Cứ mỗi năm đến Tết Nguyên đán, ở phương Đông, trong đó có Việt Nam lại chào đón một con vật mới biểu tượng cho một năm mới. Việc chọn các con vật làm biểu tượng đứng đầu mỗi năm, tức là 12 con giáp - có tuân theo quy luật nào không? Hay chỉ là ngẫu nhiên?
* 12 con giáp được xác lập từ lúc nào?
Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam và nhiều nước Châu Á khác, lịch của người Châu Á được lập theo chu kỳ 60 năm, tương tự như chu kỳ 100 năm (một thế kỷ) của lịch Châu Âu. Mỗi năm, lịch châu Á sẽ cho 12 con vật: Chuột (Tý), trâu (Sửu), cọp (Dần), thỏ/mèo (Mão/Mẹo), rồng (Thìn), rắn (Tỵ), ngựa (Ngọ), dê (Mùi), khỉ (Thân), gà (Dậu), chó (Tuất), lợn (Hợi) thay phiên chủ trì, gọi là 12 con giáp.
Người xưa quan niệm Thiên là căn bản gốc, Địa là ngọn ngành. Lập ra Thiên can người xưa lấy số Dương của Hà Đồ (số lẻ) là 1, 3, 5, 7, 9, lấy số 5 ở giữa gấp đôi lên để bao hàm cả âm can (Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý) và cả dương can (Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm), tất cả 10 can theo thứ tự Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Địa chi lấy số âm (số chẵn) là 2, 4, 6, 8, 10. Lấy số 6 ở giữa nhân gấp đôi để tạo thành 12 chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi bao gồm cả dương chi (Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất) và âm chi (Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi).
Thời xa xưa lấy mặt trời làm gốc. "Mặt trời mọc thì đi làm, mặt trời lặn thì nghỉ". Gặp hôm trời u ám không thấy mặt trời, thật chả biết dựa vào đâu. Tương truyền có một người tên là Đại Nhiêu đã lập ra Thập can và Thập nhi chi để tính thời gian.
Về lý do tại sao giữa muôn thú chỉ chọn 12 con vật đó làm 12 con giáp? Sao trong bảng thứ hạng, chuột là con vật bé nhất mà lại dẫn đầu? Đến nay, mặc dù các nhà chiêm tinh học vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác và đầy đủ.
Tuy nhiên trong quyển Luận hành – văn hiến lâu đời nhất ở Trung Quốc ghi chép về 12 con giáp, danh tác của Vương Sung vào thời Đông Hán, có chú giải: “Đất tạo ra sửu, mà trâu là vật khai địa, vì vậy sửu thuộc về trâu; người sinh ra từ dần, người chết trở thành hổ, nên dần thuộc về hổ...”, qua đó có thể thấy 12 con giáp bắt đầu được xác lập từ đời Hán ở Trung Quốc. Song, điều đó chưa lý giải được từ đâu mà hình thành nên bảng xếp hạng 12 con vật.
* Vì sao người xưa chỉ chọn 12 con vật?
Trong quyển Tùng hạ quán chuế ngôn vào đời nhà Thanh giải thích rằng, việc lựa chọn và xếp thứ tự 12 con vật được căn cứ vào thời gian hoạt động mạnh của các con vật tiêu biểu cho từng loại, mà chọn ra các thứ hạng tương ứng theo chu kỳ 12 thời khắc trong ngày (1 thời khắc tương đương 2 giờ):
- 11 giờ đêm đến 1giờ sáng: Lúc chuột hoạt động mạnh nhất, gọi là giờ Tý.
- 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng: Khi ấy, trâu ăn no, nhưng nhai lại cho kỹ, chuẩn bị trời sáng đi cày ruộng, là giờ Sửu.
- 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng: Lúc cọp đi săn mồi, rất hung hãn, là giờ Dần.
- 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng: Thời điểm này, mặt trời bắt đầu mọc, nhưng mặt trăng vẫn còn chiếu sáng, vì ngọc thố (thỏ) đang bận giã thuốc cho Hằng Nga tiên nữ trên cung trăng, gọi là giờ Mão/Mẹo.
- 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng: Đây là lúc quần long hành vũ, gọi là giờ Thìn.
- 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa: Rắn về hang, không cắn người, đặt là giờ Tỵ.
- 11 giờ trưa đến 1 giờ trưa: Lúc ánh nắng mặt trời gay gắt nhất, là thời gian ngựa phi nước đại, nên gọi là giờ Ngọ.
- 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều: Dê ăn cỏ, gọi là giờ Mùi.
- 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều: Khỉ nghịch ngợm, thích kêu hú, là giờ Thân.
- 5 giờ chiều đến 7 giờ tối: Gà về ổ ngủ, là giờ Dậu.
- 7 giờ tối đến 9 giờ tối: Chó bắt đầu đi săn mồi ban đêm, là giờ Tuất.
- 9 giờ tối đến 11 giờ tối: Lúc lợn ngủ say nhất, là giờ Hợi.
* Vì sao chuột đứng đầu 12 con giáp?
Học giả Hồng Tốn đời nhà Tống thì cho rằng cách tuyển chọn của người xưa là căn cứ vào các con vật có ngón chân. Những con vật ở đây chân trước cũng như chân sau chân phải cũng như chân trái đều có số lượng ngón chân như nhau dù 2 hoặc 4 chân (trâu: 4; hổ: 5; rắn tuy không chân nhưng cũng thuộc loại guốc chẵn như bò dê...). Riêng mỗi loài chuột chân trước 4 ngón chân sau 5 ngón vì quá đặc biệt như vậy nên được xếp vào vị trí hàng đầu trong 12 con giáp.
Một ý kiến khác giải thích rằng thuở xưa mỗi ngày đêm được chia thành 12 thời khắc. Người xưa đã chọn ra 12 con vật mỗi con phù hợp với từng thời khắc trong đó căn cứ vào sự ẩn hiện hàng ngày có tính quy luật của nó. Theo đó thì giờ Tí (11 giờ đêm - 1 giờ sáng) là lúc loài chuột hoạt động mạnh mẽ nhất, như cách lý giải ở trên nên chuột được xếp đứng đầu 12 con giáp.
Thứ hạng 12 con giáp được hình thành từ cách tuyển chọn này. Nhưng vị trí hàng đầu của "ông tí" có lẽ vì khó có thể giải thích cho hợp lý nên xưa nay người ta phải dùng đến các câu chuyện cổ tích hoặc thần thoại. Trong các câu chuyện nói về sự tranh giành đó với trâu con vật có thể xác lớn nhất trong 12 con giáp chuột tuy nhỏ bé nhưng lanh lợi và thông minh.
Theo quan niệm trong các truyền thuyết dân gian. Tương truyền Ngọc Hoàng thượng đế chọn được 12 con vật để đặt cho con giáp và phán: Trong tất cả các ngươi, trâu lớn nhất, vậy ta để trâu đứng đầu vậy. Chuột tỏ ý phản đối và nói rằng trong lòng con người nó được coi là lớn hơn trâu. Do vậy, Ngọc Hoàng đem tất cả các con vật xuống trần thế để xác minh lời chuột nói. Khi trâu đi ngang qua con người, chỉ nghe người nói: Con trâu này béo khoẻ thật, mà không phải là con trâu này to lớn thật. Lúc này, chuột liền nhảy lên lưng trâu, dùng hai chân đứng thẳng lên, con người trông thấy kinh ngạc nói: “Ối chà! Con chuột này to thật!” Thế là chuột được Ngọc Hoàng chọn đứng đầu 12 con giáp.
Nhìn chung trong các truyền thuyết dân gian, tính cách của chuột là tinh ranh, xảo quyệt, thường dùng mưu để thắng các đối thủ để giành lấy vị trí thứ nhất trong 12 con vật. Điều này tuy không phải là cơ sở giải thích một cách khoa học, song nó cho thấy một cách nhìn về chuột trong dân gian: vừa căm ghét, sợ hãi lại vừa kính nể, sùng bái. Do vậy, khi sắp xếp thứ tự 12 con giáp, người xưa cho rằng chuột thông minh nhất nên được xếp đứng đầu.
Không riêng gì Việt Nam 12 con giáp cũng được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới. 12 con giáp ở Babylone cổ đại là mèo, chó, rắn, bọ hung, lừa, sư tử, dê đực, trâu đực, chim cắt, khỉ, sếu đỏ và cá sấu.
Ấn Độ thì khác Việt Nam ở chỗ không có hổ, mèo và gà mà thay vào đó là sư tử, thỏ và con kim kiều. Đó chính là 12 con vật mà các vị thần đã dùng để cưỡi có nguồn gốc từ một điển tích trong các kinh Phật của Ắn Độ.
Mêhicô cũng có 12 con giáp mà 5 con trong đó giống như ở nước ta là hổ, rồng, khỉ, chó và heo. Pháp thì dùng 12 ngôi sao thay cho các con vật đó là Ma yết, Bảo bình, Song ngư, Dương cưu, Kim ngưu, Song tử, Cự giải, Hùng sư, Xử nữ, Thiên xứng, Thiên yết, và Nhân mã...
Cổng TT-GTĐT sưu tầm