Cách ký Hiệp định Paris
Cách ký Hiệp định Paris là một vấn đề kỹ thuật nhưng thật ra lại là vấn đề chính trị mà cả bốn bên đều quan tâm. Nó cũng không chỉ có cách ký mà cả việc nêu tên các bên ký kết và chức vụ người ký kết.
Cố vấn Lê Đức Thọ, Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Xuân Thủy và Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình trước khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam, tháng 1.1973 |
Đây là Hội nghị gồm bốn bên thuộc hai phe, các bên khác phe không ai công nhận ai, riêng Mỹ không công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về ngoại giao nhưng công nhận là một bên đàm phán có giá trị và đã nhận sẽ cùng ký. Và làm sao có thể khác được khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là địch thủ chính của Mỹ? Ý của Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu là không công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời sẵn sàng ký với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa nhưng kiên quyết không chấp nhận việc gạt bỏ tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong các văn kiện và cách nêu tên người ký kết. Như vậy không chỉ có vấn đề cách ký mà cả vấn đề nêu tên các bên ký kết và chức vụ người ký kết.
Trong đợt đàm phán lại tháng 12.1972, lúc đầu cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ Richard Nixon Henry Kissinger đề nghị: Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời (ba bên) ký chung một văn bản có lời mở đầu ghi đủ tên bốn chính phủ và Bộ trưởng Ngoại giao ký: Chính phủ Cộng hòa Việt Nam ký riêng một bản với Lời mở đầu “Việt Nam Cộng hòa hành động phối hợp với các bên tham gia Hội nghị Paris...”. Năm ngày sau, Kissinger lại đề nghị: Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký một văn bản với Lời mở đầu và điều 23 đầy đủ (điều 23 quy định Hiệp định do Bộ trưởng Ngoại giao ký); Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa mỗi bên ký dưới hình thức công hàm gia nhập (adherence).
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ không đồng ý cả hai cách và ngày 11.12 đề nghị ký ba văn bản: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ ký một văn bản, Chính phủ Cộng hòa Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời mỗi bên ký một văn bản Hiệp định cùng một nội dung, nhưng ngày 13.12 lại rút lại. Trong đợt đàm phán lại tháng 1.1973, Lê Đức Thọ đòi hai bên ký và bốn bên ký. Kissinger không đồng ý và đề ra ba cách ký để chọn một:
Các tầng lớp nhân dân mừng Hiệp định Paris được ký kết |
- Chỉ có hai bên Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký như đã thỏa thuận tháng 10.1972.
- Ký bốn bên nhưng không có tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Việt Nam Cộng hòa trong Lời mở đầu, không có chức vụ người ký.
- Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký một văn bản, Lời mở đầu và điều 23 đầy đủ; Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời ký hai văn bản riêng, nội dung Hiệp định đầy đủ nhưng Lời mở đầu không có tên bốn Chính phủ, ký tên nhưng không có chức vụ.
Cả ba cách giống nhau ở một điểm: không có tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời và chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời.
Ngày 9.1, Lê Đức Thọ đề nghị công thức mới: Mỹ - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ ký tắt, bốn bên ký chính thức với Lời mở đầu có tên bốn Chính phủ, người ký có nêu chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao. Phía Mỹ không chấp nhận. Sau khi văn bản Hiệp định hoàn thành, Lê Đức Thọ đưa một công thức mới, mềm dẻo hơn:
- Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với Lời mở đầu và điều 23 đầy đủ.
- Bốn bên ký với Lời mở đầu “Các bên tham gia Hội nghị Paris” (không nêu tên bốn Chính phủ), Hiệp định sẽ do bốn Ngoại trưởng ký đồng thời.
Ngày 11.1, hai bên tập trung giải quyết vấn đề cách ký. Dựa vào đề nghị trên của Lê Đức Thọ, Kissinger đề nghị: hai bên ký, bốn bên ký nhưng trong bản bốn bên thì mỗi bên ký một tờ riêng biệt và cả bốn tờ đó gộp chung vào Hiệp định; người ký đều có ghi chức vụ. Đến đây coi như đã thỏa thuận sẽ ký hai bên và bốn bên.
Về văn bản hai bên ký, Lê Đức Thọ đề nghị: Lời mở đầu ghi đủ tên bốn Chính phủ, điều 23 ghi: “Văn bản này do Bộ trưởãng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ ký, và văn bản Hiệp định cùng nội dung và lời văn do Bộ trưởng Ngoại giao (kể đủ bốn Chính phủ) ký cùng ngày hôm nay hợp thành một Hiệp định quốc tế lấy tên là Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Kissinger chỉ thêm bớt câu chữ và cuối cùng chấp nhận.
Về văn bản bốn bên ký, Lê Đức Thọ đề nghị về Lời mở đầu: “Các bên tham gia Hội nghị Paris (không ghi tên bốn Chính phủ) đã thỏa thuận, cam kết tôn trọng và thi hành những điều khoản sau đây...”. Về điều 23, ông đề nghị công thức: “Hiệp định này do Bộ trưởng Ngoại giao của các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam ký và Hiệp định có cùng nội dung và lời văn như Hiệp định này do Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ ký cùng ngày hôm nay hợp thành một Hiệp định quốc tế lấy tên là...”.
Kissinger đồng ý nhưng cho rằng trong văn bản, điều 23 không cần và không nên ghi Bộ trưởng Ngoại giao mà chỉ nên ghi: “Đại diện của các bên”. Tất nhiên ông Thọ không chịu. Cuối cùng, Kissinger cam kết rằng Mỹ, dù không ghi Bộ trưởng Ngoại giao, sẽ dùng ảnh hưởng của mình để Bộ trưởng Ngoại giao Sài Gòn ký và các bên ghi rõ chức vụ. Lê Đức Thọ chấp nhận ghi điều 23: “Hiệp định sẽ có hiệu lực khi đại diện toàn quyền của các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam ký...”.
Về số trang dành để ký, Lê Đức Thọ đề nghị bốn bên cùng ký tên trên một trang, Kissinger đề nghị bốn bên ký bốn trang riêng, cuối cùng hai bên thỏa thuận ký trên hai trang, một trang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời ký, một trang Mỹ và Chính phủ Cách mạng Lâm thời ký. Các trang này đều đánh số thứ tự trong Hiệp định. Có hai lễ ký riêng biệt nhưng cùng trong một ngày: buổi sáng bốn bên ký, buổi chiều Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ ký. Địa điểm ký: Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở đại lộ Kléber.
Hòa bình trở lại 19h ngày 13.1.1973, cuộc đàm phán kết thúc, trừ vài vấn đề sẽ giải quyết sau. Trưa hôm đó, trong một không khí cởi mở và niềm vui chung, hai đoàn ăn bữa cơm chung. Lê Đức Thọ nâng cốc nói với Kissinger: - Như vậy là hôm nay chúng ta kết thúc cuộc hội đàm. Tuy đây là kết quả bước đầu nhưng bước đầu rất quan trọng và cơ bản để lập lại hòa bình ở Việt Nam... Tôi đồng ý với ông là sẽ không thay đổi một tý gì trong văn bản và thời điểm. Chúng tôi sẽ làm đúng như thế. Đó là lời hứa của chúng tôi. Và chúng tôi tin là không mấy ngày nữa hòa bình sẽ được lập lại ở Việt Nam. - Tôi coi Hiệp định, các hiểu biết và Nghị định thư đã hoàn thành - Kissinger đáp - Tôi cam kết là phía chúng tôi sẽ không có gì thay đổi... và tôi chắc rằng đến lúc này thì hòa bình sẽ trở lại Đông Dương, sẽ trở lại với hai dân tộc chúng ta vào ngày 27.1 - ngày ký Hiệp định, chúng tôi sẽ tôn trọng Hiệp định ấy. Hiệp định này phải là một Hiệp định đánh dấu sự bắt đầu của một nền hòa bình thật sự. Cái bảo đảm tốt nhất cho nền hòa bình thật sự này là cải thiện quan hệ giữa nhân dân hai nước chúng ta. Chúng ta đã qua nhiều năm đau khổ, tôi muốn nói với ông là chúng tôi quyết tâm hết sức mình để cải thiện quan hệ giữa hai nước. - Cả hai chúng ta đều không ai quên được. |
Theo Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris