Tổng hợp và chia sẻ: chuyện hay lạ hot trên đời, world of tanks, lịch sử Việt Nam...

Căn cứ Vạn Kiếp và tầm nhìn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Mở đầu Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, vùng đất Vạn Kiếp có vai trò rất quan trọng, là đầu mối huyết mạch giao thông thủy, bộ trấn giữ cửa ngõ phía Đông Kinh thành Thăng Long. Ở đây có sông Lục Đầu chảy qua phía Tây vùng Vạn Kiếp. Trong một đoạn sông dài khoảng 10km, có 6 dòng sông hợp lưu: sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống chảy từ phía Tây Bắc về, đổ xuống hai dòng hạ lưu là Kinh Thầy và Thái Bình để ra biển phía Đông Nam.

Căn cứ Vạn Kiếp và tầm nhìn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Về phương diện giao thông, có thể nói đây là những con đường cao tốc dưới thời phong kiến, góp phần quan trọng về giao thương kinh tế, quân sự, kiến tạo nên những thành tựu văn hóa một thời. Từ Vạn Kiếp về kinh đô Thăng Long hay ra Biển Đông bằng đường thủy cũng chỉ nửa ngày đường nếu thuận buồm xuôi gió. Đường bộ từ đây lên Lạng Sơn, xuống châu thổ sông Hồng đều thuận tiện.

Vạn Kiếp có dãy núi Trán Rồng hình tay ngai, bao bọc những thung lũng của sông Thương ăn sâu vào hẻm núi, có thể tập kết hàng nghìn chiến thuyền trước khi xông trận. Trên các đỉnh núi có thể quan sát một vùng sông nước, làng mạc bao la, tạo thế chủ động cho quân sĩ khi tiến công cũng như lui. Phía Bắc có hệ thống núi rừng trùng điệp của cánh cung Yên Tử, nơi có thể ẩn náu hàng vạn quân, lập căn cứ an toàn; phía Nam có làng mạc trù phú, lắm của nhiều người, là nguồn cung cấp nhân tài vật lực to lớn cho chiến tranh. Hai nhánh núi Trán Rồng lao sát bờ sông như tay ngai ôm lấy một thung lũng xanh tươi, tạo thành các chiến lũy tự nhiên vô cùng hiểm yếu. Vạn Kiếp còn như một cửa rừng, nơi giao thương lâm, thổ sản từ phía Bắc xuống; nông, hải sản từ phía Nam lên. Vì vậy, Vạn Kiếp là căn cứ chiến lược “tiền công, hậu thủ vững chắc”, việc giấu quân, mai phục và đánh úp đều tiện lợi. Nơi đây có thể vừa kết hợp xây dựng quân doanh kháng chiến với xây dựng binh xưởng, cơ sở sản xuất phục vụ chiến đấu, xây dựng hậu cứ quân sự tại chỗ mà địch không thể lường. Do vị trí địa - quân sự quan trọng như vậy, nên quân xâm lược phương Bắc thường phải đi đường thủy vào sông Bạch Đằng, ngược vào sông Kinh Thầy, tập kết ở Vạn Kiếp, sau đó kết hợp cùng với cánh quân bộ từ Lạng Sơn xuống tạo thành hai gọng kìm tấn công vào Thăng Long. Khi rút lui, giặc cũng thường tập kết tại đây trước khi về nước. Vì thế, suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Vạn Kiếp có vị trí quân sự cực kỳ quan trọng, là phòng tuyến chiến lược bảo vệ kinh đô Thăng Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Do đặc biệt chú trọng canh giữ và bảo vệ vùng đất này, nên nhà Trần đã cử một trong những vị tướng tài giỏi nhất triều đình về đây trấn giữ, đó là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Với nhãn quan quân sự thiên tài, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đã xây dựng Vạn Kiếp từ một thái ấp trở thành đại bản doanh quân sự cực kỳ quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288).

Khu vực phủ đệ Nằm ở tả ngạn sông Lục Đầu kéo dài từ cánh đồng Vạn Yên vào đến khu vực Thung Trong. Nơi đây địa thế hiểm yếu, xung quanh là núi Trán Rồng và núi Quy bao bọc như bức tường thành, trước mặt theo dòng sông Vang đi khoảng 1km là ra sông Lục Đầu, núi Bắc Đẩu như bình phong trấn giữ phía trước, vừa kín đáo lại vừa thuận cho việc tiến lui. Khu vực phủ đệ gồm một số địa điểm sau: Thung Trong (Từ Cũ): nằm trong thung lũng sau dãy núi Trán Rồng. Đây là trung tâm đại bản doanh của phòng tuyến Vạn Kiếp, nơi Trần Hưng Đạo và bộ chỉ huy quân sự nhà Trần từng đồn trú. Việc phát hiện ra bờ kè, dấu tích nền bếp và đường ống thoát nước ở nền giữa di tích Từ Cũ trong cuộc khai quật năm 2000 đã “chứng tỏ sự tồn tại của lớp kiến trúc và cư trú cổ mà theo truyền thuyết còn lưu truyền trong nhân dân là phủ đệ của Trần Hưng Đạo thời kỳ đầu sống và lãnh đạo kháng chiến chống quân Nguyên tại đây”. Hành cung: là khu đất bằng phẳng rộng khoảng 2hecta, nằm trên cánh đồng Vạn Yên, cách sông Lục Đầu 300m. Vị trí liền sông, giáp núi phong cảnh hữu tình. Đây là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Trần Hưng Đạo cùng các vương hầu quý tộc triều Trần mỗi khi về thăm Vạn Kiếp. Qua thám sát khảo cổ học cho thấy, khu vực Hành cung còn nhiều dấu tích kiến trúc từ thế kỷ XIII, XIV như hệ thống nền móng các công trình, hệ thống ống thoát nước bằng đất nung cỡ lớn cùng gạch ngói, đồ gốm sứ cao cấp...

Hệ thống kho tàng Hang tiền: rộng khoảng 1hecta, nằm dưới chân núi Bắc Đẩu, cách đền Kiếp Bạc 500m về phía Bắc. Tương truyền, đây là ngân khố (kho tiền) của phủ đệ Vạn Kiếp phục vụ nhu cầu mua sắm vũ khí, thuyền chiến và lương thực, thực phẩm cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Tại đây, còn dấu tích các vòm hầm đào vào núi cao 1,5m; rộng 1,3m. Hiện vật thu được ở đây qua việc đào thám sát khảo cổ là tiền đồng có niên hiệu là Nguyên Phong Thông Bảo và khuôn đúc tiền thời Trần. Hố thóc: thuộc địa phận xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, cách đền Kiếp Bạc 2km về phía Đông Nam. Hố Thóc nằm trong thung lũng lòng chảo rộng 1 hecta, xung quanh có núi Trám bao bọc, phía trước thông với sông Lục Đầu; phía sau lại thông với ngòi Mo. Tương truyền, nơi đây là kho chứa quân lương và cất giấu lương thực của đại bản doanh Vạn Kiếp thời kỳ kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Lương thực sản xuất ở các khu vực Trung Quê, Thanh Tảo, Đa Cốc... được vận chuyển theo ngòi Mo về Hố Thóc cất giấu, dự trữ. Kết quả khai quật khảo cổ học ở Hố Thóc “đã xác định rõ dấu vết thóc cháy kết dính thành tảng lớn, nhỏ.
Qua địa tầng ổn định; tầng văn hóa dày từ 15 - 85cm với dấu tích bếp đun là than, tro bếp lửa cùng một số ít hiện vật gốm, sứ, công cụ sắt... đã chứng minh sự tồn tại của một kho chứa quân lương được dân gian lưu truyền. Thóc tìm thấy trong hố thám sát đều là thóc cháy, hiện tượng này có thể phản ánh kế hoạch “vườn không nhà trống” nên kho thóc được tiêu hủy toàn bộ. Sự kiện này được lưu truyền trong dân gian và qua tài liệu khảo cổ học đã được kiểm chứng”. Kho lương: là một vùng đồi rộng, nằm phía sau núi Trán Rồng, thuộc thôn Bến, xã Lê Lợi. Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, khu vực này là một kho lương lớn của đại quân Trần Hưng Đạo. Hiện còn các địa danh liên quan đến việc dự trữ lương thực ở đây như: Làng Gạo, Thung Thóc, Đồng Gạo. Hiện còn một ngôi chùa nhỏ thờ Phật có niên đại từ thời Trần, gọi là chùa Kho Lương. 4. Khu vực sản xuất Khu vực sản xuất gốm Xóm Hống - Trạm Điền: Di chỉ khảo cổ học Xóm Hống - Trạm Điền nằm trên cánh đồng Vạn Yên cách đền Kiếp Bạc 500m về phía Bắc, chạy dài từ Xóm Hống, Phố Vạn theo tả ngạn sông Lục Đầu về phía thượng nguồn 2km đến Trạm Điền. Kết quả khai quật khảo cổ ở Xóm Hống - Trạm Điền đã khẳng định, đây là một trung tâm sản xuất gốm lớn thời Trần vào thế kỷ XIII, XIV gắn liền với sự phát triển thái ấp Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo.

Các nhà khảo cổ học đã đánh giá: “Xóm Hống là một trung tâm sản xuất gốm sứ thời Trần, vào các thế kỷ XIII, XIV. Như vậy, đây là một trung tâm gốm cổ sớm nhất hiện biết ở Hải Dương”. Khu vực trồng và sản xuất thuốc nam: nằm trên núi Dược Sơn, cách đền Kiếp Bạc 500m về phía Đông Nam. Trước khi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285) diễn ra, Trần Hưng Đạo đã giao cho tướng quân Phạm Ngũ Lão, một vị tướng có tài làm thuốc, chỉ đạo việc trồng những vườn thuốc nam trên núi Nam Tào, với những vị thuốc quý để chữa bệnh, trị thương cho quân sỹ và nhân dân trong thái ấp.

Theo thống kê của Viện Y học Cổ truyền Việt Nam, hiện nay trên núi Dược Sơn và một số ngọn núi trong khu di tích Kiếp Bạc như Trán Rồng, Quy Sơn còn khoảng hơn 300 cây thuốc quý. Trong đó, Dược Sơn hiện có 158 loài cây thuốc có thể sử dụng để chữa bệnh. Cụ thể, có 51 loài dùng chữa bệnh tiêu hóa như đau dạ dày, ỉa chảy, nhuận tràng, lỵ, táo bón, chậm tiêu; đáng chú ý là cây bầu giác, sự cẩu, hàm ếch, cỏ Lào; 15 loài chữa vết thương như bong gân, gẫy xương, vết thương phần mềm; tiêu biểu là cây dược linh, mỏ quạ; 18 loài chữa bệnh gan, mật như viêm gan siêu vi trùng, viêm gan mãn tính, xơ gan cổ trướng, bổ gan, lợi mật..., đó là bìm bìm, dừa cạn, hà thủ ô, găng trắng, đùm đùm; 26 loài chữa bệnh thần kinh, cơ, xương, khớp như đau dây thần kinh, an thần, đau nhức xương khớp... Ngoài ra, còn có các loại cây chữa phụ khoa, tiết niệu, sởi, răng, hàm mặt, da, mắt, tai, mũi, họng, đau đầu, hạ sốt, giải độc. Khu vực sản xuất, sửa chữa và đóng thuyền: nằm trên cánh đồng Vạn Yên, xã Hưng Đạo, cách sông Lục Đầu 1.000m về phía Tây.

Tại đây, Hưng Đạo Vương cho đào sông Vang, lập Xưởng Thuyền để đóng, sửa chữa thuyền phục vụ thái ấp và cuộc kháng chiến. Năm 1996, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Hải Hưng đã tiến hành khai quật khảo cổ tại Xưởng Thuyền. Với diện tích khai quật 42m2 , đã tìm thấy nhiều hiện vật gạch, ngói, gốm sứ, mảnh bao nung, mảnh kê gốm, tiền đồng thời Trần; đặc biệt “còn tìm được một số đinh đóng thuyền hình chữ T bằng sắt, mảnh chì lưới đánh cá bằng đất nung…”. Việc phát hiện được những đinh sắt ở khu vực Xưởng Thuyền cho thấy, ngoài việc đóng những tiểu thuyền hay khinh thuyền, có thể có những thuyền chiến lớn được đóng hoặc sửa chữa tại đây. Khu vực sản xuất lương thực, thực phẩm: Qua những dấu tích hiện còn và tư liệu của nhân dân địa phương, khu vực sản xuất lương thực, thực phẩm của đại bản doanh Vạn Kiếp là một vùng rộng hàng nghìn hecta; kéo dài từ phía sau dãy núi Trán Rồng đến chân núi Huyền Đinh, thuộc các làng Kim Điền, Thanh Tảo, Lương Quan, Trung Quê, An Mô, Đa Cốc, Bãi Thảo (tức là tương đương với các xã Hưng Đạo, Lê Lợi, Bắc An, thị xã Chí Linh và một phần của xã Đan Hội, Cẩm Lý, Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang hiện nay) trong đó trung tâm là các cánh đồng thuộc làng Trung Quê, xã Lê Lợi.

Khu vực hậu cần Trung Quê cách khu di tích Kiếp Bạc 3km về phía Bắc. Đây là căn cứ hậu cần đặc biệt quan trọng của đại bản doanh Vạn Kiếp do Trần Hưng Đạo và phu nhân là Thiên Thành Thái Trưởng công chúa xây dựng. Trung Quê và các làng xóm quanh vùng như: Đa Cốc, Bãi Thảo, Trại Gạo... là nơi sản xuất, dự trữ lương thực cho đại bản doanh Vạn Kiếp. Hiện nay, tại khu vực này còn nhiều di tích, địa danh gắn liền với tên gọi các kho hậu cần, quân lương. Bãi Thảo: thuộc xã Bắc An, thị xã Chí Linh là nơi tập trung cỏ từ Trung Quê chuyển vào khu vực luyện quân ở Suối Mỡ (Lục Nam, Bắc Giang) theo đường sông Vang. Làng Gạo: thuộc xã Lê Lợi, đây là nơi có những cánh đồng lúa xanh tươi, màu mỡ. Sau khi thu hoạch, thóc lúa từ các vùng lân cận đều tập trung về đây để xay, giã trước khi chuyển đến những nơi khác; tạo thành kho gạo rất lớn, nên có tên gọi là làng Gạo. Hiện nay ở làng Gạo còn Nghè Dím thờ đức Vua Bà - người phụ nữ trông coi lương thực quân doanh Vạn Kiếp. Thời Trần, khu vực Nghè Dím là nơi trung chuyển toàn bộ lương thảo ở Trung Quê, Thanh Tảo theo ngòi Mo về cất giấu tại Hố Thóc.

Bên cạnh việc sản xuất lương thực tại khu vực Trung Quê, trong thái ấp Vạn Kiếp, Thiên Thành công chúa còn tổ chức chăn nuôi gia súc như trâu, bò, lợn, gà. Hiện nay, trên cánh đồng làng Trung Quê, xã Lê Lợi còn địa danh Hố Lợn, đây là một thung lũng hình lòng chảo được bao bọc bởi núi Mộng Tây. Hố Lợn có diện tích 4 - 5hecta, tương truyền đó là nơi Đức Quốc Mẫu thả lợn. Ngày nay, dân trong vùng vẫn truyền nhau câu ca: “Trâu thì Mẫu thả Huyền Đinh; Lợn thì Mẫu thả cánh đồng Trung Quê” như minh chứng cho việc Đức Quốc Mẫu đã xây dựng, phát triển hậu cần trên quê hương mình phục vụ quân doanh Vạn Kiếp.

Hệ thống đồn, thành lũy Đại bản doanh Vạn Kiếp được bảo vệ bởi sông Lục Đầu và hệ thống thành lũy dọc sông, phía trong là những dãy đồi núi cao bao bọc ba mặt Bắc, Đông, Nam của đại bản doanh. Trên các đỉnh núi là hệ thống đồn, trạm gác. Tại phía Đông Nam của phòng tuyến Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo cho xây dựng thành Linh Sơn trên núi Chí Linh (khu vực nhà máy nhiệt điện Phả Lại hiện nay) để bảo vệ quân doanh Vạn Kiếp. Trong sách Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược thế kỷ XIII, Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm dẫn lại Nguyên sử cho biết, trong cuộc xâm lược lần thứ ba năm 1288, khi tiến đến Vạn Kiếp, quân Nguyên Mông đánh chiếm thành Linh Sơn và Nhất Tự Thành: “Khi tiến quân đến Vạn Kiếp hắn (Thoát Hoan) đã sai Lưu Uyên đem hai vạn quân thủy bộ đánh chiếm sông Vạn Kiếp (sông Lục Đầu) và thành Linh Sơn (ở núi Chí Linh). Sic-tua được lệnh của A-ba-tri, đem quân chiếm thành chữ nhất”.

Hiện nay, tại khu vực nhà máy nhiệt điện Phả Lại còn dấu tích của thành cổ, nhân dân thường gọi là Chí Linh Cổ Thành. Nghiên cứu thực địa cho thấy, thành Linh Sơn được xây dựng dựa vào địa hình tự nhiên của hệ thống núi Chí Linh với các ngọn núi Phao Sơn, Dinh Sơn, Ngọc Sơn. Mặt trước thành là sông Lục Đầu bao quanh, phía ngoài là hệ thống hào lũy được gia cố chắc chắn, phía trong thành là khu đất bằng rộng khoảng vài trăm trượng. Hiện nay trên núi còn các dấu tích của Hố Đong quân, Bãi luyện kiếm, Trạm gác... Nhất Tự Thành: Căn cứ vào địa hình của vùng Vạn Kiếp, và các dấu tích hiện còn, chúng tôi cho rằng: “Thành chữ nhất (nhất tự thành) có lẽ là thành dọc theo bờ sông Lục Đầu vì Nguyên sử chép Sic-tua có bắt được 7 chiến thuyền của ta trong trận này”. Ngoài ra, trên các đỉnh núi ở tả ngạn sông Lục Đầu như núi Nam Tào, núi Vạn Yên, núi Trạm Điền, núi Dinh Sơn, núi Đông Hoàn, núi Phượng Sơn... Trần Hưng Đạo đều bố trí các trạm gác và hệ thống đồn bốt hỗ trợ cho thủy quân trên sông Lục Đầu.

Khu vực luyện quân Địa điểm luyện quân của Trần Hưng Đạo nằm ở khu vực núi Huyền Đinh xã Nghĩa Phương (Lục Nam, Bắc Giang) và xã Hoa Thám, xã Bắc An (thị xã Chí Linh). Đây là vùng có địa thế quân sự hiểm yếu lại gần ải Nội Bàng, nơi quân giặc sẽ đi qua. Nơi đây có núi Huyền Đinh là dãy núi thuộc cánh cung Đông Triều, có độ cao trung bình 500 - 600m địa hình hiểm trở, trong núi, suối chảy liên cấp. Từ đây có thể đi Đông Triều (Quảng Ninh) hoặc theo thung lũng Lục Ngạn lên Lộc Bình bắt theo đường số 4 sang Đình Lập, lại theo đường bộ số 13 mà lên biên giới. Ngoài tuyến đường vòng này, có thể xuất quân theo thung lũng Lục Ngạn qua Biển Động (Động Bản), An Châu, Đình Lập đến thẳng cửa ải (Ải Điểm) để sang Trung Quốc... Trần Hưng Đạo với tài thao lược quân sự đã chọn Nghĩa Phương làm nơi trú quân, luyện tập binh mã, tích trữ lương thảo và làm hậu cứ cho việc đánh quân Nguyên Mông cũng như tạm rút lui khi thế giặc mạnh để bảo toàn lực lượng. Hiện nay, địa điểm đóng quân của Trần Hưng Đạo còn được phản ánh qua di tích Đền Trần, tương truyền là nơi đóng quân của Trần Hưng Đạo.

Ngày nay, trong dịp lễ hội, dân làng tổ chức các trò vui như bắn cung, võ dân tộc để diễn tả lại khí thế oai hùng của cảnh luyện quân thời Trần. Suối Mỡ thuộc xã Nghĩa Phương (huyện Lục Nam, Bắc Giang), bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hố Chuối chảy quanh co trong thung lũng núi Huyền Đinh - Yên Tử, rồi xuôi dòng, lòng suối mở rộng dần. Thượng nguồn suối Mỡ từng nổi tiếng là một khu chiến ải trong lịch sử chống quân Nguyên Mông. Theo con đường hiểm hóc này có khu Ba Dinh Bẩy Nền, Đền Trần, Bãi Quần Ngựa, Đấu Đong quân, Suối Đá mài gươm, Thao Trường luyện kiếm... đều là những dấu tích liên quan đến việc Trần Hưng Đạo luyện quân đánh giặc. Đấu Đong quân, tương truyền, sau mỗi trận đánh, Trần Hưng Đạo cho dồn quân xuống một hố rộng để nắm được số lượng quân sĩ đã hy sinh, nên nhân dân trong vùng gọi địa danh này là Đấu Đong quân. Bãi Quần Ngựa, theo người dân, thì đó là nơi tập ngựa của quân sĩ nhà Trần.

Hồ Bến Tắm là hồ nước tự nhiên rộng chừng 900 hecta, nằm giữa hai triền núi, nước xanh biếc, thuộc xã Hoa Thám và phường Bến Tắm (thị xã Chí Linh). Xưa khu vực này là nơi tập trung thủy quân của Trần Hưng Đạo. Từ Kiếp Bạc, quân nhà Trần kéo thuyền dọc sông Vang ra bến Đại Tân vào Bến Tắm rồi lên dãy Huyền Đinh, cũng có thể xuôi thuyền qua mạn Đông Mai, Văn Đức ra sông Kinh Môn để đi Bạch Đằng. Đường đi này rất kín đáo, bí mật, tránh được sự theo dõi của quân giặc. Tương truyền, sau khi luyện tập xong, quân nhà Trần thường ra hồ để tắm giặt, nên gọi là Hồ Bến Tắm.

Như vậy, cũng giống như các thái ấp - điền trang buổi đầu thời Trần, Vạn Kiếp không chỉ là vùng có vị trí trọng yếu của đất nước, mà còn là trung tâm kinh tế với nhiều ngành nghề (như: sản xuất lương thực, làm thuốc nam, đóng thuyền, đánh cá... đặc biệt là nghề sản xuất gốm sứ, gạch ngói rất phát triển). Vạn Kiếp không chỉ là phòng tuyến quân sự, mà còn là khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội khá phát triển, là mô hình kết hợp khá chặt chẽ giữa kinh tế và quốc phòng. Trong căn cứ, thời bình là cơ sở kinh tế, lúc đất nước có chiến tranh thì sử dụng cơ sở kinh tế đó phục vụ cho cuộc kháng chiến. Trần Hưng Đạo với tài năng, trí tuệ siêu phàm của bậc thống soái quân sự đã khéo léo sắp đặt, sử dụng, khai thác triệt để đại bản doanh Vạn Kiếp với đầy đủ tiềm năng và giá trị vốn có, ứng phó kịp thời, phù hợp trong từng kế sách tiến, lui hay phòng thủ, phản công chiến lược. Chính vì vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông năm 1285 và 1288, Vạn Kiếp là phòng tuyến chiến lược bảo vệ kinh đô Thăng Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng bằng sông Hồng. “Khi phải bỏ Vạn Kiếp thì việc rút khỏi Thăng Long coi như đã được quyết định” và khi muốn chiếm lại Thăng Long cũng phải dựa vào vùng Vạn Kiếp. Tại đây đã diễn ra những trận quyết chiến giữa ta và địch mà tiêu biểu là chiến thắng Vạn Kiếp tháng 6 năm 1285, chiến thắng Vạn Kiếp đã đánh bại hoàn toàn đạo quân xâm lược hùng mạnh của đế chế Nguyên Mông, giữ vững nền độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ cho đất nước.

Sưu tầm