là thế hệ đầu xe tăng hạng trung đầu tiên được sản xuất gần cuối Chiến tranh thế giới thứ hai của Liên Xô, và là sự kế thừa cho T-34. Khoảng 2.000 T-44 đã được sản xuất, nhưng việc thiết kế trở thành cơ sở cho các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55, loại chiếc xe tăng được sản xuất nhiều nhất của mọi thời đại.

Kíp lái: 4 người, Trọng lượng: 31.800 kg, Dài: 7,65 m, Rộng: 3,18 m, Cao: 2,41 m, Vũ khí: Pháo chính ZiS-S-53 85 mm và 2 súng máy DT 7,62 mm, Dự trữ đạn: Pháo 85 mm - 58 viên; Súng máy 7,62 mm - 1.890 viên, Động cơ: V-44 520 mã lực, Tầm hoạt động: 300 km, Tốc độ tối đa: 51 km/h.

Xe tăng T-44 có Hệ thống treo được cải tiến để tăng khả năng cơ động trên các địa hình phức tạp cũng như tăng sự thoải mái cho kíp xe mới gồm 4 người so với 5 người trên T-34/85. Một bước tiến lớn ở hệ thống treo của T-44 so với T-34 đó là có 5 bánh chịu lực lớn với bánh dẫn động ở cuối đi kèm bánh dẫn hướng ở đầu, tương tự với xe tăng T-54.

Các thùng dầu phụ cũng đặt ở 2 bên hông đuôi xe như T-34. Đảm bảo cho tốc độ của T-44 là hộp số 5 cấp và động cơ diesel V44 công suất 520 mã lực giúp chiếc xe tăng nặng 32 tấn có thể đạt tốc độ tối đa 51 km/h và tầm hoạt động 300 km khi chưa sử dụng thùng dầu phụ.

Tuy vậy, pháo chính của T-44 không có gì nổi trội, vẫn là khẩu pháo D-5T 85 mm với cơ số 58 viên đạn và 2 khẩu súng máy DT cỡ 7,62 mm. Ngoài ra, cũng có phiên bản T-44 lắp pháo D-25-44T 122 mm để thử nghiệm nhưng sau đó các kỹ sư rút ra kết luận pháo 122 mm không phù hợp cho xe tăng hạng trung mà nên dành cho xe tăng hạng nặng vì triển khai pháo 122 mm trên T-44 cho kết quả là tốc độ bắn quá chậm, đạt khoảng 2-3 phát/phút, khả năng dự trữ đạn cũng hạn chế với chỉ 24 viên được mang theo.

Lúc đầu T-44 được thiết kế để sử dụng pháo D-10T 100 mm nhưng nó quá to so với tháp pháo, khi hoạt động sẽ không hiệu quả cho nên sau đó các nhà thiết kế quyết định sử dụng pháo 85 mm. Sau này vào năm 1945, một tháp pháo mới được thiết kế để mang pháo 100 mm D-10T hoặc LB-1. Trên tháp pháo gắn 1 khẩu súng máy DShK 12,7 mm, phiên bản xe tăng này cũng được lắp thêm giáp hông.

Mẫu thử nghiệm đầu tiên của T-44 được hoàn chỉnh vào tháng 1/1944, tiếp theo là mẫu thử nghiệm T-44A trước khi chính thức được Quân đội Liên Xô đưa vào biên chế với tên gọi T-44. Việc sản xuất T-44 bắt đầu vào tháng 8/1944 với đơn vị đầu tiên tiếp nhận vào tháng 9, công việc huấn luyện kíp xe tại đơn vị hoàn tất để T-44 hoạt động bình thường vào tháng 11. Tuy vậy xe tăng đã không có cơ hội tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ 2, chủ yếu bởi các lý do về đảm bảo hậu cần kỹ thuật do xe hay phát sinh lỗi vì chưa trải qua thử nghiệm quy mô lớn.

Có 3 chiếc T-44 được chuyển tới mặt trận phía Đông để chống lại quân Đức (nhưng không tham chiến) trong khi hầu hết được gửi về vùng Viễn Đông, nơi cuộc chiến với phát xít Nhật lúc này đang diễn ra rất ác liệt. Chỉ có 150 chiếc T-44 được chuyển giao cho đến khi kết thúc chiến tranh trong tổng số 1.823 chiếc T-44 được sản xuất. Sau Thế chiến 2, T-44 không được xuất khẩu sang bất kì nước nào, người ta chỉ thấy T-44 trong cuộc can thiệp của quân Liên Xô vào Hungary năm 1956.

Những vấn đề kỹ thuật đã khiến T-44 về cơ bản không làm Liên Xô hài lòng, trong đó bao gồm việc không thể mang pháo 100 mm, khi lắp được pháo 100 mm thì xe tăng T-54 cũng chuẩn bị ra đời nên việc sản xuất của T-44 bị đình lại. Mặc dù về sau có một số phiên bản nâng cấp cũng như hoán cải của T-44 như xe tăng chỉ huy thông tin liên lạc T-44MK, xe cứu kéo BTS-4A nhưng vòng đời T-44 đã nhanh chóng kết thúc khi loại xe tăng huyền thoại của chiến tranh Lạnh T-54 ra đời vào năm 1950. Để so sánh, có tới khoảng 100.000 chiếc xe tăng T-54/55 được sản xuất so với con số gần 2.000 chiếc ít ỏi của T-44.