Dưới thời nhà Đường, số lượng phụ nữ có tiếng trong thiên hạ không ít. Ngoài những cái tên “hét ra lửa” như Võ Tắc Thiên, Công chúa Thái Bình, Thượng Quan Uyển Nhi… Công chúa An Lạc cũng là một cái tên được nhiều người biết đến.
Những câu chuyện có liên quan đến nhân vật này từng xuất hiện khá nhiều trong các bộ phim truyền hình cổ trang của Trung Quốc ngày nay.
Gần đây, bảo tàng quận Trường An, Trung Quốc đã công khai công bố bia mộ của công chúa An Lạc để quần chúng có cơ hội tham quan, tìm hiểu.
Là một Công chúa Đại Đường nhưng cả cuộc đời An Lạc chỉ được tóm gọn trương 300 chữ, ghi lại những “sự kiện” lớn, từ chỗ được sủng ái cho đến kế hoạch giết vua, tạo chính biến và cuối cùng là bị xử tử.
Vậy, trong nội cung Đường triều cách đây 1000 năm rốt cuộc đã xảy ra chuyện “kinh thiên động địa” gì?
Chào đời trên đường bố mẹ đi lưu đày
Công chúa An Lạc là con gái của vua Đường Trung Tông Lý Hiển và Vĩ Thị - người phụ nữ được mệnh danh là “Đệ nhất mỹ nhân Đại Đường”.
Tuy nhiên, các nhà sử học Trung Quốc sau này đính chính rằng, trong sử sách không có ghi chép nào cho thấy danh hiệu trên được dành cho mẫu thân của Công chúa An Lạc.
Theo ông Đỗ Văn Ngọc (Trung Quốc_ – một chuyên gia sử học chuyên nghiên cứu về Đại Đường, Công chúa An Lạc ra đời khi phụ thân bị phế truất, đang bị lưu đày ra biên ải.
Do tình thế cấp bách nên người cha khi đó phải vội vã cởi áo ra làm tã, vì thế mà An Lạc có tên thật là Khỏa Nhi (Khỏa có nghĩa là bọc, gói), đồng thời có một trải nghiệm đầu đời khắc nghiệt hơn bất cứ công chúa, hoàng tử nào khác của Đường triều.
Sau khi Lý Hiển phục vị, ví lý do đó mà An Lạc càng được vua cha sủng ái.
Những năm còn thơ bé, Lý Khỏa Nhi là một cô bé thông minh, xinh xắn, nên được phụ mẫu vô cùng yêu chiều, muốn gì cũng được đáp ứng, không bị cấm đoán bất cứ điều gì.
Và đây chính là “mầm họa” khôn lường, hình thành nên tính cách kiêu ngạo, ngang ngược và bất chấp mọi thủ đoạn.
Tính cách ngang ngược
Các tài liệu liên quan ghi chép lại rằng, Công chúa An Lạc vì được sủng ái mà sinh kiêu ngạo, tự cao tự đại, muốn gì sẽ phải có bằng mọi giá.
Cũng vì được sống trong nhung lụa nên An Lạc có lối sống vô cùng xa hoa, không ngừng cho xây dựng, mở rộng phủ đệ, nô bộc vô số.
Theo các nhà sử học, các công trình kiến trúc do vị Công chúa này sửa sang không chỉ mô phỏng hoàng cung, mà độ tinh xảo, sự cầu kỳ thậm chí còn vượt xa so với nơi ở và nơi làm việc của vua cha.
Chuyên gia sử học Đỗ Văn Ngọc cho hay, khi đó Trường An có một cái ao tên gọi là ao Côn Minh, được đào từ thời vua Hán Vũ Đế.
Sau khi Công chúa An Lạc xuất giá ra khỏi cung, vì trong lòng luôn ngày đêm nhớ tới phong cảnh nơi đây, đã thỉnh cầu Đường Trung Tông ban thưởng cho mình ao Côn Minh.
Tuy nhiên, nguyện vọng này đã bị cự tuyệt.
“Ao Côn Minh từ các đời trước đến nay đều chưa từng được dùng để tặng cho bất cứ ai, trẫm vì thế không thể làm trái ý tổ tông, như thế sẽ tạo tiền lệ không tốt. Hơn nữa ao cá mỗi năm đều đem lại cho cung đình một số lượng tiền lớn, tiền son phấn trong cung đều từ đó mà ra.
Nay nếu tặng ao Côn Minh cho con, sẽ khiến các phi tần mất đi nhan sắc”, Đường Trung Tông nói.
Nghe vậy, Công chúa An Lạc vô cùng khó chịu, liền tự ý cưỡng đoạt đất của dân, cho đào một cái ao thật lớn và đặt tên là ao Định Côn, ý chỉ sự vượt trội so với ao Côn Minh của triều đình.
Dã tâm: Đòi hỏi địa vị “Hoàng thái nữ”
Theo ghi chép của các tại liệu lịch sử, Công chúa An Lạc từng dưới sự cho phép ngầm của Vĩ hậu, đòi hỏi vua cha ban cho địa vị “Hoàng thái nữ” với mong muốn được trở thành người thừa kế ngai vàng.
Để hiện thực hóa giấc mộng này, ái nữ của Trung Tông đã rắp tâm khích bác Thái tử Lý Trọng Tuấn (không phải do Vĩ hậu sinh ra, buộc Thái tử tạo binh biến, sát hại Vũ Tam Tư và anh rể Vũ Tông Huấn.
Dưới sự bảo hộ của vua cha, An Lạc bảo toàn được mạng sống trong khi Thái tử vì binh biến thất bại mà bị giết. Tuy nhiên, giấc mộng “Hoàng thái nữ” của Công chúa cũng không được thực hiện.
Dù vậy, vị Công chúa xinh đẹp này cuối cùng cũng không thể che giấu mãi khát vọng quyền lực của mình.
Chính sử ghi chép lại, Vĩ Hoàng hậu và An Lạc công chúa cùng bày mưu, dùng bánh có tẩm độc để hạ độc Đường Trung Tông Lý Hiển, khiến ông đột ngột băng hà.
Không dừng lại ở đó, An Lạc còn khống chế quân đội, âm mưu tạo phản. Tuy nhiên, hành vi này đã uy hiếp đến quyền lợi của Công chúa Thái Bình và những người khác.
Trước tình hình đó, Lý Long Cơ (sau này là Đường Huyền Tông) cùng liên kết với Công chúa Thái Bình phát động Long Cơ chính biến. An Lạc trong đêm xảy ra chính biến đã bị giết khi đang chải tóc, trang điểm. Vào thời điểm đó, cô mới 20 tuổi.
Công chúa An Lạc bị giết gần nửa năm, thi thể mới được an táng và bị người đời chỉ trích là “Nghịch tử cung đình”.
Nhà sử học của Trung Quốc Cao Bằng Đào cho hay, trên bia mộ của cô không đề nơi an táng. Điều này cho thấy tội trạng của người con gái này lớn đến mức nào.
An Lạc cũng là Công chúa duy nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc dám mưu đồ tạo phản, tranh giành quyền lực với vua cha.