Trịnh Tùng sinh năm 1550, mất năm 1623, tại vị phủ chúa từ năm 1570. Sinh ra trong thời hậu Lê, ông là một tay anh hùng cự phách, đánh Nam dẹp Bắc, bình thiên hạ trong 20 năm khiến nhà Mạc bao nhiêu lần nổi dậy đều bị dẹp yên. Khoan nói đến phần chèn ép vua Lê, việc Trịnh Tùng thay cha mình là Trịnh Kiểm với danh nghĩa "phù Lê diệt Mạc" đã được...
Chúng ta thường xem chuyện "Tam quốc diễn nghĩa", rồi xuýt xoa trầm trồ khen ngợi cái nhân của Lưu Bị, cái tài của Khổng Minh và thậm chí cả việc hiển thánh của Quan Vũ. Tam quốc là sự kiện có thật, những nhân vật này có thật nhưng những câu chuyện về họ lại là 7 phần thực, 3 phần giả. Đối với lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, có một giai đoạn biến động, rối ren và bi hùng, ly kỳ vô cùng, nhưng đáng tiếc lại chưa có tác phẩm nào miêu tả được giai đoạn này: Nam - Bắc triều và Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Nếu trong "Tam quốc diễn nghĩa", hình tượng Tào Tháo thâm hiểm được La Quán Trung xây dựng nhằm làm đối nghịch hình tượng Lưu Bị nhân nghĩa cũng do tác giả xây dựng nên, thì trong lịch sử Việt Nam, có một nhân vật đã mang tài năng, trí tuệ của mình để thực hiện những cuộc xoay triều, đổi vận theo tiến trình của thời đại vào lúc ông ta xuất hiện, đó là Trịnh Tùng - vị chúa Trịnh đầu tiên của thời kỳ hơn 200 năm Vua Lê - Chúa Trịnh trong lịch sử nước ta. Ở đây không có sự so sánh giữa Tào Tháo và Trịnh Tùng, nhưng hình ảnh của cả hai người chỉ là hình ảnh tiêu biểu cho thời đại mà họ được sinh ra và cách làm của họ giống nhau ở hai đất nước có chế độ và thời kỳ giống nhau...
Trịnh Tùng sinh năm 1550, mất năm 1623, tại vị phủ chúa từ năm 1570. Sinh ra trong thời hậu Lê, ông là một tay anh hùng cự phách, đánh Nam dẹp Bắc, bình thiên hạ trong 20 năm khiến nhà Mạc bao nhiêu lần nổi dậy đều bị dẹp yên. Khoan nói đến phần chèn ép vua Lê, việc Trịnh Tùng thay cha mình là Trịnh Kiểm với danh nghĩa "phù Lê diệt Mạc" đã được ông thực hiện một cách tốt nhất, trọn vẹn nhất. Nhưng có một điều đáng phải suy ngẫm, "thượng bất chính, hạ tất loạn" hay trường hợp Chúa Trịnh, cha không danh chính thì con cũng tranh quyền. Trịnh Tùng khi kế vị ngôi chúa đã tranh giành với anh mình là Trịnh Cối thế nào, thì đến khi lâm bệnh gần chết, thì bị chính con mình là Trịnh Xuân mang võng bỏ giữa đường để tranh ngôi chúa với Trịnh Tráng như vậy.
Xung quanh cuộc đời chinh chiến của Trịnh Tùng, rất nhiều câu chuyện chiến trường ly kỳ, hấp dẫn đã diễn ra, không chỉ liên quan đến họ Trịnh mà cả họ Lê, họ Mạc và chính cả với Đoan quốc công Nguyễn Hoàng.
Như chuyện Lê Anh Tông đem quân trốn về Nghệ An, Trịnh Tùng ở kinh đô lập Lê Thế Tông lên ngôi, rồi sai người đón Anh Tông về, trên đường ngầm giết đi. Vua Lê Kính Tông vì cơ nghiệp Thế Tổ giành lại thiên hạ từ tay giặc Ngô, sai người phục giết Trịnh Tùng ở bến Đông Hà (1619). Việc không thành, Kính Tông chết, Trịnh Tùng lập Lê Thần Tông lên ngôi.
Mạc Kính Điển một tay chống giữ nhà Mạc, đánh lui các cuộc Bắc tiến của Trịnh Tùng. Kính Điển chết, đến thời Mạc Ngọc Liễn mới gây lại thanh thế. Mạc Ngọc Liễn sang Minh xin xưng thần, nhà Minh buộc Trịnh Tùng cho họ Mạc giữ Cao Bằng. Nhưng đến khi mất, Ngọc Liễn nói vua là Mạc Kính Cung không được đưa quân Minh vào trong nước, Mạc Kính Cung nghe theo, khiến cho nhà Minh không có lý do đưa quân sang nước ta. Hành động đó cũng là một điểm sáng của vương triều Mạc, đã không vì lợi ích dòng họ mà cầu viện Bắc phương.
Rồi xoay quanh những cuộc chiến trận, là những cuộc binh biến trong nội bộ của các lực lượng tham gia chiến tranh. Mạc Mậu Hợp tham sắc, mưu cướp vợ Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên, Khuê bỏ theo về hàng Chúa Trịnh. Sau cũng chính vì nhan sắc của người phụ nữ này, mà Phan Ngạn giết Bùi Văn Khuê, mưu chiếm đoạt một người đàn bà mà bỏ cả cơ đồ, sự nghiệp, giang sơn. Cuối cùng, Nguyễn Thị Niên lập mưu giết chết Phan Ngạn để báo thù chồng, rồi tự mình gieo xuống sông mà tự vẫn.
Trở lại với Trịnh Tùng, tài năng một đời nhưng là tài năng của người trong thời loạn không giữ lễ nghĩa vua tôi. Ông một mình cầm binh thảo phạt bằng danh nghĩa vua Lê, nhưng cũng chính ông lập phủ Chúa bên cạnh cung vua, lấy phủ mình thay cung vua bàn chuyện quốc sự, phế vua, lập vua như chuyện đùa giỡn, là hành động chuyên quyền, chèn ép vua Lê. Nên bởi vậy, khi Đoan quốc công Nguyễn Hoàng sau 8 năm bị ông kiềm kẹp ở kinh đô, đã phải dùng mưu mà về Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa như chim khỏi lồng, như rồng bay cao, như cá về nước, từ đó mà gây dựng cơ nghiệp chúa Nguyễn ở phương Nam.
Và cũng chính từ thời Trịnh Tùng, đất nước chia đôi, Trịnh - Nguyễn phân tranh, các cuộc nổi dậy nổi lên khắp cả nước, nhân dân lâm vào cảnh lầm than suốt mấy trăm năm cho đến tận gần 3 thế kỷ sau. Cho nên, thời đại phong kiến yếu tố dòng họ - vương triều là yếu tố quyết định đến vận mệnh quốc gia. Trịnh Tùng - họ Trịnh, nếu vì nước và nhân dân đủ mạnh, thì họ chẳng thể nào bắt vua Lê làm bù nhìn cho dòng họ mình vung sức. Chúa Nguyễn vào Nam tuy có danh phận hẳn hoi và đóng góp một công sức vĩ đại cho dân tộc, nhưng cũng không tránh khỏi việc để gia tộc mình không bị diệt vong, mà mưu đồ đế vương. Vua Lê đến đây chỉ còn hư quyền, chẳng còn một Lê triều hùng mạnh của năm xưa...
Tuy nhiên, lịch sử luôn có những lý do riêng của mình để vận hành và tiến lên. Khi đến đỉnh cao, sẽ đến hồi suy tàn rồi diệt vong. Và chân lý ngàn đời vẫn là: dân vạn đại, quan tức thời. Vua quan lãnh đạo chỉ là một thời kỳ, nhân dân - dân tộc - giống nòi và Tổ quốc mới là ngàn năm. Vương triều nào không nắm giữ được điều này, vương triều đó sẽ sớm diệt vong. Đó là tính tất yếu của phát triển xã hội. Quan trọng, là cách vương triều đó diệt vong sẽ là như thế nào mà thôi? Vua Lê - nhà Mạc - chúa Trịnh - chúa Nguyễn tất cả đều diệt vong, chỉ có những người viết lịch sử - nhân dân, là còn tồn tại.
YÊU SỬ VIỆT