Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Giải mã con số 50 vạn quân của Tần Thủy Hoàng xâm lược người Việt ?

Tinh binh tối đa 1 đất nước có thể có rơi vào khoảng 5% tổng dân số. Nhà tần có 20 triệu dân thì có tối đa khoảng 100 vạn quân, nhưng đấy là lý thuyết thời hiện đại, thời cổ đại không có khả năng duy trì quân số đó trong 1 thời gian dài. Mà coi như có 50 vạn đại quân thật đi thì việc nhà tần đem nguyên nửa số đó đánh chỗ (Thời đó) vô thưởng vô phạt (k có uy hiếp trực tiếp lên nhà tần) và chó ăn đá gà ăn sỏi (ít dân) có ích gì chứ ?
Giải mã con số  50 vạn quân của Tần Thủy Hoàng xâm lược người Việt ?
Giải mã con số  50 vạn quân của Tần Thủy Hoàng xâm lược người Việt ?

Tần Thủy Hoàng cho người đào kênh Linh Cừ để nối liền hệ thống sông Dương Tử với hệ thống sông Quế để thâu tóm huyết mạch đường sông xuống hạ lưu châu thổ Châu Giang. Việc khơi thông đường thủy có tác dụng lớn trong việc vận chuyển lương thảo, quân nhu nhằm bành trướng xuống phía nam.

Có một điều phải bàn là trong một số cuốn sách và các bài báo trước đây nói về cuộc chiến này thì thường nhắc đến sự kiện Đồ Thư mang 50 vạn quân xuống phía nam nhưng bị sa lầy bởi chiến tranh du kích của người Việt và cuối cùng là Đồ Thư bị chết cùng hàng chục vạn người. Thực hư chuyện này thế nào?

Trước hết những lời kể về truyện Đồ Thư toàn dựa theo lời kể của cuốn Hoài Nam Tử của Lưu An. Cuốn Hoài Nam Tử chép như sau: “Truyện xưa viết: “Nhà Tần vong, tại sao vậy”. Nguyên nhân là sai Mông công (Mông Điềm) và Tương ông đưa 50 vạn quân xây trường thành. Phía tây thì chiếm Lưu Sa, phía bắc thì đánh Liêu, phía đông thì liên kết với Triều Tiên, các quận của Trung quốc phải kéo xe đi chinh chiến. Lại ham những món lợi như sừng tê giác, ngà voi, ngọc phỉ thúy, trân châu, nên sai quan úy là Đồ Thư mang 50 vạn quân, chia làm 5 đạo đi xâm chiếm (Bách Việt). Một đạo đóng ở Đàm Thành, một đạo phòng thủ ở Cửu Nghi là chỗ hiểm yếu, một đạo đóng ở Phiên Ngung làm đô thành, một đạo đóng ở Nam Dã là nơi biên giới, một đạo đóng ỡ sông Dư Can. Ba năm quân không cởi giáp, lúc nào cũng phải mang theo cung nỏ. Sử Lộc không tìm được hướng (để tiến quân), mới tuyển lính đào kinh để chuyển binh lương đánh người (Bách) Việt, giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống. Vì vậy người (Bách) Việt vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Ho kén chọn ngưòi tài trí và kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần, đạt được chiến thắng lớn, giết quan úy Đồ Thư, quân Tần chết cả chục vạn”.

Có thể nói chính Hoài Nam tử được Lưu An viết năm 139 TCN đã làm nhiều sách sử bị việt vị. Hoài Nam tử được coi là một cuốn sách quý nhưng ở góc độ nghiên cứu triết học mang hơi hướng Lão Trang chứ không phải lịch sử nên thường được so sánh với Đạo Đức Kinh hay Nam Hoa Kinh chứ không được coi là sử như Sử Ký hay Hán thư. Ngay trong phần kể trên thuộc chương 18 của Hoài Nam Tử là Nhân gian huấn thì cũng chỉ thấy sách dẫn lại truyện xưa chứ không hề dựa theo ghi chép chính sử nào.

Bản thân Lưu An lại là cháu nội của Hán Cao Tổ Lưu Bang (Lưu An là con trưởng của Lưu Trường, và Lưu Trường là con thứ 7 của Lưu Bang) nên không ngạc nhiên khi ông viết có phần nói quá về mức tàn tệ của Tần Thủy Hoàng. Lưu An là người theo Đạo giáo nên ông càng ghét việc dùng bạo lực và không ngại tô thêm đen các thất bại của nhà Tần. Đúng là Tần Thủy Hoàng vô cùng tàn bạo và nuôi dã tâm cực lớn trong việc bành trướng xuống phía nam nhưng Tần Thủy Hoàng là một con người vô cùng đa nghi. Chắc chắn Tần Thủy Hoàng không bao giờ có chuyện giao đạo quân đến 50 vạn cho một viên hiệu úy như Đồ Thư xuống phía nam. Điều này cũng vô lý như việc trao một "phương diện quân" vào tay một viên đại úy vậy. Theo quan chế thời Tần thì hiệu úy là chức quan võ rất thấp nên không thể nào thống lĩnh một đạo quân 50 vạn được.

Dựa vào các sử liệu thì Đồ Thư không phải là một trọng thần của Tần Thủy Hoàng thì làm sao được tin tưởng để trao 50 vạn quân. Đó là chưa kể việc nếu đưa 50 vạn quân đánh xuống phía nam thì vô cùng tốn kém về mặt hậu cần. Với việc đang điều động cả triệu người đi phục dịch cho xây Vạn lý trường thành ở thời điểm đó thì Tần khó có khả năng huy động một đạo quân viễn chinh đến 50 vạn xuống phía nam xa xôi như vậy.

Các sách thì dẫn Sử ký chép truyện này như sau: “Lại sai quan Úy là Đồ Thư đem quân thuyền lầu xuống phía nam đánh người Bách Việt, sai quan Giám tên là Lộc đào kênh chở lương, vào sâu đất Việt, người Việt bỏ trốn. Ngày dài chờ đợi, lương thực thiếu hết, người Việt ra đánh, quân Tần thua to. Nhà Tần mới sai quan Úy tên là Đà đem quân đến đóng ở đất Việt. Lúc bấy giờ, nhà Tần phía bắc gây họa binh đao với người Hồ, phía nam kết oán với người Việt, đóng quân ở đất vô dụng, tiến không được mà lui cũng không được. Trong hơn mười năm, đàn ông mặc giáp, đàn bà chuyển chở, khổ chẳng muốn sống, tự treo cổ trên cây bên đường, tuyệt vọng nhìn nhau. Đến lúc Tần Hoàng Đế băng, thiên hạ nổi lên chống”.

Thực ra phần Sử ký đó ở trong Quyển 112 bình tân Hầu Chủ Phụ liệt truyện (không phổ biến trong các bản in ở nước ta vì quá vụn) và chỉ là dẫn lại lời kể chứ không phải ghi chép thành sự kiện.

Đến Đại Việt sử ký toàn thư của nước ta thì có nói đến con số 50 vạn nhưng cho rằng đó không phải quân tinh nhuệ mà thực chất chỉ là những người bị lưu đày trừng giới. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Nhà Tần phát những người trốn tránh, người ở rể người đi buôn, ở các đạo ra làm binh, sai hiệu úy Đồ Thư đem quân lâu thuyền, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi sâu vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất Lục Dương, đặt các quận Quế Lâm (nay là huyện Quý của đất Minh, Quảng Tây), Nam Hải (nay là tỉnh Quảng Đông) và Tượng Quận (tức là An Nam); cho Nhâm Ngao làm Nam Hải úy, Triệu Đà làm Long Xuyên lệnh (Long Xuyên là thuộc huyện của Nam Hải), đem những binh phải tội đồ 50 vạn người đến đóng đồn ở Ngũ Lĩnh, Ngao và Đà nhân đó mưu xâm chiếm nước ta".

Nhưng về sau, các sử gia nhà Nguyễn cũng không tin vào con số 50 vạn quân nên khi chép sự kiện này chỉ nói chung chung: Bấy giờ nhà Tần hám đất Việt có nhiều ngọc trai và ngọc cơ, muốn chiếm lấy đặt làm quận huyện, mới bắt kẻ trốn tránh, người gửi rể và lái buôn ở các đạo đi làm lính, sai hiệu úy là Đồ Thư làm tướng, Sử Lộc thì khơi cừ lấy lối tải lương, đi sâu vào cõi Lĩnh Nam, cướp lấy đất Lục Lương, đặt ra Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đày những kẻ phải đi thú. Người Việt bấy giờ đều rủ nhau núp vào trong rừng rậm, không ai chịu để cho người Tần dùng. Lại ngầm bầu những người tài giỏi lên làm tướng, đánh nhau với người Tần, giết được hiệu úy Đồ Thư.

Có thể tin rằng nhà Tần huy động rất nhiều người cho chiến dịch bành trướng xuống phía nam nhưng khó có chuyện là một đạo quân đông đến 50 vạn để một viên úy là Đồ Thư thống lĩnh đạo quân này. Có chăng thì người Tần huy động một lực lượng lớn quân và dân để vừa bành trướng, vừa đồng hóa mà Đồ Thư chỉ là một viên tướng chỉ huy cánh quân đánh xuống sâu nhất, tới tận khu vực thuộc ảnh hưởng của Âu - Lạc rồi bị chết dưới tay người Việt mà thôi.