Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Nguyễn Ánh - Gia Long cao thủ biết nắm thời đoạt thế tạo dựng Nhà Nguyễn

Có thế nói Nguyễn Ánh - Gia Long vị vua tạo nên cơ đồ nhà Nguyễn là một người biết đoạt lấy thời vận để làm vua, khác với Quang Trung ông có thể không có tài điều binh khiển tướng, bách chiến bách thăng nhưng ông lại có tài nắm thời thế, ứng với quy luật- loạn thế sinh anh hùng - lỡ nước hai xe đành bỏ phí, gặp thời một tốt cũng thành công.

Xung quanh nhân vật Nguyễn Ánh - Gia Long có nhiều các ý kiến khác nhau, Dưới đây là các bài viết VN Tổng Hợp đã tổng hợp lại từ nhiều nguồn khác, nhiều đánh giá và nhận đinh khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, các bạn xem và tự mình suy xét...
Nguyễn Ánh - Gia Long
Nguyễn  Ánh - Gia Long





Nguyễn Phúc Ánh 15 tuổi trở thành cao thủ như thế nào ? (Chém gió)

Thử Tưởng tượng: Nếu bạn cũng 15 tuổi như Nguyễn Phúc Ánh (cỡ mới vào lớp 10), gia đình chết hết, bơ vơ giữa một xứ sở xa lạ cách quê nhà gần 1200 cây số, lại có một kẻ thù sở hữu sức mạnh vô địch như Tây Sơn luôn săn đuổi ngày đêm, bạn sẽ làm gì tiếp theo?

Ánh sống không phải vì Ánh 
Mà là vì nợ nước thù nhà nặng gánh quằng vai 
-------------------------
Mình muốn nghe phương án hành động của bạn. Bạn sẽ tính toán ra sao để sống sót trong vòng 25 năm, báo thù, lấy lại nhà cửa và lên ngôi hoàng đế, hoàn thành cuộc chơi ở độ khó cao nhất. Let the game begin.

Riêng mình nghĩ đến là thấy nản mẹ rồi, chắc kiếm cái chùa nào đó dưới miệt vườn đi tu cho nhanh, game over. Hoặc treo cổ, hy vọng random ra được character khác với cốt truyện đỡ phức tạp hơn. =))
Nguyễn PhúcÁnh 15 tuổi trở thành cao thủ như thế nào
Nguyễn Ánh, năm 15 tuổi từ một vương tử trở thành một đứa nhỏ lang thang không nhà không cửa. Ông đã tan nát cõi lòng chứng kiến cảnh từng người thân của mình bị đóng cũi giải đi xử tử. Ký ức đau đớn đó luôn hằn sâu trong tâm trí cậu bé. Quân Tây Sơn đã truy sát tận cùng họ Nguyễn Phúc trong khi đôi bên không có oán hận gì, thù này không sâu sao được?

17 tuổi, Nguyễn Phúc Ánh trở thành Đại nguyên soái - lãnh tụ chống Tây Sơn ở Gia Định. Lúc ấy Tây Sơn đang độ mạnh nhất, mọi thứ của Nguyễn Ánh đều không thể so bì được, cả nhân lực lẫn thực lực. Ông thua rất nhiều trận, đếm cũng không hết. Nhiều hôm phải quây quần cùng với quân sĩ ngồi ăn bữa cơm chỉ có rau và cá muối.

Bao phen lênh đênh trên biển nhịn đói nhịn khát, Nguyễn Ánh cứ nghĩ số mình đến đây đã tận. Như lần ông vào cửa sông do thám thì quân Tây Sơn phát hiện, ra sức truy sát. Đến khi Tây Sơn không còn rượt nữa thì thuyền ông đã long đong trên đại dương được 7 ngày. Thức ăn hết, nước ngọt cũng hết, Nguyễn Ánh ngẩng mặt lên trời khóc thì bỗng đâu có nước ngọt tràn đến. Người ta nói là trời cứu ông, nhưng có thể là do Cửu Long giang đổ ra biển sau mùa lũ, lượng nước quá dồi dào nên chưa bị mặn. Rồi có phen Nguyễn Ánh bị phò mã Trương Văn Đa tìm diệt đến tận Côn Đảo nhưng gặp bão. Cơn bão đó không giết ông mà lại cứu vớt ông. Nguyễn Ánh trôi dạt giữa biển cả dưới bão tố vần vũ điên cuồng mà không chết, thật kỳ tích.

Nguyễn Ánh tiêu diệt Tây Sơn là vì trách nhiệm phục hưng lại gia tộc đã bị thảm sát đặt nặng lên đôi vai, quyết tâm của ông là vậy và mục đích sống của ông cũng là thế. Như người thường thì Nguyễn Ánh cạo đầu đi tu cho nhanh, việc gì phải lì lợm đến mức đặt bản thân vào cửa tử biết bao nhiêu lần, từ hai bàn tay trắng đối đầu với đoàn quân hùng mạnh nhất thời đó.

Có thể Nguyễn Ánh không phải một minh quân vì các sai lầm trong đời của mình, nhưng ông cũng không phải là hôn quân.
Trích từ Bài của Phạm Vinh Loc  || Nguồn: Tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam.
Xem thêm:Vì sao Nguyễn Ánh nên được tung hô hơn Nguyễn Huệ ?.



Nhận định về Gia Long

Viết về ông như vậy; sẽ có những cá nhân, những bạn cho rằng mình xét lại Lịch sử, đi theo những luận điểm xuyên tạc, trái ngược; nhưng bài viết này sau cùng chỉ là những suy nghĩ cá nhân về công tội của vị vua mở đầu nhà Nguyễn; bởi sách vở trước nay đối với ông xoay quanh chắc cũng chỉ có vài từ: cõng rắn cắn gà, cầu quân ngoại viện. Nhận xét về ông quá dễ, nhưng liệu rằng chúng ta có biết thân thế của vị vua chúng ta thường hay mạt sát đó ra sao không?
Là con trai của người dự định sẽ nối ngôi Nguyễn chúa, cuộc đời của ông hẳn sẽ chẳng có sóng gió gì nếu không xuất hiện cái tên Trương Phúc Loan. Cha chết trong phẫn uất, cơ nghiệp tổ tiên gây dựng hơn 200 năm giờ chẳng mấy chốc bị mất trong biến loạn; phải theo Định Vương lánh nạn vào Gia Định, đứa trẻ ấy liệu có ngã lòng? Không, 17 tuổi được tôn làm Đại Nguyên suý, 19 tuổi tự xưng Vương rồi hạ Đỗ Thanh Nhơn; những việc làm ấy chúng ta hãy thử lục lại trong dòng chảy đã qua, ắt hẳn hiếm thấy. Cũng từ đây, Nguyễn Ánh trở thành một địch thủ của Tây Sơn; ta sẽ thấy biết bao lần ông bị đánh bại, rồi lại vùng lên đối kháng; và kỳ lạ ở chỗ gần như ông chỉ thua Nguyễn Huệ mà không phải là Thái Đức hay Đông Định Vương. 

Nói về giai đoạn đầu trong cuộc chiến giữa Nguyễn Vương với quân Tây Sơn, có lẽ cái ta biết đến nhiều nhất sẽ là những lần thất bại và phiêu lưu của ông trước Nguyễn Huệ, có thể nói ngay cả Người Nhện Superman hay Đội trưởng Mỹ... cũng khó có được sức sống và độ Ulti mạnh như Ánh ca. Và cũng trong khoảng thời gian ấy, Đỗ Thanh Nhơn - Thủ lĩnh quân Đông Sơn bị Nguyễn Vương lập mưu giết. Nhơn nắm hết mọi sự, quyền hơn cả chúa đối với Nguyễn Ánh thì thực sự đó là mầm hoạ. Tuy vậy, giết được Nhơn thì Gia Định lại dậy sóng; quân Đông Sơn nổi loạn chống cả Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn; Thái Đức nghe tin kẻ mà mình ngán nhất đã chết, liền gấp cùng Nguyễn Huệ đem binh vào đánh Gia Định và yolo với Ánh, quyết tâm đánh lấy vùng đất màu mỡ phía Nam và cũng là sào huyệt cuối cùng của họ Nguyễn Đàng Trong. Tất nhiên, Nguyễn Ánh không phải đối thủ của Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn; ông thua trận và bắt đầu hành trình bôn tẩu của mình.

Có một điều mà chắc ai cũng quá thừa biết: Nguyễn Ánh cầu Xiêm viện Pháp. Về chuyện cầu Xiêm, đó có phải cho giặc vào nước; xin trả lời: Nguyễn Vương thực không có ý muốn nhờ cậy Xiêm La bởi ông quá rõ anh bạn này tính tình thế nào, nhưng cái thế của ông giờ đây thì có lẽ phải đánh liều nhờ vua Xiêm giúp đỡ và tướng Châu Văn Tiếp đã thực hiện nhiệm vụ ấy; quân Xiêm vào Gia Định dưới quyền chỉ huy của Bình Tây Đại Đô đốc Châu tướng quân. 

Hãy thử nhìn nhận; Quang Trung nuôi giữ các toán hải tặc người Hoa và coi họ như một lực lượng dưới quyền mình thì đối với quân Xiêm đặt dưới quyền Tiếp trên một khía cạnh nào đó liệu có khác nhau. Nhưng sự thật thì dù sao đây cũng là một sai lầm của chúa Nguyễn bởi từ sau cái chết của Châu Văn Tiếp ở Măng Thít, quân Xiêm do không còn người làm chủ nên ngày càng hoành hành, cướp bóc đất Nam Bộ dẫn đến thất bại sau này. Vậy viện Pháp; Hoà ước Versailles(1787) vốn dĩ đã không thể thực hiện bởi cuộc Cách mạng tư sản Pháp không lâu sau đó lật đổ chế độ Phong kiến của vua Louis và ẩn sau tờ Hoà ước ấy cũng là cả một chuỗi những bí ẩn, tham vọng của Bá Đa Lộc, của nước Pháp đối với đất nước Đại Việt đang đầy biến loạn nhưng cũng là một kho tài nguyên lớn nơi bán đảo Đông Dương nếu biết cách khai phá. 

Nếu tìm hiểu kỹ, ta sẽ thấy các vua triều Tây Sơn cũng từng không ngại ngỏ ý nhờ phía Anh giúp đỡ về vũ khí, đạn dược trao đổi mua bán với những điều kiện nhượng bộ tô giới còn dễ dãi hơn chúa Nguyễn với Pháp. Đội quân, những người Pháp mà sau này Bá Đa Lộc đưa về thực chất là do viên Giám mục cùng một số tư sản Pháp bỏ tiền túi để thuê chứ không phải có được từ sự giúp đỡ của Pháp hoàng; khi cho người sang yêu cầu thực hiện lại Hoà ước như đã ký, các vua nhà Nguyễn đã trả lời bằng một gáo nước lạnh: 
-Về đi, anh với các chú chẳng nợ nần gì nhau đâu.
Cũng có ý kiến nói do nhà Nguyễn bội ước, không chịu thực hiện Hoà ước nên sau này nó cùng với việc bắt bớ giáo sĩ trở thành mục tiêu và cái cớ để Pháp tiến vào Đại Nam. Nhưng nhìn nhận mọi thứ kỹ càng; ta sẽ thấy bản thân phía Pháp hoàng đã không thực hiện đúng những gì ghi trong Hoà ước ngay từ đầu thì họ đâu thể nào vin vào cớ vua Nguyễn bội tín nên giờ sang thực hiện các điều khoản để biện minh cho mọi việc. Còn về bắt bớ, giết hại giáo sĩ thì xin phép sẽ trình bày trong các bài viết sau.

Cả hai việc trên, mình không nói là Nguyễn Vương không sai, lỗi của ông thực không thể bỏ qua; nhưng để hiểu cái sai ấy chúng ta phải nhìn nhận thật kỹ chứ chẳng thể tuỳ tiện, bừa bãi mạt sát.

Ông trở về Gia Định, gây dựng lại tất cả và tiếp tục cuộc đối đầu với Tây Sơn. Quang Trung băng hà; địch thủ đáng sợ nhất, cây trụ chống của triều đại Tây Sơn đã không còn; việc của Nguyễn Ánh giờ đây chỉ còn là tấn công không thương tiếc. Kế hoạch Nam tiến Gia Định dứt hẳn họ Nguyễn của Quang Trung đề ra sẽ mãi chỉ là kế hoạch chẳng thể tiếp tục, triều đình Tây Sơn rồi sẽ hoạt động theo kiểu: có Quang Trung mà lại không có Quang Trung. Thị Nại, cái tên gắn liền với trận đánh được mệnh danh là đại chiến Xích Bích của Việt Nam; ngọn lửa ấy của chúa Nguyễn đã thiêu rụi gần như tất cả mọi thứ của triều đại gắn liền với những anh bán trầu, chị giữ con hay thầy đồ làng. 

Từ giờ nhìn về Tây Sơn ta sẽ chỉ còn thấy những bước chạy dài ra Bắc và khi Cảnh Thịnh bị các thổ mục bắt dâng lên quân Nguyễn thì cũng là lúc vương triều Tây Sơn đặt dấu chấm hết. Quang Trung chấm dứt tình trạng chia cắt lãnh thổ Trịnh Nguyễn hai Đàng, nhưng người hoàn thành công cuộc thống nhất ấy với tiền đề từ triều Tây Sơn là Gia Long; hai kẻ thù không đội trời chung giờ đây lại trở thành hai mắt xích quan trọng của dân tộc, của toàn vẹn chủ quyền.
Trong buổi lễ Hiến Phù Tây Sơn, Gia Long đã tuyên cáo trước đông đủ quần thần:
- Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu.

Có người cho rằng những gì Gia Long nói hay những dòng sử liệu được ghi lại trong Liệt truyện,Thực lục của Sử quán triều Nguyễn đầy những sai sót, bịa đặt để có cớ trừng trị và hạ nhục Tây Sơn.
Đại Nam thực lục ghi chép:

“Tháng 9, ngày Ất hợi [ 9/8/1801], sửa lại sơn lăng.
Trước kia giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc (tức lăng Trường Mậu) [lăng của chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái] rất tốt, định đem hài cốt vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt, bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ cắn, quân giặc sợ chạy. Huệ ghét, không muốn chôn nữa. Sau Huệ đánh trận hay thua, người ta đều nói các lăng liệt thánh [các chúa Nguyễn] khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấy.

Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực. Lăng Hoàng Khảo ở Cư Hóa [lăng Cơ Thánh của Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long] Huệ cũng sai Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đào vứt hài cốt xuống vực ở trước lăng. Nhà Ngũ ở xã Kim Long bỗng phát hỏa. Ngũ trông thấy ngọn lửa chạy về. Người xã Cư Hóa là Nguyễn Ngọc Huyên cùng với con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài ban đêm lặn xuống nước lấy vụng hài cốt ấy đem giấu một nơi. Đến nay, Huyên đem việc tâu lên.

Vua thương xót vô cùng, thân đến xem chỗ ấy, thì vực đã bồi cát mấy chục trượng. Tức thì sai chọn ngày lành làm lễ cáo và an táng lại. Các lăng đều theo nền cũ mà xây cao lên. 

Ngày Kỷ hợi [1/11/1801], vua thân đến tế cáo, nghẹn ngào sa lệ, bầy tôi đều khóc cả. Sai đổi xã Cư Hóa làm xã Cư Chính, cho dân miễn dao dịch làm hộ lăng. Cho Huyên làm Cai đội (năm Minh Mệnh thứ 11[1830] phong An Ninh bá, lập đền thờ ở núi Cư Chính) con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài tòng quân ở Bình Định cũng được gọi về hậu thưởng cho”
Hay một đoạn sử trong Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả:

“Theo truyền thuyết, khi Tây Sơn khai quật hài cốt đức Hưng Tổ ném xuống sông thì một hôm Nguyễn Ngọc Huyên bỏ lưới bắt cá, sau ba lần đều thấy cái sọ nằm trong lưới. Huyên cho là sọ của một vị nào anh linh nên kiếm nơi an táng tử tế. Khi vua Gia Long lên ngôi, đi tìm lại hài cốt của thân phụ, nghe người làng tường thuật, ngài cho đòi Ngọc Huyên bảo chỉ chỗ. Khi đào được sọ lên, vua chích huyết ở tay mình cho giọt vào sọ, sọ liền hút những giọt huyết này”

Vua Quang Trung không đánh trận hay thua và vợ ông cũng không mất trước thời điểm ông tàn phá lăng các chúa rồi chuyện cọp vồ cắn là hoang đường; có thể họ đúng khi nói về những dòng sử liệu, nhưng trên đời có mấy ai đem việc tổ tông ra để giễu cợt dối trá; và rằng trong số sáu người vợ của Quang Trung chép trong Liệt truyện phần Chính biên được ghi nhận không có ai mất trước hoặc vào thời điểm Quang Trung tàn phá lăng mộ chúa Nguyễn đã là đầy đủ. 

Lịch sử Việt Nam chẳng phải cũng từng ghi nhận những người vợ lúc hàn vi hay khi đã đạt vinh quang của những ông vua hay sao, có thể người vợ mà Quang Trung định an táng trên phần đất thuộc lăng mộ các chúa là một người như vậy, gắn bó với ông thuở hàn vi và không được ghi chép lại đầy đủ sau này. Tháng 3 năm 1792, Nguyễn Vương đem quân tiến lên Thị Nại đốt phá thuyền chiến Tây Sơn, sau việc này có thể vua Quang Trung giận mà cho người quật phá lăng các chúa. Về vấn đề Tây Sơn có quật mộ hay không thì tư liệu cho nó vẫn còn thiếu, nhưng nếu để phủ nhận việc Quang Trung có khả năng là thủ phạm thì không thể.

 Có người nghĩ lăng mộ các chúa bị quân Trịnh phá chứ không phải Tây Sơn vì họ Trịnh vốn cũng có thù với họ Nguyễn; nhưng tại sao khi lên ngôi Gia Long không trừng trị họ Trịnh hay hậu duệ lão tướng Hoàng Ngũ Phúc mà còn ban chiếu hậu đãi, an trí và lo việc thờ cúng họ Trịnh trong khi có thể đó là những kẻ đã quật phá lăng mộ tổ tiên nhà Nguyễn. Hơn vậy trong số các lăng mộ bị đào phá còn có mộ cha của Nguyễn Vương, con người mạng khổ ấy đâu có thù oán gì với họ Trịnh mà cũng phải chịu chung số phận nơi nghỉ không được toàn vẹn. Ở Phú Xuân lúc này vẫn còn Công nữ Ngọc Tuyên con gái Vũ Vương đang đi tu ẩn dật lấy hiệu là Vân Dương ni cô, bà là người đã mật báo cho Gia Long tình hình đô thành, việc các lăng bị phá, nhờ dân chúng hết sức bải vệ cũng như cung cấp tiếp viện cho quân Gia Định; một người con liệu có thể nói lời gian trá về việc có kẻ quật mồ cha mẹ, tiên tổ mình không; nhân chứng sống ấy sẽ là bằng chứng đáng tin cậy nhất cho cái án đào lăng. 

Nếu là do quân Trịnh hay bọn trộm mộ đào tìm cổ vật thì không lẽ gì bà lại đổ vạ cho Tây Sơn. Giả là bọn trộm mộ đào tìm cổ vật thì chúng chỉ cần lấy đồ quý chứ việc gì phải vứt bỏ hài cốt xuống vực để rồi đến giờ Lăng Cơ Thánh còn được gọi với tên Lăng Sọ. Cách trả thù của Gia Long có thể tàn bạo, song nhìn cảnh mồ mả tổ tiên bị quật phá, gia tộc người thì bị giết kẻ thì ly tán; liệu có mấy ai cầm lòng. Những dòng suy nghĩ có lẽ chỉ đến đây, bởi những năm trị vì của ông vua ấy chắc chúng ta không phải bàn luận thêm. Cái nhìn của mình có thể không toàn bộ; nhưng đó là những điều bản thân đã nghĩ và viết ra. Cuối cùng, dù là Quang Trung hay Gia Long thì vẫn sẽ có những góc tối góc sáng, chỗ được và chưa được. Mặt trời tuy vậy mà vẫn có vết, huống gì con người.

Những dòng suy nghĩ riêng của cá nhân, nên vẫn sẽ còn những thiếu sót, nhầm lẫn; bài viết sau nhiều lần đã được chỉnh sửa, bổ sung các ý cho phù hợp. Nguồn: Lịch sử +.