Ngày 6-6-1938, với tên tiếng Nga là Lin, khi đang làm nghiên cứu sinh tại Viện Những vấn đề dân tộc và thuộc địa tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho một đồng chí của mình ở Quốc tế Cộng sản (QTCS):“Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Công. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này.
Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”[1].
Con người ta khó mà tránh được sự hiểu lầm từ người thân, bạn bè, đồng chí, từ tổ chức. Nguyễn Ái Quốc đã bị QTCS và một số học trò của mình hiểu lầm. Năm 1933, trong cuốn“Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương”, tác giả Hồng Thế Công (tức Hà Huy Tập) đã cho rằng Nguyễn Ái Quốc“đã phạm một loạt sai lầm cơ hội chủ nghĩa…mà chúng ta không thể bỏ qua”[2]. Hà Huy Tập đem những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc trong các văn kiện thành lập ĐCS Việt Nam đầu năm 1930 ra để đối chiếu với những quan điểm của Đại hội VI QTCS. So sánh như vậy, thì hèn gì mà không hiểu lầm.
Hà Huy Tập cho rằng: “Hội nghị đã bỏ quên cách mạng phản đế…, đã nhận định một cách cơ hội chủ nghĩa cách mạng Việt Nam tách rời cách mạng thế giới nói chung và tách rời cách mạng Đông Dương nói riêng. Sở dĩ sai lầm như vậy là vì đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các đại biểu Hội nghị hợp nhất còn mang nặng những tàn tích của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa dân tộc sô vanh.” Đến nỗi mà ngày 31-3-1935, trong Thư của Ban Chỉ huy ở ngoài gửi QTCS, có “đề nghị đồng chí Lin viết một cuốn sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua”[3].
Tại sao QTCS và một số người trong TW ĐCS Đông Dương hiểu lầm Nguyễn Ái Quốc ? Tôi cho rằng, có mấy điểm sau đây:
Một là: Quan điểm không đúng của Đại hội VI QTCS năm 1928 và ảnh hưởng dai dẳng của nó tới cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa.
QTCS đã thúc đẩy phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên thế giới, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Nhưng QTCS cũng không tránh khỏi những sai lầm sau khi V.I. Lênin mất. Đến Đại hội VI QTCS năm 1928, quan điểm về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã lệch sang một phía tả. Đại hội VI QTCS nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, chủ quan về đánh giá lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa, đánh giá sai tương quan lực lượng các giai cấp. Đại hội VI QTCS còn xác định nhiệm vụ chống cả các thế lực tôn giáo, gắn liền với các nhiệm vụ chống chủ nghĩa đế quốc, phong kiến và tư sản bản xứ. Thật quá tả, hết sức quá tả. Chống đế quốc, chống phong kiến, chống tư sản, chống tôn giáo, chống lực lượng xã hội dân chủ. Chống tất. Chỉ độc có có công nông là cách mạng mà thôi. Quá biệt phái. Điều này có căn nguyên của nó do quá trình bônsêvích hoá các ĐCS trên thế giới kéo dài để gột rửa những ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội, cải lương từ Quốc tế II. Đại hội VI lo lắng cho tình hình các ĐCS ở các nước thuộc địa phương Đông bị chịu ảnh hưởng nhiều từ các tàn tích của chế độ phong kiến, lo rằng các đảng đó có thể dễ thoả hiệp với giai cấp tư sản dân tộc.
Do tình hình trên, nên ngày 1-9-1928, trong Báo cáo được đọc mang tên Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, QTCS đã đưa ra quan điểm đánh giá về thái độ chính trị của các giai cấp không đúng. Chẳng hạn, đối với giai cấp tư sản dân tộc, QTCS cho rằng: 1. Giai cấp tư sản dân tộc một mặt có liên hệ với bọn đại địa chủ, mặt khác lại liên hệ với tư bản nước ngoài nên giai cấp tư sản dân tộc thuộc về phe phản cách mạng; 2. Giai cấp địa chủ, dù bất kỳ loại nào, nghĩa là từ đại địa chủ cho đến tiểu địa chủ, đều phải đánh đổ vì điều này phục tùng quan điểm xoá bỏ các quan hệ tiền tư bản; 3. Lực lượng trí thức và tiểu tư sản không phải là lực lượng liên minh với giai cấp vô sản vì họ là đại biểu kiên quyết nhất không những cho lợi ích riêng của giai cấp tiểu tư sản mà cả cho lợi ích của giai cấp tư sản, chỉ có một số ít thoát ly khỏi giai cấp họ, nhận thức được nhiệm vụ đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản và trở thành những người bảo vệ tích cực lợi ích giai cấp vô sản.
Phải nói rằng, từ quan điểm gốc này của Đại hội VI QTCS, sau đó là hàng loạt chỉ đạo cụ thể, cách mạng ở Đông Dương đã chịu hậu quả không tốt. Văn kiện đầu tiên, ngay sau đó mà QTCS chỉ đạo cho cách mạng Việt Nam là Nghị quyết về Đông Dương ra tháng 12-1929. Chắc chắn rằng, những hiểu biết của QTCS về Đông Dương lúc đó không có được cơ sở thực tế chắc chắn. QTCS đã hướng cho việc thành lập ở Đông Dương một ĐCS duy nhất trên cơ sở tập hợp những phần tử tiên tiến nhất, cách mạng và tích cực nhất trong tất cả các nhóm cộng sản với một cương lĩnh hành động minh bạch phù hợp với đường lối chung của QTCS. Nghị quyết này là sự liền mạch và là sự triển khai một cách chặt chẽ, cụ thể nhất những quan điểm của Đại hội VI trước đó 1 năm. Như vậy, với quan điểm của Đại hội VI năm 1928 và quan điểm của Nghị quyết về Đông Dương cuối năm 1929, QTCS, trừ công-nông ra, đã gạt sạch tất cả các giai cấp, tầng lớp còn lại của một xã hội thuộc địa, phong kiến ra ngoài vòng các lực lượng cần tập hợp. Đã thế, trong Nghị quyết về Đông Dương, QTCS đưa ra một lời cảnh báo, chặn trước rằng: QTCS “Chỉ có thể thừa nhận là tổ chức của ĐCS Đông Dương…chỉ những tổ chức và nhóm hoàn toàn chấp nhận những quyết định của Ban Chấp hành QTCS”[4].
Hai là: hành động “lội ngược dòng” của Hồ Chí Minh
Ngay trong khoảng một năm rưỡi (từ giữa năm 1923 đến cuối năm 1924) khi hoạt động trong Ban Phương Đông của QTCS, Hồ Chí Minh có dịp học tập một thời gian ngắn ở Trường Đại học cộng sản Phương Đông và tham gia Đại hội V và một loạt hội nghị của các tổ chức QTCS. Chính từ trong môi trường hoạt động này, Hồ Chí Minh có cái nhìn toàn diện hơn, sâu hơn về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin. Và, ngay từ những năm này, Người đã có một thiên hướng tiếp thu sáng tạo chủ nghĩa Mác.
Với phong cách và bản lĩnh đó, cộng thêm thời gian Hồ Chí Minh hoạt động ở Trung Quốc, chuẩn bị cả về tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của chính đảng cách mạng Mác – Lênin ở Việt Nam bằng cách tại Quảng Châu lập ra tổ chức Việt Nam Cách mệnh Thanh niên, đưa thanh niên yêu nước Việt Nam sang đào tạo, huấn luyện; cộng thêm thời gian ông hoạt động ở Xiêm, v.v. đã hình thành ở Hồ Chí Minh những đường hướng, quan điểm nhất quán về cách mạng Việt Nam mà khác với tinh thần của Đại hội VI QTCS năm 1928.
Giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa, dưới quan điểm của Đại hội VI QTCS thì đó là đối tượng cần phải đánh đổ, thì trong cương lĩnh đầu năm 1930, Hồ Chí Minh lại “cãi” rằng: “Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được”[5]; “Đảng tập hợp và lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung”[6].
Toàn bộ giai cấp địa chủ ở các nước thuộc địa, theo Đại hội VI QTCS là giai cấp phải đánh đổ, thì trong cương lĩnh, Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa”[7]; “Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập”[8].
Đối với tiểu tư sản, trí thức ở các nước thuộc địa, trong khi Đại hội VI QTCS ngăn rằng, không được liên minh với họ, chỉ một số ít trong họ thoát khỏi sự ảnh hưởng từ giai cấp của họ mà đứng về phía cách mạng mà thôi, thì trong cương lĩnh, Nguyễn Ái Quốc lại khẳng định: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức…để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”[9].
Đã thế, cách thành lập Đảng của Hồ Chí Minh không theo đúng tinh thần chỉ đạo của QTCS, khi QTCS chủ trương thành lập ĐCS Đông Dương thì Nguyễn Ái Quốc lại thành lập ĐCS Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc giữ quan điểm này một cách kiên trì trên tinh thần thực hiện quyền dân tộc tự quyết mà V.I. Lênin đã nêu ra.
Hiểu lầm dai dẳng đến nỗi tại Đại hội I của ĐCS Đông Dương (3-1935), Nguyễn Ái Quốc chỉ được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, tuy rằng, đã từ lâu, trên thực tế Nguyễn Ái Quốc đã là lãnh tụ của Đảng, là cán bộ QTCS. Cũng có thể với tư cách như vậy cho nên Đại hội I của ĐCS Đông Dương cử Nguyễn Ái Quốc làm Đại diện của Đảng trong QTCS và làm đại biểu chính thức dự Đại hội VII QTCS (lúc này Người đang ở Liên Xô).
Nghi ngờ và hiểu lầm dai dẳng đến nỗi Đại hội VII của QTCS diễn ra vào tháng 7-1935 ở Mátxcơva, khi Nguyễn Ái Quốc đang ở đó mà QTCS không được cử Người làm đại biểu chính thức dự Đại hội, mà chỉ được mời dự thính mà thôi. Xét cho cùng, Đại hội VII, với Báo cáo của G. Đimitơrốp “Sự tiến công của chủ nghĩa phát xít và nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản trong cuộc đấu tranh vì sự thống nhất giai cấp công nhân, chống chủ nghĩa phát xít” cùng các báo cáo khác của P. Tôliátti, Đ. Manuinxki…đã thực chất phê phán đường lối, quan điểm tả khuynh của đại hội VI QTCS năm 1928, phần nào “trở về” với những quan điểm rất đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc trong việc tập hợp lực lượng cách mạng. QTCS ở Đại hội VI là một bước lùi. Còn QTCS ở Đại hội VII là một bước tiến khổng lồ về nhận thức lý luận và thực tiễn. Với lôgíc của đường lối này, về bản chất, là sự gặp gỡ với những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc, tuy rằng quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là về cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, còn quan điểm của G. Đimitơrốp là ở trên mặt trận chống chủ nghĩa phátxít, đòi tự do, dân chủ, hoà bình. Những hiểu lầm về Nguyễn Ái Quốc, theo đó, lẽ ra sẽ được giải tỏa. Nhưng không. Trong con mắt QTCS và đồng chí của mình, Nguyễn Ái Quốc vẫn là một nhà dân tộc chủ nghĩa, quốc gia cải lương.
Bởi trước đó, lại thêm một sự kiện “bất lợi” nữa cho Nguyễn Ái Quốc. Người bị bắt ở Hồng Công năm 1931 và mãi hơn 1 năm sau mới được thả ra. May mắn thay và cũng thật là oái oăm thay, ông được thả ra chủ yếu và đặc biệt là nhờ sự giúp đỡ vô cùng có hiệu quả của vợ chồng luật sư Lôdơby (không cộng sản, người Anh) đồng thời có sự giúp đỡ của Cứu tế đỏ và sự giúp đỡ phần nào của V. Cutuyriê, Uỷ viên Trung ương ĐCS Pháp. Vốn đang bị hiểu lầm mà lại trắng án, ra tù của đế quốc, lại do những người không cộng sản cứu thoát, thì việc trở về đại bản doanh Mátxcơva, Hồ Chí Minh khó mà lấy lại ngay niềm tin của QTCS. Chính vì vậy, trong một bức thư của bà V. Vaixiliêva và Miphơ, là cán bộ Phòng Đông Dương thuộc Ban Phương Đông QTCS, gửi cho Ban ngày 29-6-1935, có viết rằng: “Về việc liên quan đến Nguyễn Ái Quốc, chúng tôi cho rằng, ít nhất trong hai năm tới đây, đồng chí ấy cần phải học tập một cách nghiêm túc và không thể làm một việc gì khác. Sau khi đã học ở chỗ chúng tôi, sẽ có kế hoạch đặc biệt để sử dụng đồng chí ấy. Vì thế các đồng chí cần xác định rõ mối quan hệ với Nguyễn Ái Quốc”[10]. Họ nghi ngờ rằng: “Qua lời kể của Nguyễn Ái Quốc thì khó xác định được tại sao đồng chí ấy lại dễ dàng ra khỏi nhà tù và thoát khỏi tay cảnh sát Pháp…Đồng chí ấy nói rằng, chuyến đi này được tiến hành nhờ sự giúp đỡ của V. Cutuyriê trong thời gian ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng, tất cả những việc này cần được kiểm tra một cách thận trọng”[11].
Một loạt dấu hỏi về vụ án Hương Cảng : vì sao chịu án phạt nhẹ, bằng con đường nào để đến được Liên Xô... Đặc biệt bức thư của Ban lãnh đạo Hải ngoại Đảng Cộng sản Đông Dương viết ngày 20/4/1935 gửi QTCS cung cấp những thông tin cực kỳ nguy hiểm về Nguyễn Ái Quốc. Nội dung thư kết tội Nguyễn Ái Quốc phải chịu trách nhiệm chính về việc hơn 100 Đảng viên của Đảng Cách mạng Thanh niên bị bắt do việc Nguyễn Ái Quốc biết Lâm Đức Thụ trước đây là kẻ phản bội mà vẫn tiếp tục sử dụng ; Nguyễn Ái Quốc rất sai lầm khi yêu cầu mỗi học viên cung cấp hai ảnh, họ tên, địa chỉ, họ tên cha mẹ, ông bà nói chung những người sinh thành và địa chỉ chính xác của 2 đến 10 bạn thân. Những bức ảnh của các học viên do Nguyễn Ái Quốc và Lâm Đức Thụ yêu cầu đều vào tay mật thám. Ở trong nước, ở Xiêm, ở khắp các nhà tù người ta nói nhiều về trách nhiệm của Nguyễn Ái Quốc. Đường lối chính trị của Đảng Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo trước đây bị phê phán gay gắt trong các Đảng viên và quần chúng cách mạng. Đồng chí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Xiêm – người học trò trung thành của Nguyễn Ái Quốc, một trong nhiều người nói rằng, trước năm 1930 Nguyễn Ái Quốc chưa phải là Đảng viên Đảng Cộng sản. Trong thư còn nói về sai lầm của Nguyễn Ái Quốc khi hợp nhất các tổ chức cộng sản vào năm 1930, yêu cầu Nguyễn Ái Quốc trong thời gian gần nhất cần viết cuốn sách tự chỉ trích những sai lầm về chính trị của mình.
Có phải do bức thư của Ban lãnh đạo Hải ngoại là nguyên nhân chính dẫn đến việc thành lập Ban thẩm tra vụ việc Nguyễn Ái Quốc, hay đó chỉ là “ giọt nước làm tràn ly ”, là cái cớ để những dị nghị âm ỷ lâu nay bùng phát ?
Bản báo cáo của Vaxiliepna được những người có trách nhiệm trong QTCS đọc và nghiên cứu kỹ. Xử lý vụ việc như thế nào đây ? Đã có sự trao đổi qua lại giữa Vaxiliepna và các đồng chí trong tổ chức QTCS.
Trong những vụ việc liên quan đến Nguyễn Ái Quốc, những việc nào quan trọng, gây tác động nguy hiểm cần được làm sáng tỏ trước khi Ban thẩm tra thành lập và nhóm họp. Đó là những vụ việc sau :
1. Vì sao biết Lâm Đức Thụ là kẻ phản bội vẫn còn sử dụng ?
2. Vì sao thời gian bị bắt ở Hồng Kông bị tòa án kết tội nhẹ và vì sao thoát tù một cách dễ dàng ?
3. Bằng cách nào để đến được Matxcơva ?
Chi tiết như thế nào, xin mời các bạn đón đọc kỳ sau sẽ rõ.
Nguồn tư liệu:
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 90.
[2] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, T. 4 (1932-1934), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 399 – 425. Những đoạn trích trong ngoặc kép trên đây là có xuất xứ từ tài liệu này.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, T. 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 203 – 204.
[4] Như trên, tr. 406.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr. 1.
[6] Như trên, tr. 4.
[7] Như trên.
[8] Như trên, tr. 3.
[9] Như trên.
[10] Theo Hồ sơ 495-154-585 “Vấn đề Nguyễn Ái Quốc” (Quan hệ của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản với Đảng Cộng sản Đông Dương, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1935).
[11] Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, T. 2, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 2006, xuất bản tần thứ hai, tr. 59.