Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Lật tẩy Bí ẩn sự chuyển giao quyền lực Đinh Bộ Lĩnh - Lê Hoàn

LÊ HOÀN – ĐINH BỘ LĨNH 
Sự chuyển giao quyền lực ngoạn mục trong lịch sử và những câu hỏi chưa lời giải đáp cho hậu thế.
          Cho đến ngày hôm nay, sau cả ngàn năm lịch sử đầy phong ba và bão táp, người ta vẫn còn bạn luận về cái chết của người từng được mệnh danh là "vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam": Đinh Tiên Hoàng.
         Đinh Bộ Lĩnh cùng con trai cả là Đinh Liễn, các hạ thần Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, Phạm Cự Lạng được gọi là Giao Châu Thất Hùng, cùng nhau đi chinh phạt 11 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử dân tộc.

Lật tẩy Bí ẩn sự chuyển giao quyền lực Đinh Bộ Lĩnh - Lê Hoàn
Lật tẩy Bí ẩn sự chuyển giao quyền lực Đinh Bộ Lĩnh - Lê Hoàn

        Cho dù là tài năng đến đâu thì cùng cần có tướng tài phò trợ. Lê Hoàn cùng với Đinh Liễn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, và Phạm Cự Lạng được các  sử gia Trung Quốc gọi là Giao Châu Thất Hùng, là những cột trụ vững chắc làm nên sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh.
        Thế nhưng, đang ở đỉnh cao của quyền lực, vua Đinh Tiên Hoàng băng hà. Lịch sử ghi lại rằng, vào một đêm tháng 11 năm Kỷ Mão 979 vua Đinh Tiên Hoàng ngự tiệc ở điện với quần thần, uống rượu say quá, nằm ngủ luôn tại bậc thềm của sân điện. Phúc Hầu Hoằng là Đỗ Thích có dã tâm từ trước, ra tay giết vua và giết luôn cả Đinh Liễn. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được cử làm nhiếp chính đảm đương việc nước, xưng là Phó Vương và trực tiếp dẹp tan những lực lượng chống đối trong nội bộ triều đình. Dẹp được hiểm họa nội bộ nhưng đất nước lại đứng trước họa xâm lăng mới từ phương Bắc. Tháng 6/980, Tri Ung Châu của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo dâng thư khuyên vua Tống lựa thời cơ nước Nam đang rối ren, vua còn nhỏ, đem quân chinh phạt. Vua Tống nghe theo. Trước tình hình đó, Lê Hoàn được quân sĩ và Dương Thái hậu đồng tình tôn lên ngôi vua thay Đinh Toàn.
           Nhưng liệu rằng cuộc chuyển giao giữa hai triều đại có thật sự đơn giản như vậy không? Có một số vấn đề trong chuỗi sự kiện lịch sử của giai đoạn đầy biến động này cần phải làm sáng tỏ.

         Phần 1: Tranh đấu chốn hậu cung và ngôi vị chủ nhân thiên hạ 

         Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng "Vua Đinh Tiên Hoàng tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng...". Nhưng tiếc rằng  cả một đời anh minh nhưng ông lại phạm một sai lầm chết người, đó có thể là nguyên nhân  đánh đổi cả một vương triều mà ông cất công gây dựng đó là: Bỏ trưởng, lập thứ làm Thái tử.
         Đinh Tiên Hoàng có ba con trai: Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang. Trong đó, con cả Đinh Liễn là người cùng vua cha đánh dẹp 12 sứ quân, lập nên nhà Đinh, Đinh Tiên Hoàng cũng muốn truyền ngôi cho, nên phong làm Nam Việt Vương, Đinh Liễn lại cũng từng chịu mệnh và nhận tước vị của nhà Tống ban cho.
Dương Vân Nga
Dương Vân Nga

         Đinh Liễn là người từng trải, có công lao, có năng lực và cũng có cả uy tín, quyền kế vị ngôi Hoàng đế của Đinh Liễn gần như đã rất rõ ràng. Sai lầm của Đinh Tiên Hoàng là khi vào mùa xuân năm Mậu Dần (978), ông quyết định lập người con trai còn nhỏ mà ông yêu quý là Hạng Lang làm Thái tử.
         Đánh giá về việc này, Nguyễn Khắc Thuần đã viết trong Việt sử giai thoại: "Đinh Tiên Hoàng, người dày dạn kinh nghiệm trận mạc, đủ để được hào kiệt đương thời tôn làm Vạn Thắng Vương, nhưng lại chưa đủ bản lĩnh và sâu sắc để quyết đoán đúng đắn những vấn đề ngỡ như rất bình thường của chính sự".
         Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Đinh Liễn ra tay giết hại Hạng Lang, mặc dù được vua cha khoan hồng không phat nặng, nhưng nó có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của vương triều sau này.
        Vậy ba người con của Tiên Hoàng là con của bà vợ nào? Sử ghi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, lập 5 bà Hoàng hậu. Không có tư liệu ghi đầy đủ, chi tiết về thân mẫu của cả 03 hoàng tử, thế nhưng dựa vào các tư liệu lịch sử đã có thì:
        - 03 Hoàng tử không phải do cùng một mẹ sinh ra.
        - Đinh Toàn là con của bà Dương Vân Nga.
        - Đinh Liễn không rõ con của bà hoàng hậu nào. Chỉ chắc chắn rằng ông không phải là con bà Dương Vân Nga. Có khả năng mẹ của Đinh Liễn đã mất trước khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đó có thể là lý do mà Đinh Tiên Hoàng không lập ông làm Thái tử
        - Hạng Lang chưa xác định được con bà nào. Có một chi tiết khá quan trọng, khi Hạng Lang được phong Thái tử thì Đinh Toàn được phong Vệ vương, chức vương phù trợ, hiểu theo nghĩa là phò tá cho vua sau này.
        Mọi thứ không phải là quá phức tạp nếu xác định và đi theo quan điểm tranh đấu chốn hậu cung, sự chia bè kết phái của quần thần. Tại sao sử liệu không ghi chép nào về việc quần thần phản đối lập Hạng Lang làm Thái tử? Tại sao Đinh Liễn giết Thái tử mà không bị trách phạt (chỉ phạt dựng cột kinh Phật sám hối)? Phải chăng vì Đinh Tiên Hoàng không xử phạt Đinh Liễn nên cả hai người bị mưu sát?

        Phần 2: Cái chết của Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn.

        Sử sách ghi chép lại cuối năm Kỷ Mão 979, trong một buổi tiệc rượu ở trong cung đình, Đinh Bộ Lĩnh và người con trưởng là Đinh Liễn bị một viên quan hầu tên là Đỗ Thích sát hại, các tướng Đinh Điền và Nguyễn Bặc chia quân vây bắt Đỗ Thích, sau khi chém chết Đỗ Thích, các tướng liền lập Đinh Toàn lúc đó mới 6 tuổi lên làm vua.
         Chính sử từng nói đến việc Đỗ Thích giết vua Đinh và Đinh Liễn như sau: “Đêm nằm trên cầu, thấy sao sa vào mồm, cho là điềm tốt mới quyết tâm giết vua”.
 Đinh Tiên Hoàng
 Đinh Tiên Hoàng.

         Như vậy thì quá đơn giản, nếu Đỗ Thích nuôi mộng cướp ngôi vua, vì tin vào giấc mộng có sao rơi vào miệng thì sau khi thành công, Đỗ Thích phải làm như một kẻ thoán ngôi khác là bắt các quan phải tôn mình lên làm vua, và dạo những kẻ nào không tuân phục thì giết hết. Nhưng đằng này, giết xong vua, Đỗ Thích đã leo lên mái nhà và trốn ba ngày ba đêm, cả triều đình không tìm ra thích khách, đến lúc trời mưa thò tay ra hứng nước uống mới bị lộ và bị các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc giết chết. Như thế thì Đỗ Thích chẳng qua cũng chỉ là một tay sai, hoặc bị người khác vu oan cho tội giết vua mà thôi.
          Thực tế thì Đỗ Thích chỉ là một chức quan nhỏ, thế lực mỏng manh, nếu giết vua thì chỉ đem lại cái chết và tai họa cho cả dòng họ, còn kẻ khác lại được hưởng lợi. Các tướng như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lê Hoàn vẫn còn đó, vậy thì làm sao một kẻ tầm thường như Đỗ Thích lại có thể giết được vua nếu không có một thế lực nào đó đứng sau sai khiến.
          Điều thú vị là không hề có một cuộc điều tra, truy vấn, xét xử sau đó. Đỗ Thích bị giết ngay tại trấn. Phải chăng Đỗ Thích bị tâm thần hoang tưởng? Nếu vậy thì hắn đã không trốn "ba ngày ba đêm". Lại nữa, tại sao Đỗ Thích chỉ giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn mà không giết nốt cả Đinh Toàn? Vì Đinh Toàn sống, tất sẽ nối ngôi vua cha và có quyền tru di tam tộc Đỗ Thích? Không có nguồn sử liệu ghi về việc tru di tam tộc của Đỗ Thích. Vì sao như vậy? Phải có người đứng sau sai khiến Đỗ Thích làm chuyện đó.
         

           Phần 3: Những giả thiết về nguyên nhân cái chết và sự chuyển giao quyền lực của hai vương triều.

           Khả năng thứ nhất: Nếu như tồn tại một âm mưu chốn thâm cung để ngăn chặn Đinh Liễn lên ngôi Hoàng đế ngay từ đầu thì sao?
           Sử cũ cho rằng Đinh Tiên Hoàng yêu quý Hạng Lang nên lập làm Thái tử thì việc ông không xử phạt Đinh Liễn (kẻ chủ mưu giết hại Thái tử) cũng chứng tỏ địa vị của Đinh Liễn trong lòng ông. Yêu quý người con trai thứ đến mức không lập Đinh Liễn làm Thái tử thì liệu rằng ông có dễ dàng bỏ qua như vậy không?
          Đinh Liễn là người từng trải, có công lao, có năng lực và cũng có cả uy tín. Nếu Đinh Liễn lên ngôi vua, thì ai là người chịu thiệt?
           Như đã nói ở phần trước, khi Hạng Lang được phong Thái tử thì Đinh Toàn được phong Vệ vương, chức vương phù trợ, hiểu theo nghĩa là phò tá cho vua sau này. Phải chăng Hạng Lang và Đinh Toàn cùng một phe trong cuộc chiến chốn cung đình này?
          Không có nguồn sử liệu nói về việc quần thần phản đối Đinh Tiên Hoàng lập Hạng Lang làm Thái tử. Chẳng lẽ cả triều đình không ưa Đinh Liễn hay thế lực đứng sau Hạng Lang và Đinh Toàn quá mạnh? Phải chăng Đinh Tiên Hoàng bị sức ép về chính trị nên phải lập Hạng Lang và khi Tiên Hoàng không tử hình, phế bỏ Đinh Liễn thì "thế lực ngầm kia" không còn con đường nào khác là giết cả hai cha con?
           Đinh Liễn giờ đây hy vọng nối ngôi có còn không khi đã giết Thái tử. Giờ đây người có khả năng lên ngôi sau khi Đinh Liễn giết Hạng Lang chỉ có Đinh Toàn. Dù là phe nhóm nào thì các tướng đều là những khai quốc công thần, không dễ gì họ ra tay giết Đinh Bộ Lĩnh, người mà họ đã một mực phò trợ giành giang sơn. Một cuộc đấu tranh hòa bình cũng dễ dàng đưa Đinh Toàn lên ngôi. Hơn nữa cần gì phải giết vua Đinh.
Lê Hoàn

           Khả năng thứ hai: 03 hoàng tử là 03 phe khác nhau và phe của Hạng Lang vì oán hận nên giết cả hai cha con Đinh Tiên Hoàng.
          Tác giả Lê Văn Siêu trong sách Việt Nam văn minh sử nêu giả thiết: “Trong cuộc chiến cung đình giữa các hoàng hậu, bà mẹ Hạng Lang đã chọn phe Nguyễn Bặc làm vây cánh. Khi Hạng Lang bị giết mà thủ phạm Đinh Liễn không bị trừng trị, bà nảy ý định trả hận và đã cùng Nguyễn Bặc dùng Đỗ Thích ra tay. Sau đó, Nguyễn Bặc theo lệnh của bà bắt giết Thích để diệt khẩu”.
           Đó có thể là nguồn cơn cho sự trỗi dậy của Đinh Điền, Nguyễn Bặc, và tướng Phạm Hạp chống lại Lê Hoàn và phe Đinh Toàn sau này.
           Nhưng giả thiết này không khả dĩ bởi lẽ:
            - Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị giết thì các tướng, quan đồng lòng lập Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế. Sau này Đinh Điền và Nguyễn Bặc khởi binh thủy lục từ Ái Châu (Thanh Hóa) một lòng phò tá họ Đinh, đánh Lê Hoàn. Những vị tướng trung thành như thế khó lòng giết vua Đinh Tiên Hoàng.
             - Nếu như phe Hạng Lang là một phe độc lập vì trả thù mà giết cha con vua Đình thì đã có một đại án tru di tam tộc những người có liên quan. Không dễ dàng gì để cho qua chuyện dễ dàng như vậy

             Khả năng thứ 3: Không có phe nhóm nào cả giữa 03 hoàng tử. Lập Hạng Lang làm Thái tử, Đinh Liễn giết Hạng Lang chỉ là chuyện tình cờ. Nhân cơ hội đó thì một thế lực khác ra tay. Đỗ Thích có thể là do những tàn quân trước đây mà Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt nuôi hận báo thù. Hoặc do quân Nhà Tống (Trung Quốc) âm mưu phá hoại.
              Nhưng nếu đã có thể cài cắm người giết cả hai cha con vua Đinh như vậy thì sao còn để Đinh Toàn sống sót?
                Cả ba khả năng trên đều không thể chứng minh được vì không có một cuộc điều tra sau đó. Tôi xin khẳng định rằng không hề có một cuộc điều tra sau cái chết của Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Những lổ hổng trong các giả thiết trên Lê Hoàn và Dương Vân Nga thật sự có âm mưu "đảo chính".
 

                Phần 4: Lê Hoàn và Dương Vân Nga có đứng sau mọi chuyện?

               Thế lực có khả năng che mờ sự thật lịch sử về cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn chỉ có "phe" Lê Hoàn và Dương Vân Nga. Trách nhiệm điều tra về cái chết của Tiên đế vì sao bị quên lãng?
             Dù có phân tích thế nào đi chăng nữa thì việc lập Hạng Lang làm Thái tử và Đinh Liễn giết Hạng Lang không phải nguyên nhân trực tiếp khiến Nhà Đinh sụp đổ. Mà đó là cái chết bí ẩn của cha con vua Đinh.                                           
              Lê Hoàn tự xưng là Phó Vương. Các Định Quốc Công là Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp là Đinh Điền, cùng với Phạm Hạp, ngờ rằng Lê Hoàn sẽ làm chuyện không hay đối với Nhà vua còn nhỏ tuổi, bèn dấy binh thủy bộ, chia làm hai ngả tiến về kinh đô để giết Lê Hoàn, nhưng không đánh nổi mà đều bị giết.
             Đại Việt sử kí toàn thư chép lại như sau:
              "Trước khi bọn Đinh Điền và Nguyễn Bặc cất quân, Thái Hậu đã hay tin, lòng những lấy làm lo sợ, bèn đến báo với Lê Hoàn rằng:
              - Bọn Nguyễn Bặc dấy quân làm loạn, gây kinh động cả nước nhà ta mà vua thì còn nhỏ tuổi, chưa thể kham nổi việc cứu nạn, vậy, các ông nên sớm liệu, chớ để tai họa về sau.
            Lê Hoàn nói:
             - Thần ở chức Phó Vương, quyền nhiếp chính sự, cho dẫu biến loạn sống chết thế nào, cũng quyết đảm đương trách nhiệm."       
            Ấy vậy mà, sau khi dẹp vụ nổi dậy các công thần của vua Đinh Tiên Hoàng, lấy lý do quân Tống âm mưu xâm lược, năm Canh Thìn 980, Thái hậu Dương Vân Nga đã quyết định trao áo “Long cổn” cho thập đạo tướng quan Lê Hoàn, kết thúc 8 tháng làm vua của Đinh Toàn. Vương triều nhà Đinh đến đây chấm dứt.
            Lê Hoàn lúc này là Phó vương, thập đạo tướng quân – người nắm giữ binh quyền. Tức việc đánh dẹp quân xâm lược vốn là nhiệm vụ của ông. Vậy tại sao ông phải lên ngôi? Đáng lẽ với vai trò trụ cột trong triều, ông phải giúp đỡ vua chứ. 
         
            Cũng không loại trừ khả năng Dương Vân Nga muốn bảo toàn mạng cho 02 mẹ con nên phải trao ngôi vị cho Lê Hoàn. Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng:
              Giữa năm 980, tin báo quân Tống sắp kéo sang như gió mưa ào ạt đưa đến kinh đô Hoa Lư. Tháng 7 năm ấy, Lê Hoàn thay mặt Thái Hậu họ Dương phong tướng dưới quyền là Phạm Cự Lạng (em trai của Phạm Hạp) làm Đại Tướng Quân và sai Phạm Cự Lạng dẫn quân lên miền Lạng Châu (Lạng Sơn ngày nay) để chuẩn bị kháng địch. Phạm Cự Lạng đi nửa đường thì quay lại, kéo quân thẳng về kinh thành. Đến nơi, Phạm Cự Lạng cùng các thuộc tướng, mình mặc áo giáp tay cầm vũ khí, đi thẳng vào Hoàng Cung. Giữa đông đảo bá quan, Phạm Cự Lạng lớn tiếng nói:
           “Thưởng người có công, giết kẻ không theo mệnh lệnh là kỉ luật hành quân. Nay chúa thượng trẻ thơ, chúng ta dù hết sức liều chết chống kẻ địch bên ngoài, may lập được chút công thì ai biết cho. Chi bằng trước hãy tôn Thập Đạo Tướng Quân làm Thiên Tử, rồi sau sẽ đem quân đi đánh thì hơn”
              Chuyện Dương Vân Nga bị quân đội bức hiếp phải trao ngai vàng cho Lê Hoàn là điều đã rõ ràng trong sử sách. Có điều, việc Phạm Cự Lạng dám qua mặt bề trên là Lê Hoàn mà xông thẳng vào Hoàng Cung và thái độ thản nhiên tiếp nhận ngôi vua của Lê Hoàn khiến chúng ta không khỏi nghi ngờ. Hai việc ấy là ngẫu nhiên hay được sắp đặt từ trước?   
             Các sử gia thời phong kiến như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ, Lê Văn Hưu… với cái nhìn Nho giáo khắt khe, đã gay gắt chỉ trích khía cạnh luân thường đạo lý, nghĩa vợ chồng của Lê Hoàn và Dương Vân Nga. Ngô Sĩ Liên đã viết những câu trong Đại Việt sử ký toàn thư: “…Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm Hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?”. Đặc biệt là Ngô Thì Sĩ còn có những lời mạt sát nặng nề hơn với Dương Vân Nga. Bà mắc phải những tội tày trời như gian phu dâm phụ, âm mưu cướp cả ngôi của con vì tình, âm mưu giết chồng?…
              Nhân vô thập toàn và phận đàn bà như Dương Vân Nga dưới thời phong kiến càng không phải thánh nhân ngoại lệ. Nếu người đàn bà chồng chết khi còn rất trẻ, tái giá với một quân vương, dù là si tình, hay chỉ là nước cờ chính trị để tự bảo vệ mình và con trong thế nước hỗn mang, thì có đáng cho người đời sau lên án?

Kết luận: 
Vấn đề mấu chốt ở đây là đã không có một cuộc điều tra của Triều đình về cái chết của Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Âm mưu chiếm ngôi nhà Đinh của Lê Hoàn thì đã rõ, nhưng vấn đề là nó có trước hay sau khi Đinh Tiên Hoàng bị sát hại? Mọi nghi vấn sẽ không đặt lên Lê Hoàn và Dương Vân Nga nếu hai người họ không lấy nhau. Đáng tiếc giữa bối cảnh đầy phức tạp như vậy mà Lê Hoàn lại phong Dương Vân Nga làm Hoàng hậu thì sao không tránh khỏi nghi vấn cho đời sau.

Thực ra kết án hay không thì đó cũng là lịch sử. Việc làm sáng tỏ lịch sử đó là chuyện bình thường, ẩn sau những vĩ nhân của thời đại luôn là những câu chuyện để người đời bàn luận. Công lao của Lê Hoàn, vai trò của Dương Vân Nga trong lịch sử chúng ta không quên, nhưng không có nghĩa nó sẽ che mất đi những sự thật lịch sử sau ánh hào quang. Dù sao đây cũng chỉ là những suy đoán của hậu thế cho giai đoạn mở đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc vốn dĩ đã có nhiều điều chưa sáng tỏ.