Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế | sử Việt

Trong trên dưới 80 năm thực dân Pháp đô hộ nước ta đã bùng lên rất nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân oanh liệt chống lại giặc ngoại xâm. Trong số này không thể không nhắc tới cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài tới gần 30 năm dưới sự lãnh đạo tài tình và quả cảm của Hoàng Hoa Thám, tức Đề Thám.

Hoàng Hoa Thám vốn tên là Trương Văn Thám, lại còn có tên là Trương Văn Nghĩa, quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sau di cư lên Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) rồi lại di cư tiếp lên Yên Thế (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Năm 1885, Trương Văn Thám tham gia cuộc khởi nghĩa do Hoàng Đình Kinh (tức Cai Kinh) lãnh đạo và chính Hoàng Đình Kinh đã đổi tên cho ông là Hoàng Hoa Thám.

Khi Hoàng Đình Kinh qua đời, Hoàng Hoa Thám về Yên Thế, tập hợp lực lượng chống thực dân Pháp. Nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đã biến vùng Yên Thế thành một khu căn cứ vững chắc. Thực dân Pháp từng nhiều phen đem quân lên đàn áp nhưng không thành. Phải mãi đến năm 1913, sau hàng chục năm tốn không biết bao nhiêu xương máu và của cải, thực dân Pháp mới đè bẹp được nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Lãnh tụ của nghĩa quân – Hùm Thiêng Yên Thế là Hoàng Hoa Thám – qua đời vào ngày 10-2-1913, hưởng thọ 55 tuổi.
Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế | sử Việt
Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế | sử Việt
Cuộc đời của Hoàng Hoa Thám là cuộc đời của một nhà yêu nước, cuộc đời của một lãnh tụ quyết chí vũ trang đánh Pháp đến hơi thở cuối cùng để cứu nước, cứu dân. Tên tuổi của ông mãi mãi gắn liền với những trang lịch sử chống xâm lăng oai hùng của cả dân tộc.

Khi cuộc khởi nghĩa này bị coi là thất bại vào đầu năm 1913, nhà chí sĩ Phan Bội Châu trong bài viết về Hoàng Hoa Thám đã buông những lời cảm khái:

“Than ôi! Tội ác của kẻ thù ngút trời, thế lực của kẻ thù gấp hàng trăm lần, thế mà ông Hoàng một mình đã chống chọi được với chúng gần ba chục năm trời. Ông đã tập hợp và rèn luyện những con người tầm thường thành một đội ngũ mạnh mẽ và ông đường đường là một vị tướng quân tiếng tăm lừng lẫy. Ông thực xứng đáng là chân quốc nhân, xứng đáng là chân tướng quân!”.

Cho tới hôm nay vẫn đang tiếp tục tồn tại những giả thuyết khác nhau về cái chết của Hoàng Hoa Thám tháng 2/1913… Không ít nhà nghiên cứu tin rằng, có thể kẻ thù đã không thể sát hại được ông ở thời điểm đó…