Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Ý nghĩa đằng sau niên hiệu Minh Trị của Thiên hoàng Nhật bản

Tại Nhật Bản, cách tính thời gian theo năm trị vì của nhà vua tồn tại song song với tây lịch. Chẳng hạn năm 2019 sẽ là năm Bình Thành thứ 31 (tính từ lúc Nhật hoàng Akihito lên ngôi năm 1989) cho đến hết ngày 30-4. Trong hơn 150 năm qua, niên hiệu được nhiều người biết đến nhất của Nhật Bản chính là Meiji (Minh Trị, 明治), chỉ thời kỳ cai trị của Nhật hoàng Mutsuhito từ 1868 - 1912.

Niên hiệu là sản phẩm văn hoá Trung Hoa, được các nước nằm trong khối Á Đông như Việt Nam (trước đây), Triều Tiên và Nhật Bản sử dụng. Niên hiệu được coi là biểu tượng quyền lực của nhà vua và hoàng gia.
Đối với Nhật Bản, ông là một vị minh quân có công lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, đã canh tân và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại, thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây giữa lúc chủ nghĩa thực dân đang phát triển mạnh.
Ý nghĩa đằng sau niên hiệu Minh Trị của Thiên hoàng Nhật bản

Từ Minh Trị được trích từ Kinh Thư, cụ thể là câu “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ hướng minh nhi trị (聖人南面而聽天下. 嚮明而治), tạm dịch: “Bậc thánh nhân quay mặt về phương Nam lắng nghe thiên hạ, hướng về chỗ sáng mà cai trị”. Theo quan niệm cổ điển, hướng Bắc tượng trưng cho hoàng đế, còn hướng Nam thuộc về quẻ Ly trong Kinh Dịch, tượng trưng cho lửa, ánh sáng... Vì thế, vua ngồi ở hướng Bắc, quay mặt về hướng Nam, tức nhìn về chỗ sáng để cai trị.
Niên hiệu Minh Trị vừa khẳng định Nhật hoàng đã giành lại thực quyền từ tay các shogun gia tộc Tokugawa, vừa có nghĩa là “cai trị sáng suốt”. Quả nhiên, niên hiệu này gắn liền với cuộc cải cách mở cửa, đẩy mạnh học tập phương Tây, bước đầu đưa đất nước trở thành một cường quốc trên thế giới nhưng đồng thời cũng củng cố “địa vị thần thánh” của Nhật hoàng, tạo tiền đề cho tham vọng áp đặt ảnh hưởng trong khu vực.
1. https://tuoitre.vn/nhat-ban-cong-bo-nien-hieu-moi-tim-hieu-nien-hieu-cac-trieu-vua-20190402110352259.htm
2. https://thanhnien.vn/the-gioi/giai-ma-nien-hieu-cac-doi-nhat-hoang-1068741.html
3. https://japan.net.vn/thien-hoang-minh-tri-dang-minh-quan-canh-tan-dat-nuoc-mat-troi-moc-3082.htm
Tác giả: Hoàng Tranh