Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

TẠI SAO NĂM 1972, BỘ CHÍNH TRỊ LẠI CHỌN QUẢNG TRỊ LÀM CHIẾN TRƯỜNG TRỌNG ĐIỂM CHỨ KHÔNG PHẢI TÂY NGUYÊN?

Tây Nguyên nằm giữa ngã ba Việt - Lào - Cam. Được coi là nóc nhà của Đông Dương. Có được Tây Nguyên không những khai thông được đường mòn Hồ Chí Minh mà còn khống chế được cả Đông Dương. Tây Nguyên cũng là nơi chia cắt Quân đoàn 1 và 3 QLVNCH, có được Tây Nguyên sẽ biến Quân đoàn 1 và 3 đầu đuôi không thể ứng cứu. Ngoài ra, QLVNCH trấn thủ Tây Nguyên cũng yếu nhất, chỉ gồm 2 sư đoàn bộ và các đơn vị khác.”

TẠI SAO NĂM 1972, BỘ CHÍNH TRỊ LẠI CHỌN QUẢNG TRỊ LÀM CHIẾN TRƯỜNG TRỌNG ĐIỂM CHỨ KHÔNG PHẢI TÂY NGUYÊN?
Trong khi đó, mặt trận Trị-Thiên lại là nơi bố trí binh lực hùng hậu nhất của VNCH, những đơn vị ưu tú nhất của họ cũng đều tập trung tại đây. Địa hình ở Trị-Thiên cũng ít núi rừng hơn Tây Nguyên, khó giấu binh lực, ém binh hơn cho QGP. Trị-Thiên lại có phía Đông giáp biển, nơi mà Hải quân Mỹ làm chủ, khống chế hoàn toàn.
Đến đây có lẽ theo binh pháp cổ điển: “Tránh chỗ thực, đánh chỗ hư”; “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” thì Tây Nguyên đáng nhẽ sẽ trở thành chiến trường trọng điểm của QGP chứ không phải Trị-Thiên.
Nhưng việc chọn Trị-Thiên làm chiến trường trọng điểm của QGP lại có cái lý của nó:
@Thứ nhất: Vấn đề hậu cần luôn là một khó khăn của QGP. Hậu cần cho QGP chủ yếu đến từ 3 con đường: Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển và huy động tại chỗ. Trong đó đường Trường Sơn gánh vác trách nhiệm nặng nề nhất.
Với các hoạt động mạnh của QLVNCH ở Campuchia năm 1970 và ở Hạ Lào năm 1971, mặc dù chiến dịch Hạ Lào 1971 là một thất bại quân sự của VNCH tuy nhiên hệ thống tiếp tế hậu cần cho QGP theo đường Trường Sơn qua ngả Campuchia và Lào đã bị tổn thất, sứt mẻ lớn đặc biệt là ở Campuchia. Quãng đường tiếp tế từ miền Bắc cho Tây Nguyên xa đến 300-400km đường rừng, tiếp vận bằng đường biển là bất khả thi (Tây Nguyên không có giáp biển), huy động tại chỗ cũng khó khăn vì Tây Nguyên là vùng nghèo khó, dân thưa. Do vậy vấn đề tiếp tế, hậu cần cho QGP ở Tây Nguyên đương nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với mặt trận Trị-Thiên. Điều này được chứng minh ngay trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972, QGP chỉ có thể chiếm được Đắk Tô- Tân Cảnh mà không thể phát triển thêm, không thể đánh chiếm được Kontum vì thiếu đạn dược, mặc dù lực lượng còn lại của QLVNCH ở Kontum đã rất mỏng và hết sức rệu rã.
Vấn đề hậu cần không chỉ ở đạn-gạo mà còn ở nhân lực. Nếu như ở mặt trận Trị-Thiên thì lực lượng dự bị, lực lượng tiếp viện có thể trực tiếp cơ động từ miền Bắc xuống với quãng đường và thời gian ngắn thì việc điều quân tiếp ứng cho mặt trận Tây Nguyên khó khăn hơn nhiều, bộ đội phải hành quân bộ hàng tháng trời từ miền Bắc mới vào được Tây Nguyên.
Năm 1975 vấn đề hậu cần đã được cải thiện, dòng người, dòng hàng có thể ung dung vận chuyển trên đường Trường Sơn ngay cả ban ngày mà không sợ bị không kích. Tuyến đường Trường Sơn được thông suốt thì hậu cần có thể đảm bảo cho mặt trận Tây Nguyên đánh lớn và đánh lớn lâu dài.
@Thứ hai: Nếu QGP chiếm được Tây Nguyên hoặc Trị-Thiên thì bên nào có khả năng giữ được cao hơn?
Tây Nguyên bị QLVNCH bao vây 3 mặt: Phía Bắc có lực lượng của Quân đoàn 1, phía Đông có lực lượng của Quân đoàn 2 từ vùng duyên hải, phía Nam có lực lượng của Quân đoàn 3. Phòng không của QGP ở Tây Nguyên cũng yếu, chủ yếu là súng máy phòng không 12.7mm và một số lượng nhỏ pháo 37mm, 57mm. Hậu cần cả về nhân lực và vật lực cho QGP ở Tây Nguyên thì gặp khó khăn như đã phân tích ở trên.
Trong khi đó, nếu chiếm được Trị-Thiên thì lực lượng của QGP chỉ bị bao vây có 2 mặt: Phía Đông là Hải quân Mỹ (ít có khả năng đổ bộ), phía Nam là lực lượng còn lại của Quân đoàn 1 và 2 QLVNCH. Phòng không và hậu cần của QGP ở đây cũng sẽ tốt hơn khi có điều kiện cơ giới từ miền Bắc, có thể điều được tên lửa SAM-2 vào đây. Hậu phương lớn miền Bắc ở ngay sau lưng.
@Thứ ba: Nếu QGP bị thất bại trong khi đánh chiếm Tây Nguyên hoặc Trị-Thiên và bị QLVNCH/Mỹ phản công thì mặt trận nào nguy hiểm hơn?
Khi QGP tập trung binh lực, tập trung những lực lượng mạnh cho chiến trường trọng điểm, nhưng không dứt điểm được đối phương, bị đối phương phản công, bao vây ngược trở lại thì ở Tây Nguyên nguy hiểm hơn Trị-Thiên. Vì sao?
Ở mặt trận Trị-Thiên, nếu QGP bị thất bại, có thể lui về giữ vĩ tuyến 17. QLVNCH và quân Mỹ chỉ có thể đánh lấn, vây ép từ phía Nam trở lên, ít có khả năng đổ bộ đường không xuống miền Bắc rồi tiến hành hợp vây với cánh quân phía Nam đánh lên. Thế trận chiến tranh nhân dân ở toàn miền Bắc khó cho phép Mỹ/VNCH làm lại một trận Incheon như ở Triều Tiên. Nhưng ở chiến trường Tây Nguyên thì lại khác, nếu QGP bị đánh bật, QLVNCH và quân Mỹ hoàn toàn có thể thực hiện các đòn đánh vu hồi, chia cắt, đổ bộ đường không vào hậu cứ QGP rồi tiến hành bao vây, chia cắt và tiêu diệt. Việc quân Mỹ/VNCH nhảy vào Lào và Campuchia đã từng xảy ra ở năm 1970, 1971.
Nói đến đây chắc sẽ có người bảo rằng: Mặc dù Tây Nguyên không phải là trọng điểm, chỉ là mặt trận phụ trợ, nhưng nếu QGP bị đánh bật ở Tây Nguyên thì Mỹ và VNCH cũng sẽ có khả năng đổ bộ đường không tập kích hậu cứ, đánh vu hồi chứ sao?
Khả năng này đương nhiên có, nhưng xác suất sẽ nhỏ hơn đối với trường hợp Tây Nguyên là chiến trường trọng điểm, được QGP tập trung binh lực. Bởi độ hấp dẫn với Mỹ/VNCH trong việc có thể bao vây, tiêu diệt được một lực lượng lớn, lực lượng mạnh QGP ở Tây Nguyên đủ lớn để họ có thể tiến hành các bước đi phiêu lưu quân sự vào Lào/Campuchia như đã từng làm vào năm 1970, 1971.
@Thứ tư: Hoạch định một chiến dịch, không chỉ hoạch định làm sao để thắng mà còn phải hoạch định nếu thắng thì bước tiếp theo là gì, nếu thua thì phải xử lý như thế nào?
Tập trung binh lực, những sư đoàn thiện chiến và ưu tú nhất của mình cho mặt trận Trị-Thiên thì khi thắng có thể đánh lấn tiếp xuống phía Nam, khi thua có thể lui về phòng thủ miền Bắc và được chính miền Bắc bảo vệ lại.
Nếu tập trung binh lực cho mặt trận Tây Nguyên, khi thắng có thể đánh xuống vùng duyên hải, nhưng khi thua chỉ có thể rút về Lào/Campuchia mà không thể cơ động về miền Bắc kịp nếu như QLVNCH và quân Mỹ phản công vượt vĩ tuyến 17 đánh ra Bắc, khi này lực lượng phòng thủ miền Bắc đã mỏng đi nhiều vì bị điều quân cho chiến trường trọng điểm Tây Nguyên.
Tất nhiên có người sẽ hỏi lại: Thế tại sao năm 1975, lại quyết định đánh Tây Nguyên trước mà không sợ QLVNCH phản công vượt vĩ tuyến 17?
Vì đơn giản là tình hình năm 1975 khác hẳn năm 1972. Năm 1975 đã không còn quân Mỹ, khả năng quân Mỹ quay trở lại cũng được xác định là không có nhờ trận Phước Long 1974. Tình hình quân sự, chính trị, kinh tế VNCH cũng không đủ sức cáng đáng nếu như VNCH muốn dùng kế “vây Ngụy cứu Triệu” tiến ra Bắc để giải tỏa cho Tây Nguyên.
@Thứ năm: Hầu như toàn bộ những sư đoàn thiện chiến nhất, ưu tú nhất của QLVNCH chủ yếu tập trung ở mặt trận Trị-Thiên. Đây là con át chủ bài của VNCH. Lực lượng này trước sau gì QGP cũng phải đánh quỵ bằng được nếu như muốn giải phóng miền Nam. Trước sau gì cũng phải đánh, vậy tại sao không lợi dụng yếu tố bất ngờ, thần tốc đánh một đòn phủ đầu, đánh thẳng vào lực lượng tinh nhuệ nhất, ưu tú nhất của VNCH, nếu đánh quỵ được thì toàn bộ quân lực VNCH sẽ bị rúng động, một cú sốc tinh thần lớn ảnh hưởng đến toàn quân, tạo ra những bước ngoặt mới?
Trên chiến trường, nếu lực lượng chủ lực của địch không bị đánh quỵ hoặc bao vây, cô lập mà chỉ chăm chăm giành đất thì trước sau gì cuộc chiến giữ đất cũng sẽ xảy ra với lực lượng này, lúc này thương vong và kết quả khó mà lường hết được.
Và sự thật, trong chuỗi chiến dịch mà QGP thực hiện năm 1975, hướng Trị-Thiên cũng không hề bị xem nhẹ, chiến dịch xuân hè 1975 tại Trị-Thiên được thực hiện chỉ sau chiến dịch Tây Nguyên 1975 chỉ có 1 ngày và với lực lượng không thua kém lực lượng ở Tây Nguyên là bao. Như vậy mục tiêu đánh quỵ những sư đoàn chủ lực, thiện chiến nhất của QLVNCH luôn được chú ý.
@Thứ sáu: Mục tiêu của QGP trong Chiến dịch Xuân-Hè 1972 vẫn chỉ dừng lại ở tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chống bình định, hậu thuẫn cho các mục tiêu chính trị chứ chưa phải là đánh dứt điểm, tiêu diệt hoàn toàn QLVNCH và giải phóng miền Nam như kế hoạch 1975. Tây Nguyên giữ vị trí chiến lược trong thế trận phòng thủ của VNCH, nắm giữ Tây Nguyên khiến QGP có thể mở được chiếc khóa then chốt trong thế trận phòng thủ của QLVNCH, từ đó đánh sụp hoàn toàn QLVNCH. Tuy nhiên, thế và lực của QGP ở thời điểm năm 1972 chưa đủ để đánh dứt điểm QLVNCH, đặc biệt là khi vẫn còn quân Mỹ tại Việt Nam.
Nếu giải phóng được Quảng Trị - Huế thì vùng phi quân sự (DMZ), giới tuyến quân sự vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước suốt mấy chục năm coi như chính thức bị xóa bỏ. Một vùng rộng lớn, đông dân được giải phóng. Trong khi đó nếu chiếm giữ được Kontum hay Pleiku thì cũng chỉ hình thành nên thế trận da báo, cái thế trận mà đã có ở miền Nam từ thập niên 60, thế và lực của QGP năm 1972 không những chưa đủ để khai thác được lợi thế chiến lược của Bắc Tây Nguyên mà còn phải vất vả chống phản kích, tái chiếm của QLVNCH.
Do đó, việc chiếm giữ các thành phố-thị xã ở Trị-Thiên mang ý nghĩa chính trị, tuyên truyền to lớn hơn so với chiếm giữ các thành phố-thị xã ở Tây Nguyên.
@Thứ bảy: Quảng trị là quê hương của TBT Lê Duẩn, nên nếu có việc TBT Lê Duẩn muốn ưu tiên giải phóng quê hương của mình trước là điều hết sức bình thường. Nhưng đây chỉ là lý do phụ, chắc chắn không phải là lý do chính hay lý do quan trọng quyết định đến việc chọn Trị-Thiên hay Tây Nguyên làm chiến trường trọng điểm.
Với những lý do đã phân tích ở trên, thì mọi người nghĩ sao về việc chọn Trị-Thiên là chiến trường trọng điểm trong Chiến dịch Xuân-Hè 1972?